Chương 580: Tống Cảo
Lâm Đường Thần sau một đêm hoan lạc, tuy chưa có được giọng nói thường nhật nhưng tinh thần phấn chấn hẳn. Thứ nữa, thuộc hạ rỉ tai Đường Thần rằng Vạn Thắng vương tặng riêng bút nghiên bằng vàng chạm trổ tỉ mỉ làm quà cáo lỗi. Lâm Đường Thần cho Vạn Thắng vương biết điều bèn bảo Tống Cảo phiên phiến mọi chuyện, dĩ hoà vi quý, nán lại dăm ba ngày nghỉ ngơi trước khi đến La thành.
Bản thân Tống Cảo đã nhắm mắt tự thoả hiệp, nghe Đường Thần nói vậy liền sửa soạn mũ áo xin yết kiến Vạn Thắng vương.
Ngô Thì Nhậm niềm nở đón Tống Cảo như chỗ thân tình ở cửa chính điện. Gặp Chương, Tống Cảo có chút gượng gạo. Chương mời Tống Cảo ngồi, thưởng trà quý. Tống Cảo khen ngon, Chương tặng Tống Cảo mấy lạng chè để trong hộp gỗ bằng vàng, trạm trổ vô cùng cầu kì. Tống Cảo từ chối, Chương nói:
- Ta nghe danh Tống đại nhân ở đất Tống đức cao vọng trọng nên muốn bày tỏ tấm lòng chứ không có ý gì khác. Tống đại nhân đến Vạn Xuân theo lệnh trên, xin cứ thẳng thắn bàn định.
Tống Cảo chắp tay cung kính:
- Hạ quan không dám nhận lời khen tặng của Đại Vương. Hạ quan tháp tùng Lâm đại nhân yết kiến ngài, thực mở mang tầm mắt.
Biết Tống Cảo có ý trách cứ, Chương liền lảng sang chuyện khác:
- Giao Châu hành doanh đương bị vây khốn, Dương Trường Huệ ăn chực nằm chờ ở La thành, chẳng hay Tống đại nhân tính thế nào cho phải lẽ?
Tống Cảo nói:
- Đại Vương trao trả tù binh, mở lối cho ba quân rộng đường về Bắc, cống phẩm năm nay sẽ miễn ạ.
Chương thở dài, giọng buồn bã:
- Vậy thiệt hại của bách tính Vạm Xuân ai trả đây? Ba quân Đại Vũ ức h·iếp đàn bà con gái, đốt nhà, g·iết người, c·ướp lương… Ta thực chẳng muốn tính đến nhưng sợ rằng bách tính sinh lòng oán hận mà làm càn.
Ngô Thì Nhậm tiếp lời Chương:
- Trăm sự nhờ Tống đại nhân nói khó giúp với Đại Vũ đế miễn Thiên Đức cống nạp 3 năm vì mùa màng thất bát, dân chúng lầm than, giang sơn chia năm xẻ bảy vô cùng khó khăn.
Tống Cảo tròn mắt, chưa kịp mở miệng, Ngô Thì Nhậm lại nói:
- Thiên Đức thống nhất được Vạn Xuân, giang sơn về một mối, lúc ấy tài lực mới ổn. Tống đại nhân mắt thấy tai nghe, vương phủ của Đại Vương chúng ta hãy còn sơ sài, nào bằng một góc La thành? Vả lại Tô Trung Từ là nguồn cơn mọi chuyện, ông ta xảo trá, cung cấp sai tình hình Vạn Xuân thành ra hai bên hiểu lầm mới sinh cớ sự.
Chương nói:
- Thiên Đức nhỏ bằng một góc Vân Nam quốc, ta còn chưa đủ lực đánh La thành. Tô Trung Từ trên dối vua, dưới gạt dân thật đáng c·hết. Ông ta phải đền bù cho Đại Vũ quân, như vậy mới phải.
