Chương 521: Tìm người trong bức hoạ
Hội nghị Sơn Tây diễn ra suôn sẻ, lần đầu tiên bách tính Sơn Tây gặp Vạn Thắng vương nên còn e dè. Nhìn chung các nguyện vọng đề đạt của bô lão đều xoay quanh giảm các loại thuế khoá, giảm bắt lính và luôn kèm theo những lời ca tụng Vạn Thắng vương anh minh.
Về thuế, Chương miễn toàn bộ thuế trong 1 năm cho dân huyện Hát và các huyện khác trong phủ như đã bố cáo. Sau thời hạn 1 năm, các loại thuế như thuế nhà, thuế đất ruộng, thuế buôn bán nông sản… sẽ được áp dụng và thấp hơn 2 phần so với các khoản Sơn Tây vương từng thu.
Đối với việc bắt lính, tráng niên đủ 18 tuổi bắt buộc phải đăng kí gia nhập quân ngũ. Chương giải thích cho bô lão về mô hình quân chủ lực và quân địa phương. Gia đình nào có con cái trong quân chủ lực sẽ được giảm một nửa các loại thuế, quân địa phương thì không. Quân chủ lực chỉ tuyển chọn tráng niên từ 18 đến 25 tuổi, một năm hai đợt, thực hiện tuyển quân sau vụ gặt. Nhà nào con độc đinh mặc định bố trí tại quân địa phương, trừ trường hợp xung phong.
Quân Thiên Đức tuyển chọn nữ nhân tuổi từ 16 đến 18 tham gia vào công tác hậu cần, y tế… và các công việc phụ trợ khác trong quân. Người nào có tố chất và xung phong sẽ tuyển vào quân Thần Vũ. Nữ nhân không bắt buộc phải tham gia quân ngũ.
Chính sách thai sản cho phụ nữ, giáo dục cho trẻ nhỏ… một lần nữa được Chương nhấn mạnh và giao nhiệm vụ này cho Trung đoàn Thần Vũ sẽ từ Thiên Đức đến Sơn Tây trong nay mai. Bên cạnh đó, kể từ tháng 7 năm Thiên Đức 34, tức là một năm sau, các ông bà tuổi ngoài bảy mươi sẽ nhận trợ cấp tuổi già hàng tháng bằng 2 phần 10 mức lương cơ bản dành cho tân binh mới nhập ngũ.
Các bô lão cùng điểm chỉ vào bản cam kết sẽ bảo ban, đôn đốc con cháu dòng tộc trong làng ngoài xã tuân thủ luật lệ do chính quyền mới ban hành, trường hợp cố ý vi phạm cả, họ sẽ phải chịu liên đới.
Từ ngày 1 tháng 8 năm Thiên Đức 33, Chính phủ Vạn Xuân sẽ áp dụng Bộ luật Thiên Đức tại phủ Sơn Tây. Nữ quân nhân trong Thần Vũ quân có trách nhiệm phổ biến, giải thích luật lệ cho dân. Các t·rọng t·ội như gian tế, phản bội Vạn Thắng vương, g·iết người c·ướp c·ủa, t·ham ô·… sẽ bị xét xử công khai, tuỳ vào tội trạng mà định.
Sau hội nghị, Chương đãi tiệc các bô lão huyện Hát và tặng một phần quà nhỏ cùng 50 đồng. Các huyện còn lại trong phủ, Chương giao cho Lý Nhân Nghĩa, Lam Khuê và Phạm Thu Cúc trực tiếp đến tận bản huyện chủ trì hội nghị bởi Chương đang bận việc điều tra gian tế.
Chương có trong tay danh sách tất cả các văn quan, võ tướng, thương nhân, phú hào… trong 4 huyện 1 lộ thuộc phủ Sơn Tây có các mối quan hệ thân tộc hoặc làm ăn buôn bán với La thành hoặc Tam Đái. Tiếp đó, Chương đích thân đốc thúc rà soát rồi loại trừ dần những người thuộc diện không khả nghi rồi đến ít khả nghi hòng thu hẹp diện tình nghi, tìm ra kẻ chỉ điểm hoặc cấu kết với Mã lão gia.
Chương mời các hoạ sư khắp vùng Sơn Tây đến thành dự đại tiệc dành riêng cho họ. Trong đại tiệc, Chương đưa ra thử thách hoạ chân dung cho các hoạ sư, phần thưởng cho người tham gia là 120 đồng và phần thưởng đặc biệt dành cho những người hoạ chân dung theo mô tả đẹp nhất, giống nhất là 1 nén vàng.
