Chương 531: Vọng Nguyệt lâu
Về gần đến sông Như Nguyệt thì trời ngả bóng về chiều. Chương cùng đoàn tuỳ tùng gần hai mươi người nghỉ chân ở làng Vọng Nguyệt, một thôn làng nằm trên bãi bồi ven sông trồng rất nhiều Dâu, làng có nghề dệt vải truyền thống. Làng Vọng Nguyệt có Bến Vọng, thuyền bè thường neo đậu. Kể từ thời điểm Thiên Đức kiểm soát thì Bến Vọng tấp nập hơn bởi ngoài thương thuyền nhỏ còn có thuyền chở lương thảo, khí giới, binh sĩ từ huyện Vũ Ninh sang.
Qua sông thì phải luỵ đò, mỗi lần gặp những con sông dài và rộng cản lối, Chương lại ao ước làm cầu. Có cây cầu thì giao thương hai bờ sẽ phát triển hơn vài lần, đó là điều một thanh niên hiện đại ai ai cũng biết.
Đứng trên gò đất cao phóng tầm mắt nhìn bãi dâu xanh mướt bên dòng sông hiền hoà, trông những con đò nhỏ chậm rãi khua nước sang sông mà lòng Chương xốn xang đến lạ. Càng vào đến gần vùng lõi Thiên Đức càng thấy rõ cuộc sống thanh bình và dân cư có phần đông đúc hơn. Thả hồn theo mây gió một hồi, Chương nói với Lam Khuê:
- Anh muốn làm một cây cầu thật lớn bắc qua sông.
- Ở sông Thiên Đức anh đã làm một cái rồi đó thôi.
Chương nói:
- Chúng ta có xi măng, bê tông, sắt và thép. Chất lượng tuy chưa tốt nhưng làm một cây cầu chắc không phải vấn đề. Sông rộng thì tìm chỗ hẹp, nắn dòng chảy làm trụ. Cầu kiên cố em ạ.
Lam Khuê không thể hiểu rõ ý định của Chương, nàng bảo:
- Anh muốn sẽ làm được.
Chương khẽ gật. Ngoảnh thấy Lam Khuê đặt tay lên xoa bụng, anh cười:
- Còn những hơn nửa năm nữa, vậy việc giá·m s·át làm cầu ở sông này giao cho em nhé?
Lam Khuê bĩu môi nói rằng:
- Bụng mang dạ chửa mà anh cũng không tha cho người ta nghỉ.
Chương nịnh:
- Có em đảo qua đảo lại thì mọi việc mới nhanh được, anh cần danh tiếng của em. Việc làm cầu anh sẽ bàn định với mọi người, thống nhất sẽ giao lại cho em. Bụng mang dạ chửa thế này không thể theo anh rong ruổi được. Lần tới xuất chinh anh sẽ đưa con gái theo.
Lam Khuê lắc đầu ngán ngẩm:
- Hết ông ngoại rồi đến anh, con gái chúng mình lớn lên yểu điệu thục nữ chẳng tốt hơn ư? Sao anh mặc nhiên muốn nó cầm roi đi quyền như thế?
Chương nói tỉnh bơ:
- Giang sơn này rồi của đám trẻ, dựng lên khó bao nhiêu thì giữ còn khó gấp vạn lần. Con mình không đủ tài đức trấn thiên hạ thì vững sao được hả em?
- Việc đại sự ấy nên phó thác cho Thiên An, nó là trưởng tử cơ mà.
Chương búng tay một cái, giọng đầy tự tin:
- Con họ Mạc dù trai hay gái đều phải hơn người. Thiên An sẽ có việc của Thiên An, Thiên Kim có việc của Thiên Kim. Em thấy thấy, Thiên Bình định hướng Yên Bình trở thành nữ tử hay chữ như Duệ trong khi Mai Lan kiểu gì cũng theo nghiệp buôn bán. Thiên Kim là trưởng nữ, chị lớn trong nhà phải gánh vách chứ. Con gái anh mà đủ tài thống lĩnh ba quân thì em có chịu không nào?
Lam Khuê thở dài ngao ngán:
- Sẽ chỉ có ông ngoại thích thôi, em thì không.
