Chương 627: Hiểm địa Thung Lau
Buổi sớm mùa đông trung tuần tháng Chạp bầu trời u ám, cành lá hãy còn ướt đẫm sương khuya. Bóng tinh kỳ Thiên Đức bay phấp phới dưới chân núi Thanh Sơn. Già trẻ làng Châu Sơn, Bút Sơn, Kiện Sơn… lũ lượt bồng bế nhau rời khỏi nơi ẩn náu trong núi ra trình diện quân Thiên Đức.
Lý Văn Ba, Hoàng Ngưu và Trung đoàn Kiến Xương kéo binh tới chân núi lúc trời tờ mờ sáng kêu gọi dân chúng mau trở về làng. Lý Văn Ba hạ lệnh trước Ngọ sẽ phóng hoả đốt trụi ngọn Thanh Sơn nếu bách tính còn nấn ná.
Ngay lúc biết tin quân Thiên Đức tìm đến, Nguyễn Định Hoàng sợ liên lụy bách tích, lại không chịu hàng bèn đem tàn quân cùng một số tráng đinh băng rừng trực chỉ hướng Nam về Trường Châu. Bởi thế trong hơn ba nghìn dân, Lý Văn Ba chẳng trông thấy bóng dáng tráng đinh trong độ tuổi sung quân.
Lý Văn Ba yêu cầu gặp tộc trưởng, trưởng họ và các bậc cao niên. Mấy mươi phụ lão râu tóc bạc phơ chậm rãi tách khỏi đám đông, có người run rẩy sợ sệt, có người cố thẳng lưng, ánh mắt cương nghị tỏ vẻ không chịu phục. Tù binh bọn Lý Văn Ba bắt được lúc đêm đều bị trùm khăn đen che mặt, thay y phục cho lên nhận mặt. Nhờ đó Lý Văn Ba bắt giữ tứ thân phụ mẫu, vợ con của Nguyễn Định Hoàng cùng trưởng tộc họ Nguyễn Định. Hai người con trai đang ở tuổi niên thiếu được Nguyễn Định Hoàng đưa đi cùng, hai đứa tóc để chỏm ở lại.
Gia quyến Nguyễn Định Hoàng không tỏ chút sợ sệt, tưởng như họ sẵn lòng đón đợi c·ái c·hết. Trưởng tộc họ Nguyễn Định là ông già ngoài thất tuần, dáng hom hem, chống gậy tre đen bóng còn xổ toẹt một bãi nước bọt vào tù binh trùm mũ, buông lời mắng chửi thậm tệ quân phản phúc. Bọn Lý Văn Ba trông thấy cảnh ấy lấy làm cảm khái lắm.
Tù binh nhận mặt chỉ điểm xong hết lượt được đưa về phía sau tháo mũ trùm đầu. Quân sĩ Kiến Xương hơ thanh sắt trên lửa đỏ đóng kí hiệu lên bả vai rồi tha bổng. Những người này ngày sau có thể xin vào quân Thiên Đức nhưng nếu gia nhập quân đối địch mà b·ị b·ắt lần hai lập tức chém đầu tại trận tiền.
Lý Văn Ba bước đến trước mặt ông cụ trưởng tộc họ Nguyễn Định làng Bút Sơn, anh đảo mắt nhìn gia quyến của vị tướng đối địch đã khiến ba quân một phen náo loạn. Dáng Ba cao lớn, trái ngược hẳn với ông cụ hom hem.
- Chúng tôi đến mời cụ và bà con về làng không phải để s·át h·ại mọi người. Nếu muốn, tôi sai quân phóng hoả, cần gì phải gọi mọi người ra.
Ông cụ cười khẩy:
- Thắng làm vua, thua làm giặc. Nay con cháu ta bại, muốn chém muốn g·iết tùy các người.
Lý Văn Ba ôn tồn:
- Xin cụ hiểu cho. Tôi ăn lộc nào thờ chủ nấy, Nguyễn Định Hoàng cũng vậy. Bọn chúng tôi không thù gì y, cũng chẳng muốn bắt gia quyến của y.
Ông cụ lại cười nhạt:
- Vậy tướng quân cho đám phản phúc chỉ điểm làm gì?