Hầu như hoạ sư nào cũng nghĩ đề bài là hoạ chân dung mỹ nhân nhưng vào phòng thi rồi họ mới biết đề bài.
Chương cho bố trí 10 trên 11 cô gái làng Vân Trì ở 10 địa điểm khác nhau. Các cô gái sẽ lần lượt mô tả đặc điểm, hình dáng… của bốn người: Liễu Môn Nhân, Vân Tòng Thâm, Mã lão gia và Chu đại quan nhân trong 4 ngày. Mỗi địa điểm có từ 30 đến 50 hoạ sư tham gia. Trong khoảng thời gian thi, các hoạ sư không được ra khỏi khu vực qui định và họ được phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ vô cùng cẩn thận. Tất cả các hoạ sư đều nhận ra rằng người mà họ sẽ vẽ hẳn là kẻ có tội.
Ban giám khảo cuộc thi vẽ gồm có Lý Nhân Nghĩa, Trịnh Lam Khuê, Triệu Nhã Lâm, Liêu Nhất Khổng, Cao Quang Chương, Cao Tòng Chinh và 10 cô gái, tổng cộng 16 người. Trong số giám khảo, cha con họ Cao và Liêu Nhất Khổng biết mặt Liễu Môn Nhân. Trịnh Lam Khuê, Nhã Lâm và Nhân Nghĩa cùng 10 cô gái biết mặt Vân Tòng Thâm. Và tất nhiên, 10 cô gái làng Vân Trì nhớ mặt cả 4 người mà Chương đang nhắm đến.
Chương đồ rằng Mã lão gia là danh tính giả bởi Lâm nhạc phụ khẳng định bao năm ngược xuôi ông chưa từng nghe danh người nào họ Mã có máu mặt ở kinh thành. Đồng thời Chương cũng muốn nhân cơ hội thi thố tuyển chọn hoạ sư phục vụ trong q·uân đ·ội và công an.
Sau 4 ngày, mỗi hoạ sư nộp trung bình 3 bức chân dung cho mỗi nhân vật, tổng cộng Chương nhận được hơn hai nghìn tranh vẽ. Ban giám khảo bắt đầu chấm riêng rẽ, loại trừ dần những tấm chân dung mà họ cho là không giống sau đó đối chiếu chéo với nhau giữa các nhóm Ban giám khảo. Chương biết mặt Vân Tòng Thâm nên anh cùng mọi người chọn ra 2 bức hoạ gần giống Vân Tòng Thâm nhất dựa theo lời mô tả của 10 cô gái. Kế đó, Chương đối chiếu tên hoạ sư ở mặt sau bức tranh, tìm bản vẽ chân dung của ba nhân vật còn lại. Quả nhiên 2 hoạ sư đó vẽ chân dung dựa theo lời mô tả gần sát với gương mặt thật của những kẻ Chương cần xác định nhân dạng.
Liêu Nhất Khổng, cha con họ Cao và các cô gái Vân Trì đều xác nhận các bức tranh gần giống với trí nhớ của họ nên Chương lấy đó làm mẫu. Tiếp đó, Chương giao 2 bức tranh mẫu vẽ Mã lão gia cho tất cả hoạ sư vẽ lại y chang, mỗi bức hoạ 1 đồng, mỗi người phải vẽ 50 bức. Sau khi hoàn thành, hơn 1 vạn tranh vẽ Mã lão gia được phát cho quân sĩ và các làng mạc trong phủ. Tranh không ghi tên họ, phần thưởng là 2 nén vàng cho ai từng gặp người trong bức tranh và 10 nén nếu chỉ ra người đó là ai.
Chương dặn riêng Yết Kiêu, Lê Phụng Hiểu và Phùng Thanh Hòa… phải dặn binh sĩ đặc biệt chú ý phân phát bức hoạ ở ba huyện: Sơn Tây, Tích Lịch và Hát.
Các hoạ sư sau khi hoàn thành nhiệm vụ đến tham kiến Trịnh Quý phi. Lam Khuê đãi tiệc, gửi lời cảm ơn và đưa ra lời mời các hoạ sư làm việc bàn giấy trong lực lượng vũ trang Thiên Đức, Sở Giáo dục Sơn Tây hoặc bộ máy hành chính địa phương với mức đãi ngộ khác nhau. Chẳng hoạ sư nào từ chối lời đề nghị vì đó thực sự là một công việc ổn định, chẳng phải đi vẽ tranh dạo nữa.