Ngô Thì Nhậm lại tiếp lời Chương:
- Tô Trung Từ chịu trách nhiệm về tổn hại của ba quân Đại Vũ tại Vạn Xuân. Thiên Đức chẳng đặng đừng, thiệt hại bao nhiêu người và của, vì binh loạn mà sinh đói kém. Đại Vũ miễn Thiên Đức cống nạp 3 năm thực là phải lắm.
Tống Cảo nghe một hồi cũng cho là phải. Đoàn Kính Chí kéo binh vào Giao Châu theo thỉnh cầu của Tô Trung Từ. Thứ sử Vân Nam nhận thấy nhiều mối lợi liền đồng ý giúp sức. Bây giờ không thuận theo mong muốn của Vạn Thắng vương mà trở về Đại Vũ, Thiên Đức lập tức tiến đánh La thành, bắt Đoàn Kính Chí ở Giao Châu hành doanh thì tình hình còn tệ hơn mấy lần, mặt mũi ba quân cũng bị bôi tro trát trấu.
Suy tính thiệt hơn, Tống Cảo đồng ý với đề nghị của Chương. Ngô Thì Nhậm liền thảo tấu chương than nghèo kể khổ để Tống Cảo đem vể Đại Vũ. Vạn Thắng vương mở đường cho quân Đại Vũ tự do trở về. Đối với tù binh, Thiên Đức hiện bắt giữ gần hai nghìn, sẽ trả họ về Giao Châu hành doanh. Tất nhiên Tống Cảo chẳng tin Thiên Đức bắt được chừng ấy tù binh song không có số liệu đối chứng, đành nhắm mắt cho qua.
- Ngô đại nhân! - Tống Cảo hỏi Ngô Thì Nhậm. - Hạ quan được biết Tống quân có tham gia trận thủy chiến ở Sơn Tây. Xin hỏi có phải Triệu trướng quân Triệu Trung thống lĩnh ba quân Tống xung trận?
Ngô Thì Nhậm đáp:
- Đó là những dân binh phương Bắc ở huyện Sơn Lăng vận chiến phục Tống quân tham gia đó thôi. Hạ quan chưa từng nghe danh Triệu Trung. Quân Tống chẳng phải đã diệt vong cả rồi ư?
Tống Cảo chẳng biết bày tỏ ra sao đành im lặng một hồi, lát sau Tống Cảo nói:
- Chúng tôi biết Vạn Thắng vương cưu mang Triệu tướng quân ở đâu đó trên đất Ninh Hải và phân tán khắp Giao Châu.
Ngô Thì Nhậm tỉnh bơ đáp:
- Tống đại nhân đừng nghe lời đồn đãi trong thiên hạ của đám dân đen. Phàm đồn đãi nào có thật.
- Không có lửa sao có khói? - Tống Cảo nói. - Dân Tống giỏi đóng thuyền và… vừa hay hạ quan cũng người đất Tống. Hạ quan nhìn chiến thuyền Thiên Đức đậu ở bến Ninh Hải mang nhiều nét thân thuộc.
Ngô Thì Nhậm so vai, thản nhiên nói:
- Người Tống rất giỏi, quân Thiên Đức phải học hỏi từ những lưu dân chạy nạn. Có thể vì vậy mà đại nhân thấy cách đóng thuyền quen quen chăng?
Tống Cảo lại im lặng suy ngẫm lời của Ngô Thì Nhậm.
- Vạn Thắng vương cớ sao không nhận tước Giao Châu mục được phong? - Tống Cảo đổi chủ đề. - Không nhận phong lại chịu cống nạp, hạ quan thật không hiểu.
- Lâm đại nhân hẳn rõ hơn cả. - Ngô Thì Nhậm đặt bút xuống. - Đại Vương của Thiên Đức kế thừa hợp pháp ngôi vị do Lý Nam Vương truyền cho trưởng nữ. Bậc quân vương sao chịu nhận chức châu mục cỏn con? Nhận phong chẳng phải Đại Vương của hạ quan gặp Thứ sử Vân Nam phải hành lễ ư?