- Vạn Thắng vương, vua Vạn Xuân có chỉ phải đối đãi tử tế với gia quyến của các tướng Trường Châu. Nếu có sơ suất thì bọn chúng tôi sẽ chịu tội. Bởi thế tôi mời cụ và ông bà đây đến Châu Cầu một chuyến, chờ tình hình yên hãy trở về.
Ông cụ trưởng tộc ngửa đầu cười lớn mà rằng:
- Như vậy có khác gì không bắt được tướng địch lại giữ người thân làm tin! Xưa nay nghe Vạn Thắng vương nhân nghĩa, quả thực nhân nghĩa lắm thay.
Lý Văn Ba giữ vẻ mặt tươi cười, cúi xuống, rít lên qua kẽ răng, đủ để mấy người cùng nghe:
- Cụ và ông bà đây không đi cũng chẳng sao, cụ chỉ cần nói lời từ chối trước bàn dân thiên hạ là được.
Ông cụ tiếp lời:
- Và rồi…
Lý Văn Ba lạnh giọng:
- Tôi sẽ bắt cụ, ông bà và con cháu họ Nguyễn Định chống mắt ra xem tôi biến cánh đồng này thành bể máu. Tôi chém sạch dân mấy làng nhưng để lại đám trẻ chứng kiến để sau này chúng ghi hận với họ Nguyễn Định khiến chúng liên lụy mất cha mất mẹ, cụ thấy thế nào?
- Các người thực ác hơn loài cầm thú!
Lý Văn Ba trừng mắt, đổi giọng:
- Nghe này ông già! Nếu không phải vì quân lệnh vua ban thì tôi không ngại đốt trụi cả núi cho đỡ rách việc. Giữ lại một đám chống vua để làm đếch gì? Ông nghĩ thằng này và anh em thích cái việc chiêu an này ư? Một đao chẳng phải giải quyết mọi chuyện à? Vạn Thắng vương nhân từ, muốn dân Vạn Xuân hạn chế đổ máu, ông chẳng lấy đó làm ơn mà còn nói nửa lời thì tôi cắt lưỡi thằng đích tôn của ông ngay bây giờ, chọn mau đi.
Mặt ông cụ bấy giờ mới biến sắc. Già rồi c·hết chẳng tiếc, lỡ thằng cháu đích tôn bị cắt lưỡi quả thật không cam lòng, sống chẳng bằng c·hết.
- Được rồi! Già này theo lời ông vậy.
Lý Văn Ba cười nhạt:
- Nói vậy từ đầu đỡ mất thời gian hay không.
Sau cái phất tay của Lý Văn Ba, Tôn Cường đứng trước bách tính, cầm cái loa gò bằng sắt mỏng dính, oang oang cất giọng nói rằng dòng họ Nguyễn Định sẽ về Châu Cầu theo lệnh của Vạn Thắng vương. Bách tính ai về nhà nấy, lương thảo còn giấu trong núi hãy đem về mà ăn, quân Thiên Đức không đụng đến. Và sau này dân các làng Châu Sơn, Bút Sơn, Kiện Sơn nếu còn tiếp sức cho quân chống lại Thiên Đức sẽ trị theo luật Thiên Đức. Và để thể hiện sự tử tế, 500 quân Kiến Xương sẽ giúp dân đem lương thực về làng.
Bách tính bán tín bán nghi, phải đến khi Lý Văn Ba rút quân, đem theo dòng họ Nguyễn Định và quân sĩ cắt cử ở lại giúp sức không lộ sát khí. Thay vào đó hối thúc mọi người mau chóng chỉ chỗ để họ khuân về giúp chứ tụ tập ở nơi đồng không mông quạnh tội đám trẻ con chịu cái lạnh cắt da thịt.
Dòng họ Nguyễn Định kể từ đó không còn ở đất Thanh Liêm nữa. Theo dòng thời cuộc, dòng họ này chuyển dần lên mạn Bắc.
