Chương 487: Bày binh bố trận
Phùng Hiền chỉ huy Sư đoàn Sơn Tây, cách gọi vô cùng lạ lẫm với Phùng Hiền và binh sĩ. Bản thân Phùng Hiền chưa thực sự hiểu cấp bậc Thiếu tá mà anh nhận. Nguyễn Văn Giáp mang hàm Đại uý. Yết Kiêu tốn khá nhiều thời gian để giải thích với hai người khi Phùng Hiền “Thiếu” Bố Giáp thuộc cấp lại mang chữ “Đại”.
Sư đoàn bộ binh Sơn tây có 3 trung đoàn đánh số lần lượt là 1, 2, 3 cùng 1 tiểu đoàn pháo binh trực thuộc. Lan Ngư phủ tạm thời chỉ huy tiểu đoàn pháo binh Sơn Tây cho đến khi có người thay thế. Tiểu đoàn trang bị 15 thần công, 15 hoả pháo và 15 Cự thạch pháo.
Nhiệm vụ Vạn Thắng vương giao cho Sư đoàn Sơn Tây là thu hút sự chú ý của Trần Văn Lộng hơn là giao chiến. Phùng Hiền chỉ huy binh mã gióng trống khua chiêng xuất thành thẳng tiến hướng Đông Chinh vương phủ vào sớm tinh mơ một ngày hạ tuần tháng 5 oi ả. Phùng Hiền hạ trại cách Đông Chinh vương phủ ba dặm, sở chỉ huy đặt ở Tản Lĩnh, một ngôi làng nhỏ bốn phía là cánh đồng trơ gốc rạ. Chiều muộn khi binh sĩ bắc bếp thổi cơm thì quân sĩ do Phùng Hiền cử đi gặp Trần Văn Lộng trở về cùng với thư phúc đáp. Trần Văn Lộng không hàng mà hẹn một trận sống mái với quân nhà họ Phùng tại cánh đồng Gò Sống. Phùng Hiền đọc thư xong liền cười nhạt. Nguyễn Văn Giáp đứng cạnh bên lặng im không nói, ánh mắt nhìn đăm đăm vào hoạ đồ chi tiết do hoạ sư mới vẽ còn chưa ráo mực.
- Báo cáo, địa hình cánh đồng trống trải như vậy nếu dàn binh bày trận chỉ tổ làm mồi cho pháo.
Nghe Lan Ngư phủ nói vậy, Nguyễn Văn Giáp gật gù nêu ý kiến:
- Chúng có chuẩn bị từ trước nên mới tự tin như thế, hẳn là trong tay Trần Văn Lộng có vài trăm Cự thạch pháo và Gò Sống thực có địa hình lý tưởng để dàn quân bày trận.
- Nhiệm vụ của chúng ta chỉ là thu hút sự chú ý của Trần Văn Lộng. - Phùng Hiền đi quanh cái bàn tre, ngẩng đầu nhìn mái tranh mà nói. - Vậy cứ hẹn nó sáng mai quyết chiến một phen được không nhỉ. Vạn Thắng vương ban cho chúng ta một cái tên mới, tôi muốn có một trận ra trò.
- Thưa anh Hiền! - Lan Ngư phủ hiểu tâm tư của Phùng Hiền. - Thắng trận chưa chắc phải phân tài cao thấp với Trần Văn Lộng mà chúng ta cần tuân thủ kế hoạch đã thống nhất ạ.
Phùng Hiền cười, nét mặt hơi buồn rầu:
- Tôi hiểu chứ! Nói thì nói vậy thôi. Tôi chỉ không hiểu tại vì sao thằng giặc này lại hẹn sớm ngày kia mà không phải ngày mai nhỉ? Chắc nó biết chúng ta có thần khí chứ?
- Tôi nghĩ nó muốn hẹn sớm ngày kia là vì cần thời gian chuẩn bị thêm hoặc lợi dụng đêm tối đánh úp chúng ta.
