Viện Điều Dưỡng Đồng Xanh

Chương 23




Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Bệnh nhân London.

Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.

Editor: Aminta.

Chương 23

***

Cuối cùng Alexei cũng hội tụ với chúng tôi. Sau khi bàn bạc, tôi quyết định trở lại London với Paul.

Sau khi cậu ta trở lại London, người nhà cậu ta điên cuồng ôm nhau khóc lóc. Vợ cậu ta hỏi thân phận của tôi, sau khi biết được tôi là "chiến hữu" của Paul, gia đình họ mời tôi ở lại nhà cậu ta. Paul tìm bác sĩ giúp tôi, nhưng kết quả khám bệnh không như mong muốn.

Bác sĩ nói nửa đời sau tôi chỉ có thể sống nhờ xe lăn và gậy chống. Paul trả tiền chữa trị cho tôi và cũng để tôi ở lại nhà cậu ta nghỉ ngơi một thời gian ngắn. Nhà cậu ta rất đẹp, cậu ta có một đứa con trai tên là Abel Donovan, năm tuổi, nghe nói lúc thằng nhóc ra đời thì cha nó đã tham gia chiến tranh. Tôi rất thích chơi với nó, dạy nó tiếng Pháp, đọc cho nó nghe tập thơ Rehau tặng cho tôi.

Rehau.

Bây giờ anh ấy có khỏe không? Chiến tranh đã sắp kết thúc, liệu anh ấy có bị bắt làm tù binh hay không? Hay anh vẫn sống sót trở về quê? Anh ấy còn nhớ rõ người đã ở bên anh ấy hai tháng trong trại tập trung Schirmeck hay không?

Tôi viết một lá thư cho Alexei, hi vọng có cơ hội đến Liên Xô để thăm anh ta. Alexei nhanh chóng trả lời tôi, nói rằng anh ta đợi tôi đến bất cứ lúc nào.

Ngày một tháng năm, Paul hưng phấn xông vào phòng tôi và nói nhóm bệnh nhân trong trại tập trung Auschwitz cũng không hề bị đưa vào lò đốt xác. Sau chín ngày chúng tôi rời đi, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng trại tập trung.

Lúc đó tôi đang phiên dịch một tiểu thuyết tiếng Pháp, bút máy khựng lại tạo ra một vết mực đen to trên giấy, tiếp theo tôi vẽ một nét bút run rẩy, sách rơi trên mặt đất.

Tôi gần như ngã xuống ghế.

"Cậu nói là... Carl còn sống?!"

"Đúng thế." Paul kích động nhặt quyển sách dưới đất đặt lên bàn: "Bây giờ hội Chữ Thập Đỏ đang thống kê, tôi đi báo danh ngay."

Đây là tin tức tốt nhất tôi nghe thấy trong một tháng qua.

Chúng tôi lại đợi một tháng.

Không có bất cứ tin tức gì nói cho chúng tôi biết Carl còn sống. Đầu tháng sáu, Paul uể oải trở về từ bên ngoài, sắc mặt của cậu ta không tốt lắm, lòng tôi trĩu nặng.

"Carl... không nằm trong danh sách những người được cứu." Cậu ta nói một cách đắn đo, sợ kích thích đến tôi.

"Không thể nào... Nhiều người được cứu vậy mà, sao chỉ có cậu ấy..."

"Một người sống sót nói cho tôi biết, khi Hồng quân Liên Xô giải phóng trại tập trung, lò đốt xác còn đang làm việc, trong lúc rối loạn đã gây ra vụ nổ khiến một số người chết."

"Vì sao lại là Carl chứ..."

"Ella, chúng ta đều rất đau khổ..."

Cho tới bây giờ chúa chưa từng công bằng. Thứ chúa đã cướp của anh, chúa sẽ không bao giờ trả lại cho anh.

"Tôi thà rằng chưa từng có hi vọng." Tôi nói.

Ngày hôm sau tôi thu dọn hành lý, chuẩn bị rời London để đến Alsace, sức khỏe của tôi đã gần như lành lặn, đến lúc rời đi rồi.

Paul đưa tôi đến nhà ga. Sau đó tôi tự ngồi thuyền về đến Pháp.

Tôi không để lại bất cứ phương thức liên lạc nào.