Tin tức Phùng Thanh Hòa, Lý Quang Minh, Phan Vỹ chiếm được Mường Động, bắt quan lang đến tay Lý Văn Ba. Lý Văn Ba lệnh quân hầu mau chóng báo ba quân tin thắng trận khiến sĩ khí tăng thêm vài phần. Ngay sau đó Lý Văn Ba để Tiểu đoàn 995 và 996 cùng một đại đội hoả mai của Tiểu đoàn 990 ở lại doanh Châu Sơn chờ bổ sung thêm binh lực. Trung đoàn Kiến Xương và phần còn lại của Tiểu đoàn 990 Siêu Loại rời làng Châu Sơn tiến xuống Biện Khê thế chân quân tiên phong kiểm soát vùng đất này làm hậu cứ.
Trung đoàn Vạn Ninh và Ninh Hải bàn giao Biện Khê tiến xuống khu vực động Thung Lau, cách Biện Khê khoảng bốn mươi dặm về phía Nam.
Thung Lau (thung lũng nhiều cỏ lau) là một thung lũng rộng nằm giữa bốn bề núi đá bao quanh như bức tường thành uy nghi, sừng sững, kiên cố cao v·út, hình vòng cung. Động Thung Lau nằm trong hệ thống núi đá vôi chạy dọc hữu ngạn sông Hát Giang (dân Trường Châu gọi là sông Sinh Quyết) từ mạn Kim Bảng đổ về. Núi quanh Thung Lau cao trên dưới sáu mươi trượng, trở thành bức tường ngăn cách động Thung Lau với bên ngoài, trông xa như một con rồng nằm án ngữ, che chở cho căn cứ của quân Trường Châu dưới quyền Ninh Như Viễn đồn trú.
Động Thung Lau có duy nhất con đường độc đạp vào động là một quèn nhỏ cao khoảng 8 trượng với dốc đá lởm chởm rất khó đi lại. Bao bên ngoài động là đầm Cút, dài khoảng 6 dặm, rộng 1 dặm, như con hào thiên nhiên chắn giữ.
Bên cạnh động Thung Lau về phía Tây là Thung Lá, một thung lũng bốn bề núi bao quanh, lối vào cũng chỉ có một đường quèn nhỏ. Giữa Thung Lá và động Thung Lau là sườn núi thấp có đường qua lại dễ dàng. Xung quanh động Thung Lau có nhiều thung khác như Quèn Cả, Thung Ngô khá hiểm trở, có thể đóng được hàng vạn quân. Mặt phía Nam thung Quèn Cả có một thành đất hình vuông mỗi bề dài 80 trượng gọi là thành Hẻo (vì vắng vẻ). Thành Hẻo từng là nơi Ngô Thiên Sách đóng quân hồi Vạn Xuân mới lập nước. Từ thành Hẻo có thể theo các quèn đá lên vùng núi Lạc Thủy hay vùng rừng núi Thanh Liêm, Kim Bảng, hoặc tiến ra phía đồng bằng ven dòng Sinh Quyết.
Nguyễn Định Hoàng từ núi Thanh Sơn đã rút về thành Hẻo.
Động Thung Lau nằm ở phía Bắc đất Trường Châu, ngăn cách bởi sông Đại Hoàng, một con sông lớn trong vùng Trường Châu. Sông Hoàng Long là hợp lưu của ba con sông miền thượng du chảy xuống. Sông Hoàng Long dài hơn sáu mươi dặm trước khi hợp lưu với dòng Sinh Quyết (tức Hát Giang đoạn chảy qua Trường Châu) từ phía Bắc chảy xuống tại ngã ba Gián Khẩu (bịt miệng). Tương truyền ngã ba sông có cái tên kì lạ như vậy là bởi hơn ba mươi năm trước, trong cuộc chiến giữa Giao Châu và Hoa quốc, một tướng địa phương vì không chịu hàng phục đã bị quân Hoa quốc bịt mồm ném xuống sông. Tại ngã ba Gián Khẩu có hai đồn binh lớn, một đồn bên phần đất Trường Châu, một đồn bên đất Thung Lau.
Với vị trí địa lý như vậy, Thung Lau trở thành phên dậu phía Bắc của Ngô Thiên Sách. Chiếm được Thung Lau là giành chắc bốn phần mười thắng lợi, uy h·iếp thủ phủ Trường Châu. Bởi vậy vô cùng dễ hiểu khi Ngô Thiên Sách bố trí tại Thung Lau 1 vạn quân, chưa kể dân binh, dân phu từ 15 đến 40 tuổi vừa trưng tập lo hậu cần. Tổng quân số Trường Châu bố trí tại Thung Lau ước tính có khoảng gần 2 vạn.