Nguyễn Văn Giáp khoanh tròn vị trí đóng quân và nói thêm:
- Hoặc nó hẹn Ngô Tất Sắc kéo binh từ Sơn Vi đánh tập hậu chúng ta. Từ Sơn Vi tới đây nhanh cũng phải hơn một ngày đêm.
Phùng Hiền nhăn mặt:
- Tôi thực không hiểu tại sao hắn có thể lên được chức Tả tướng. Được, vậy cứ theo ý hắn xem sao, nhất định không thể để hắn trốn thoát. Gã mưu sĩ Đương Chu chuột nhắt ấy chẳng biết có trong Đông Chinh vương phủ không nữa, thằng đó cần diệt trừ vì miệng lưỡi của gã khiến nhiều người m·ất m·ạng.
Phùng Hiền cùng thuộc cấp ráo riết chuẩn bị cho trận chiến, đồng thời căn dặn tướng sĩ đề cao cảnh giác phòng trường hợp Trần Văn Lộng bất ngờ đổ quân tập kích hai bên sườn.
Trời vừa tối, các tiểu đoàn bộ binh Thiên Đức âm thầm, lần lượt rời khỏi nơi đóng quân tạm thời đến các địa điểm đóng quân mới. Trong trại tạm đèn đuốc sáng rực, quân canh vẫn tuần phòng nghiêm ngặt như thể quân đang ở bên trong doanh.
Các tiểu đoàn như Thiên Đức, Tam Vạn, Long Ngô Động, Kim Động phân tán thành các đại đội độc lập, mỗi đại đội gồm 150 tay súng, tức tốc hành quân về hướng Tây Nam. Trước khi trời sáng rõ, các đại đội độc lập ẩn nấp trên những gò đống lớn có nhiều cây cối um tùm. Cùng thời điểm này, Tiểu đoàn Thiết kỵ 321 chủ lực cùng D324 kỵ binh mới chọn từ binh sĩ Sơn Tây do Phùng Nguyên Hoàn chỉ huy, tổng cộng 1000 quân, cũng bí mật rời thành đến địa điểm định trước ở hướng Tây Bắc mai phục. Nhiệm vụ của cánh quân này là ngăn chặn Ngô Tất Sắc từ Sơn Vi điều quân tiếp viện cho Trần Văn Lộng.
Sáng sớm hôm sau, hai tiểu đoàn trực thuộc Trung đoàn thủy quân Yết Kiêu chậm rãi xuất thành đóng vai trò hậu bị, hạ trại cách làng Tản Lĩnh 6 dặm về hướng Đông Nam.
Trung đoàn Sơn cước số 1 của Trịnh Tú và số 3 của Lý Quang Minh sử dụng thuyền ngược dòng Xích Giang chừng hai chục dặm thì đổ quân lên bờ hữu ngạn. Hai trung đoàn đổ quân rất chậm, một phần vì địa hình không thuận lợi nhưng lý do dềnh dàng là họ phải làm theo mệnh lệnh. Trịnh Tú dẫn đội hình đi trước, Lý Quang Minh tụt về sau khoảng 3 dặm. Do trong đội hình có thần công cùng hoả pháo nên mãi đến chiều tối, hai trung đoàn thuộc Thần Dực quân mới di chuyển được gần hai chục dặm tính từ bến đổ bộ, tạm dừng chân tại giáp Thượng Sơn, một vùng bán sơn địa với nửa địa hình đồi thấp, nửa còn lại là vùng trũng nằm ven thượng nguồn Tích Lịch Giang. Trước khi trời sáng, toàn bộ hai trung đoàn đã vượt sông an toàn và hạ trại.
Giáp Thượng Sơn có năm thôn: Thượng Sơn, kẻ San, Tả Thủy, Đồng Yên và Đồng Bảng nằm trên các quả đồi thấp nối tiếp và cách nhau khoảng 2 dặm. Do có địa hình như vậy, Thượng Sơn là đại bản doanh của Ngô Tất Sắc trước khi chiến loạn xảy ra. Bao bọc quanh làng Thượng Sơn là đồng ruộng chiêm trũng sau vụ gặt, ao chuôm, ngòi lạch, những bụi tre gai to, dày đặc và hệ thống tường luỹ bao quanh có chỗ dày hơn 1 trượng, cao gần 1 trượng. Trong làng Thượng Sơn, nhà cửa được xây dựng kiên cố trên nền đất cứng, có tường bao quanh bằng đá ong, gạch nung tạo nên các đường, ngõ, xóm hiểm hóc.
