Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 532: Ca kỹ




Chương 532: Ca kỹ

Bàn cho yếu nhân chịu chi nằm ở góc riêng biệt, ánh sáng có phần tối hơn so với xung quanh nhằm đảm bảo riêng tư. Chương tấm tắc khen và đánh giá rất cao chủ khách điếm, một cựu thương nhân tuổi ngoài ngũ tuần. Biết khách ở phòng đắt tiền xuống nghe hát, đích thân chủ khách điếm đến tận bàn mời rượu.

Chương ngồi lưng hướng vào góc bức vách, Lam Khuê ngồi bên tả, Vi Thọ Kỳ ngồi cách một ghế. Nhã Lâm bên hữu, kế đó là Lam Giang rồi đến hai Thân Vệ quân. Những người còn lại đứng thành hai hàng hai bên che chắn chăm chú nghe hát nam nữ hát dân ca. Chương nghe giai điệu có chút quen thuộc, anh hỏi Lam Khuê:

- Họ đang hát Quan họ phải không? Đó là bài Xe chỉ luồn kim.

Lam Khuê ngả đầu vào vai Chương thì thào:

- Họ đang hát đối, nam nhân gọi là liền anh, nữ nhân gọi là liền chị. Trong vùng này có khoảng năm mươi làng hay hát làn điệu dân ca này. Họ từng đến điện Hưng Quốc diễn một lần cho Hoàng hậu và phi nghe. Đận ấy nài nỉ mà anh đang bận nên anh không biết đó thôi.

- Mọi người thích nghe làn điệu dân ca này ư?

Lam Khuê khẽ gật. Chương ngoảnh sang bảo Nhã Lâm:

- Em nên mời những đoàn hát ở vùng này đến điện hát cho mọi người nghe. Điều này rất tốt, giúp thiên hạ biết thêm cái hay. À… nên nói với bên Bộ Văn hoá tổ chức cho họ hát cho bà con nghe. Siêu Loại có sân vận động lớn như vậy, mà đừng có thu tiền. Bà con đến nghe ai thích cho bao nhiêu thì cho. Có thêm tiền bạc mấy người đang hát kia mới thêm động lực.

Nhã Lâm vâng dạ.

Nghe thêm một lúc Chương lại khẳng định thứ anh đang nghe nhất định là Quan họ. Lam Khuê một mực khẳng định đó là hát đối chứ không phải Quan họ. Tranh luận một hồi Chương đành chịu thua vì anh thực chẳng rành rẽ làn điệu dân ca cho lắm.

- Anh không biết hát Quan họ nhưng… - Chương khịt mũi, nói với Lam Khuê. - Anh có thể viết tặng em một bài hát.

Lam Khuê ngổi thẳng lưng mắt sáng như sao sa, mặt hớn hở:

- Thật nhé?

- Để xem nào… ờ… nên đặt tên là “Làng Quan họ quê tôi”. - Chương vẫy Vi Thọ Kỳ. - Đưa giấy bút đây.

Thọ Kỳ lấy giấy, bút tre và nghiên mực đặt lên bàn, Chương chép một mạch bài bát “Làng Quan họ quê tôi” tặng cho Lam Khuê.

- Sông Cầu là ở đâu? Em chưa từng nghe.

- Lúc chiều anh chả nói với em đó thôi, có cây cầu bắc qua gọi nó là sông Cầu đi.

Lam Khuê liền gật đầu, vua muốn sao chẳng được. Kể từ đó sông Nguyệt Đức (Như Nguyệt) còn có tên gọi là sông Cầu hay mỹ danh “dòng sông Quan họ”. Lam Khuê lấy làm vui mừng lẩm nhẩm ngồi đọc.

- Nhã Lâm mấy tháng trời cực khổ, để ta viết luôn một bài tặng cho em.

Nhã Lâm vui mừng nhưng cố không lộ ra vì có Lam Khuê ngồi đó, chỉ cúi đầu tạ ơn.

- À… bài này có tên “Gửi về Quan họ”.



Chương hí hoáy “sáng tác” bài hát. Lam Khuê liếc mắt nhìn sang, nhăn mặt:

- Nhưng chữ Quan họ nghĩa là gì mà hai bài hát anh đều đề tựa như vậy?

Chương không ngẩng lên, đáp rằng:

- Đó là làn điệu dân ca sinh thời bà nội anh rất thích nghe. Anh không nhớ lần cuối cùng nghe làn điệu này là khi nào, hình như lúc thiếu niên.

Lam Khuê không hỏi thêm vì biết mỗi khi hỏi đến người thân như cha mẹ, anh em của Chương sẽ khiến Chương thừ người ra buồn bã.

Chép xong Chương đưa cho Nhã Lâm, cô nàng cúi gập người tạ ơn và nâng niu tờ giấy. Chương ngân nga giai điẹu bài hát “Làng Quan họ quê tôi” để Lam Khuê hát theo. Lam Khuê thuộc rất mau. Nhã Lâm cũng thuộc nên Chương ngân nga giai điệu để cô gái họ Triệu ghi nhớ. Nhã Lâm có giọng trời phú hát rất hay, bây giờ Chương mới nhận ra điều này. Lam Khuê tấm tắc khen, nàng nói:

- Lâm à! Chốc nữa em lên hát luôn đi, em hát rất hay!

