Chương 520: Chùa Thầy
Thiền sư Từ Minh Giác cho biết, Thích Tâm Phúc tên huý là Phan Đẩu, quê gốc làng Bồ Lý, xuất gia tu hành lúc tuổi chưa đến đôi mươi. Chừng hai mươi năm trước, Thích Tâm Phúc tu ở chùa Mít, một ngôi chùa nhỏ. Thiền sư Minh Giác quen trụ trì chùa đó, mười năm trước, trụ trì viết thư gửi gắm Thích Tâm Phúc đến Bạch Vân am vì Thích Tâm Phúc muốn học hỏi cách bào chế thảo dược và chuyên tâm học Phật pháp. Thích Tâm Phúc có tố chất và theo học võ thuật từ nhỏ. Trong thời gian tu ở Bạch Vân am, Thiền sư Minh Giác đã truyền thụ Thiết quyền cho Thích Tâm Phúc. Minh Giác Thiền sư đã có ý định giao lại Bạch Vân am cho Thích Tâm Phúc khi ông viên tịch vì nhận thấy học trò văn võ song toàn, lại có lòng từ bi.
Sáng sớm hôm nay, vì biết Vạn Thắng vương sẽ lên Bạch Vân am gặp Minh Giác Thiền sư nên Thích Tâm Phúc triệu tập mọi người ở chính điện bàn bạc đón tiếp Vạn Thắng vương sao cho trọng thị. Minh Giác Thiền sư có mặt và trúng mê hồn hương cùng những người khác. Phòng người ngoài ai ngừa được k·ẻ g·ian trong nhà, bởi vậy Minh Giác Thiền sư cùng những đệ tử thân tín mê man b·ất t·ỉnh, mở mắt ra đầu óc hãy còn váng vất, chẳng biết đang ở đâu và vì sao bị giam cầm.
Minh Giác Thiền sư vô cùng ngạc nhiên khi biết Thích Tâm Phúc m·ất m·ạng bởi một đòn duy nhất của Vạn Thắng vương sau khi đánh bại mấy chiến tướng Thiên Đức.
- Mô Phật! Lão nạp từng nghe nói vương thượng xông pha giữa trận tiền, một mình ngài địch đến mấy trăm người mặt không biến sắc. Vương thượng thứ lỗi cho bần tăng hồ nghi ngài nhưng đã ở tuổi thấp thập cổ lai hy, lão nạp chưa từng chứng kiến một người có thể làm được điều ấy. Thích Tâm Phúc đã luyện thành Thiết quyền, thân thể chắc như đá núi, đao kiếm chém chẳng hề hấn gì vậy mà chỉ trúng một chiêu của vương thượng đã tắc tử. Vương thượng sức địch muôn người, quyền thuật cao siêu, tài trí vượt thiên hạ, lão nạp xin bái phục.
Chương cười gượng, định lảng sang chuyện khác, Minh Giác Thiền sư lại hỏi:
- Vương thượng còn trẻ mà quyền thuật vi diệu đến vậy, chẳng hay ngài thụ giáo vị cao nhân nào.
Phạm Ngũ Lão bèn đáp thay gỡ cho Chương:
- Đại Vương sở hữu Thiết chỉ thuật nhưng chỉ dùng được lúc tính mạng nguy khốn và dùng xong phải tĩnh dưỡng dài ngày. Thiền sư thấy đấy, Đại Vương bây giờ nào khác văn nhân là bao, đôi bàn tay của ngài ấy… Thiền sư xem đi, chẳng có biểu hiện con nhà võ hoặc người từng học võ.
Chương chìa hai bàn tay với những ngón thon dài hầu như chẳng có vết chai sần cho Minh Giác Thiền sư nhìn.
Lam Khuê ngồi cạnh bên Chương nãy giờ cố nhịn cười, bây giờ mới lên tiếng:
- Đại Vương là Thiên tử, là con của Phật. Bách tính Thiên Đức vẫn hay nói Đại Vương là con của Bụt, Thiền sư hẳn có nghe chứ ạ?
- Mô Phật! Lão nạp cũng có nghe.
Lam Khuê lại nói:
- Để tìm được Thiền sư trong mật thất, Đại Vương đã thỉnh cầu đức Phật mách cho ngài. Điều này bao nhiêu người đều tận mắt trông thấy. Đại Vương vừa thắp hương lễ bái xong thì phát hiện ra mật thất khiến ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên lắm ạ.
- A di đà Phật! Đức Phật hiển linh, vương thượng là người nhân đức nên đức Phật phù hộ.