Lý Quang Minh chốt giữ tại Thượng Sơn, vừa làm hậu cứ vừa kiểm soát Tích Lịch Giang trong khi Trịnh Tú cùng với Trung đoàn Sơn cước số 1 tiếp tục hành quân đến làng kẻ Đối, cách Thượng Sơn 20 dặm về phía Bắc. Kẻ Đối nằm bên bờ hữu ngạn Xích Giang, gần ngã ba sông hợp lưu giữa Xích Giang và Hắc Giang (sông Đen). Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 1 trực thuộc Trung đoàn thủy Yết Kiêu sẽ được điều lên phối thuộc với Trịnh Tú một khi có lệnh vượt sông tiến sang đất Sơn Vi. Như vậy tại thành Sơn Tây chỉ còn Tiểu đoàn Thần Vũ và Trung đoàn thuỷ Kình Ngư trấn thủ mặt phía Tây thành.
Ngoài các đại đội độc lập và quân Thiết kỵ bí mật ẩn nấp giấu tung tích, có thể nói việc điều động binh mã đều diễn ra vào ban ngày, ai ai cũng có thể trông thấy. Tế tác của Trần Văn Lộng, Ngô Tất Sắc hay Lý Mẫn mặc nhiên nghĩ các tiểu đoàn bộ binh Kim Động, Tam Vạn, Thiên Đức hay Long Ngô Động vẫn ở trong trại quân bảo vệ ba mặt thành. Sở dĩ có chuyện đó là bởi Chương ban lệnh giới nghiêm từ giữa giờ Dậu ngày hôm trước đến đầu giờ Mão ngày hôm sau.
Phùng Hiền và Nguyễn Văn Giáo thực lấy làm lạ với cách điều binh của Chương bởi thay vì tập trung lực lượng mạnh, dùng lợi thế quân sĩ và hoả khí giành chiến thắng áp đảo thì anh lại chia quân thành những lực lượng nhỏ phân tán. Chương cho biết, nếu tập trung lực lượng đánh Trần Văn Lộng, Lộng thua mà chạy thì Ngô Tất Sắc, Phan Văn Hầu hay Lý Mẫn nhất định lợi dụng thời cơ quấy phá những nơi còn lại, cuộc chiến dai dẳng chưa biết bao giờ mới đến hồi kết. Vì thế, Chương điều động binh mã giữa thanh thiên bạch nhật để các sứ quân dè chừng, khó đoán thực hư và hư thành thực, thực có thể thành hư bất cứ lúc nào và yêu cầu tất cả mọi người nghiêm túc thi hành triệt để mệnh lệnh.
Phùng Hiền và Nguyễn Văn Giáp thực sự ngạc nhiên khi Trần Văn Lộng quả thật không có động tĩnh nào cho đến gần thời điểm giao hẹn. Đầu trống canh Năm, quân báo rằng Trần Văn Lộng xuất quân từ đại bản doanh bày binh bố trận tại khu vực Gò Sống, không rõ quân số bao nhiêu, nếu dựa vào kỳ hiệu thì ước định chừng 8 đạo kỵ bộ nhưng chưa thấy Cự thạch pháo.
- Hắn định làm gì nhỉ? - Phùng Hiền thắc mắc. - Hắn không thể không dùng đến pháo đá trợ chiến. Nếu tiền quân không có ắt hắn đặt ở trung quân hoặc hậu quân.
- Lộng có vẻ rất tự tin! - Bố Giáp nhận định. - Bên cạnh hắn nhất định có mưu sĩ mách nước. Lộng thực muốn phân cao thấp với chúng ta, chả lẽ hắn muốn chứng minh giá trị của bản thân với những kẻ đứng sau?