Lời của Quý phi chính là mệnh lệnh. Chương không cản, anh động viên:

- Bà con rất đông, em cầm giấy lên hát góp vui cũng được. Giọng của em thánh thót, lảnh lót như vậy sẽ khiến người nghe rung động, xao xuyến đấy.

Nhã Lâm đứng nghiêm và nói:

- Vâng ạ!

Vi Thọ Kỳ và thuộc hạ tròn mắt, họ từng nghe Vạn Thắng vương viết bài hát dỗ dành Thần phi mau khỏi nhưng thực chưa tận mắt thấy Đại Vương của họ kiệt xuất như thế, cầm bút là thành bài thơ, bài hát mà chẳng cần suy nghĩ.

Đang vui, Chương vẫy mấy anh chàng Thân Vệ lại gần và nói:

- Để ta viết tặng các cậu một bài đặng lúc đi tán gái có cái mà dùng. Mấy cô nàng Thần Vũ quân là ưng thơ ca lắm.

Vi Thọ Kỳ liền sáng mắt:

- Dạ bẩm… xin ngài cho thuộc hạ một bài về nịnh vợ ạ.

Chương phá lên cười và nhận lời ngồi viết liền hai bài hát trữ tình. Anh không tự nhận là của anh nhưng thuộc hạ ai nấy đều bảo do anh viết ra nên tác giả chính là Vạn Thắng vương hoặc người họ Mạc tên Vương.

Liền anh liền chị hát đối trao duyên mãi đến đầu giờ Hợi mà bà con đứng chật ních ngoài phố trông vào lặng im nghe hát. Chương nhìn cảnh này lại nghĩ ra nhiều ý tưởng. Quả thật ngót chục năm trời ở đất Vạn Xuân, anh bận rộn mới mưu tính đại nghiệp, chăm lo bách tính và đánh trận mà quên mất người dân cũng cần có món ăn tinh thần. Chương chợt nhớ văn hoá truyền thống của một dân tộc vô cùng quan trọng mà thời của anh Nhà nước tuyên truyền, vận động mọi người nên gìn giữ. Cứ đánh g·iết mãi, kiến tiền mãi thì tâm hồn một người như anh sẽ dần trở nên khô khan.

- “Có lẽ mình nên làm một cây đàn ghi-ta trang bị cho ba quân hát hò những lúc nghỉ ngơi.”

Liền anh liền chị hát xong cúi chào quan khách, bà con lũ lượt ra về. Vi Thọ Kỳ ghé tai chủ khách điếm và ông ta rất sẵn lòng mời Triệu cô nương lên hát một bài theo lời đề nghị của Triệu đại nhân.

Quan khách nhiều người lục tục rời khỏi bàn lên phòng nghỉ hoặc những phú ông chuẩn bị trở về nhà hầu như đều sững lại giây lát khi trông thấy bóng dáng thướt tha, mảnh khảnh của cô gái có gương mặt mộc vô cùng diễm lệ bước đến khoảng trống có nhiều ánh đèn lồng. Họ nán lại thêm đôi chút vì muốn ngắm dung nhan của mỹ nhân.

Bài hát không phổ nhạc nhưng với giọng trời phú, Triệu Nhã Lâm lần đầu cất tiếng ca, gửi gắm chút tình yêu trong bài hát. Ánh mắt cô gái họ Triệu nhìn về khoảng tối mở ảo đằng xa, nơi cô biết người mình thương đang lắng nghe.



Ca từ da diết, lạ tai kéo bà con trở lại nhưng bài hát không dài và Nhã Lâm chỉ hát một lượt. Cô nàng mau chóng lẩn mình vào bóng tối trong những tràng pháo tay không ngớt. Chương đứng chờ Nhã Lâm quay lại, anh nói, giọng hơi xúc động:

- Em hát hay quá! Nếu có người đàn nữa thì thật tuyệt vời. Lại đây, lại đây!

Nhã Lâm đến gần, Chương cười:

- Trang điểm nhẹ một chút mà như tiên giáng trần.

Đoạn anh ngoảnh sang hỏi bọn Vi Thọ Kỳ:

- Thế nào? Nghe có ngây người không?

Vi Thọ Kỳ tặc lưỡi:

- Dạ, thật không chê vào đâu được ạ.

Chương lên cầu thang trở về phòng nghỉ, chủ khách điếm chạy theo, bọn Vi Thọ Kỳ ngăn lại dưới chân cầu thang. Chương khẽ lắc đầu, Vi Thọ Kỳ để cho chủ khách điếm bước lên, giọng xởi lởi:

- Thưa đại nhân, lão phu biết đại nhân chẳng thiếu ngân lượng nhưng…. Dạ… tiểu muội của ngài….

