Viện Điều Dưỡng Đồng Xanh

Chương 22




Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Bệnh nhân London.

Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.

Editor: Aminta.

Chương 22

***

Tạm biệt, Carl yêu dấu. Tuy em không nói lời từ biệt với anh, nhưng anh nghe em nói yêu anh, anh cũng vậy. Anh phải rời khỏi nơi này, sống thay mọi người, xin hãy phù hộ anh.

Tuyết rơi dữ dội hơn nữa. Những bông tuyết như lông ngỗng rơi ào ào trên mặt đất, rất nhiều người híp mắt lại, rụt cổ chờ điểm danh. Những người được gọi số nhận được nhiều bánh mì đen hơn bình thường, đây chính là tất cả thức ăn trên đường rút lui của chúng tôi.

Tôi nhét bánh mì vào trong túi, bây giờ tôi vẫn chưa đói lắm, thức ăn để sinh tồn phải chừa lại đến khi không chịu nổi nữa. Tôi quan sát phía trước, đằng trước là dòng người đen nghịt, phía trước chúng tôi còn mười mấy doanh trại phải rút lui, chúng tôi không biết phải đứng trong tuyết bao lâu. Mà chân của tôi đã hơi chết lặng, tôi không cảm thấy đau, cơn đau đã biến mất khỏi người tôi.

Đứng khoảng hai tiếng, cuối cùng Albrecht bắt đầu chỉ huy chúng tôi tiến lên. Trên người cậu ta cũng đầy tuyết, chàng trai trẻ tràn đầy sức sống như vậy lại đứng nghiêm trong tuyết lớn.

Đùi phải của tôi cực kỳ nặng nề, lúc này tôi mới cảm thấy nó đã quay về cơ thể của mình. Tôi lê nó đi về phía trước một cách khó khăn, Paul ở bên cạnh túm tay tôi đặt lên vai cậu ta, kéo tôi tiến lên.

Cánh cửa đang ở ngay trước mắt. Mãi đến khi bỏ lại tất cả các cánh cửa sắt ở đằng sau, tôi mới cảm thấy mình được tái sinh. Nhưng con đường phía trước vẫn mênh mông.

Ban đầu tốc độ rất chậm, tôi có thể miễn cưỡng bắt kịp, sau đó khi đi đến con đường nhỏ ở nông thôn, đội ngũ càng đi càng nhanh gần như là chạy. Tôi cố gắng không dùng đùi phải, chân trái chịu hết trọng lượng cơ thể, tôi chạy cùng mọi người bằng một tư thế buồn cười, nhưng không ai chế giễu tư thế của tôi, tất cả mọi người còn chưa lo xong thân mình, chỉ liên tục đi về phía trước.

Không biết đã đi mấy tiếng, chúng tôi được cho phép nghỉ ngơi ven đường nhưng không thể ngồi xuống. Paul đứng rất nghiêm, mà tôi đã sắp không đứng nổi nữa.

"Anh có thể tựa trên người tôi." Paul nhỏ giọng nói.

Lúc này Albrecht đi tới nhìn tôi một cái, rồi lại nhìn giám ngục trước và sau hàng, sau đó nói với tôi: "Ngồi một lát đi."

Những người khác vây quanh tôi, tôi ngồi trên mặt đất. Chân trái đau nhức, tôi chỉ có thể dùng tay xoa bóp nó. Tôi nhìn xung quanh, tất cả mọi người đứng trong đống tuyết như cái cây khô, ánh mắt vừa mờ mịt vừa mỏi mệt, tuy tù binh Anh được đối xử tốt hơn chúng tôi, nhưng cũng không thể nói rằng tình trạng của họ vẫn khỏe mạnh như lúc mới đến.

Ngồi trong tuyết khoảng nửa tiếng, chúng tôi lại bắt đầu đi tiếp.

Hành trình tra tấn lần này kéo dài dằng dặc đến tối. Tôi vừa lạnh vừa đói, đầu óc cũng hơi xây xẩm, chỉ có thể tiếp tục chạy sau những người khác bằng cảm giác. Đến khi trời tối, cuối cùng chúng tôi thấy một nhà kho bỏ hoang. Sau khi giám ngục quân SS cho mọi người nghỉ ngơi, có người trực tiếp ngã xuống nền tuyết trước cửa nhà kho.