Lý An mới đến theo sắp xếp của Chương, ông nắm bắt tình hình song chưa đưa ra bất kỳ ý kiến tham mưu nào.
Trời tờ mờ sáng, tiếng trống trận khoan thai, bóng tinh kỳ phấp phới bay trong gió, rợp một góc trời. Lý An trèo lên vọng gác theo dõi Trần Văn Lộng bày binh bố trận quy củ thì gật gù tấm tắc khen:
- Anh Giáp nói đúng đấy, bên cạnh Trần Văn Lộng thực có cao nhân giúp sức.
Phùng Hiền và Bố Giáp cũng thừa nhận. Lan Ngư phủ đứng đằng sau Lý An bấy giờ mới lên tiếng:
- Chỉ sau một thời gian ngắn mà ông ta huy động được lực lượng đông và bài bản, cũng đáng nể lắm ạ. Mỗi đạo binh cách nhau năm mươi trượng, mỗi binh sĩ lại đứng cách sau hai sải tay như bình bàn cờ có lẽ nhằm giảm t·hương v·ong khi đối mặt với thần công của ta ạ.
Lý An chỉ về ba đạo tiền quân và bảo:
- Hãy để ý mà xem, ba đạo ấy dùng khiên bọc đồng cỡ lớn và giáo dài. Nếu mắt tôi chưa kèm nhèm thì mỗi binh sĩ đều giắt bên hông một thanh đoản đao. Chúng ta không có kỵ binh, Trần Văn Lộng chắc chắn biết điều đó mà lại đưa trọng binh lên trước là có ý gì?
Lan Ngư phủ hỏi mà như trả lời:
- Chống lại pháo ạ?
Lý An đồng tình nhưng ông lại chỉ trỏ sang hai bên cánh rồi nói:
- Hai đạo ở cánh thì lẫn lộn kỵ bộ trang bị nhẹ, phải chăng gấp gáp nên chuẩn bị không kịp lực lượng khinh kỵ chăng? Có điều… họ đặt như vậy có dụng ý gì?
Phùng Hiền nói:
- Đề phòng bị t·ấn c·ông vào sườn, thưa thầy. Tướng sĩ Sơn Tây đều thuộc nằm lòng rằng quân Thiên Đức thường dùng lực lượng cơ động đánh thọc sườn nên có thể lý giải theo cách đó.
Lý An gật đầu cười mà rằng:
- Quả thật một trong những đặc trưng của Thiên Đức quân là như vậy nhưng hôm nay chúng ta không có kỵ binh, chẳng có hoả mai nên t·ấn c·ông vào hai cánh chia cắt đội hình của hắn là điều khó. Từ đây trông ra không thấy quân pháo, có ai thấy không?
Lan Ngư phủ đáp:
- Dạ thưa thầy, với đội hình như này nhất định Trần Văn Lộng đặt ở trung quân.
- Vậy đối sách của chúng ta sẽ như thế nào? Anh Hiền?
Phùng Hiền chắp tay cung kính thưa rằng:
- Học trò lần đầu dụng binh theo cách mới nên còn bỡ ngỡ, thật chẳng dám giấu thầy.
Lý An bật cười vỗ vai Phùng Hiền nói rằng:
- Ta nghe Vạn Thắng vương đánh giá anh và ông Giáp rất cao. Ta đến tham mưu còn như định liệu ra sao đều do anh Hiền định liệu cả. Bởi thế ta muốn biết anh sẽ làm gì để đối phó với tay họ Trần này. Binh pháp thiên biến vạn hoá, người dụng binh giỏi cần ứng biến tốt.
Sau hơn nửa tháng tiếp thu những kiến thức quân sự mới lẫn cũ từ lão tướng Lý An, Phùng Hiền lấy làm vui mừng và kính trọng Lý An lắm. Anh cũng muốn thể hiện bản thân là một người có năng lực thực sự chứ chẳng phải kế thừa chức Sứ tướng do người cha khuất núi chỉ định.