Chương 513: Sài Sơn Quan thị
Chương cùng đoàn tuỳ tùng sang sông, quân Thiết kị đứng nghiêm trang giơ tay chào trong khi bách tính thị trấn Mã Tế từ trẻ đến già đều quỳ gối dập đầu lạy tạ.
Do hành tung của Vạn Thắng vương đã lộ nên Lê Phụng Hiểu điều động An Nhữ Hầu dẫn một đại đội quân Thiết kị theo hầu. Phùng Nguyên Hoàn chờ sẵn bên kia sông ra mắt, tham gia đoàn tháp tùng Vạn Thắng vương đến Sài Sơn. Đoàn hơn bốn trăm người đều cưỡi ngựa nên đi rất mau, mặc cho hương thân phụ lão một số làng quỳ sẵn bên đường chờ đợi. Mỗi khi đoàn người ngựa đi qua một làng, nữ binh Thần Vũ sẽ nhận tượng trưng lễ vật đồng thời cung tiến đình hoặc chùa một nén vàng.
Tạm thời Chương coi huyện Hát là vùng trọng điểm cần an dân bởi chỉ cách đất La thành con sông Hát. Chương quán triệt, phải biến dân sinh sống tại huyện Hát thành tai mắt cho quân nếu không tình hình trật tự trong nội địa sẽ vô cùng phức tạp. Huyện Hát nhiều sông ngòi nhỏ chia cắt, đường bộ không mấy thuận lợi. Như Lý Nhân Nghĩa khai thác từ tù binh, phần lớn bọn họ đều vượt sông Hát sau đó luồn lách trong mương máng, sông ngòi dẫn vào sông Tích Lịch rồi vào sông Chu.
Chính vì thế Chương chỉ đạo nữ binh Thần Vũ đề nghị hương thân phụ lão trong mỗi làng hãy chuẩn bị sẵn 3 đề đạt hoặc nguyện vọng kèm một trăm dấu điểm chỉ của dân trong làng đó trở lên nhằm thể hiện sự đồng thuận. Ngày 30 tháng 6, mỗi làng cử một cụ ông và một cụ bà tham gia Hội nghị Sơn Tây do chính Vạn Thắng vương chủ trì. Vạn Thắng vương sẽ lắng nghe nguyện vọng của bách tính huyện Hát.
Chiều muộn, núi Sài Sơn lừng lư đã ở trong tầm mắt. Chương dừng chân cạnh một ngôi làng nhỏ đứng trông quang cảnh hùng vĩ. Sài Sơn là một dãy núi dài và thấp, uốn lượn theo hướng từ Tây sang Đông, có rất nhiều hang tự nhiên. Lý Nhân Nghĩa nói với Chương, dân trong vùng ví Sài Sơn như con rồng nằm ngủ giữa cánh đồng lúa bạt ngạt và đầu rồng chính là đỉnh núi cao nhất, đỉnh Sài.
- Đỉnh Sài cao hơn một trăm trượng, Bạch Vân am nằm trên đỉnh. Một ngôi cổ tự gọi là Long Địa tự nằm dưới chân núi, nơi đó có làng Sài.
Lý Nhân Nghĩa chỉ về hướng Nam tiếp tục thông tin cho Chương:
- Đằng đó là sông Hát ạ. Như trong các ghi chép hạ quan từng đọc thì sông Hát cách không xa, chừng mươi dặm thôi ạ. Từ làng Sài lên Bạch Vân am có con đường độc đạo, các bậc thang làm bằng đá.
Chương nói:
- Từ đây đến đó không còn bao xa, nghỉ chân trong làng Sài rồi lên Bạch Vân am.