Minh Giác Thiền sư bị cuốn theo mấy câu chuyện của Lam Khuê vì nàng kể những sự lạ liên quan đến Chương mà dân vùng Thiên Đức ai ai cũng biết hoặc tận mắt nhìn thấy. Vì thế Thiền sư quên luôn chuyện võ thuật của Chương, dẫu sao chất vấn một vị vương về võ thuật cũng không phải điều nên làm.
Chương ngồi đàm đạo cùng Minh Giác Thiền sư mãi cho đến quá nửa đêm. Khuông Vạn Thái sư hay Sùng Phạm Thiền sư là những nhân vật có uy tín trong Phật giáo, hết lòng ủng hộ Chương từ những ngày đầu dựng cờ. Thứ nữa, Chương lại sắp đặt mọi sự xảy ra ở Bạch Vân am vô cùng khéo léo nên Minh Giác Thiền sư cũng vì vậy là cảm mến anh có tầm nhìn xa muôn trượng. Suốt buổi đàm đạo, Chương khéo léo thể hiện nỗi trăn trở của anh với vận nước hưng thịnh, muốn giang sơn quy về một mối bằng cách ít đổ máu nhất và tuyệt đối không để lộ mong muốn giới tăng ni phải ủng hộ anh.
Minh Giác Thiền sư sống đủ lâu trên đời để hiểu được ẩn ý của Chương dù anh có khéo đến đâu đi chăng nữa. Tuy nhiên, cũng vì hiểu rõ sự đời, sống ở đâu phải theo ở đấy, Minh Giác Thiền sư thấy rằng, nếu Chương thực lòng lo toan, đối đãi khoan hoà, đem ấm no cho bách tính là một điều tốt và ông nên ủng hộ. Mà có không ủng hộ cũng chẳng được khi người trẻ ngồi trước mặt ông trông thì hiền lành, nho nhã, cư xử với kẻ dưới như chỗ thân tình nhưng rõ là có cái uy của bậc đế vương, không thuận theo khó mà yên cho được. Phàm trần đời kẻ lộ uy quyền, rõ mưu mô có khi chẳng đáng sợ vì còn biết đường mà đối phó. Trái lại, bậc quân vương thâm tàng bất lộ mới đáng sợ vì chẳng ai biết tiếp theo quân vương đó sẽ có hành động gì.
Chương cung tiến Bạch Vân am 50 nén vàng, 100 nén bạc để lo nhang đèn cúng Phật. Minh Giác Thiền sư không thể chối từ nên dâng tặng Vạn Thắng vương và Thiên Đức quân ba bài thuốc do chính ông tạo ra dùng chữa bệnh hắc loạn, thiên hoa đậu và thử dịch. Với người thống lĩnh ba quân như Chương thì ba bài thuốc này quý giá hơn vạn lạng vàng vì dễ bào chế.
Quan Lam Giang là một trong hai nữ đệ tử của Minh Giác Thiền sư, người còn lại là Quan Hồng San. Quan Lam Giang nói lời từ biệt Thiền sư theo chân Chương xuống núi. Thiền sư tặng cho cô gái một cuốn sách y thuật do chính ông chắp bút xem như quà tiễn biệt.
Minh Giác Thiền sư dặn riêng Quan Lam Giang:
- Con theo vương thượng là điều tốt nhưng hãy nhớ lời ta dặn, hãy chuyên tâm vào công việc, tuyệt đối không sa vào những rắc rối không đáng có. Quanh vương thượng mỹ nữ nhiều như mây, cứ làm tròn bổn phận con được giao phó, đừng có tranh quyền đoạt lợi với ai. Bậc quân vương xưa nay đặt vận nước lên đầu, chỉ có ngu quân mới vì mỹ nhân bỏ giang sơn và vương thượng là minh quân đấy. Hãy ghi nhớ lời ta nói, đã theo phải theo đến cùng nếu không phiền luỵ đến ba họ.
Quan Lam Giang cúi đầu vâng dạ. Thiền sư dặn thêm:
- Ta nhìn con có tướng phú quý, ngày sau có được vậy hãy chăm lo cho bách tính, để phúc đức lại cho con cháu đời sau cũng như bách tính trong vùng con nhé!
