Chương 500: Nhất tiễn hạ song điêu
Cao Quang Chương cưỡi ngựa ra khỏi doanh cùng một quân hầu cầm đuốc dẫn đường. Giữa cánh đồng trống, Lê Phụng Hiểu đã chờ sẵn bên cái bàn tre nhỏ cùng hai cái ghế. Trên bàn bày con gà luộc, đĩa muối ớt, một vò rượu và hai cái chén. Cao Quang Chương xuống ngựa, cầm lấy bó đuốc. Quân hầu của hai người dắt ngựa ra xa chờ đợi.
- Đã lâu không gặp nay thấy ông vẫn khoẻ mạnh, ta lấy làm mừng lắm. Mời Cao tướng quân an toạ.
- Lê đại nhân! - Cao Quang Chương nói. - Tại hạ chẳng bao giờ nghĩ có ngày gặp ngài ở nơi như thế này.
Lê Phụng Hiểu vừa rót rượu vừa cười và hỏi:
- Cao tướng quân không ngại ngồi với giặc chứ hả?
Cao Quang Chương đáp:
- Bấy lâu nay Chương tôi kính trọng ngài vì lòng trung với vương nghiệp. Mỗi người thờ một chủ, Lê đại nhân đừng hỏi khó tại hạ.
Đoạn ngửa cổ uống cạn chén rượu, đặt mạnh xuống bàn xé đùi gà đưa lên miệng nhai.
- Cao tướng quân hẹn gặp ta hẳn có chuyện cần thương lượng? Chúng ta không tính là người lạ, có gì cần mời tướng quân nói, nếu giúp được ông thì Hiểu này nhất định gắng sức đến cùng.
Cao Quang Chương thẳng thắn hỏi:
- Chẳng hay Lê đại nhân đang giữ chức vụ gì trong quân Thiên Đức?
- Nói chức vụ bên Thiên Đức sợ Cao tướng quân chưa tỏ. Nhờ Tả Đô đốc tiến cử nên Vạn Thắng vương trọng dụng ta, giao cho ta gầy dựng quân Thiết kị Vũ Ninh.
- Ngài thống lĩnh quân kị?
- Có thể xem là vậy. - Lê Phụng Hiểu gật đầu
Cao Quang Chương tự rót một chén rượu rồi uống cạn rồi hỏi:
- Bọn tại hạ bây giờ như cá lồng chim chậu, chẳng hay Vạn Thắng vương xử trí bọn tại hạ ra sao?
Lê Phụng Hiểu trả lời ngay:
- Tuỳ thuộc vào lựa chọn của Cao tướng quân!
- Hai chúng ta có thể xem như cố nhân nên tại hạ không ngại mà hỏi thẳng đại nhân, phải chăng Vạn Thắng vương biết chuyện đứa con dại của tại hạ lập quân lệnh trạng nhằm thể hiện quyết tâm chinh phạt Sơn Tây?
Lê Phụng Hiểu không trả lời trực tiếp mà nói:
- Người trẻ muốn thể hiện bản lĩnh là chuyện rất bình thường. Ta ngày trước cũng vậy nên không lấy làm lạ.
- Nói vậy là Vạn Thắng vương đã biết. - Cao Quang Chương bật cười. - Tại hạ hỏi thừa rồi.
Lê Phụng Hiểu nhoẻn miệng cười rót thêm rượu cho cả hai, uống cạn rồi mới nói:
- Cao tướng quân về được La thành, ta biết ông có thể về được nếu ông muốn. Tuy vậy Cao Tòng Chinh khó mà sống qua nửa tuần trăng. Lý Uy là con người như thế nào hẳn Cao tướng quân hiểu hơn ta.
Cao Quang Chương cười chua chát nhưng không nói. Lê Phụng Hiểu tiếp lời:
- Vạn Thắng vương chỉ muốn có hai cha con ông, binh sĩ không cần.
Cao Quang Chương ngạc nhiên nhìn Lê Phụng Hiểu rồi cười buồn:
- Cha con tại hạ có tài đức gì mà Vạn Thắng vương dày công như vậy chứ?
- Tính ông ngay thẳng!
- Tại hạ là bộ tướng của Sứ tướng binh triều.
- Nên ông phải lựa chọn! Ông cũng không cần phải bận tâm về gia quyến đang ở kinh sư bởi chỉ cần ông quy thuận Vạn Thắng vương, người khắc có tính toán.
- Vạn Thắng vương sẽ t·ấn c·ông kinh sư đòi người ư?