Chương dắt Lam Khuê tản bộ trở vào làng Vọng Nguyệt. Chương bảo:
- Anh hàng ngày vùi đầu vào công việc, chuyến này đi nhoáng một cái 5 tháng trời. Con gái lớn của chúng mình mới hơn 5 tuổi, tuổi này rất cần ở gần cha mẹ em à. Anh không muốn các con sợ anh, chúng phải yêu anh mới được. Muốn như vậy, con gái nhất định phải ở gần anh nhiều hơn.
- Con của anh, giang sơn của anh, anh muốn gì chẳng được. Có điều con gái cũng phải thuỳ mị nết na chứ đừng như hổ vồ, ai mà dám lấy?
Chương tặc lưỡi:
- Con gái lớn lên đẹp như em thì có là hổ vồ cũng đầy đứa xin lấy cho kì được, em cứ lo chuyện đâu đâu.
- Nhưng em muốn người ta lấy nó không phải vì nó là con anh đâu.
- Được rồi, được rồi!
Ngoài cổng làng Vọng Nguyệt, trên đường xuống Bến Vọng có một khách điếm lớn của thương nhân Hoa quốc mới dựng ít lâu. Khách thương hay quan quân qua lối này đều chọn nghỉ chân tại khách điếm. Khách điếm là bốn dãy nhà xếp thành hình vuông, ở dưới là tửu điếm, tầng trên là nơi nghỉ của khách với 28 phòng các loại.
Chương thầm thán phục Hán tộc ở khoản kiếm tiền vì họ biết nắm bắt thời cơ, chọn địa điểm thích hợp và biết điều. Ngay từ lúc con đường xuống Bến Vọng được mở rộng, chủ khách điếm vốn là thương nhân buôn bán trong các vùng thuộc Thiên Đức đã bán hết thuyền bè, dồn vốn liếng lên bờ mua đất dựng Vọng Nguyệt lâu. Địa điểm khách điếm toạ lạc chỉ cách quân doanh dã chiến chưa đầy một dặm. Từ dưới Bến Vọng đi lên, qua quân doanh, đến khách điếm rồi mới tới cổng làng Vọng Nguyệt.
Quân doanh dã chiến ban đầu chỉ có một trung đội bộ binh đóng quân nhằm kiểm soát và đảm bảo an ninh trong khu vực. Quan quân mỗi lần đến kiểm tra làm đường hoặc thương nhân cung cấp nguyên vật liệu như cát, đá, sỏi… đều nghỉ trong quân doanh hoặc ở dưới thuyền đến mấy ngày. Từ lúc Chương xuất chinh đánh Phan Văn Hầu thì khu vực này cũng đông người qua lại hơn. Quân doanh dã chiến biến thành doanh trại với gần hai chục nóc nhà tranh đủ cho một tiểu đoàn ở.
Thương nhân mạn ngược muốn xuống phủ Thiên Đức tìm cơ hội làm ăn, quan quân về Vạn Xuân cũng nhiều người qua lối này. Chưa kể thành Bát Vạn ở huyện Vũ Ninh chỉ cách nửa ngày đường. Thế nên Vọng Nguyệt lâu chẳng mấy khi vắng người nghỉ trọ.
Còn vì sao Chương nói thương nhân gốc Hoa quốc biết điều ư?
Chủ khách điếm tuyển cả thảy gần hai mươi nam, nữ làng Vọng Nguyệt làm tiểu nhị trong tửu quán và đàn bà lớn tuổi quét tước dọn dẹp khách điếm theo đúng chủ trương của Vạn Thắng vương là phải dùng lao động bản địa. Bên cạnh đó, chủ khách điếm đều tiên phong đóng góp các việc làng việc xã. Binh sĩ Thiên Đức trồng cây hai bên đường từ dưới bến đến cổng quân doanh thì chủ khách điếm thuê dân làng Vọng Nguyệt trồng cây từ quân doanh qua cổng làng và tự bỏ tiền túi làm vỉa hè bằng gạch.
