Chương 94: Công Việc Xây Thành.
Thái Bình thành Nguyễn Long cho xây dựng nhìn chung kết cấu khá đơn giản. Nó chỉ là một dãy tường dày, bên trên có lối đi bao quanh khu vực sinh sống của người Hồng thôn.
Diện tích toà thành cũng không lớn, tầm hơn chục hecta (100 công đất) chiếm vị trí trung tâm khu vực gò đất, nơi tập trung toàn bộ dân cư Hồng thôn.
Lại nói gò đất nơi Hồng thôn cư ngụ tuy gọi là gò nhưng diện tích rất lớn. Thành Thái Bình chỉ chiếm khoảng một phần hai mươi của nó, tức là toàn bộ khu đất này lên tới hơn 200 hecta (2000 công đất). Phía Bắc tính từ vị trí trung tâm thành Thái Bình là nông trường Vĩnh Phúc với nhiều ao cá, trang trại, vườn rau nông sản. Những phương hướng còn lại phần lớn được trồng cây ăn trái và một số loại cây phục vụ cho sự phát triển Hồng thôn như cây thun.
Bên trong thành Thái Bình cũng có một nông trường nhỏ lúc mới đến Nguyễn Long đã tạm thời thiết kế, đến nay vẫn được tiếp tục sử dụng trong nội ô thành trì có thể tự cung tự cấp thức ăn khi không thể ra ngoài. Gần đó còn có một dãy nhà kho lớn để dự trữ lương thực, thực phẩm cần thiết cho Hồng thôn.
Sức chứa của thành có thể lên đến khoảng 5 ngàn người. Chính giữa là khu nhà sinh hoạt chính được xây bằng gạch để cho ban lãnh đạo sử dụng hội họp, tiếp khách.
Đây là những căn nhà được xây đầu tiên để Nguyễn Long huấn luyện thợ xây chính. Còn nhà ở xung quanh vẫn là nhà tranh vách đất như trước theo vị trí của 12 chi thôn mà Nguyễn Long đã phân chia. Mỗi một chi thôn hiện tại chỉ có khoảng một trăm mấy chục người phân bố ra các khu vực khắp thành.
Nhìn chung, thành Thái Bình chỉ là một thành nhỏ bé không đáng kể so với những tòa thành Nguyễn Long biết, ví dụ như kinh thành của Cố Đô Huế. Nó chỉ tương đương một khu quân sự hay phòng thủ cấp thấp thời phong kiến hay hiện đại. Nhưng tại lúc này, đây lại là tòa thành lớn nhất và cũng là duy nhất của Bách Việt.
Mà quả thật với nhân số Hồng thôn hiện tại thì đây chính là một tòa thành lớn của họ. Tổng hết mọi thành phần của Hồng thôn lại thì số dân cũng chỉ tầm một ngàn rưỡi người, tương đương với một thôn làng trung bình ở miền quê thời hiện đại, cũng vì lý do này mà Nguyễn Long vẫn cho gọi là Hồng "thôn". Cho dù có thêm hai ba cái Hồng thôn như vậy nữa vào ở thì thành Thái Bình vẫn còn rộng thênh thang.
Thành có bốn cửa quay về bốn phương hướng. Cổng có hình mái vòm, cao hơn ba mét, rộng mười mét với độ dày của tường lên đến hai mét, được lắp hai cánh cửa bằng gỗ dày được xẻ ra từ các cây cổ thụ.
Để thực hiện việc xẻ gỗ làm thành cửa đã là một kỳ công. Đầu tiên, Nguyễn Long cho người đi đốn hạ những cây gỗ to, chắc, xuôi theo dòng Hồng Hà chuyển về đây. Chỉ riêng việc đốn hạ và vận chuyển đã mất rất nhiều công sức, hoàn toàn làm bằng thủ công. May mắn là Hồng thôn đã rèn được cưa, rìu sắt và một số công cụ khác. Nếu không Nguyễn Long cũng phải bó tay.
Gỗ sau khi được chuyển về vẫn được ngâm dưới bùn một thời gian cho mềm sợi giúp dễ dàng xẻ ván, ngoài ra còn để tránh mối mọt.
Kế đến là xử lý gỗ, đẽo gọt mấu mắt và những phần không sử dụng cho tương đối rồi đưa đến một cái hố đào sẵn. Sau đó dùng một cây cưa tay lớn cho bốn người cưa. Hai người sẽ đứng trên thân cây và hai người còn lại đứng phía dưới hố để kéo đẩy cưa. Cứ thể cưa cho hết chiều dài của cây.
Sau khi cưa thành ván còn phải bào, đục, gia công, cắt ghép đủ thứ mới thành hình cánh cửa. Hiện tại chưa làm ra đinh, tán bằng sắt nên cách duy nhất là dùng mộng, nêm để nối kết chúng lại.
Những việc về sau đơn giản hơn nhiều. Cánh cửa hoàn thiện được lắp vào tường bằng bản lề được đúc bằng sắt khá to lớn, dùng ròng rọc để kéo dựng lên.
Bốn cổng cần tám cánh cửa như thế. Mất vài tháng trời mới có thể hoàn thành.
Lại nói tổng thời gian từ lúc bắt đầu khởi công xây thành đến nay đã có hơn hai năm. Với tòa thành có diện tích như thành Thái Bình thì tiến độ này là quá chậm.
Tuy nhiên nếu xét trên bình diện của thời đại bây giờ thì có thể nói thành Thái Bình đã được xây dựng rất thần tốc.