Tôi đi tới nhà người bạn duy nhất của tôi tại Alsace, nhà của một gái điếm tên là Pamela. Cô ấy quả thực không tin nổi tôi còn sống, cô ấy thét chói tai và giao một cái hộp cho tôi.

"Là thư gửi cho anh đó!" Cô ấy khoa trương dùng móng tay đỏ tươi chỉ cái hộp: "Tôi chưa từng nghe anh nhắc đến người này bao giờ."

Tôi mở hộp ra, bên trong là mấy bức thư rất bẩn. Khi mắt tôi nhìn thấy chữ ký, trái tim tôi bỗng nhiên co thắt lại, kế tiếp nước mắt tôi không kìm được mà chảy ra.

"Anh sao vậy, Benoît?"

"Không có gì." Tôi dùng mu bàn tay lau sạch nước mắt: "Thư của một người bạn mà thôi."

"Người đó là ai?"

"Một nửa trái tim tôi đã mất."

Tôi run rẩy mở ra mỗi một lá thư, trên giấy có dính vệt màu nâu, đó là vết máu đã khô, nó làm mờ ngày tháng dưới chữ ký.

"Benoît thân mến,

Tôi đã đến chiến trường, tất cả vẫn giống như trước kia.

Yêu em,

Rehau"

"Mùa đông Liên Xô tới rồi, bên em thế nào? Tay tôi cứng hơn trước kia, có lẽ là do thời tiết quá lạnh."

"Nơi này rất lạnh, tôi rất nhớ em."

"Tôi yêu em, Benoît."

Tôi không biết mình đã đọc hết những dòng thư ngắn ngủi này như thế này, sau cùng tôi đã không nhìn thấy rõ chữ viết nữa, mỗi một từ đơn tiếng Đức giống như được Rehau đọc lên bên tai tôi. Khi đó chúng tôi mới quen nhau không lâu, trong lúc vô tình tôi đã tiết lộ địa chỉ nhà của người bạn ở Alsace. Những lá thư anh ấy gửi cho tôi không chắc rằng tôi có thể nhận được. Nỗi nhớ của anh cứ thế phiêu bạt trong sự vô định ấy, cuối cùng nó đã đến tay tôi.

Anh ấy vẫn luôn nhớ.

Anh nhớ kỹ từng lời tôi nói, anh ấy nói anh ấy yêu tôi.

Tôi đã mất đi người thân của mình, tôi không muốn tiếp tục mất đi người yêu.

Quá muộn, mãi đến tận khi cầm trong tay những bức thư dính đầy bụi bặm và vết máu ấy, tôi mới biết sự thật rằng tôi yêu anh ấy tha thiết.

Tôi xếp lại những lá thư, đặt nó ở nơi an toàn nhất trong hành lý, sau khi từ biệt Pamela, tôi chống gậy rời khỏi Pháp, tiến về Liên Xô.

Alexei đón tôi ở nhà ga, thậm chí còn chuẩn bị cho tôi một chiếc xe lăn. Tôi đặt va li trên đầu gối. Gió nhẹ thổi qua cơ thể tôi, không hề mang theo cái nắng bỏng cháy của mùa hè. Mọi người bận rộn qua lại trong nhà ga, phía sau là những tòa nhà bị nổ nát còn chưa xây dựng lại xong. Dấu vết của chiến tranh như một vết sẹo chướng mặt lồ lộ dưới ánh mặt trời.

"Cậu già rồi, Benoît." Alexei đẩy xe lăn của tôi ra khỏi nhà ga, sau khi quan sát tôi thật kỹ, anh ta nói.

"Anh cũng thế." Tôi mỉm cười.

"Tôi là vì không tìm được việc làm. Nghe nói cậu đang làm phiên dịch à?"

"Phiên dịch một số tiểu thuyết tiếng Pháp không nổi mấy mà thôi."

"Vậy cũng tốt rồi." Bàn tay to của anh ta vỗ nhẹ vai tôi. Sau đó dường như anh ta sực nhớ ra chuyện gì đó, Alexei móc ra một món đồ nhỏ lấp lánh và đưa cho tôi: "Cái này tặng cho cậu."

Nó là một cái ghim cài áo mang họa tiết hoa bách hợp tinh xảo, hoa văn truyền thống giống như là được tác phẩm thủ công làm từ thời Trung Cổ. Tôi giơ tay nhận nó và ghim nó ở cổ áo sơ mi.

"Nhìn rất đẹp, cám ơn anh."