Tống Cảo cho là có lý, bèn hỏi:
- Vậy Vạn Thắng vương muốn được sắc phong chức gì?
- Chí ít phải là Vạn Xuân quận vương.
Tống Cảo thắc mắc:
- Tại sao không phải là Giao Châu quận vương mà cứ nhất thiết phải Vạn Xuân quận vương?
Ngô Thì Nhậm khẳng khái đáp:
- Đại Vương của hạ quan không thích hai chữ Giao Châu, chỉ đơn giản vậy thôi.
Tống Cảo lấp lửng:
- Như vậy các ông phải đi sứ may ra…
Ngô Thì Nhậm hơi nhíu mày, dường như vừa nghĩ ra điều gì đó.
- “Ông ta mách nước ư? Hẳn tay họ Lâm không tâu rõ mọi chuyện khi về Bắc.”
Ngô Thì Nhậm bày tiệc khoản đãi Tống Cảo, cùng chén chú chén anh như chỗ thâm giao. Trong lúc ngà ngà say, Tống Cảo nói với Ngô Thì Nhậm:
- Cảo này người đất Tống nhưng hèn mọn chọn làm thân trâu ngựa kiếm cơm qua ngày. Nếu Ngô tiên sinh có cơ duyên gặp Triệu tướng quân xin nhắn nhủ đôi lời, Cảo mong có ngày hạnh ngộ.
Ngô Thì Nhậm chối đây đẩy, Tống Cảo vẫn cứ nói:
- Tưởng đại quan nhân có thể lầm, Lâm đại nhân có thể lầm nhưng Cảo không lầm đâu. Nay mai sứ về rồi, đại binh rút hết thì Vạn Thắng vương lập tức chiếm La thành. Ngô đại nhân cứ yên lòng, Giao Châu nhỏ bé chưa phải mục tiêu của Đại Vũ Hoàng đế. Các ngài khéo léo lùi một tiến ba tự nhiên sẽ đạt được mục đích.
- Đại Vương của hạ quan chỉ mong bách tính hưởng thái bình, mong Tống đại nhân lựa lời nói giúp dăm câu ba điều tốt trước mặt Đại Vũ Hoàng đế. Nhậm này nhất định chẳng quên ơn, bách tính Vạn Xuân sẽ nhớ ơn ngài.
Ngô Thì Nhậm tiếp rượu đoàn sứ thần Đại Vũ hai ngày hai đêm, ai cũng say vắt lưỡi. Đoàn sứ thần lên thuyền đến kinh sư, Ngô Thì Nhậm tiễn đến tận Xích Giang. Biết Lâm Đường Thần rất thích mỹ nữ hầu cận mấy ngày qua, Ngô Thì Nhậm cho mỹ nữ theo hầu Đường Thần đến khi nào đoàn sứ trở về mới được rời thuyền. Lâm Đường Thần ngoài mặt không tỏ thái độ nhưng trong lòng rất vừa ý.
Đến La thành, Lâm Đường Thần nán lại hơn một tuần trời hạch sách quan quân binh triều, nhận nhiều ngân lượng mới chịu cùng bọn Dương Trường Huệ đến Giao Châu hành doanh.
Tô Trung Từ phải ngậm bồ hòn làm ngọt, thuận ý cấp lương thảo cho Đại Vũ rút quân, phần đền bù chiến phí, Tô Thái uý xin khất đến cuối vụ thu hoạch.
Trên đường đến Giao Châu hành doanh, Tống Cảo nói với thân tín:
- Tô Thái uý sẽ chẳng có cơ hội nạp cống phẩm vì Thiên Đức chỉ chờ chúng ta rút là đốc đại binh đánh La thành ngay tức khắc.
