Vô Cực Chân Nhân

Chương 21: Trang (2)




Chương 21: Trang (2)

Không chờ nói thêm câu nữa, Bảo đưa vội chiếc bát cho Trang, rồi đưa thìa lên miệng liếm láp tỏ vẻ háo hức và đói lắm rồi. Trang lựa chỗ nhiều cơm ít cháy, nhặt cho thằng em những miếng tóp mỡ ngon nhất. Chọn đầy bát, cô đưa cho Bảo.

Bảo chả buồn nói câu gì, nó cầm chiếc bát chạy biến lên nhà, hò hét: “Em có cơm rồi nhé chị Trinh! Chị không ăn là chị Trang ăn hết đấy.”

Trang với thêm chiếc bát con, xới thêm cho Trinh một bát cơm. Khi bát của Trinh đã đầy, phần còn lại trong nồi chỉ vẻn vẹn có ba thìa cơm. Trang lấy chiếc muôi nhôm sứt mẻ, lồi lõm, vét ăn nốt rồi mang nồi ra bể nước.

Nhìn chiếc bể đã cạn nước, Trang vội vàng buông gàu xuống chiếc giếng đục ngàu, múc những gàu nước vàng khè, mang mùi tanh tanh, đổ vào chiếc bể lọc được làm bằng sỏi trắng và cát. Khi đã thấy tạm đủ nước để sinh hoạt trong ngày, Trang vén mái tóc xơ xác lên cao hơn gáy, rửa qua cái mặt. Giật chiếc khăn mặt treo trên sợi thép chăng ngang bể nước, Trang lau qua mặt rồi bước vào nhà.

Trinh đang cặm cụi trên chiếc bàn học kê sát cửa sổ. Nhờ cái cửa sổ với những chấn song sắt hoen gỉ đón sáng, Trinh thấy rõ từng dòng chữ.

Thằng Bảo thì ngồi trên giường của ba chị em, liền kề với bàn học, nghịch những viên bi sắt bóng loáng. Chúng được bố xin lại từ mấy chú thợ máy, bố xin được bao nhiêu thì đều đưa chúng cho nó chơi.

Vừa nhìn thấy Trang bước vào, Bảo giấu biến mấy viên bi vào vỏ chăn, xoen xoét cái giọng: “Em vừa ăn xong, no lắm! Cho em nghỉ tí, lát nữa e học, chị Trang nhé.”

Lắc cái đầu dứt khoát, Trang đáp lời: “Không được, Ong Nâu hư là chiều chị không cho đi tắm biển đâu đấy. Lấy vở ra viết lại bảng chữ cái chị xem nào. Không thấy chị Trinh ngồi học chăm chỉ à?”

Xị cái mặt ra, thằng em trai vùng vằng rời khỏi giường, đến bàn học, lấy cuốn vở bìa xộc xệch, được Trang đóng lại từ những trang giấy ô-ly còn thừa từ những cuốn vở cũ ra. Bảo lấy tiếp chiếc bút chì bị nó cắn nham nhở phần cuối bút, rồi ngồi nắn nót viết từng chữ.



Tạm hài lòng với thằng em, Trang gấp gọn tấm chăn vừa bị xới tung bởi Bảo. Sau đó Trang kéo một chiếc hòm sắt cũ kỹ từ gầm giường ra ngoài. Chiếc hòm bên trong chứa toàn sách. Trang lựa bộ sách lớp sáu. Bộ sách ấy có bìa được bọc cẩn thận bằng những tờ giấy báo của Trang ngày xưa. Năm nay Trinh lên lớp sáu, Trang định đưa nó cho Trinh dùng.

Những cuốn sách được mua bằng không biết bao nhiêu tôm và cá của bố, vì vậy Trang rất cẩn thận giữ gìn khi đi học. Ngay cả cái nhãn vở ghi tên Phan Thị Mai Trang, lớp 6B ngày nào vẫn còn rõ nét.

Ôm bộ sách ra ngoài và đẩy cái hòm trở về vị trí cũ, Trang mới tiến ra bàn học - nơi Trinh đang cặm cụi ôn lại kiến thức cũ. Mỗi khi học, gương mặt bướng bỉnh thường ngày của Trinh lại trở nên ngoan ngoãn và dễ bảo vô cùng, dường như Trinh cũng đã thấm nhuần cái tư tưởng của bố và Trang nhồi vào đầu, là: “Chỉ có học mới có được cuộc sống no ấm”.

“Từ mai em bọc lại sách vở và thay nhãn đi nhé. Nửa tháng nữa là vào năm học rồi. Em thay nhanh, đọc trước những bài học trong sách dần đi cho đỡ bỡ ngỡ khi vào năm học mới.”