Trong khi đó, hai hoạ sư được thưởng vàng sau mấy ngày ở thành Sơn Tây đã cùng gia đình khăn gói lên thuyền về phủ Thiên Đức làm việc trong Bộ Thông tin và Bộ Văn hoá. Họ sẽ cùng những người khác vẽ áp phích, tranh cổ động… Nói chung chẳng thiếu việc để làm và chỉ cần chuyên tâm, họ không bao giờ phải lo cái ăn, cái mặc.
Trịnh Lam Khuê và Lâm Uyển Như cùng bày tỏ lo ngại không thể tìm được kẻ được gọi là Mã lão gia. Lâm Uyển Như còn trách Chương không tra khảo Vân Tòng Thâm bắt hắn phun ra điều anh cần biết, đỡ phải nhọc công.
Chương véo mũi Uyển Như, tủm tỉm cười và bảo:
- Em tinh thông và lắm mánh lới làm ăn, lại rất nhanh nhạy nhưng trí thông minh của em dồn cả vào tiền bạc rồi nên không hiểu được thâm ý của anh đâu. Em cứ lo làm giàu đi.
Lâm Nhã Uyển thở dài, làu bàu:
- Việc dễ anh chẳng làm lại cứ quàng vào bụi rậm, mệt ra.
Chương chỉ cười mà không giải thích thêm, anh nghĩ chỉ có Duệ mới hiểu được mục đích của anh.
Vài ngày sau khi phân phát bức hoạ Mã lão gia, có đến vài chục người bảo rằng từng gặp một người khá giống. Quân sĩ đến hỏi cặn kẽ hơn thì độ tuổi không như các cô gái mô tả và những người giông giống, na ná ấy đều đang ở địa phương vác cày theo trâu.
Những tin tức dạng như vậy báo về không khiến Chương bận tâm bởi anh tin rằng Mã lão gia nhất định phải là một cự phú hoặc thương nhân, ít nhiều cũng đến Sơn Tây đôi ba lần và trong vài chục vạn dân kiểu gì cũng sẽ có người nhận ra kẻ trong bức vẽ là ai.
Điều Chương cần là thời gian và thứ này anh đang có.
Và… lòng tin tưởng chừng như vô căn cứ ấy của Chương đem lại kết quả hơn cả điều anh mong đợi.
Một sớm Lê Phụng Hiểu, người có kinh nghiệm sử dụng gian tế khi ở kinh thành, vội vàng trở về thành Sơn Tây gặp Chương. Vừa gặp, Lê Phụng Hiểu lập tức đi thẳng vào vấn đề:
- Tại làng Hoàng, Lai Hạ, Ngọc Thị, Dao Trì và làng Lũy đều thuộc xã Phú Câu, huyện Tích Lịch có 8 người cùng bảo rằng kẻ trong bức vẽ nhìn rất giống một lái trâu tên là Nguyễn Thân. Tôi hay tin này lập tức phi ngựa về trực tiếp bẩm báo với Đại Vương.
Đôi mắt Chương sáng lên, anh hỏi:
- Kẻ đó bao nhiêu tuổi?
Lê Phụng Hiểu liền đáp:
- 8 người đó đều không biết rõ Nguyễn Thân bao nhiêu tuổi, người thì bảo khoảng tứ tuần, có người lại bảo khoảng 45 và cá biệt có người lại khẳng định Nguyễn Thân đã năm mươi.
Chương chống cằm, nhìn bức hoạ trên mặt bàn một lúc.
- Các cô gái Vân Trì đều khẳng định Mã lão gia tuổi khoảng ngũ tuần, tranh vẽ dù có giống đến đâu cũng khó mà y hệt được. Chênh lệch vài tuổi có thể do Nguyễn Thân đó chủ đích hoá trang cũng nên.
Lê Phụng Hiểu đồng tình với nhận định của Chương, ông nói:
- Sở dĩ tôi lấy làm nghi hoặc là bởi tất cả 8 người ấy đều bảo rằng nếu chấm thêm một nốt ruồi son ở phía dưới má trái thì không khác là mấy.
Lê Phụng Hiểu đến bên bàn, lấy bút lông chấm một chấm nhỏ lên bức hoạ. Chương hỏi lại:
- Ông đến tận nơi hỏi 8 người đó rồi chứ?
Phụng Hiểu gật đầu, đáp:
- Tôi đã hỏi rất kỹ và thử chấm lên bức hoạ, họ đều khẳng định Nguyễn Thân có nốt ruồi son nhỏ bằng hạt đỗ, cách khoé miệng chừng hai đốt ngón tay. Nốt ruồi này hơi chìm ạ.