"Cậu thích là được, tôi không biết nên tặng cậu cái gì, cái này là Lilia đưa cho tôi đó."

"Lilia?"

"Em gái của Evan."

Chúng tôi im lặng. Evan là một cái tên vừa cấm kỵ vừa ấm áp, nếu như không có anh ta, không có Alexei, dù thế nào đi chăng nữa tôi cũng không thể sống đến ngày hôm nay.

"Cô ấy biết tin Lilia đã qua đời chưa?" Tôi hỏi.

"Vẫn chưa. Con bé... có chút vấn đề về mặt nhận thức." Alexei không tiếp tục nói nữa, tôi cũng không hỏi tiếp.

Không hiểu, không nhớ có lẽ là cách an ủi vết thương tốt nhất, mãi mãi tỉnh táo là cách đau khổ nhất.

"Chuyện cậu nói lúc trước, tôi đã nhờ bạn làm xong rồi. Nhưng chỉ có một buổi sáng thôi." Alexei đẩy tôi đến bãi đậu xe.

Chuyện anh ta nói là chuyện tôi muốn đến trại tù binh Liên Xô thử vận may một chút. Tôi mang hi vọng nhỏ bé trong lòng, cầu nguyện tìm thấy Rehau ở đó, hoặc là biết tin về anh ấy.

Chúng tôi đi xe tới trại tù binh. Thời tiết ngày đó rất đẹp, bầu trời rất xanh, ánh nắng rực rỡ. Hoa dại nở rộ ngoài doanh trại, còn có bóng xa cúc lam tô điểm trong đó.

Tôi xem bảng danh sách mà chiến hữu của đã Alexei sửa sang cho tôi, tôi tìm kiếm tên Rehau trong từng hàng, từng cột. Trong danh sách có vài người trùng tên, tôi hỏi đặc điểm ngoại hình của họ và gặp mặt từng người và phát hiện không có ai là người tôi muốn tìm.

Khi lật đến trang cuối cùng của bảng danh sách, trang này viết tên những người dùng để trao đổi tù binh Liên Xô. Tôi nhìn thấy một cái tên quen thuộc:

Feit.

Là Feit của Schulz sao? Tôi xin chiến hữu của Alexei cho tôi gặp người này một lần.

Anh ta đồng ý. Tôi đẩy xe lăn đi vào nơi giam giữ tù binh trao đổi. Tôi gần như có thể khẳng định người đó là Feit, cậu ta y như đúc những gì Schulz miêu tả, vô cùng trẻ trung đẹp trai, tóc vàng, như một bức tượng Hy Lạp.

Tôi nói rõ mục đích của mình. Khi cậu ta nghe thấy tên Schulz thì sững sờ một lát, sau đó hỏi tôi cậu ấy thế nào rồi.

"Cậu ấy chết rồi, ở trại tập trung Schirmeck." Tôi đã tàn nhẫn trả lời vô số câu hỏi, sự tàn nhẫn này không phải do tôi tạo ra, nhưng tôi phải gánh trọng trách không thuộc về mình.

Feit im lặng.

Tôi đưa bản nhạc ố vàng trong tay cho cậu ta. Cậu ta nhận lấy, cẩn thận mở nó ra từng li từng tí giống như là đang vuốt ve khuôn mặt ngủ say của người yêu. Cậu ta lẳng lặng xem nó vài phút, sau đó mở miệng khẽ ngân nga khúc nhạc.

Giọng Feit hòa với giọng của Schulz trong ngục giam u ám trong ký ức tôi.

"Xin lỗi." Cậu ta nói, tay nắm thật chặt bản nhạc, cúi đầu khóc.

Tôi lại không thể trả lời "Không sao" thay người kia.

"Cậu biết Rehau chứ, tay súng bắn tỉa tốt nhất?" Khi sắp rời đi, tôi hỏi một câu hầu như chẳng có một chút hi vọng.

"Anh ta là chiến hữu của tôi." Feit nói.

Câu trả lời này khiến tôi bất ngờ và mừng như điên trong lòng.

"Anh ấy... cũng ở đây à?"

"Anh ta đã hi sinh trên chiến trường."

Ghim cài áo trên cổ áo lặng lẽ rơi xuống. Tôi xoay người nhặt nó lên, nước mắt không kìm được mà chảy ra, đầu óc tôi trống rỗng, tôi đã quên mình đang ở đâu, đang làm cái gì.

