Chương 533: “Quan họ quê tôi”
Vương lão gia mượn được bãi đất chuẩn bị xây chợ, thuê tráng niên làng Vọng Nguyệt dựng sân khấu theo yêu cầu của Chương. Sân khấu bằng tre gỗ cao 5 thước, dài 2 thước, rộng 1 thước. Vải đỏ được căng ra làm phông nền sân khấu. Vương lão gia mời một cụ nổi tiếng hay chữ trong làng Vọng Nguyệt đề cho mấy chữ “Quan họ quê tôi” làm chủ đề chương trình.
Quanh sân khấu giăng nhiều đèn lồng màu đỏ, điểm xuyết vài lồng đèn vàng, trắng, xanh. Tất cả ghế trong Vọng Nguyệt lâu được trưng dụng cùng hàng trăm băng ghế còn thơm mùi hăng của tre được xếp ngay hàng thẳng lối.
Chương không nhận bất cứ khoản phí nào, thậm chí còn bỏ ra 5 đĩnh bạc cho công tác chuẩn bị. Vương lão gia thấy Chương chịu chơi đúng kiểu công tử con quan lớn lắm tiền nhiều mỹ nhân nên cũng không bán vé. Thương nhân không kiếm tiền hôm nay thì còn ngày mai nhưng kết giao được với người có vai vế, địa vị chẳng bổ dọc cũng bổ ngang. Dẫu chẳng biết thân thế của Chương nhưng nhìn ba mỹ nhân hoa nhường nguyệt thẹn theo anh từng bước không rời, lại thêm mấy tay tráng niên lầm lì cả ngày chẳng hé một câu ngoài lắc với gật, ánh mắt nhìn ai cũng như dò xét thì một người từng trải như Vương lão gia đoán bảy, tám phần Chương là quý tử của ai đó trong quân Thiên Đức. Kết giao với người có thân thế như vậy, nghĩ mãi vẫn chưa biết thiệt ở chỗ nào.
Dựa vào quan hệ trước đó, Vương lão gia nhờ vả trung đội bộ binh đóng quân ngay gần đó giúp đảm bảo trật tự. Chỉ huy quân doanh đồng ý, đó cũng là nhiệm vụ của họ.
Trong khi Nhã Lâm tập hát cho thành thục, Chương ung dung ngồi thưởng trà ngoài ban công thả hồn theo mây gió cùng Lam Khuê. Quan Lam Giang đứng hầu thay vị trí của Nhã Lâm. Chương không lộ mặt vì Vi Thọ Kỳ báo cáo, chỉ huy trung đội bộ binh là người thôn Đường Vỹ. Một vài người khác trong quân doanh ở làng Long Ngô Động và Tam Vạn. Để những người ấy nhận ra Chương thì lắm rắc rối. Chương bảo Vi Thọ Kỳ đi chuẩn bị vài thứ và mời chỉ huy trong quân doanh quá bộ đến Vọng Nguyệt lâu vào cuối giờ chiều.
Vương lão gia tất tả chạy lên cầu thang, nụ cười cầu tài thường trực trên môi. Lam Khuê biết ý liền đứng lên quay vào phòng.
- Mọi sự hanh thông chứ Vương đại nhân?
- Triệu công tử! Tôi ngang dọc khắp nơi nhưng chưa gặp người trẻ nào tính toán, sắp đặt mọi sự kín kẽ như công tử. Lão xin bái phục, bái phục.
Chương rót nước, đẩy nhẹ chén trà mời khách.
- Đại nhân quá lời! Ta thấy ông buôn bán thực thà lại chăm chỉ nên muốn giúp một tay. Vọng Nguyệt lầu thực có thể trở thành một tụ điểm ca múa nhạc trong vùng đấy chứ.
Vương Lục, chủ khách điếm, nhấp một ngụm trà, quệt mồ hôi lấm tấm trên trán định nói gì đó nhưng vầng trán xuất hiện nếp nhăn, ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên nhìn tách trà vừa uống và thốt lên:
- Mao tiêm đô quân trà ư?
Chương khẽ cười không đáp lời.
- Hai mươi lạng bạc nửa cân, thứ trà này đâu phải có tiền là mua được chứ?
- Ta không biết rõ gốc, người ta cho thì uống vậy thôi.
Chương ngoảnh sang, Quan Lam Giang đứng sau, bước một bước cúi đầu. Chương nói:
- Chia cho Vương lão gia một nửa chỗ trà ta còn.
Vương Lục vội nói:
- Lão phu không dám nhận thứ quý giá như vậy, không dám!