Phùng Nguyên Hoàn và Ngô Phù Khê dẫn binh tiền trạm. Chương đến làng lúc trời vừa sẩm tối, do được Thần Vũ quân thông báo từ trưa, nam phụ lão ấu làng Sài chờ nghênh đón Vạn Thắng vương cách làng một quãng. Từ xa trông lại, cả làng Sài sáng rực ánh đuốc. Nhằm đảm bảo an toàn cho Chương, Phạm Ngũ Lão một lần nữa thế thân nhận những lời ca ngợi của dân làng và nói lời hay ý đẹp, ban thưởng cho làng vàng bạc, lụa la
Trong nhân dạng một người lính kị binh, Chương vào làng Sài cùng một toán Thân Vệ mà chẳng ai chú ý. Các cụ làng Sài chuẩn bị cho Vạn Thắng vương nghỉ tạm một đêm trong nhà cự phú họ Quan giàu nhất làng. Quan lão gia dẫn gia quyến, gia nô quỳ hành lễ đón Vạn Thắng vương vào nghỉ trong hậu viện. Các con trai của Quan lão gia là Quan Thanh Liêm, Quan Văn, Quan Võ lần lượt đến yết kiến, tiếp đến là ái nữ Quan Hồng San, Quan Lam Giang.
Chương đứng lẫn trong quân Thân Vệ ngoài sảnh, nghe con cái Quan lão gia xưng danh thì cười thầm bởi đều là những cái tên kêu như chuông. Quan lão gia hẳn mong muốn con cái ra làm quan nhưng vẫn chưa được toại nguyện. Người con cả Quan Thanh Liêm tuổi đã hai mươi lăm, con gái út Quan Lam Giang vừa đúng mười bảy. Cả năm người con không theo nghiệp thương lái của Quan lão gia. Ba người con trai học nghệ trên núi, thi thoảng ngao du sơn thuỷ. Ba chàng trai họ Quan chưa từng tòng quân, đổi lại Quan lão giao chi ra nhiều tiền của tu bổ chùa chiền, cứu trợ nạn dân… hai cô con gái họ Quan theo học các sư trên Bạch Vân am hành nghề bốc thuốc chữa bệnh.
Chương nghe Lý Nhân Nghĩa và Triệu Nhã Lâm rỉ tai tiểu sử gia đình họ Quan nên ưng bụng lắm. Trong làng người giàu có tốt bụng thì dân chúng cũng được nhờ cậy phần nào.
Con cái họ Quan được giữ lại hỏi chuyện, Quan lão gia mặt mày hồng hào rạng rỡ cùng hai bà vợ ra đứng chờ ngoài nghị sảnh. Chương tủm tỉm cười tiến đến cạnh Quan lão gia bắt chuyện, anh tự giới thiệu họ Lâm, tên Thiên An. Quan lão gia gọi anh là Tiểu Lâm do Chương nói cụ nội của anh từ đất Tống sang Vạn Xuân. Tổ tiên ba đời của Quan lão gia cũng người Tống quốc. Quan lão gia hồ hởi khoe ở làng Sài có phân nửa người họ Quan.
- Quan lão gia, ông đặt tên con cái thật hay, vãn bối vô cùng ấn tượng. Chẳng hay Quan lão gia ước mong con cái đỗ đạt làm quan cho dòng họ vinh hiển?
Quan lão gia thừa nhận:
- Lão thật muốn con cái có đứa ra làm quan hòng có chỗ dựa. Phận làm thương lái tuy lắm tiền nhiều của nhưng uy danh chẳng có, đi buôn đôi lúc bị sách nhiễu.
- Vãn bối thấy mấy người con của lão gia đều anh tú hơn người, họ không màng công danh hay sao? Trước đây Sơn Tây vương cũng trọng dụng hiền tài lắm chứ?
Quan lão gia bộc bạch:
- Đúng là vậy! Lão biết Sơn Tây vương dụng hiền tài. Lão có tiền, lão dùng tiền cho con cái tiến thân chẳng khó gì song ngặt nỗi… Tiểu Lâm à! Lão đi buôn có nghe ngóng nhiều, thấy rằng Vạn Thắng vương và quân Thiên Đức rất có thể làm chủ Vạn Xuân vì binh hùng tướng mạnh. Nếu con lão làm quan quân Sơn Tây, sợ rằng chiến loạn tai bay vạ gió. Thứ nữa, từ làng Sài này sang La thành chẳng tính là xa. Con lão vào quân thì lão chẳng buôn bán được ở mé ấy nữa.