Ninh Như Viễn, tổng chỉ huy quân dân Trường Châu tại Thung Lau có đủ cơ sở để tin rằng quân Thiên Đức không thể xuyên thủng lá chắn Thung Lau để xuống Trường Châu. Dĩ bất biến ứng vạn biến là chủ trương của Ninh Như Viễn, tận dụng đồi núi điệp trùng hiểm địa là cái bất biến chống lại thiên biến vạn hoá trong việc dụng binh.
Với lực lượng 1 trung đoàn thuỷ, 1 trung đoàn bộ binh đầy đủ quân số, tổng cộng hơn ba nghìn quân, Trương Văn Long tiến hành dựng trại ven bờ hữu ngạn dòng Sinh Quyết, cách cửa động Thung Lau hơn mươi dặm về hướng Tây. Một ngày đôi ba bận cho quân khiêu chiến, dụ Ninh Như Viễn đem quân ra đánh. Viễn chẳng dễ mắc mưu dẫu quân đông gấp mấy lần, bởi một khi ra khỏi động Thung Lau sẽ thất lợi.
Vài ngày sau, Trung đoàn Kiến Xương kéo đến cùng củng cố trại quân. Thám mã do Triệu Quang Phục đem tin, Lý Văn Ba và Trương Văn Long sẽ sớm có thêm binh mã từ Đằng Châu, Tế Giang, Đông Phù Liệt. Và đặc biệt, Thắng binh và Kỳ binh, hai đơn vị mới nhưng binh sĩ có kinh nghiệm tác chiến núi rừng sẽ tham gia.
Ngày 21 tháng Chạp, Trung đoàn Kỳ binh Vũ Gia, phiên hiệu 73 (gọi tắt là E73) gồm ba tiểu đoàn 730, 731 và 732 với gần hai nghìn tráng đinh do Yết Kiêu chiêu mộ và tuyển chọn từ phương Nam theo đường biển rồi hành quân bộ đã đến nơi. Toàn bộ E73 đầu chít khăn đỏ sẫm, người nào người nấy nước da đen nhẻm, chân đất khoác áo lông gia cầm vận quần ngắn đến đầu gối, chưa vận quân phục Thiên Đức vì thành lập mới được 1 tháng. Binh sĩ E73 không nói được tiếng Vạn Xuân, bởi thế từ cấp trung đội đều có ít nhất 2 người làm thông ngôn.
Ngoài E73, Yết Kiêu còn gần một nghìn tráng đinh Vũ Gia mới chiêu mộ, song giữ lại làm quân thủy.
Ngày 23 tháng Chạp, tiết trời rét buốt. Trần Quan Sơn cùng Trung đoàn 1 Hoan châu đến trình diện Triệu Quang Phục. Nguyễn Lạc Thổ không đi cùng mà phải ở lại Sơn Tây.
Chiều 24 tháng Chạp, Phạm Kính Ân dẫn theo Quách Cư Dĩ và 700 thổ binh Mường Động đóng quân ở Châu Sơn để Tiểu đoàn 995, 996 vừa bổ sung thêm nhân sự di chuyển đến Biện Sơn. Nguyễn Từ Minh, hàng tướng Đông Phù Liệt được giao trọng trách chỉ huy 2 đơn vị này nhằm nâng cao sức chiến đấu.
Toàn bộ gia quyến của Nguyễn Từ Minh đã đến ở làng Tam Vạn. Nguyễn Từ Minh được đối xử bình đẳng như những Lý Trí Thắng, Phan Vỹ hay Cao Quang Chương. Tâm tư của Nguyễn Từ Minh đã thay đổi hoàn toàn sau bữa ăn riêng với Vạn Thắng vương, buông bỏ mọi chuyện cũ, hướng đến việc thống nhất Vạn Xuân để bách tính không còn phải nơm nớp lo sợ cảnh binh đao.
Với lực lượng hơn 9000 quân thủy bộ đóng trại từ phía Bắc đến phía Tây động Thung Lau thì cuộc chiến khốc liệt đã gần kề.