Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 490: Phục binh và tập hậu




Chương 490: Phục binh và tập hậu

Lê Phụng Hiểu đến thung lũng, lúc này trời ngả bóng về chiều, chưa kịp xem xét kỹ địa hình đặt phục binh thì trinh sát báo, đã phát hiện đội quân do Ngô Tất Sắc cử đến, hơn một khắc đồng hồ nữa sẽ đi ngang qua làng Cẩm Lĩnh. Lê Phụng Hiểu ngồi trên lưng ngựa phóng tầm mắt nhìn khắp một vùng núi rừng xanh thẳm. Làng Cẩm Lĩnh nằm chếch bên tay hữu, thấp thoáng sau những bóng cây rừng, khói lam chiều từ những mái tranh bốc lên không trung có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

- Phùng Nguyên Hoàn! Cậu dẫn quân vòng sang bên hữu, chờ cho bọn chúng đi qua hãy t·ấn c·ông vào hậu quân!

Phùng Nguyên Hoàn tuân lệnh, Lê Phụng Hiểu dặn thêm:

- Dặn anh em tranh thủ ăn cơm nắm ngay, đấy là quy định. An Nhữ Hầu, cậu dẫn hai đại đội vòng sang bên tả, chờ cậu Hoàn t·ấn c·ông hậu quân thì thúc quân đổ ra đánh vỗ mặt tiền quân của chúng.

An Nhữ Hầu và Phùng Nguyên Hoàn điểm quân thi hành mệnh lệnh. Lê Phụng Hiểu giữ lại một đại đội Thiết kỵ và quân hậu cần, tổng số chưa đầy hai trăm sẵn sàng xung trận.

Đỗ Duy Trung thống lĩnh thổ binh tiếp viện, đội hình hành quân kéo dài đến hơn ba dặm vì đường tương đối hẹp. Hơn ba trăm kỵ binh dẫn đầu, cờ quạt phấp phới. Kế đó là đội cung thủ người thượng, vận y phục đủ loại. Tiếp theo là hơn hai chục Cự thạch pháo cỡ nhỏ do ngựa kéo và cuối cùng là quân vận lương cùng một số trang thiết bị. Đỗ Duy Trung dự định nghỉ chân ở làng Cẩm Lĩnh song Đông Chinh vương phủ không còn xa, trời tối sẽ đến nơi nên Trung từ bỏ ý định. Đỗ Duy Trung từng đóng quân gần Đông Chinh vương phủ nên địa bàn này xem như thông thuộc. Trong cuộc hành quân này, Trung lo lắng khi đổ bộ sẽ bị mai phục nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trung cử vài toán thám mã phi ngựa vượt xa đội hình dò đường đồng thời báo tin cho Trần Văn Lộng. An Nhữ Hầu đưa quân đến địa điểm lựa chọn chờ đợi, bắt được hai thám mã cầm theo cờ lông công. Tra xét tại chỗ, An Nhữ Hầu nắm được lực lượng và biết Đỗ Duy Trung chỉ huy liền báo cho Lê Phụng Hiểu.



Tại nơi mai phục, Phùng Nguyên Hoàn trông thấy kỳ hiệu của Đỗ Duy Trung liền sôi máu, muốn đổ quân ra đánh ngay tắp lự nhưng Phan Kế An, Đại đội trưởng đại đội 1, hết mực khuyên can. Phạm Kính Ân, anh chàng Thân Vệ quân cùng tiểu đội có mặt trong đội hình D324 với vai trò hỗ trợ hoả lực cũng nói với Nguyên Hoàn phải tuân thủ kế hoạch, nóng vội làm hỏng chuyện hậu quả khó lường.

Sở dĩ Phạm Kính Ân có mặt trong D324 do nhận nhiệm vụ hướng dẫn Phùng gia quân sử dụng hoả pháo Thiên Đức. Trước đó, hai hoả pháo liên hoàn đã được tháo rời, việc lắp ráp vô cùng đơn giản. Phạm Kính Ân từng kề vai sát cánh với Phan Kế An trong Trinh Phù quân, nhiều binh sĩ thuộc Phùng gia có thiện cảm và nể Phạm Kính Ân thông qua những gì họ nghe được.

Hai hoả pháo mau chóng được ráp xong xuôi đặt tại một khoảnh đất bằng phẳng, bốn bề cây cối um tùm, cách con đường mà Đỗ Duy Trung dẫn binh qua khoảng hơn hai mươi thước về hướng Bắc. Trong quá trình lắp, Phạm Kính Ân chỉ bảo tận tình, nhiều lần nhắc Hoả pháo liên hoàn có tầm bắn tối đa khoảng bốn mươi trượng. Những binh sĩ Phùng gia vốn trong quân pháo Sơn Tây nên việc nắm bắt chẳng gặp mấy khó khăn. Họ phải đặc biệt ghi nhớ cách sử dụng các loại đạn nổ kẻo mang hoạ đến thân.