Chương liền thắc mắc:
- Ông buôn bán cứ buôn bán, chẳng lẽ quan binh La thành biết lệnh lang trong quân Sơn Tây sẽ làm khó ư?
- Tiểu Lâm à, cậu chưa trải đời nên không biết đó thôi. Ở đâu cũng tai vách mạch rừng, lão có lắm kẻ kèn cựa mà. Con lão không muốn vào quân, chẳng muốn làm quan nên lão hướng chúng học nghệ trên núi đặng ngày sau có cái phòng thân. Thời buổi loạn lạc tiền bạc khó giữ, mạng còn khó giữ hơn. Thật chẳng giấu, lão đặt tên con như thế là muốn gửi gắm nhưng thời cuộc nay thế này mai thế khác chẳng biết thế nào.
Chương đồng cảm và đặt vấn đề:
- Bây giờ Sơn Tây là một phủ của Thiên Đức, quân Thiên Đức ngày một lớn mạnh. Phải chăng Quan lão gia muốn tận dụng cơ hội này tiến cử con cái vào quân?
Quan lão gia đáp:
- Cơ hội ngàn năm có một nên lão đã nói với các con. Đây là cơ hội trời cho giúp họ Quan chuyển mình từ con giun thành con rắn. Con của lão đứa nào cũng giỏi võ, nhất định sẽ được Vạn Thắng vương trọng dụng.
Thương nhân toan tính thiệt hơn chẳng có gì lạ, thời cuộc rối ren nên mọi toan tính phải dựa theo thời cuộc. Nói chung Quan lão gia chưa chọn phe có thể xem là khôn ngoan. Con người ta khi nghèo khó muốn giàu có, giàu có rồi muốn có thêm chức tước, danh hiệu là lẽ thường ở đời. Cũng bởi thế mà giới văn quan, kẻ sĩ Vạn Xuân không coi trọng thương nhân vì họ chỉ theo lợi.
- Tiểu Lâm! Cậu đang giữ chức gì trong quân? Lão nghe bảo Vạn Thắng vương dụng người theo tài năng chứ không kể xuất thân và cũng trọng thương nhân lắm.
Chương quay ra nhìn tả hữu đứng vây quanh rồi trả lời:
- Vãn bối ở trong quân tám năm, bây giờ được chỉ huy hơn mười người, gọi là tiểu đội.
Quan lão gia ngạc nhiên hỏi:
- Ở trong quân lâu như vậy mà cậu mới giữ chức bé tí như vậy à? Chưa lập công trạng gì sao? Trong quân kị có cả nữ nhân?
Chương hơi giật mình khi Quan lão gia chỉ vào Lam Khuê và Nhã Lâm đứng sau lưng anh. Hai cô nàng đội mũ trụ, vận giáp trụ Thiết kị nên phải tinh mắt lắm mới nhận ra được nữ nhân cải trang. Thấy vậy, Chương vội đáp:
- Quân Thiên Đức có nhiều nữ nhân, ai phù hợp quân nào vào quân ấy. Vãn bối chưa từng lập công trạng vì chỉ là quân hầu của Vạn Thắng vương. Hồi trước lo cơm nước, gần đây mới được thế này.
Quan lão gia vỗ vai Chương, giọng thân mật:
- Cậu phải cố lên mới được. Thời nay loạn lạc muốn lập chiến công phải xin ra trận tiền xông pha đánh giặc, có thế mới mau tạo lập uy danh.
Chương tươi cười mà rằng:
- Vãn bối võ nghệ chẳng tinh thông, cũng không cầu danh lợi. May được Vạn Thắng vương yêu mến nên… như thế này đã tốt lắm rồi.
Quan lão gia ngó Chương thật kĩ rồi bảo:
- Ừ! Nhìn cậu quả không có khí chất võ tướng mà giống văn nhân hơn đấy. Các cụ thân sinh của cậu vẫn khoẻ cả chứ? Cậu thành thân chưa?
- Thân sinh vãn bối đều khoẻ mạnh, vãn bối đã thành thân và có mấy đứa con rồi.
Quan lão gia tặc lưỡi tiếc rẻ:
- Nhìn cậu tuấn tú, nếu chưa có vợ thì ta làm mai con gái út cho cậu.