Lúc này tuyết đã dày cỡ ba thước Anh (xấp xỉ một mét), mỗi bước đi đều rất khó khăn, mà những người mệt mỏi, thân thể gầy còm này đã lún sâu trên nền tuyết, nếu như lồng ngực của họ không còn phập phồng thì nhìn chẳng khác gì xác chết.

Tôi cũng muốn nằm xuống nghỉ ngơi, nhưng Paul giữ tay tôi, cứ thế lôi tôi vào nhà kho. Có rất nhiều người nằm ngổn ngang trước cửa nhà kho, chúng tôi nhất định phải vô cùng cẩn thận mới không giẫm lên cơ thể họ, không ai biết người nào còn sống, người nào đã chết.

Paul dẫn tôi đi vào trong nhà kho, trên mặt đất còn có cỏ khô, tôi nằm lên đó. Paul nằm kế bên tôi.

"Carl..." Tôi không thể thốt ra cái tên này một cách dễ dàng nữa rồi, nó giống một con dao còn dính máu được rút ra từ trái tim tôi: "Có nói gì với cậu không?"

"Cậu ấy bảo tôi hãy chăm sóc anh, người thân duy nhất của cậu ấy." Paul nói.

Rất nhiều lời xuất hiện trong đầu tôi, nhưng khi mở miệng tôi chỉ nói một câu: "Cảm ơn cậu."

"Nghỉ ngơi đi, chúng ta còn phải đi rất xa."

"Đi nơi nào?"

"Không rõ. Nhưng rất xa."

Rất xa. Có lẽ tôi không đi nổi. Tôi thật sự muốn cố gắng, nhưng tôi không biết phải may mắn cỡ nào mới có thể đi hết quãng đường dài như vậy.

Tôi co người lại, mệt mỏi chìm vào giấc ngủ.

Ngày hôm sau, tôi bị Paul đánh thức.

"Xuất phát." Cậu ta nói.

Tôi đứng lên, cảm thấy mọi thứ trước mắt xoay vòng. Đã một ngày tôi chưa ăn gì, bởi vì tôi nghe nói không cung cấp đồ ăn dọc đường, chỉ có thể sống sót nhờ vào những ổ bánh mì được phát hôm qua. Tôi thò tay vào túi, xé một mẩu bánh mì nhỏ nhét vào trong miệng, chậm rãi nhai nuốt giống như ăn mãi không hết, nước bọt mang vị chua của bánh mì sau khi ăn vẫn luôn quanh quẩn trong miệng tôi.

Tôi khát nước. Thế là tôi cho tuyết dưới đất vào trong miệng, Paul cũng làm theo.

Người ở cửa không nhúc nhích, tôi thử đánh thức họ, nhưng Paul nói họ đã chết.

Ngày đầu tiên đã có một nhóm người chết, xác của họ bị để lại trên nền tuyết và cửa nhà kho, còn chúng tôi thì tiếp tục đi về phía trước.

Chân của tôi càng ngày càng khó điều khiển, sau một tuần giày của tôi đã bị mòn nghiêm trọng không thể mang được nữa. Không có giày có nghĩa chết càng nhanh. Paul mang ủng chiến đấu, cậu ta cởi ủng ra để so với chân tôi, nó lớn hơn tôi một chút.

"Mang của tôi đi." Cậu ta quả quyết nói.

"Không được. Vậy còn cậu thì sao?"

Cậu ta lấy một cái bao tải bẩn thỉu từ trong đống tuyết và dùng nó bao lấy chân: "Tôi không sao cả."

Tôi thiếu nợ cậu ta rất nhiều, cả đời này cũng trả không nổi.

"Carl từng cứu mạng tôi trên chiến trường, chuyện cậu ấy giao phó, tôi nhất định sẽ làm được." Paul dùng một sợi dây cột chắc bao tải trên chân và tiếp tục dìu tôi tiến lên.

Nếu như chúng tôi thật sự đang ở thời kỳ lịch sử đen tối nhất của con người, nhưng tôi cũng đã nhìn thấy ánh sáng quý giá nhất ở con người và sự tốt đẹp chưa từng biết mất.

Bởi vì Albrecht có quan hệ rất tốt với nhóm tù binh, cậu ta luôn chia sẻ bánh mì cậu ta được phân phát cho chúng tôi, trong mấy tuần lễ đầu, thức ăn không phải vấn đề của chúng tôi. Nhưng những gì cậu ấy có thể chia sẻ là hữu hạn, đa số mọi lúc chúng tôi phải tự tìm đồ ăn ven đường.