Hậu quân Đỗ Duy Trung ngang qua vị trí định sẵn, Phạm Kính Ân chỉ dạy cách điều chỉnh tầm bắn xa gần chờ hiệu lệnh của Phùng Nguyên Hoàn. Nguyên Hoàn nóng lòng chờ đợi, nhận tín hiệu của binh sĩ, Nguyên Hoàn truyền lệnh buộc nhạc cho ngựa, đó cũng là tín hiệu cho Phạm Kính Ân khai hoả.

Kính Ân cho bắn liền 3 loạt, t·iếng n·ổ đanh gọn nối nhau vang vọng núi rừng. Loạt thứ tư, Kính Ân cho xoay sang bên tả khai hoả rồi tạm ngưng, lệnh binh sĩ di chuyển Hoả pháo lên phía trước, lệch về bên hữu, mười trượng chờ quan sát tình hình chiến trận. Ngay lúc Kính Ân tạm ngưng sau 3 loạt, Phùng Nguyên Hoàn vung gươm thét lớn, binh sĩ nhất tề thúc ngựa khua đao đổ ra đánh

Bị t·ấn c·ông bất ngờ bằng hoả lực mạnh, hậu quân Đỗ Duy Trung chưa kịp định hình đã phải đối mặt với quân khinh kỵ của Phùng Nguyên Hoàn xông ra. Tướng sĩ lúng túng chống đỡ trong thế hạ phong. Phùng Nguyên Hoàn và binh sĩ chiến đấu rất hăng, ngay lúc giáp trận đã chia cắt hậu quân thành nhiều đoạn. Một số Cự thạch pháo xoay lại phản ứng bằng một vài loạt đạn bắn trùm lên khu vực hai bên đang tả đột hữu xung cho đến lúc Nguyên Hoang thúc quân đánh gần đến thì binh sĩ bỏ pháo chạy dạt xuống thung lũng hoặc lẩn vào sườn núi.

Đỗ Duy Trung lệnh cung thủ trợ chiến nhưng đường hẹp, đội hình cung thủ phải men theo vệ đường ngắm bắn. Cung thủ người thượng có tài thiện xạ đáng nể nhưng họ buộc phải bắn chiến mã thay vì người cưỡi bởi những mũi tên bọc đồng của họ vô dụng trước khiên bọc sắt che chắn phần thân kỵ binh. Đỗ Duy Trung chưa biết quân mai phục có được bao nhiêu, đang lưỡng lự điều quân kỵ vòng xuống thung lũng đánh ngược lên thì trông thấy An Nhữ Hầu nổ súng hiệu đốc quân kỵ theo con đường mòn xông đến đánh vỗ mặt. Trung đưa quân kỵ ra chặn lại, chịu một số tổn thất bởi hoả mai. Hai bên cận chiến trên lưng ngựa, tràn cả xuống thung lũng. Lúc này, Lê Phụng Hiểu mới dẫn đại đội Thiết kỵ ẩn nấp sau những tán cây rừng đánh thốc ngược lên, nhắm mục tiêu là những cung thủ người thượng. Cung thủ xoay ra bắn chặn song quân Thiết kỵ tuy ít nhưng chiến mã bọc giáp t·hương v·ong không đáng kể. Sau loạt súng đầu tiên, kỵ binh dùng giáo, thương cận chiến.



Phạm Kính Ân đứng trông thế trận trộn đỗ với gạo, dẫn khẩu đội Hoả pháo chạy dọc theo chiến trường, thi thoảng lại đặt Hoả pháo bắn một vài loạt yểm trợ. Chiến trường trải rộng, chốc chốc lại vang những t·iếng n·ổ đanh gọn.

Đỗ Duy Trung sau khoảng thời gian nhốn nháo, biết quân mai phục không đông, không thể để đội hình bị chia cắt khi trời sập tối nên vừa chống đỡ vừa lui, gom quân tựa lưng vào bìa rừng cố thủ. Lê Phụng Hiểu nhận ra bất lợi liền hợp quân với An Nhữ Hầu, rút về sau chặn đường tiến quân của Đỗ Duy Trung. Cùng thời điểm đó Phạm Kính Ân dùng Hoả pháo bắn chặn yểm hộ Phùng Nguyên Hoàn thu binh.

Đứng trước tình thế lưỡng đầu thọ địch, xét thấy cánh quân An Nhữ Hầu trang bị mạnh, khó vượt qua để đến Đông Chinh vương phủ, Đỗ Duy Trung quyết định mở đường máu chạy ngược về bến đò Đồng Quan, bỏ lại tất cả Cự thạch pháo và lương thảo. Phạm Kính Ân sử dụng hết số quả nổ đem theo chặn đường Đỗ Duy Trung trước khi Phùng Nguyên Hoàn một lần nữa đổ quân giao chiến trong bóng tối. Lê Phụng Hiểu dẫn kỵ binh đuổi theo được một quãng mới chịu ngưng. Kiểm lại binh mã, An Nhữ Hầu mất hơn ba chục kỵ binh, Phùng Nguyên Hoàn gấp ba số đó chưa kể b·ị t·hương nhẹ trong lúc giao chiến. Lê Phụng Hiểu truyền lệnh thu dọn thương binh tử sĩ, đóng tạm tại làng Cẩm Lĩnh. Dân sinh sống trong ngôi làng nhỏ suốt đêm đốt đuốc giúp quân Lê Phụng Hiểu thu dọn, chôn cất tử sĩ của Đỗ Duy Trung và cáng về làng hơn một trăm thổ binh b·ị t·hương.