Chương liền bảo:
- Người biết thưởng trà thì quý, người chẳng biết thì nào khác trà vụn? Trà này lúc ta ở bên Yên Lạc được một ông lão cho. Đại nhân đừng ngại.
Cầm hộp trà khảm trai, mồ hôi toát ra hai bên thái dương Vương Lục. Phải biết rằng Mao tiêm đô quân trà trước đây dùng trong triều đình Vân Nam đãi thượng khách. Uống một ngụm là mất vài chục đồng mà người trẻ này lại dễ dàng cho như vậy, sợ rằng thân thế nói ra khiến người yếu tim m·ất m·ạng.
- “Nghe nói Tả Đô đốc tiền triều có ba người con tuổi chưa ba mươi đứng đầu một quân. Người này tuổi chừng đó nhưng dáng dấp văn nhân nho nhã, không phải võ tướng. Đại nhân vật này nhất định phải kết giao, chỗ tốt tự nhiên sẽ đến.”
Nghĩ vậy Vương Lục xởi lởi:
- Triệu công tử cho quà quý thế này thực chẳng biết lấy gì đáp lễ. Lão có hai ái nữ tuổi vừa đôi chín đẹp như trăng rằm, chẳng hay… chẳng hay công tử đã có ý trung nhân hay chưa?
- Cảm tạ tấm lòng của đại nhân, với ta mà nói, mỹ nhân thì tốt nhưng tài năng cần hơn. Chẳng hay nhị vị tiểu thư nhà ta có tài năng gì?
Ánh mắt Vương Lục loé lên vẻ tự hào:
- Đứa lớn là Vương Ngữ Yên giỏi cầm kỳ thi hoạ vừa tròn mười tám. Đứa nhỏ là Vương Trinh Hà, mười sáu tuổi thành thạo côn quyền và học bốc thuốc. Có nhiều đám ngỏ ý nhưng lão chưa ưng. Con lão đẹp nên lão cũng phải chọn tế tử tương xứng chứ.
Chương gật đầu đồng tình, anh nói:
- Mừng cho đại nhân nhưng thú thực ta sợ mỹ nhân lắm rồi.
Vương Lục nhìn Quan Lam Giang đứng hầu, mặc dù cô nàng vận đồ kẻ hầu, tóc búi cao, mặt mộc nhưng rõ là mỹ nhân. Thấy Vương Lục có vẻ thắc mắc, Chương nói:
- Quan tiểu thư đây là thầy thuốc ta mời.
Vương Lục chớp mắt vài cái, cười tươi mà rằng:
- Hai ái nữ của lão đứa nào cũng đẹp, chẳng thua kém Quan tiểu thư đây.
Chương lảng sang chuyện sân khấu, anh nói:
- Hàng ghế đầu Vương đại nhân nên dành cho chức sắc trong làng, các cụ ông, cụ bà có uy tín trong làng và mấy phú ông. Chiến tranh mới qua vùng này chưa được bao lâu, đặt cái hòm tuỳ tâm ở đó, ai bỏ bao nhiêu thì bỏ. Tiền thu được đại nhân đem giúp trẻ mồ côi, người già neo đơn là hơn cả. Kinh doanh bản chất là thu lợi nhưng muốn kiếm lợi lâu dài nhất định phải tích phúc. Tiếng lành đồn xa, tiền bạc tự nhiên sẽ đến.
Vương Lục chắp tay và nói:
- Triệu công tử nói chí phải. Lão muốn nhân cơ hội này để người ta biết tiếng, mối mang từ đó mà ra.
Chương gật đầu, hỏi rằng:
- Ta thích ông thẳng thắn như vậy. Nghe nói khách điếm này có phần hùn của Vương đại lão gia Vương Hồng Vũ?
Vương Lục đáp:
- Vương đại lão gia là người cùng họ với lão bà góp bốn phần để mở khách điếm. Triệu công tử biết Vương đại lão gia ư?
Chương lắc đầu:
- Ta chỉ nghe kể vì ông ấy từng chi rất nhiều ngân lượng chỉ để đổi lấy một bữa ăn với Vạn Thắng vương.
Vương Lục chắp tay giơ cao như bái thiên, nói rằng:
- Nhờ cuộc gặp ấy mà họ Vương mới yên tâm dốc lòng ở xứ này. Vạn Thắng vương là người anh minh, nhân hậu, rộng lòng cho họ Vương nương nhờ. Vương đại lão gia có dặn lão, kiếm ăn ở xứ này cứ khôn khéo mà làm nhưng không được đụng đến việc quân cơ và… công tử thấy đấy. Vọng Nguyệt lâu thuê toàn người Vạn Xuân, chỉ cần không tham sẽ giàu. Vạn Thắng vương đã dạy như vậy.