"Benoît?" Alexei giúp tôi nhặt ghim cài áo lên và đặt nó trong lòng bàn tay tôi.

Tôi biết tất cả đã hoàn toàn kết thúc. Cuối cùng tôi không còn ôm hi vọng nữa, trái tim tôi đã chết lặng.

Sau cùng, tôi cảm ơn Alexei, rời khỏi Liên Xô và đến Mỹ.

Cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ tôi, họ đã trao cho tôi sinh mệnh thứ hai.

Đến Mỹ, tôi sửa lại tên, làm một người phiên dịch. Hơn nữa tôi còn không biết mình mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chiến tranh. Tôi không thể ngủ ngon trong một thời gian dài, khi đi cầu thang tôi luôn chạy theo thói quen, tôi cứ cảm thấy có người bám theo tôi, có một người biên tập giới thiệu một viện điều dưỡng cho tôi.

Tôi lề mề mãi không tới viện điều dưỡng, tôi đang đợi kết quả xét xử của phiên tòa Nürnberg. (Phiên tòa Nürnberg là các phiên xét xử quân sự quân Đồng Minh mở ở Nürnberg, Đức theo luật quốc tế và luật chiến tranh sau Thế chiến thứ hai, nổi tiếng vì truy tố các lãnh đạo chính trị, quân sự, tư pháp và kinh tế của Đức Quốc xã đã kế hoạch, tiến hành hoặc tham gia cuộc Đại tàn sát và những tội chiến tranh khác; những phán quyết này đánh dấu bước ngoặt giữa luật quốc tế cổ điển và đương đại.)

Rất nhiều hành vi phạm tội của Nazi được liệt kê ra, nhưng chỉ những hành vi phạm tội của chúng đối với những người đồng tính chúng tôi là không được xét xử.

Ác quỷ thực hiện những hành vi tội ác với chúng tôi, phe chính nghĩa lại loại trừ chúng tôi ra khỏi những người bị hại. Con người bị giết hai lần như thế nào? Lần một là khi bị chia cắt khỏi gia đình bạn bè, lần hai là khi bị xóa sổ khỏi lịch sử.

Không ai trả lời tôi những câu hỏi này.

Đây là toàn bộ câu chuyện của tôi, tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi đã trải qua những gì, vì sao tôi lại ở đây.

***

Tôi gần như chấn động khi nghe anh ta kể xong câu chuyện, đôi mắt như tro tàn của anh ta vô cùng bình tĩnh. Tôi chỉnh sửa bản ghi chép thành một quyển sách, hi vọng một ngày nó nó có thể được công bố.

Bệnh nhân sửa tên rồi, nhưng tôi đã quen gọi anh ta là Benoît hoặc là Ella, đây là hai cái tên quan trọng nhất trong cuộc đời anh ta.

Anh ta ngồi trên xe lăn, hỏi tôi: "Bác sĩ Yates, anh cảm thấy ai là người sai? Tại sao chúng tôi phải bị giết chết hai lần? Chuyện này thật sự không công bằng. Tôi đã mất đi tất cả, nhưng thậm chí còn không đợi được một kết quả xét xử công bằng."

Tôi không biết nên an ủi anh ta thế nào.

"Thời gian sẽ chứng minh mọi thứ, trả lại công bằng vốn có cho những người như anh." Sau cùng tôi nói như vậy.

Anh ta mỉm cười với tôi, trong ánh mắt chứa sự tuyệt vọng.

"Cảm ơn bác sĩ. Cảm ơn anh đã chịu lắng nghe câu chuyện của tôi, để tôi cảm thấy mình đã từng sống, từng tồn tại giống những nạn nhân ấy."

Sau đó anh ta rời khỏi viện điều dưỡng, không để lại bất cứ phương thức liên lạc nào cho tôi, biến mất tăm như một hồn ma.

Tôi liên hệ rất nhiều nhà xuất bản, hi vọng có thể công bố bản ghi chép hồi ức này, nhưng toàn bị từ chối. Tôi cất nó đi, sau đó lại lấy ra, xem lại nhiều lần.

Nỗi đau của lịch sử sẽ mãi mãi không bị xóa nhòa, khi mọi người cố gắng muốn quên nó, nó sẽ nặng nề nhắc nhở chúng ta rằng vết sẹo xấu xí này vẫn luôn còn đó và sẽ không bao giờ biến mất.