Dù sao những kỹ thuật xây dựng và công cụ được Nguyễn Long sử dụng đều rất tiến bộ. Ví dụ như hệ thống ròng rọc, xe đẩy, kỹ thuật dùng mộng, nêm, dụng cụ xây dựng như bay thợ hồ, xẻng, thước, bàn chà, đục, bào, kiềm, xà beng, kỹ thuật xây gạch như căng dây, thả lập lòn, căng mực nước,... là những thứ ngay cả thời hiện đại vẫn được dùng trong xây dựng.
Thứ thực sự làm cho tiến độ thi công trở nên chậm chạp là thiếu nhân công và nguyên vật liệu. Mọi thứ cần thiết đều phải tự làm, từ việc đúc gạch, trộn chất kết dính, đến chuyên chở vật liệu, đốn gỗ, đào đất,... Những người thợ xây chính cũng phải tham gia các công đoạn đó.
Đặc biệt là tới mùa gặt và trước khi bắt đầu vụ mới thì mọi người phải dừng việc xây thành lại để tập trung cho việc đồng áng.
May mắn là mấy tháng gần đây, Nguyễn Long đã "mướn" được một số lượng lớn (gần như hết) nhân công đến từ Hồng Lĩnh, nếu không có lẽ phải mất cả năm nữa mới có thể hoàn thành.
Việc thuê mướn này diễn ra khá suông sẻ.
Số là ngay khi nhận được tin tức từ biên giới, Nguyễn Long liền lập tức thay đổi sách lược đối với người Hồng Lĩnh.
Hắn truyền tin tức này cho thủ lĩnh phía bên kia là Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn, đồng thời tạm dừng việc thu mua sắt và muối vì phải tích lũy lương thực cho tình hình sắp tới.
Việc làm này đã đẩy Hồng Lĩnh vào thế khó. Vì hiện tại người Hồng Lĩnh đã giảm bớt việc săn bắt thú rừng mười không còn một để thay thế vào đó là làm muối và khai thác sắt đổi lấy lương thực thực phẩm từ Hồng thôn. Nay Nguyễn Long lại dừng việc mua bán làm bọn họ rất khốn đốn không biết làm thế nào. Giờ mà bảo họ trở lại việc săn bắt hái lượm như trước thì sẽ rất khó để họ tiếp thu. Lại thêm tin tức về nguy cơ thú triều xuất hiện càng làm cho tình hình Hồng Lĩnh càng thêm rối rắm.
Lúc này Nguyễn Long mới tung ra tuyệt chiêu là mướn họ đến Hồng thôn giúp hắn xây thành để chống thú triều. Nhân công đến Hồng thôn sẽ được trả công y như người Hồng thôn. Họ sẽ được ở nhờ tại Hồng thôn không phải trả chi phí nào khác. Ngoài ra khi thú triều xuất hiện, Hồng thôn sẽ cho họ và gia đình đến lánh nạn, sau đó họ muốn đi đâu thì đi, không hề ép buộc. Hơn nữa số lượng không giới hạn, đến bao nhiêu Hồng thôn tiếp bấy nhiêu.
Với những ưu đãi như thế, đừng nói những người dân thường, ngay cả các đầu lĩnh như Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn cũng động tâm.
Thế là cả đám bắt đầu kéo nhau đến Hồng thôn làm công xây thành. Ban đầu chỉ là những người đàn ông khỏe mạnh. Sau đó cả những phụ nữ, người già còn sức lao động cũng kéo đến.
Dĩ nhiên bọn họ cũng không phải đến xây thành thực sự mà chỉ tham gia những việc phụ như đào hào, làm vật liệu, đốn gỗ,... và nhiều việc lặt vặt khác.
Những người già yếu và trẻ em lúc đầu còn ở lại Hồng Lĩnh nhưng sau thấy tình hình không mấy an toàn nên cũng kéo hết đến đây. Nguyễn Long không phản đối mà còn ra sức cổ võ đều này.
Trải qua nhiều mùa vụ, với giống lúa được cải tiến từng ngày, lại thêm đất đai màu mỡ và những kỹ thuật trồng trọt tiến bộ mà Nguyễn Long từng biết, thì số lương thực dự trữ của Hồng thôn đã tăng lên rất nhiều. Những kho chứa lúa bên trong đã đầy ắp. Ngoài ra hoa màu cũng được trồng khắp nơi, các loại ngũ cốc như bắp, đậu, các loại khoai cũng được tích trữ rất nhiều. Hơn nữa những trang trại nông trường cũng cung cấp lượng lớn thực phẩm. Nguồn cá tôm đánh bắt được cũng rất dồi dào, có thể đảm bảo vấn đề thức ăn cho cả Hồng thôn lẫn Hồng Lĩnh trong thời gian dài.
Nói chung việc mướn người Hồng Lĩnh xây thành hoàn toàn nằm trong khả năng của Hồng thôn. Hồng thôn hiện tại đã dư sức tiếp nhận số lượng lớn người như vậy, nếu không bọn họ đã không tính tới việc chuộc về những tù binh Âu Lạc. Mà giữa những tù binh Âu Lạc và người Hồng Lĩnh, Nguyễn Long vẫn thích người ở Hồng Lĩnh hơn. Nhờ đó mà thành Thái Bình mới được hoàn thành nhanh như vậy. Tuy nhiên cũng còn cần hoàn thiện vài việc bên ngoài để gia tăng hệ thống phòng thủ khi có thú triều kéo đến.