Chương không nhớ đã nói gì với Vương Hồng Vũ nhưng đại ý là vậy. Anh tỏ ra ngạc nhiên:
- Vương đại nhân có thiện cảm với Vạn Thắng vương?
Vương Lục bộc bạch:
- Ngài ấy tạo điều kiện cho bách tính kiếm ăn, quân binh không sách nhiễu, người nào có sức, đầu óc nhanh nhạy cứ thế mà làm. Vương như vậy thì dân sẽ ấm no sớm thôi. Họ Vương nhà lão vong quốc, nơi này là quê hương thứ hai, nhất định phải ủng hộ ngài ấy. Con trai của lão là sĩ tốt của Cao Mộc Viễn tướng quân, nghe nói nó đang ở bên Sơn Tây.
Đàm đạo thêm một hồi Vương Lục cáo lui. Chương có thiện cảm với thương nhân này, ông ta đủ khôn khéo, đủ thật thà, không ngại ngần bày tỏ chính kiến, ý định riêng và khi thấy cơ hội là nhào vào làm. Người như vậy hiếm khi mất lòng ai và thành công chẳng khó.
Hai ái nữ họ Vương đem bữa trưa đặt lên bàn, xin lui. Trước khi khép cánh cửa, hai cô gái tranh thủ nhìn trộm Chương, anh biết điều ấy song chẳng để tâm.
Quan Lam Giang kiểm tra thức ăn một lượt, cùng ngồi ăn nhưng tay chân lóng ngóng khiến Lam Khuê phải nhắc mấy lần. Có Quan Lam Giang thử độc, Lam Khuê đỡ tốn thời gian chuẩn bị bữa cơm.
Vi Thọ Kỳ dùng thân phận Thân Vệ quân mời Trung đội trưởng đến Vọng Nguyệt lâu. Chương ngồi đợi sẵn. Trung đội trưởng người Đường Vỹ, tuổi vừa đôi mươi, thoáng nhìn thấy Chương vội chạy đến, nghiêm chào theo quân lệnh. Vi Thọ Kỳ kịp đứng chăn ngang khẽ nhắc.
Sau mấy năm quân Thiên Đức phát triển mạnh lực lượng, hầu hết các chàng trai ở Đường Vỹ, Long Ngô Động, Môn hay ba làng Vạn đều tòng quân, coi nghiệp nhà binh là mục tiêu phấn đấu.
Chương hài lòng nhìn chàng trai trẻ, làn da rám nắng, thân hình rắn chắc đang đứng trước mặt. Đây là thế hệ sĩ quan đầu tiên lớn lên với khao khát cống hiến cho Thiên Đức quân, trưởng thành qua trường lớp, trăm phần trăm biết chữ Vạn Xuân. Dù Chương chưa có bất kì chỉ thị nào liên quan đến việc bồi dưỡng, cất nhắc những chàng trai có gốc gác ở vùng đất nhỏ phát tích Mạc quân, song anh không lấy làm lạ khi các chàng trai ở những làng ấy được để ý hơn bởi lòng trung thành với đại nghiệp của Vạn Thắng vương.
Tráng niên phủ Thiên Đức nói chung đủ 18 tuổi vào q·uân đ·ội, sau 3 tháng tân binh, người được bố trí về quân địa phương, người sang lực lượng công an hoặc làm đơn xin theo học Trường Chính trị Quân sự Vạn Xuân. Tốt nghiệp sau nửa năm, họ sẽ là Tiểu đội trưởng. Sau nửa năm công tác, có thực tiễn, nếu muốn phấn đấu tiếp, những chàng trai ấy theo học thêm 3 tháng để trở thành Trung đội phó quân chủ lực hoặc Trung đội trưởng quân địa phương. Nhờ việc học kết hợp thực tiễn, lớp sĩ quan, hạ sĩ quan trẻ có khả năng lý luận tốt, không hành động theo cảm xúc, mỗi quyết định đưa ra đều cân nhắc nặng nhẹ, được mất.
Chương rót nước mời chàng Trung đội trưởng, xoá tan bầu không khí có phần thiếu tự nhiên bằng một câu hỏi:
- Sao nào? Cậu con cái nhà ai? Các cụ ở nhà vẫn khoẻ chứ hả?
- Thưa ngài! Tôi mới về thăm nhà tháng trước, cha mẹ tôi vẫn khoẻ, bà Cả Ngư cũng khoẻ ạ!
- Công tác thế nào? Có gì khó khăn cần đề đạt không?