Lê Phụng Hiểu lại rót rượu và đáp:
- Nếu đơn giản như vậy Vạn Thắng vương chẳng phải Vạn Thắng vương. Ông cả một đời cúc cung tận tuỵ nhưng lúc nguy nan… Lý Uy lại là người đến tương trợ, thật nực cười. Ta không cho Lý Mẫn ngu độn mà đồ rằng Lý Uy có mưu tính thừa nước đục thả câu. Ông là người Lý Mẫn tin tưởng và chức Tả tướng sớm muộn cũng dành cho ông, Lý Uy có muốn vậy không thì ông hiểu hơn ta.
Cao Quang Chương trầm ngâm không nói, uống liền một lúc ba chén rượu, rồi cười khổ nói với Phụng Hiểu:
- Phận làm tôi phải nghe theo chủ! Họ Cao một đời trung thành nhưng chẳng thắng được tiểu nhân, đẩy tại hạ đến chỗ bất trung.
Lê Phụng Hiểu cảm thông. Cao Quang Chương ngẩng đầu lên nhìn thẳng và hỏi:
- Vạn Thắng vương muốn tại hạ làm gì?
- Bắt sống Trần Văn Lộng!
Cao Quang Chương nhíu mày suy nghĩ. Lê Phụng Hiểu nói luôn:
- Trần Văn Lộng không phải quân La thành, ông bắt hắn chẳng mang tiếng bất trung. Nếu ông chịu làm theo thì Vạn Thắng vương sẽ cho ông ba đảm bảo.
- Lê đại nhân cứ nói, tại hạ xin nghe.
- Một là gia quyến của ông sẽ bảo toàn tính mạng, hai là binh sĩ thuộc quyền của ông tự do trở về La thành. Sau cùng, ông và Cao Tòng Chinh sẽ là tướng Thiên Đức trấn thủ trên đất Sơn Tây.
- Còn như tại hạ chối từ?
- Hai bên tiếp tục cuộc chiến!
- Tại hạ còn một điều chưa tỏ, Vạn Thắng vương mới 29 tuổi mà dự liệu như thần, chẳng hay cao nhân nào bày mưu cho ngài ấy?
Lê Phụng Hiểu cười lớn, ông đứng dậy vỗ vai Cao Quang Chương mà rằng:
- La thành vẫn đánh giá thấp Vạn Thắng vương! Vạn Thắng vương không dùng mưu sĩ, ông nên thay đổi suy nghĩ ấy đi. Vạn Thắng vương thích người ngay thẳng như ông, nếu ông chọn theo ngài thì cần hành động nhanh gọn vì thời gian không còn nhiều.
- Tại hạ có thể yết kiến Vạn Thắng vương chứ?
Lê Phụng Hiểu lắc đầu:
- Là tướng Thiên Đức ông sẽ gặp. Hiện tại Vạn Thắng vương bận chuyện của bách tính nên không còn ở trận tiền nữa.
- Vậy tại hạ dẫn binh đánh Trần Văn Lộng?
Lê Phụng Hiểu lại bật cười, vỗ vai Cao Quang Chương thêm một lần, giọng thân tình:
- Vạn Thắng vương cần cha con Cao tướng quân mà không muốn binh sĩ La thành đổ máu. Ông về suy nghĩ cho kỹ, lúc nào thông thì báo cho ta. Ta cắt cử quân hầu chờ ngoài doanh.
- Xin đại nhân cho tại hạ một canh giờ!
- Mọi sự đều do ông quyết, ta sẽ giúp sức cho ông và cũng là người đảm bảo cho ông bằng tính mạng của mình.
Ánh mắt Cao Quang Chương thoáng thay đổi và dõi theo bóng dáng Lê Phụng Hiểu lẫn vào màn đêm u tịch.
Trần Văn Lộng đang yên giấc thì quân hầu bẩm báo cha con Cao tướng quân dẫn theo hơn ba trăm tàn binh xin được nương nhờ, hiện đang ở bên ngoài cổng trại. Trần Văn Lộng từng gặp Cao Quang Chương một lần lúc đến phủ Sứ tướng, cũng biết tin cha con họ Cao vượt sông c·hiếm đ·óng một vùng Sơn Tây nhưng bị chặn hậu nên khốn đốn. Nay Cao Quang Chương tìm đến cậy nhờ, hẳn đã bị quân Thiên Đức đánh chi tan tác. Lộng vận chiến bào, truyền gọi bộ tướng đến trướng soái chuẩn bị tiếp đón cha con họ Cao. Liễu Môn Nhân xuất hiện với vẻ mặt có phần tư lự, Trần Văn Lộng hỏi chuyện, Liễu Môn Nhân bèn nói:
- Cao tướng quân bại trận sao không vượt sông về kinh sư mà lại chạy mãi đến tận đây?