Trinh ngầng đầu lên, đưa đôi mắt háo hức nhìn vào chồng sách trên tay Trang. Cô bé ôm vội chúng vào lòng như được nhận món quà quý giá.

“Vâng. Nhưng em chỉ thay nhãn thôi! Chứ bìa bọc vẫn đẹp mà chị.”

Trang gật đầu với Trinh, đưa tay chỉnh lại cái khung kính bị lệch, nơi dán chi chít những tấm bằng khen học sinh giỏi của Trang và Trinh. Cái khung kính này được bố đóng lên bức tường phía trên bàn học vào ba năm trước.

Bức tường ố màu vì nước thấm ra từ những vết nứt lẻ tẻ. Do được trát bằng cát biển, nó càng làm nổi bật cái khung kính lúc nào cũng được lau chùi cẩn thận bởi bàn tay của bố. Với bố, nó là thứ quý giá nhất trong nhà. Mỗi khi nghỉ ngơi, bố Trang hay ngắm nhìn nó với một gương mặt đầy tự hào.

Chợt có tiếng mở cổng và tiếng mẹ réo rắt ngoài sân: “Trang, Trinh đâu rồi? Nắng lên cao thế này mà chưa giặt quần áo mà phơi à? Định ngày mai ở truồng hết cả hay sao thế?”

Trang vừa mới kịp “dạ” một tiếng, thằng em trai đã chạy biến ra khỏi chiếc bàn học, kêu ầm lên: “A! Mẹ về! Mẹ đi chợ về rồi!”



Tiếng mẹ vọng lại từ ngoài sân: “Ong Nâu của mẹ hả. Hôm nay có ngoan không con? Viết được nhiều chữ chưa? Bánh bò của Ong Nâu đây.”

Tiếng thằng Bảo hớn hở “vâng, dạ” tiếng nó nhai bánh nhồm nhoàm không làm Trang và Trinh ghen tị. Cả hai chị em đã quá quen thuộc với việc đứa em trai bé bỏng được mẹ chiều chuộng.

Trang vỗ vào vai Trinh: “Em cứ học đi. Quần áo để đấy chị giặt. Chị giúp mẹ lo cơm nước luôn. Lát ăn trưa xong thì em rửa bát cũng được.”

Trang vừa dứt lời cũng là lúc mẹ Trang réo gọi thêm lần nữa: “Đâu rồi? Không đứa nào ra đỡ tao một tí à? Suốt ngày học với hành, sách với chả vở. Đã bảo thằng bố mày cho một đứa theo tao, đi chợ búa đỡ đần tao thì không nghe. Khéo đời con chưa kịp nổi, tao với bố chúng mày đã chìm xuống bùn, xuống biển cả rồi.”

Tiếng cằn nhằn của mẹ khiến Trang hơi tủi thân. Dù cũng đã nghe không biết bao lần, nhưng Trang vẫn thoăn thoắt đôi bàn chân, ra dắt chiếc xe đạp vào nhà cho mẹ. Trang mang mấy cái thúng, mẹt vẫn còn dính đầy muối trắng, và bốc mùi tanh nồng của những mẻ tôm cá mẹ bán ngoài chợ buổi sớm, rửa thật sạch, phơi ra trước nắng. Chúng cần khô ráo trước tối, để ngày mai mẹ lại tất tả mang đi trong khi trời còn chưa sáng hẳn.

Mở chiếc làn có ít rau mồng tơi, Trang đem rửa qua để nấu canh với mỏ quạ. Với một ít cá bị dập còn thừa lại đã được mẹ ướp sẵn với muối trong chiếc túi ni lông, Trang bỏ ra ngoài để lát nữa kho làm thức ăn mặn.

Tiếng mẹ đầy ngán ngẩm vọng ra từ gian phòng của bố mẹ, vọng ra khi Trang đang chuẩn bị vò những chiếc áo đầu tiên: “Chẳng biết bao giờ thuyền bố mày về. Cứ đi lấy cá nhà người khác rồi đem lên chợ bán, nó lời lãi chẳng được bao nhiêu, mà toàn bị chúng nó đẩy cho cá nhỏ với cá ươn.”