- Dạ thưa không ạ! Mọi thứ đều tốt, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
- Vùng này đã có lực lượng công an chưa nhỉ?
- Dạ thưa ngài, bên Phòng Công an huyện Vũ Ninh cử sang đây một số đồng chí, mỗi làng đều đó một đồng chí công an phụ trách. Các đồng chí ấy cùng ăn cùng ở với chúng tôi. Theo chỉ thị của ngài, chúng tôi bàn giao lực lượng dân binh các thôn xóm cho bên công an phụ trách. Một khi các đồng chí ấy cần sự hỗ trợ, chúng tôi sẽ không quản khó khăn vì đây là việc chung.
Người hỏi người đáp như vậy một hồi, Chương mới căn dặn đề cao cảnh giác và buổi tối và sau này giúp đỡ, tạo điều kiện thêm cho Vọng Nguyệt lâu trong những việc làng, việc xóm nhưng cũng không quên cảnh giác, đề phòng gian tế trà trộn.
Vương Lục trông thấy chỉ huy doanh trại từ trên cầu thang sánh bước với Vi Thọ Kỳ thì giật mình. Nhìn cung cách hai người bắt tay từ biệt có thể thấy quan hệ không tầm thường, liền nghĩ:
- “Chỉ huy phải lên tận nơi gặp, lại thân mật với thuộc hạ như vậy, ắt Triệu công tử này là tướng quân hoặc đại loại như vậy. Nhất định phải tìm cách kéo gần mối quan hệ này mới được.”
Buổi biểu diễn bắt đầu vào giữa giờ Dậu vì cuối thu trời tối sớm hơn. Liền anh liền chị hát đối giao duyên trong ánh sáng lung linh, đàn ca sáo nhị đủ cả, không khí vô vùng náo nhiệt. Bà con trong làng Vọng Nguyệt chẳng thiếu ai, nam thanh nữ tú trong những làng lân cận kéo đến xem rất đông. Chương đứng trên lầu quan sát, dễ đến hơn nghìn người.
Chương nói với Lam Khuê:
- Tổ chức đại nhạc hội thật tốt, gấp quá nên thiếu khoản hàng quán bán đồ ăn vặt. Những dịp như này là cơ hội cho trai gái nên duyên, tổ chức sau vụ gặt và dịp đầu năm vô cùng thích hợp.
Lam Khuê khen:
- Chị Uyển Như nói đúng, nếu anh không làm vương một cõi mà theo nghiệp buôn bán ắt sẽ trở thành đại thương nhân vang danh khắp chốn. Hình như anh nhìn đâu cũng thấy tiền thấy bạc.
- Thôi, em dặn anh em chuẩn bị sẵn, xong là ta đi luôn.
Triệu Nhã Lâm đầu đội khăn vuông, yếm lụa màu đỏ sẫm, váy lụa dài màu vàng nhạt buông trùng đến mu bàn chân, áo cánh màu xanh nhạt khoác bên ngoài. Dây lưng bằng lụa sồi quấn hai vong quanh eo, dư một đoạn thắt nút giọt lệ, buông rủ dải thắt lưng xuống phía trước vận y phục go cất giọng ca thiên phú dưới ánh trăng trong vành vạnh, những cơn gió nhẹ thổi mơn man đưa tiếng ca trong trẻo, lảnh lót lẫn vào thinh không.
Sắc đẹp, váy áo đẹp kết hợp với giọng ca thiên phú của Triệu Nhã Lâm khiến thính giả say sưa, đám trẻ đang nô đùa cũng dừng cuộc vui len lỏi dưới chân người lớn để xem cho kì được. Triệu Nhã Lâm lần lượt hát các bài “Gửi về Quan họ” “Làng Quan họ quê tôi” “Ngồi tựa mạn thuyền” “Cây trúc xinh” và “Cò lả” hút hồn cả nghìn người.
Tất cả các bài hát đều không có nhạc nhưng ca từ mộc mạc, dễ gần, dễ thuộc. Khán giả đề nghị Triệu Nhã Lâm hát lại mỗi bài thêm một lượt và cô vui lòng làm theo.
Phần biểu diễn kết thúc, quân sĩ hộ tống Triệu Nhã Lâm rời vào doanh trại. Nhã Lâm thay xiêm y, mau chóng theo Chương xuống Bến Vọng. Dưới bến có ba con thuyền chờ sẵn đưa tất cả sang sông.