Chương gõ mấy ngón tay xuống mặt bàn tạo ra tiếng động, anh nhìn đăm đăm rồi bảo Nhã Lâm:
- Em cho gọi cả mười cô gái đến đây.
Nhã Lâm đi rồi, Lê Phụng Hiểu liền hỏi:
- Đại Vương có chủ ý gì ư?
Chương ngả lưng ra ghế, hai tay đặt sau gáy, mắt nhìn ra cửa lớn, anh nói:
- Ta đích thân hỏi chuyện Vân Hạ, cô gái đó từng nhắc đến một chi tiết, ấy là bữa tiệc đủ mặt bốn kẻ ta đang tìm diễn ra vào buổi tối. Đèn đuốc có thể sáng trưng nhưng là hạ nhân, họ không thể nhìn chằm chằm vào mặt thượng khách. Bây giờ muốn xác nhận Mã lão gia có phải Nguyễn Thân hay không thì thực nghiệm là biết ngay thôi.
Lê Phụng Hiểu ngạc nhiên:
- Thực nghiệm? Đại Vương thứ lỗi cho, quả thật tôi chưa được rõ.
Chương cười mà rằng:
- Ông vội gì, chốc là biết ngay thôi mà! Ông uống trà đi, ta tự pha đãi ông đấy. Ta có dặn thị vệ chia cho ông mấy cân chè ngon.
Lê Phụng Hiểu tạ ơn, lặng yên ngồi thưởng thức loại trà thơm, nét mặt hân hoan.
Các cô gái đã đến, Chương bảo các cô hãy sắp xếp bàn ghế tối đêm hôm yến tiệc dựa theo trí nhớ và cung cách phục vụ, vị trí phục vụ cũng như vị trí ngồi của bốn người gồm Vân Tòng Thâm, Liễu Môn Nhân, Mã lão gia và Chu đại quan nhân cùng đám tay chân.
Hơn một khắc đồng hồ trôi qua, mười cô gái sắp xếp bàn ghế trong sảnh theo trí nhớ. Lê Phụng Hiểu ngồi ở ghế chủ của Vân Tòng Thâm, Triệu Nhã Lâm ngồi hàng ghế đầu bên trái, chỗ ngồi của Liễu Môn Nhân. Vi Thọ Kỳ ngồi hàng ghế đầu bên phải Lê Phụng Hiểu, chỗ này của Mã lão gia. Bên cạnh Mã lão gia là Chu đại quan nhân rồi đến thuộc hạ.
Dựa vào sắp xếp chỗ ngồi có thể thấy Liễu Môn Nhân là thượng khách, là kẻ cầm đầu, tiếp đến là Mã lão gia. Chu đại quan nhân có vị trí thấp nhất trong ba người đến gặp Vân Tòng Thâm tại làng Vân Trì.
Chương đứng riêng một góc quan sát mọi cử chỉ, hành động mà các cô gái thực hiện lại. Theo đó, khoảng cách giữa các bàn khoảng 2 đến 3 thước và các cô gái khi đem rượu thịt, thức ăn hay đứng quạt cho quan khách đều ở phía sau lưng hoặc bên hông, tuyệt đối không di chuyển vào khoảng trống giữa bốn người khi bọn họ bàn luận.
Chương đặc biệt chú ý mỗi khi Vân Hạ giả vờ bước đến rót rượu cho Vân Tòng Thâm, cô cúi người nhẹ nhàng rót rượu, đặt thức ăn rồi lui về vị trí cũ. Sau mấy lần thực nghiệm, Vân Hạ và một cô gái khác đều khẳng định họ không nhìn ngang liếc dọc. Chương chú ý đến vị trí đặt những ngọn nến và đưa ra kết luận, Mã lão gia có một nốt ruồi son ở vị trí dưới gò má trái, cách khoé miệng hai đốt ngón tay. Vân Hạ và cô gái tiếp rượu đứng sau lưng Mã lão gia thay nhau quạt, lúc tiếp rượu cho Vân Tòng Thâm, Vân Hạ chú tâm vào công việc, cô gái còn lại rót rượu cho Mã lão gia thì đứng ở bên phải, tránh tay thuận. Bên cạnh đó, vị trí đặt các ngọn nến cũng khiến các cô gái khó phát hiện nốt ruồi son do ánh sáng không đủ.
Chương giữ Vân Hạ lại, cho các cô còn lại lui. Anh đi lại trong nghị sảnh rất lâu, dường như đang toan tính điều gì đó. Thi thoảng Chương lại hỏi Lê Phụng Hiểu vài câu rời rạc, có lẽ để bổ sung hoặc giải đáp những khúc mắc của riêng anh.