Nhã Lâm ngắt lời:

- Ta không phải tiểu muội!

Chủ khách điếm vội sửa lời:

- Thưa đại nhân, Triệu tiểu thư đây có giọng ca thiên phú, nghe như suối chảy róc rách, chim hót lảnh lót.

Chương nhoẻn miệng cười, anh hỏi:

- Vương đại nhân, ông muốn gì cứ thẳng thắn nói ra, đều là người làm ăn đâu cần xa gần.

Vương đại nhân xoa hai bàn tay vào với nhau, nói rằng:

- Nhiều quan khách muốn được nghe Triệu tiểu thư đây hát thêm vào tối mai và sẵn sàng chi trả thật hậu nên…

Nhã Lâm không bằng lòng, với nàng mà nói gì đứng ở đó hát ca không hay ho. Ca kĩ không được đánh giá cao nếu không nói là bị xem thường. Chương hiểu điều đó. Anh nói với Vương lão gia:

- Đại nhân để tôi hỏi nàng xem sao, chuyện này tôi không thể quyết ngay được.



- Vâng, vâng! Triệu đại nhân, xin ngài nghĩ giúp cho.

Nhã Lâm đan tay đứng ngoài cửa phòng, Chương bảo nàng vào.

- Có chuyện gì? Vừa nãy vui như vậy sao bây giờ phụng phịu thế này?

Lam Khuê liền thay lời:

- Ca kỹ mua vui cho nam nhân, em ấy không muốn cũng là phải rồi ạ.

Chương trừng mắt, Lam Khuê le lưỡi bước nhỏ thật thanh về giường trải chăn làm nệm.

- Đúng như Quý phi vừa nói hả?

Nhã Lâm lí nhí, khẽ gật đầu. Chương bảo nàng ngồi xuống ghế bên cạnh, nhẹ giọng:

- Ca sỹ là nghề chân chính, ta bận quá nên chưa để tâm. Em hát hay như vậy, người ta mến mộ muốn nghe cũng là chuyện bình thường, chưa kể tối nay em đẹp như tiên sa.

Nhã Lâm thưa rằng:

- Nhưng em chỉ muốn hát cho ngài nghe, sao có thể hát cho những kẻ phàm phu tục tử ngoài kia nghe được?

- Ta nhận ý tốt của em, ta rất vui. Nhưng em biết đấy, ta không phải kẻ ích kỉ. Sao ta có thể giữ riêng cho mình một con chim vành khuyên được. Vạn Xuân của chúng ta tự do, nghề nào cũng đáng được trân trọng. Nhất thời em và mọi người chưa thể tiếp nhận ca kỹ là một công việc nhưng với ta, ca sỹ, người chuyên hát ca là một công việc tuyệt vời.

Nhã Lâm mân mê tà áo, đầu hơi cúi:

- Nếu ngài muốn thì em sẽ làm mà.

Chương nhoài người với tay kéo Nhã Lâm lại gần, anh nói:

- Em là của ta, kẻ nào có ý tranh em với ta đồng nghĩa với c·ái c·hết. Ta chỉ muốn em hát cho bách tính nghe mà thôi. Lúc em cất tiếng ca, cả trăm ánh mắt đổ dồn, ta rất xúc động. Em cứ hát đi, ta sẽ tặng cho em thêm một bài khác, kể cả em muốn một bài chỉ hát riêng cho ta nghe cũng được.

Chương đứng dậy, nhéo mũi Nhã Lâm một cái, nói thêm:

- Nếu biết em hát hay đến vậy, ta đã bảo em hát cho ta nghe những lúc ta buồn phiền. Ta không cần ngân lượng, cái ta muốn là chút niềm vui nho nhỏ cho bách tính lam lũ mà thôi. Mai em ở lại đây hát liền mấy bài rồi về Vạn Xuân sau.

Không đợi Nhã Lâm kịp suy nghĩ, Chương nói với Lam Khuê:

- Em nghỉ sớm, để ta thuê thêm phòng dạy cho em ấy thêm mấy bài hát.

Lam Khuê nói tỉnh bơ:

- Dạy hát nhẹ nhàng thôi, ngày mai anh còn phải dậy sớm đấy.

Chương bước đến cạnh giường, hôn nhẹ lên trán Lam Khuê, buông màn cho nàng rồi trở ra ngoài bảo Vi Thọ Kỳ lấy thêm phòng. Và như thế, Vạn Thắng vương dạy cho Trưởng thị vệ học đánh vần và giai điệu vài bài hát mãi đến quá nửa đêm.

Nhã Lâm chẳng thể chối từ vì ngất ngây với những lời đường mật và nhịp yêu.

Chương quyết định ở lại Vọng Nguyệt lâu thêm một đêm. Anh tự cho phép bản thân được nghỉ ngơi sau mấy tháng ngược xuôi. Mà hình như tuổi trẻ của Chương đã trôi qua cùng lửa khói, chẳng có mấy ngày nhàn nhã.