Tin tức quân tiếp viện bị chặn đánh tại làng Cẩm Lĩnh buộc phải triệt thoái khiến Trần Văn Lộng như ngồi trên đống lửa. Ngay trong đêm, Lộng điều động một toán quân bộ tức tốc rời đại bản doanh đi chặn lối, đề phòng Lê Phụng Hiểu đánh tập hậu. Tình thế hiện tại khiến Trần Văn Lộng chỉ có hai lựa chọn, đánh với Phùng Hiền hoặc lui binh theo hướng Nam về gần vùng La thành kiểm soát. Liễu Mộc Nhân cho rằng, một khi Trần Văn Lộng có động thái lui binh, Phùng Hiền nhất định sẽ tận dụng thời cơ đốc quân truy kích. Liễu Mộc Nhân đề nghị Trần Văn Lộng tiến đánh Phùng Hiền, nếu Yết Kiêu trợ chiến, Lộng rút về phía Nam sẽ thuận lợi hơn là không đánh mà lui. Trần Văn Lộng nghe theo ý kiến này bởi nếu còn trù trừ sợ là đường lui binh cũng khó khăn.

Sớm ngày hôm sau, vai khoác chiến bào, Trần Văn Lộng một lần nữa chỉ huy ba quân bày trận hình rẻ quạt, đưa toàn bộ kỵ binh sang cánh hữu. Bên cánh tả sẽ tập trung quân cung nỏ và bộ binh trang bị nhẹ. Trung quân bày Phương trận với khiên, ván gỗ, tre có rơm rạ trát bùn. Cự thạch pháo đặt trước Phương trận.

Phùng Hiền chưa nắm được ý đồ của đối thủ khi đưa pháo đá làm tiền quân bèn hạ lệnh lui binh về hướng Tây Nam thêm trăm trượng, điều chuyển lực lượng hoả khí sang cánh tả đề phòng quân kỵ của đối phương tràn lên. Yết Kiêu hay tin lập tức điều động một tiểu đoàn lên trợ chiến, phần còn lại nhắm hướng Đông ghé Nam thẳng tiến thể hiện ý đồ t·ấn c·ông tạt sườn đội hình kỵ binh của Trần Văn Lộng.

Bất chấp t·hương v·ong, Trần Văn Lộng truyền lệnh quân kỵ xung phong thẳng vào đội hình phòng ngự của Lan Ngư phủ khiến anh chàng phải lui thần công và Hoả pháo về sau. Phùng Hiền phất cờ lệnh cho trung đoàn bộ binh số 2 Sơn Tây tiếp chiến. Dưới sự yểm trợ hùng hậu của Cự thạch pháo, các đội hình Phương trận không gặp mấy khó khăn trong khi tiến công. Lan Ngư phủ bấy giờ đã lùi về sau, xoay thần công sang phải bắn cấp tập ngăn cản. Trần Văn Lộng cho quân pháo vừa di chuyển vừa tác xạ với đủ các loại đạn cháy, đạn chông, đạn đá bất chấp t·hương v·ong khiến Lan Ngư phủ phải liên tục lùi lại.



Tiểu đoàn thuỷ do Yết Kiêu phái đến kịp nhập trận khi Trung đoàn 1 và 3 của Phùng Hiền đánh giáp lá cà bằng v·ũ k·hí lạnh. Thần công lúc này không còn phát huy tác dụng, Lan Ngư phủ sai quân sĩ khiêng súng về hậu phương, chỉ để lại Hoả pháo. Một số binh sĩ thuộc quyền Lan Ngư phủ cũng rút đao nhập trận.

Trận chiến diễn ra rất ác liệt.

Yết Kiêu dẫn cánh quân t·ấn c·ông tạt sườn đội kỵ binh và chia cắt được một phần đội hình song chưa thể áp sát do các khẩu Cự thạch pháo quay ra trút đạn như mưa rào.

Đương lúc thế trận hai bên bất phân thắng bại, Trần Văn Lộng được quân cấp báo Đông Chinh vương phủ đã bị chiếm, không rõ lực lượng t·ấn c·ông có bao nhiêu quân bỏ chạy có trông thấy kỳ hiệu ghi Tiểu đoàn Thiên Đức. Liễu Môn Nhân rụng rời tay chân, hoảng hốt thốt lên:

- Điệu hổ ly sơn kế ư? Quân đó từ đâu ra?

Đương Chu nói:

- Có thể là bọn ở làng Cẩm Lĩnh tràn đến.

- Nếu vậy thì đội cử đi lúc đêm phải báo về chứ?

Chẳng ai trả lời được câu hỏi của Trần Văn Lộng trừ những người vạch và thực hiện kế hoạch bên Thiên Đức.