Chủ khách điếm làm thêm chuồng ngựa để không ảnh hưởng đến mỹ quan. Nhờ vậy chỉ vài tháng ngắn ngủi, bên cạnh khách điếm có thêm cửa hàng bán lâm sản vùng thượng du và mấy cửa hàng khác. Cửa hàng Bách hoá tổng hợp bán trăm thứ hàng hoá thuộc sở hữu của Ty Thương nghiệp cũng dựng biển gần đối diện khách điếm. Bên cạnh cửa hàng bách hoá là điểm thu mua nông sản địa phương, than củi và bán phân bón của Tổng Công ty Vạn Xuân.
Một ngôi chợ nhỏ có tên Vọng Nguyệt đang thành hình trên bãi đất trống ven đường, chợ do chính quyền địa phương mở. Gần đó là ngôi trường mái ngói năm gian đỏ tươi nằm đối diện cổng làng Vọng Nguyệt.
Chủ khách điếm cũng nhận cung cấp thông tin thương mại trong vùng hoàn toàn miễn phí nhưng thừa khôn ngoan để biết, chỉ cần tập trung kiếm tiền chẳng ai làm khó, tránh tuyệt đối các vấn đề liên quan đến quân tình. Nhiều người đã mách rằng, nếu cung cấp tin tức quân sự thì khách điếm chỉ sau một đêm sẽ đổi chủ. Trong những khách thương qua lại, chẳng thể biết ai là quân tế tác Thiên Đức.
Chương ở cùng Lam Khuê trong phòng lớn trên lầu trông ra đường cái, anh rất hài lòng khi nghe Vi Thọ Kỳ báo cáo rành rẽ tình hình địa phương sau bữa tối.
- Nói vậy Vọng Nguyệt lâu có phần hùn của ông Vương Hồng Vũ, ông ta không phải thương nhân tầm thường, nói không chừng kinh bang tế thế. - Chương nói. - Ông ta hiểu lý lẽ, bảo ban kẻ dưới chừng mực thì gia sản nhà họ Vương tự nhiên sẽ phình ra.
Triệu Nhã Lâm bèn thưa:
- Ông ấy không có chỗ dựa như Lâm lão gia và… và Triệu huynh nên rất khôn khéo ạ.
Chương cho là phải bèn hỏi Nhã Lâm:
- Con út của ông ấy, Vương Trường Giang phải không? Cậu ta đang theo Ái phi?
- Thưa vâng!
Chương ngả lưng, nhịp những ngón tay lên mặt bàn, vẻ trầm ngâm. Anh đến bên cửa sổ nhìn những ngọn đèn lồng treo hai bên đường. Kinh tế tư nhân ở Thiên Đức vẫn do thương nhân gốc gác phương Bắc nắm giữ phần nhiều. Giả như nay mai có biến loạn, kinh tế mà bị đụng đến sẽ rất mệt mỏi.
- Lưu ý giúp ta, sắp tới ở mỗi huyện phải xây nhà khách trực thuộc q·uân đ·ội, giao chính quyền địa phương quản lý. Chúng ta không cạnh tranh với thương nhân nhưng cũng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào bọn họ được.
Nhã Lâm hí hoáy ghi chép, luôn miệng vâng dạ. Chương gọi Quan Lam Giang ở phòng bên cạnh sang hỏi chuyện bốc thuốc chữa bệnh. Chương muốn trong tương lai gần nâng cấp hệ thống trạm xá và tiến tới xây dựng mỗi huyện một bệnh viện khám chữa bệnh cho dân với giá thành thấp. Để làm được điều ấy cần nhất vẫn là nhân lực chất lượng cao mà số thầy lang đào tạo từ trong mấy năm qua thực chưa thể đáp ứng số lượng.
- Thành lập thêm cơ sở đào tạo thầy lang ở các vùng Sơn Tây, Vĩnh Yên. - Chương nhấn mạnh để Nhã Lâm chép lại. - Trưng dụng thầy lang trong làng, xã tại các nơi ấy làm việc tại trạm xá địa phương. Lương bổng theo chế độ bên Bộ Y tế. Thầy lang có thể nhận học trò tại trạm xá, mỗi học trò học hành nghiêm túc trả thêm lương và phụ cấp là vải vóc, lương thực cho thầy. Những học trò có tố chất thì đưa về học tập trung tại trường, miễn phí toàn bộ ăn ở.