Minh Giác Thiền sư đồng ý thu nhận và giữ Phạm Ngũ Lão, Ngô Phù Khê và An Nhữ Hầu và ba Thân Vệ quân do Vi Thọ Kỳ đề đạt làm đệ tử, bởi vậy Chương xuống núi mà thiếu những người ấy. Chương cảm tạ Minh Giác Thiền sư, cảm tạ thay sáu đồ đệ ông mới thu nhận. Chương gọi Minh Giác Thiền sư một chữ “thầy” nhằm tỏ lòng kính trọng khiến Minh Giác Thiền sư vô cùng xúc động. Hơn một năm sau Minh Giác Thiền sư viên tịch ở tuổi 73, kể từ đó về sau bách tính trong vùng không còn gọi ngôi chùa trên lưng chừng núi là Bạch Vân am nữa mà gọi là chùa Thầy. Sở dĩ dân gọi chùa Thầy là bởi Vạn Thắng vương đã từng gọi Minh Giác Thiền sư là thầy. Lúc Thiền sư viên tịch, Phạm Ngũ Lão tháp tùng Đại Thắng Lý Hoàng hậu đã đến tận nơi phúng viếng và tuyên đọc chiếu chỉ, ghi nhận công lao của Thiền sư với bách tính trong vùng. Chiếu chỉ có mấy mươi chữ trước sau đều gọi Minh Giác Thiền sư là thầy, thầy thuốc, thầy dạy võ cho tướng sĩ…
Nhưng đó là chuyện ngày sau, còn lúc này Bạch Vân am vẫn là Bạch Vân am.
Tin tức Vạn Thắng vương đến Bạch Vân am đàm đạo cùng Minh Giác Thiền sư và cung tiến bạc vàng và Trữ quân cử mấy trăm sát thủ nhân cơ hội hành thích Vạn Thắng vương, sư sãi trong chùa ra sức bảo vệ và t·hiệt m·ạng lan nhanh hơn cả bệnh dịch. Thiên hạ đồn rằng Vạn Thắng vương đã phải bố trí một toán quân kị tinh nhuệ đóng quân trong chùa Long Địa ở làng Sài nhằm bảo vệ Bạch Vân am. Nhiều người khẳng định chắc nịch rằng họ đã tận mắt trông thấy hơn trăm binh sĩ ở chùa Long Địa.
Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Thiết kỵ Vũ Ninh quả thực đóng quân ở chùa Long Địa vì An Nhữ Hầu, Tiểu đoàn trưởng của họ, hãy còn ở trên núi. Sự thật một đằng nhưng Chương lại sai quân phao tin một nẻo.
Quan Thanh Liêm, trưởng nam của Quan Thiện, tạm thời ở lại gia trang lo hương khói gia tiên chờ Phạm Bỉnh Di đến phân phó công việc cụ thể. Chương muốn thiết lập an ninh chặt chẽ tại vùng phên giậu này và Bỉnh Di thực cần một người trợ thủ nhiệt huyết, năng nổ, muốn cống hiến. Trong khi đó Quan Võ và Quan Văn do thân thủ tốt được bố trí vào Thân Vệ quân.
Lý Nhân Nghĩa không ở làng Sài, ông cùng đi với Phùng Nguyên Hoàn lùng bắt gian tế trong huyện Hát. Đúng như dự đoán, gian tế đều đội lốt thương nhân, tiểu thương, những người đi lại thường xuyên, vắng mặt ở địa phương dài ngày cũng chẳng ai nghi ngờ và số ít gian tế là sư sãi ở trong các chùa làng.
Phan Quảng b·ị b·ắt ở gần sông Hát, khám trong tay nải có chục nén vàng và dăm nén bạc. Phan Quảng bị áp giải về huyện Tích Lịch cùng đám thích khách bị thích chữ trên mặt. Đúng ra Phan Quảng bị bêu đầu nhưng chưa khảo hắn đã xưng. Hắn là cháu họ xa của Phan Văn Hầu được cử đến làng Sài làm gia nô trong Quan gia trang, với nhiệm vụ đem tin Thích Tâm Phúc giao cho về Tam Đái. Vài ngày trước có người từ Tam Đái sang gặp Phan Quảng, Phan Quảng đưa kẻ đó lên Bạch Vân am gặp Thích Tâm Phúc. Các chuyện khác Phan Quảng không hay biết.
Từ lời khai của Phan Quảng, Chương gõ đầu Mao Cương tra hỏi nhưng kẻ này nhất quyết không khai bất cứ điều gì, thay vào đó mạt sát Chương không tiếc lời. Kết cục của Mao Cương là nằm sâu dưới ba tấc đất không phải vì những lời mắng chửi mà bởi nhiều thích khách cùng khai Mao Cương chính là Mai Môn chủ. Mao Cương bịt mặt trùm đầu nhưng giọng nói, tướng mạo không thể lẫn vào đâu được.
Vài nút thắt đã được tháo gỡ, Chương bình an vô sự trở về thành Sơn Tây theo lối khác, kết thúc chuyến đi tưởng chừng êm đềm mà bao phen sóng gió.