Chương cười tít mắt:
- Vãn bối công danh chẳng có, đa tạ Quan lão gia có lòng tốt. Vạn Thắng vương anh minh tuấn tú, sao lão gia không tiến cử ái nữ mà lại ướm vãn bối?
Quan lão gia lắc đầu:
- Đi buôn phải tính toán thiệt hơn, dựng vợ gả chồng cho con cái cũng phải lựa chỗ tốt, chỗ phù hợp chứ trèo cao ngã đau. Tiểu Lâm à, cậu phải ghi nhớ điều ấy. Vạn Thắng vương có trăm mỹ nhân, con lão không có cơ hội ấy. Chẳng giấu gì cậu, con gái lão mà lấy quân sĩ Thiên Đức, sau này lão đỡ lo. Thiên Đức quân có lệ, gia quyến binh sĩ là gia quyến chung của quân, phải chứ?
Chương gật đầu xác nhận. Quan lão gia hỏi thêm:
- Lão thấy cậu ăn nói dễ nghe, tướng mạo sáng sủa, tiếc là có vợ rồi. Cậu thân quen huynh đệ trong quân có ai tốt tính chỉ cho lão thì tốt biết mấy.
Chương nhăn mặt cười:
- Có cần gia cảnh không, lão gia?
- Lão có của nên lão không cần của nả, tốt tính là được, lão sẽ hậu thuẫn.
- Quan lão gia, ông rất thẳng thắn. Vãn bối sẽ để ý giúp ông.
Quan lão gia bèn nói:
- Thương nhân phải khéo miệng nhưng lão đâu dại. Người ta biết mình có mưu tính chi bằng nói luôn cho đỡ mất thì giờ.
Hỏi thêm dăm ba chuyện vu vơ khác, Chương lấy cớ lui lo về hậu viện kiểm tra nơi nghỉ của Vạn Thắng vương. Anh chọn một căn phòng nhỏ nằm cạnh căn phòng lớn cởi bỏ giáp trụ, tắm qua người rồi lên giường ngả lưng chờ Lam Khuê chuẩn bị cơm canh. Quan lão gia và hương thân phụ lão làng Sài dùng tiệc cùng Vạn Thắng vương ở đại sảnh, đèn đuốc sáng choang. Lam Khuê đang lui cui bếp núc thì Quan Lam Giang đem hai đĩa thịt lợn và hai chai rượu theo lời dặn của Quan lão gia. Thấy Lam Khuê bận bếp núc, cô út nhà họ Quan lấy làm lạ vì mọi người đang tiệc rượu cớ sao quân hầu lại ở hậu viện nấu ăn. Lam Khuê giải thích rằng quân hầu kề cận bên Vạn Thắng vương phải luôn tỉnh táo và ăn thức ăn khác với mọi người nên Quan Lam Giang không hỏi thêm nữa. Cô gái muốn giúp Lam Khuê một tay, Lam Khuê một mực từ chối, phải đến khi Chương đứng bên cửa bếp húng hắng ho thì Lam Khuê mới vui vẻ đồng ý. Vi Thọ Kỳ và Ngô Phù Khê nhận lệnh đánh chén trước nhưng không động đến rượu. Chương ăn sau cùng với Lam Khuê, Nhã Lâm và cô gái họ Quan. Mâm cơm có bát canh rau mồng tơi, rau rừng, trứng luộc và rán, thịt lợn, thịt bò, lạc rang muối cùng bát ruốc. Từ bên ngoài nhìn vào thật khó phân biệt được Chương với những quân lính khác. Tuy vậy cô gái họ Quan vẫn cảm thấy có đôi chút khác lạ bởi trong suốt bữa ăn dù cười nói rôm rả nhưng Chương không hề đụng đũa đến hai món thịt. Hai chai rượu cô mang đến cũng còn nguyên nút lá chuối.
Quân sĩ đâu phải lúc nào cũng có thịt mà ăn!
Quan Lam Giang thoáng nghĩ:
- “Chẳng lẽ họ sợ đồ ăn thức uống bỏ độc?”