Vương Lục hớn hở trở về Vọng Nguyệt lâu khi trống vừa điểm canh Ba mới biết bọn Chương đã rời đi. Ông ta sấp ngửa chạy đến quân doanh tìm gặp nhưng binh sĩ canh cổng cho biết Trung đội trưởng đã hộ tống Triệu Nhã Lâm qua huyện Vũ Ninh từ đầu canh Hai. Vương Lục ngẩn ngơ trở về khách điếm, cả đêm thức trắng vì tiếc rẻ, vuột mất cơ hội kết thân, làm giàu.
Vương Lục không phải buồn lâu.
Nửa buổi ngày hôm sau, Trung đội trưởng đến gặp và bảo:
- Vạn Thắng vương có lời khen ông dốc lòng vì việc chung, mong ông tiếp tục phát huy, tổ chức thêm nhiều buổi giao lưu văn hoá giữa các làng, các xã trong vùng. Bộ Văn hoá sẽ cử người đến hướng dẫn ông trong nay mai.
Vương Lục ngẩn người nghe, nhất thời chưa hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Chẳng lẽ việc tổ chức múa hát đã kinh động đến Vạn Thắng vương?
- Đại Vương ban tặng cho ông Tinh hoa ngũ hành thiết, thứ này chỉ dùng một lần, không dùng cứu mạng hay trốn tội.
Vương Lục nhận lấy miếng thép có những kí tự lạ, mặt nhăn như khỉ ăn ớt rồi chợt nhớ ra Vương Hồng Vũ từng cho xem vật tương tự như thế này.
- Quan nhân! Chẳng lẽ việc tối qua kinh động tận Vạn Xuân? Lão phu làm tốt nên được ban thưởng phải không?
Trung đội trưởng bật cười:
- Vạn Xuân ở xa, tin tức đưa đến có nhanh đến mấy thì Đại Vương cũng chưa thể biết. Ông tài trí hơn người chẳng lẽ hồ đồ như vậy? Còn không nghĩ ra ư?
Vương Lục bóp trán một hồi mới hỏi:
- Triệu tiểu thư đó là ai, thưa quan nhân?
- Quan Chánh thị vệ Triệu Nhã Lâm, theo cách ông hiểu.
Vương Lục đánh rơi miếng thép, luống cuống cúi xuống nhặt lên, mặt biến sắc:
- Quan Chánh thị vệ phải luôn hầu cận bên Đại Vương! Vậy… vậy… đại mỹ nhân họ Trịnh kia là…
- Trịnh Quý phi!
Vương Lục bủn rủn chân tay thả mình ngồi phịch xuống ghế, mồ hôi vã ra như tắm, miệng lẩm bẩm:
- Toi rồi, toi rồi! Vạ đến thân rồi! Ta có làm gì mạo phạm không nhỉ? Có nói bậy gì không nhỉ? Sao Đại Vương lại ở Vọng Nguyệt lâu chứ?
Dứt lời, như sực nhớ điều gì, Vương Lục hớt hải chạy lên tầng, mở cửa căn phòng Chương đã nghỉ, lẩm bẩm một mình, ai cũng nghe thấy:
- Mạc vương và Trịnh Quý phi đã ở đây! Đại Vương đã nghỉ ở phòng này, phát tài rồi, phát tài rồi! Bay đâu!
Gia nhân chạy đến, Vương Lục nói lớn:
- Từ bây giờ căn phòng ngày không được nhận khách, Vạn Thắng vương và Trịnh Quý phi đã nghỉ hai đêm ở đây, mau loan tin này! Mỹ nhân hát tối hôm qua chính là Quan Chánh thị vệ!
Vọng Nguyệt lâu nhốn nháo, người nọ í ới gọi người kia, chỉ một loáng sau cả làng Vọng Nguyệt đã hay tin, kéo nhau đến trước khách điếm hỏi chuyện. Vương Lục mặt đỏ như gà chọi, phân khích nói oang oang, văng cả nước bọt vào người nghe. Ông ta giơ hộp đựng trà khảm trai khoe Vạn Thắng vương ban tặng với những mỹ từ mà nếu Chương nghe được có khi cũng đỏ mặt vì ngượng.
Cơn phấn khích qua đi, mấy ngày sau Vương Lục xẻ thịt một con bò, hai con lợn thết đãi binh sĩ trong quân doanh cảm tạ. Vương Lục đủ khôn ngoan để hỏi cặn kẽ về cách dùng Tinh hoa ngũ hành thiết. Và sau đó, Vương Lục dùng tín vật tiến cử hai cô con gái vào điện Hưng Quốc. Văn phòng Vạn Thắng vương bố trí Vương Trinh Hà theo học quân y, tốt nghiệp sẽ bố trí vào Thần Vũ quân. Vương Ngữ Yên đủ cầm kỳ thi hoạ nên giữ lại làm việc trong điện, giúp việc cho Thần phi.