Trang, vốn đang tủi thân vì mẹ mắng, tự nhiên thấy thương mẹ vô cùng. Cô gái càng quyết tâm học thật giỏi hơn nữa để bố không phải đi biển, mẹ không còn chạy chợ, các em không còn phải lem luốc thế này…



Dòng điện thất thường cung cấp cho làng chài hôm nay lại không hoạt động. Từng ngôi nhà, từng con đường, ngõ xóm chìm dần vào bóng tối trong tiếng sóng biển xô bờ cát. Nhưng bóng tối không ngự trị được lâu, ánh trăng đã ló mình ra khỏi đám mây để rọi những tia sáng nhờ nhợ, yếu ớt xuống làng chài. Con sóng phản chiếu ánh trăng bàng bạc khiến vạn vật hiện dần lên một cách lung linh và huyền ảo lạ thường.

Cả nhà Trang ngồi quây quần bên mâm cơm tối. Ngôi nhà mở rộng cửa đón ánh trăng cùng gió biển mằn mặn. Chiếc đèn dầu khơi nhỏ lửa được đặt giữa mâm. Những con bề bề vàng ruộm bên cạnh đĩa cá kho và bát canh mồng tơi nấu với ngao quen thuộc hết sức bắt mắt. Sau những giây phút hờn dỗi bởi không được xem tivi, Bảo đã lấy lại nét tinh quái thường ngày.

“Bề bề này em giậm với chị Trinh lúc sáng đấy. Chị Trang không được ăn đâu nhé. Chị Trinh một con, mẹ một con. Còn lại của em hết đấy.”

Trang chỉ hờ hững đáp lời thằng em: “Rõ! Ông tướng cứ ăn hết đi.” rồi cất giọng gọi mẹ: “Mẹ… Mẹ ơi! Vào ăn cơm rồi còn đi nghỉ.”

“Ừ, mấy đứa ăn trước đi. Xới cho Ong Nâu ăn trước kẻo em đói.”

Vẫn là cái giọng đầy thiên vị dành cho đứa con trai duy nhất trong nhà, nhưng Trang dường như không bận tâm đến. Trang chỉ mong chóng đến sáng sớm mai. Với chiếc đũa cả xới từng bát cơm cho Trinh và Bảo - đứa lúc này đang nhồm nhoàm nhai rau ráu những con bề bề mà nó xí phần trước.

Chỉ sớm mai thôi, Trang sẽ được ra đón tàu bố về theo như lời mẹ nói lúc chiều. Mẹ còn dặn hôm nay ngủ sớm để mai kịp ra, và không được để thằng Ong Nâu biết. Nó vốn hay đòi đi theo.

“Hôm nay mất điện. Ăn xong thì Trinh cho em đi chơi một lát rồi về ngủ nhé. Không phải học bài nữa.”

Câu nói của Trang có tác động tức thì tới thằng em ham chơi. Nó phồng mang, trợn má nhai nuốt thật nhanh con bề bề còn đang ăn dở trong mồm, hí hửng: “Thật hả chị? Thế chị Trinh ăn nhanh lên còn đi chơi nào. Nhanh lên! Chị Trang đưa cơm em ăn nào.”

Không chờ Trang vừa ăn vừa quát nó như mọi hôm, Bảo ăn vội hai bát cơm, rồi tót ra bên cạnh Trinh - người chị đang chậm rãi ăn phần cơm của mình, phụng phịu: “Chị Trinh nhanh lên! Nhanh còn đi nào.”

Không biết khó chịu bởi sự giục giã của thằng em, hay vì Trinh cũng ham chơi với bọn trẻ con trong xóm chả kém gì đứa con trai nào, mà Trinh cũng ăn vội bát cơm của mình. Trinh kéo Bảo ra khỏi cổng nhà trong tiếng dặn với theo của mẹ: “Trinh trông em cẩn thận. Nhớ về sớm còn ngủ.”

Lúc này, mẹ mới bước vào, vẫn còn vài giọt nước từ mái tóc nhỏ long tong xuống đất vì chưa kịp khô hết. Ẩn hiện trong ánh đèn dầu, Trang thoáng thấy những nếp nhăn hằn trên gương mặt mẹ. Thời gian và những lo toan cho cơm áo gạo tiền đã làm phai mờ đi chút dấu vết còn sót lại của người con gái đẹp nhất làng chài thưở nào. Trang xới cơm vào bát, hai tay đưa cho mẹ: “Mẹ ăn đi ạ. Thế sáng mai mấy giờ mình ra bến đón tàu bố?”

Cầm lấy bát cơm và nhặt vài miếng cá, mẹ Trang thờ ơ trả lời: “Vẫn như mọi lần thôi. Ba giờ sáng thì ra đợi. Mong là lần này tàu bố mày về sẽ khá hơn các tàu mới cập bến hôm qua. Không thì chả đủ tiền cho ba đứa nộp học đầu năm một lúc đâu.”