Tuyết bắt đầu tan, chúng tôi đi ngang qua một cánh đồng ruộng, mấy con gà đang mổ cỏ trên đồng. Paul và mấy chiến hữu chạy tới bắt chúng, nhưng trong hoàn cảnh không có nồi niêu xoong chảo, chúng tôi đành ăn gà sống. Ăn sạch cả máu và thịt gà chưa làm sạch lông. Khi đó chúng tôi quả thật rất giống dã thú, cơn đói khiến chúng tôi quên mất văn minh của con người và ăn uống như một người nguyên thủy. Chỉ cần nhét đầy bao tử, vậy là được rồi.

Chúng tôi cũng hái cỏ dại ven đường để ăn.

Râu đã mọc trên cằm của tôi. Sau một cơn mưa, tôi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong vũng nước trên mặt đất, tôi không nhận ra con người trong vũngn ước, nhìn như là một hồn ma, tôi chỉ nhìn thoáng qua rồi dời mắt.

Về cái chân tôi, không thể nói là nó đã lành lặn, nhưng hình như nó cũng không chuyển biến xấu, chỉ là thường xuyên không nghe theo sự khống chế của tôi, chuyện nứt da thì bắt đầu lặp đi lặp lại, mãi đến mùa xuân mới khá hơn một chút. Tôi cứ sốt nhẹ suốt, aspirin mà Paul mang theo đã bị tôi uống sạch, nửa bình thuốc của Albrecht cũng bị tôi giữ lại chuẩn bị cho bất cứ tình huống nào. Paul đưa cho tôi mấy ống chích trộm từ phòng y tế và còn có kháng sinh chống nhiễm trùng. Nhờ những món đồ y tế đơn sơ thế này, cuối cùng tôi không chết vì nhiễm trùng. Nhưng tôi biết đùi phải đã bị hành trình liên tục hơn tuần lễ hành hạ đến mức không thể nào hồi phục như trước đây.

Nhưng vậy thì sao chứ? Tôi vẫn sống đến hôm nay.

Cuối cùng chúng tôi thành công băng qua Tiệp Khắc, đi tới một nơi tên là Regensburg ở phía nam nước Đức. Về sau tôi mới biết nơi này cách Auschwitz năm trăm dặm (xấp xỉ 800km). Chúng tôi đã đi ròng rã 17 tuần, vô số người chết, từ mùa đông lạnh lẽo đến màu xuân ấm áp, cuối cùng chúng tôi vẫn có thể sống sót, giống như cây cỏ mạnh mẽ xé toạc mặt đất để nảy mầm.

Nazi nhốt chúng tôi trong một chiếc xe vận tải. Khóa cửa lại và rời đi. Chúng tôi ở trong đó chờ một ngày, rồi họ sẽ mở cửa mang chúng tôi đến nơi cần đến như trước đây.

Nhưng hôm sau không có ai mở cửa.

Ngày tiếp theo vẫn như thế.

Chúng tôi đều rất kinh ngạc, cảm xúc ấy thậm chí vượt qua nỗi sợ.

Ngày thứ tư, chúng tôi nghe tiếng xe tăng từ bên ngoài, tiếp theo là một tiếng va đập dữ dội, cửa xe bị phá một cách bạo lực.

Ánh mặt trời chói mắt tràn vào, lúc ấy tôi không thể mở mắt, chờ đến khi tôi nheo mắt lại thích ứng ánh sáng, tôi nhìn thấy một xe tăng của Mỹ dừng ở bên ngoài xe tải.

Một anh chàng reo hò một tiếng và nhảy xuống xe tải, rồi lại leo lên xe tăng, ôm chặt binh sĩ lái xe, hôn lên gương mặt người đó. Tất cả mọi người hoan hô, ánh sáng mặt trời chiếu lên cơ thể tiều tụy của mỗi người khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp.

Chúng tôi đã được cứu.

Một số người quỳ xuống cảm ơn chúa, mà tôi thì chán nản ngã quỵ xuống đất, nghẹn ngào khóc rống lên. Ngày hôm nay đến quá muộn với những nạn nhân trong trại tập trung.