Trần Văn Lộng bảo:
- Tích Lịch Giang không dễ qua khi mà bọn Yết Kiêu trấn giữ. Cao tướng quân cùng đường mới tìm đến đây rồi qua sông về chẳng tiện hơn ư?
Liễu Môn Nhân khẽ lắc đầu đáp:
- Tích Lịch Giang bởi vì rộng nên mới dễ tìm đường thoát cho một toán quân. Hà cớ gì Cao tướng quân phải vượt qua quãng đường mấy chục dặm chỉ để sang sông cơ chứ?
- Liễu tiên sinh! - Trần Văn Lộng hỉ hả. - Cao tướng quân là nha tướng dưới quyền Sứ tướng. Ông ta đến thì nhất định phải đón tiếp cẩn thận vì hơn nửa quân trong doanh chẳng lạ gì ông ấy.
Liễu Môn Nhân cúi đầu rồi lui xuống chỗ ngồi nhưng vẻ mặt vẫn đăm chiêu mãi không thôi. Đương Chu ngồi kế bên bèn lên tiếng:
- Liễu tiên sinh đừng quá bận lòng. Có thể Cao tướng quân vỡ trận, binh mã tan tác nên chạy đến đây cũng là lẽ thường mà thôi. Yết Kiêu phong toả kín một khúc sông hẹp quyết bắt tướng, vì thế Cao tướng quân mới phải chạy thật xa. Bọn thuộc hạ nói bộ dạng của ông ấy và thân binh trông rất thảm.
Liễu Môn Nhân khẽ cúi đầu nhoẻn miệng cười và nói với Đương Chu:
- Lúc tối bỉ nhân đau bụng nên đi nằm sớm, bây giờ bụng lại sôi lên. Đương tiên sinh giúp Trần Sứ tướng tiếp Cao tướng quân, bỉ nhân xong việc sẽ quay lại hầu rượu ngay.
Trẩn Văn Lộng vui vẻ đồng ý cho Liễu Môn Nhân tạm lui. Vừa bước chân ra khỏi trướng soái, Liễu Môn Nhân đi nhanh như chạy trở về chỗ ở vơ vội đống sách cùng mấy nén bạc cho vào tay nải nhắm hướng bờ sông Tích Lịch rảo bước. Liễu Môn Nhân từng nhiều lần gặp Cao Quang Chương và phần nào nắm bắt được tính cách của vị tướng họ Cao này.
- Rõ bại trận bỏ chạy vượt đoạn sông hẹp lại chẳng chọn, đằng này chạy một quãng mấy chục dặm mà đám Yết Kiêu chẳng thấy xuất hiện, truy binh cũng không, rõ là có chuyện.
Vừa đi Liễu Môn Nhân vừa lẩm bẩm một mình. Liễu Môn Nhân như chim sợ cành cong, mấy năm nay nhờ tính đa nghi mà giữ được mạng của bản thân và gia quyến chạy nạn.
Quân canh dưới thủy trại trông thấy Liễu Môn Nhân chỉ chào hỏi xã giao chứ không gặng hỏi điều gì. Liễu Môn Nhân xin gặp phó tướng trấn giữ nơi bến sông là Phạm Huyền Thông. Vừa gặp, Liễu Môn Nhân nói ngay:
- Phạm đại tướng quân phải đề cao cảnh giác, bọn Yết Kiêu có thể bất thần đánh tới. Cao tướng quân bại trận ắt Yết Kiêu sẽ dẫn thủy binh đến đây sớm thôi.
- Liễu tiên sinh yên lòng! - Phạm Huyền Thông nói. - Nếu Yết Kiêu đến thì quân cảnh giới sẽ nổi lửa khua chiêng xa từ mấy dặm. Tiên sinh về kinh sư hay sao mà khăn gói đùm đuề thế này?
- Bỉ nhân có vài việc cần bẩm lên Thái úy nên mới phải gấp gáp sang sông giữa đêm hôm thế này, nhờ Phạm đại tướng quân giúp cho.
Phạm Huyền Thông không hỏi gì thêm, sai quân đưa Liễu Môn Nhân sang sông bằng thuyền ngay sau đó.
Trong khi Liễu Môn Nhân nhanh chân tìm đường về kinh sư thì ở một khúc sông Tích Lịch có một con thuyền chài rách nát chở Liêu Nhất Khổng lặng lẽ từ đất La thành sang Sơn Tây.