Quan Lam Giang đứng nghe có phần ngạc nhiên. Ngót ba tháng trời theo hầu vị vương một cõi, thực cô gái họ Quan đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Vị vương họ Mạc đủ tốt bụng, nhân từ nhưng thừa kiên quyết và… tốt nhất đừng vuốt râu hùm. Nữ binh vẫn hay nói với Quan Lam Giang, Vạn Thắng vương không chấp trách các việc sai, chỉ cần cố gắng hơn trong lần tiếp theo là được. Sai cứ tự nhận lỗi, tự phê bình bởi có như thế mới hiểu bản thân mà thay đổi. Nhìn chung, ba quân Thiên Đức xuất phát điểm là nông dân chân chất, đề cao lòng trung thành với người có ơn nên việc tự kiểm điểm chẳng có gì khó khăn.
Có tiếng đàn nhạc vọng lên khiến Chương chú ý, anh nhìn ra cửa, Vi Thọ Kỳ hiểu ý liền ra xem tình hình.
- Dạ, dưới tửu điếm có đàn hát vì hôm nay ngày rằm ạ.
Chương ngạc nhiên hỏi lại:
- Đàn hát?
- Phường hát do chủ khách điếm mướn một tháng đôi lần, bà con trong làng Vọng Nguyệt đứng xem bên ngoài rất đông. Quan khách đặt bàn kín cả ạ.
- Ồ! - Chương gật gù. - Xem ra ông chủ này đầu óc khá đấy. Ta thực chẳng nhớ lần cuối cùng nghêu ngao hát là khi nào. Ngẫm thấy thấy cuộc sống bản thân thật tẻ nhạt quá.
Lam Khuê hé cửa lắng tai nghe một câu ngân nga, ngoảnh hỏi Thọ Kỳ:
- Dưới ấy đông như vậy liệu còn chỗ cho chúng ta?
Vi Thọ Kỳ liền thưa rằng:
- Bẩm Quý phi, phòng này là phòng đắt nhất trong khách điếm nên có bàn dành riêng, người không ngồi thì vẫn trống ạ.
Lam Khuê bước nhanh đến bên Chương thủ thỉ:
- Vậy anh xuống uống trà và nghe đàn hát cũng tốt lắm.
Chương hỏi Thọ Kỳ:
- Bàn có mấy chỗ?
- Thưa, bàn tròn lớn ở riêng một góc, đủ cho mười người ngồi ạ.
- Nói với mọi người đường xa đã mệt, tranh thủ làm mát tâm hồn một chút. Thân phận của ta ở đây chắc không đáng ngại, thư giãn đầu óc cho tỉnh táo đi.
Vi Thọ Kỳ liền xuống dưới chuẩn bị. Lam Khuê thay váy áo xúng xính còn Chương vẫn vận áo viên lĩnh cổ tròn bằng lụa màu lông chuột, thắt lưng dải gút, ống tay áo dài quá cổ tay. Chương dắt Lam Khuê nét mặt rạng rỡ ra khỏi phòng. Nhã Lâm và Lam Giang theo sau, Lam Giang khẽ hỏi:
- Chị Lâm, chẳng lẽ vương thượng không thường tổ chức yến tiệc ở phủ ư?
Nhã Lâm khẽ đáp:
- Ngài bận quên ngày tháng và cũng không thích tiệc tùng nhưng không cấm. Theo hầu ngài, em nhớ để ý. Đại Vương vì nước thì bọn ta vì ngài.
- Vương thượng ân sủng chị, cơ mà trước mặt mọi người vẫn cư xử như vua tôi, em vẫn chưa quen cung cách là mấy.
- Chị không phải thê th·iếp, được Đại Vương sủng hạnh là quá đủ, không được quá phận. Đại Vương đối tốt với tất cả mọi người, tuyệt không bạc đãi nên không cần bận tâm.
Nhã Lâm kề cận bên Chương, lo hàng tá việc cơ mật. Chương yêu chiều như nào mình nàng biết là đủ. Quan Lam Giang lo chăm sóc sức khoẻ, bồi bổ cho Chương nên hay hỏi Nhã Lâm, hai cô gái cũng thường ngủ chung giường nên tính là thân.