Thân tín nói:
- Tô Thái uý dường như tiên liệu được điều ấy song… vẫn cố chấp không nguyện lòng. La thành như ngọn đèn trước gió, thuộc hạ nghĩ Thiên Đức sẽ làm chủ Giao Châu trong năm nay. Vạn Thắng vương ngoài mặt nhã nhặn, nhún nhường nhưng… là một kẻ có dã tâm lớn. Đại Vũ Hoàng đế không sớm diệt trừ ắt sinh hoạ dài lâu.
Tống Cảo đưa mắt nhìn xa xăm, nói rằng:
- Chưa trừ được Nam Cương không thể thu phục Giao Châu. Nam Cương còn Giao Châu tại, Nam Cương bại Giao Châu ắt vong.
Đoàn Kính Chí mau chóng rút quân ngược dòng Xích Giang. Sau vài tháng đem 3 vạn chiến binh xuống đất Giao Châu, Đoàn Kính Chí trở về Vân Nam chỉ với hơn 1 vạn binh mã. Đại Vũ Hoàng đế trách tội, muốn đem Đoàn Kính Chí, Dương Trường Huệ, Tôn Toàn Hưng ra chém. Tả hữu khuyên can, viện lí do Đại Vũ chưa hiểu binh Giao Châu, ngày sau chinh phạt ắt cần bọn Đoàn Kính Chí tiên phong mới lưu lại được mạng cho Đoàn Kính Chí và các bộ tướng.
Từ lời nói đầy ẩn ý của Tống Cảo, thượng tuần tháng 8 Ngô Thì Nhậm dẫn đầu đoàn sứ sang yết kiến Đại Vũ đế xin phong Vạn Thắng vương Mạc Thiên Chương làm Vạn Xuân quận vương. Đại Vũ đế chỉ đồng ý một nửa, sắc phong Vạn Thắng vương làm Giao Châu quận vương, nhất định không chịu đưa hai chữ “Vạn Xuân” vào sắc phong. Đồng thời, Đại Vũ đế một lần nữa yêu cầu Vạn Thắng vương phải đem đại binh áp sát mạn Nam của Nam Cương quốc, không tiếp nhận quan quân Nam Cương quốc chạy nạn.
Ngô Thì Nhậm trở về bẩm báo, nghe xong Chương cười mà rằng:
- Vậy phải tiếp sức cho Nam Cương quốc đấm bọn Đại Vũ đến cùng, đem c·hiến t·ranh vào nhà chúng nó mới được. Giao Châu quận vương chỉ có giá trị nếu kéo dài thời gian chúng xâm lấn ta mà thôi.
- Phạm Phan Chí cũng xin phong vương… song chỉ được phong mục. Đại Vũ đế cử một đạo 5000 thuỷ binh vượt bể đến Lâm Phồn giúp Phạm Phan Chí tiến xuống phương Nam mở cõi đấy ạ.
Chương cười đắc chí:
- Hắn muốn Đại Vũ che chở chẳng phải chuyện lạ nhưng nước xa khó cứu lửa gần. Cứ mặc hắn xuôi về phương Nam gây thù chuốc oán, ngay khi hắn đại công cáo thành ta sẽ trừ hắn đi, như vậy đỡ tốn sức ba quân, lại được tiếng nhân nghĩa.
Ngô Thì Nhậm lo lắng:
- Không loại trừ Đại Vũ chỉ giúp nửa chừng sau đó dùng Lâm Phồn khống chế ta. Đại Vương… có khi phải hạ Phạm Phan Chí sớm mới được.
- Trước mắt cứ dùng địch vận phá hắn, chờ thời cơ thuận lợi mới ra tay. Chúng ta hiện còn nhiều việc cần kíp hơn.
Như lời Tống Cảo, quan binh Đại Vũ vừa rút khỏi Vạn Xuân thì khói lửa c·hiến t·ranh lại dấy lên thêm một lần nữa tại vùng đồng bằng châu thổ Xích Giang.