Chương 474: Lòng vả cũng như lòng sung
Cảnh đổ nát hoang tàn của phần phía Bắc thành Sơn Tây dần hiện rõ trong ánh ban mai. Nhà cửa phần cháy rụi, phần bị giật sập, một số căn nhà chỉ còn bốn bức tường bằng đất ám đen. Lẫn trong đống tro tàn có hàng trăm xác người bị cháy đen chẳng thể phân biệt được nhân dạng. Thiên Bình tận mắt trông thấy cảnh này, nàng nhỏ lệ quay về phủ Thái sư.
Binh mã bày trận đâu đó xong xuôi, Yết Kiêu và Phùng Hiền khoác chiến bào đứng trên lầu cao phóng tầm mắt xa xa, chốc chốc lại trao đổi đôi ba câu. Cả hai thống nhất chiêu dụ quân phản loạn thay vì biện pháp quân sự bởi đánh tan một đội quân 2 vạn người không phải là không thể nhưng vô ích. Đông Chinh vương không tiếp sứ giả, thay vào đó là Trần Bá Tiên. Trần Bá Tiên đưa ra một loạt yêu sách, đầu tiên hắn muốn Sơn Tây vương thoái vị nhường ngôi. Đây là điều không thể.
- Cần phải ly gián bọn Trần Bá Tiên, Tĩnh Mịch Thiền sư và Dương Sàn. - Lý Thái sư xuất hiện. - Bọn du thủ du thực ấy là nguồn cơn mọi chuyện.
Yết Kiêu và Phùng Hiền cùng vái chào Thái sư. Thái sư nói thêm:
- Sơn Tây có gần một vạn người từ phương Bắc xuống nương nhờ trong những năm qua, họ cơ bản thuần hậu. Bọn Trần Bá Tiên là hãn hữu mà thôi.
- Lý Thái sư! - Yết Kiêu hỏi. - Ngài sợ ta mạnh tay với bọn ngoại bang ấy thì lưu dân sẽ tâm tư ạ?
Lý Thái sư vịn tay lên lan can gỗ, hướng ánh nhìn về núi đồi trùng điệp xa xít tắp:
- Lão thực có nghĩ nhưng… không mạnh tay e ngày sau sinh chuyện. Lão đến không khuyên hai vị nên hay không nên làm gì nhưng để ung nhọt chậm một ngày sẽ khiến cơ thể sinh bệnh mà hại về sau.
Tựa cột dõi theo bóng Thái sư khuất sau một ngã rẽ, Phùng Hiền nói với Yết Kiêu:
- Tâm huyết cả đời của lão Thái sư là giữ đất căn bản của tiên vương. Sau hơn hai mươi năm nỗ lực vun đắp lại quay về như lúc ban đầu nên Thái sư rất phiền lòng.
- Thái sư đồng liêu với ông cụ thân sinh nhà tôi, một người văn một người võ song chung một lòng. Khác với Thái sư, ông cụ nhà tôi bây giờ vui vầy với con cháu, ông thường làm ngựa cho chúng cưỡi. Để đất nước loạn ly chia năm sẻ bảy, bách tính lầm than như này một phần trách nhiệm do những người trẻ như anh với tôi.
Phùng Hiền kéo ghế ngồi xuống hỏi lại:
- Anh nói vậy tôi chưa hiểu hết ý, anh nói rõ hơn được chứ?
- Tôi với anh trạc tuổi nhau, Vạn Thắng vương hơn tôi một tuổi. Vạn Thắng vương khác anh với tôi ở chỗ ngài có suy nghĩ khác biệt, không theo lẽ thông thường. Nói đơn cử thế này, ông cụ nhà tôi với Thái sư trước sau một lòng với tiên vương. Trước khi gặp Vạn Thắng vương, ông cụ trung thành với tiên vương thì tôi cũng thế, như lẽ tự nhiên. Cố Sứ tướng sinh thời trung thành với Sơn Tây vương cũng như vương nghiệp nhà Lý. Anh tiếp nối truyền thống đó có phải không?
Phùng Hiền đáp:
- Tôi được dạy dỗ từ nhỏ như vậy, đối với trai họ Phùng, cầm kiếm khuông phò quân vương là điều nên làm. Tôi hiểu anh muốn nói gì. Vạn Thắng vương lấy dân làm gốc, đặt quyền lợi bách tính lên trên lợi ích dòng tộc, quyền lực.
Yết Kiêu nhoẻn miệng cười:
- Hồi đầu đôi lúc tôi hồ nghi, nghĩ có khi Vạn Thắng vương nói vậy chẳng phải vậy nhưng thời gian chứng minh rằng tôi đã sai. Vạn Thắng vương quả thật không ham quyền lực, ngài ấy muốn trở về nơi ngài ấy đến nhưng… chưa tìm ra cách.
- Làm sao có thể lên trời được?
- Ngài ấy cũng là phàm nhân như chúng ta nhưng tầm nhìn thì… tôi có được ngày nay đều do ngài ấy chỉ bảo. Anh nghĩ thế nào khi Sơn Tây vương muốn trao ấn tín cho Vạn Thắng vương rồi xưng thần?
Phùng Hiền đứng dậy, đến bên lan can nhìn xa xăm suy nghĩ một hồi lâu mới đáp:
- Nếu Sơn Tây vương không quy thuận Thiên Đức bây giờ thì Thiên Đức sẽ kéo đại quân đến.
- Sao anh lại nghĩ thế?
Phùng Hiền quay lại nhìn Yết Kiêu, bật cười:
- Anh đừng nghĩ tôi hạng võ biền chứ.
- Tôi không hề có ý đó.
Phùng Hiền chỉ về hướng Tây mà rằng:
- Tam Đái thoi thóp bên kia sông, quân sĩ có vét sạch cũng chẳng nổi 1 vạn. Với sức mạnh mà tôi tận mắt trông thấy thì nội trong một ngày… đúng… chỉ một ngày thôi! Thiên Đức sẽ san phẳng xứ ấy. Tam Đái có rồi thì… nếu là tôi, tôi sẽ đánh sang Sơn Tây. Nói không ngoa, có Sơn Tây sẽ dễ dàng có được toàn bộ đất Vạn Xuân dễ như trở bàn tay.
Yết Kiêu nheo mắt:
- Anh nắm trong tay ba quân Sơn Tây đấy!
Phùng Hiền ngửa đầu cười vang một hồi, đoạn anh bước đến vỗ vai Yết Kiêu:
- Tôi không có ý xúc phạm anh đâu. Kẻ khác không thấy nhưng tôi nhất định phải thấy. Tôi nắm ba quân Sơn Tây nhưng bốn bề có địch nhân, Vạn Thắng vương có Sơn Tây sao có thể giống tôi. Sơn Nam Hạ thuộc về Thiên Đức, nếu thêm Sơn Tây nữa thì…
Phùng Hiền nhìn thẳng vào mắt Yết Kiêu, Yết Kiêu tủm tỉm cười, gật gù nói:
- Vạn Thắng vương nói với tôi chỉ cần Phùng Hiền nghĩ thông thì Sơn Tây không cần phải lo nữa.
- Đó là lý do Vạn Thắng vương cho Đại Thắng Lý Hoàng hậu đến cùng đại quân? Nhà họ Phùng ba đời trung thành với cơ nghiệp nhà Lý. Hoàng hậu là người kế thừa cơ nghiệp theo di nguyện, tôi nào được lựa chọn cơ chứ.
Yết Kiêu thừa nhận:
- Thẳng thắn mà nói, tôi hi vọng ngày sau được cùng phe với anh, làm đối thủ của anh thật chẳng vui. Nếu anh có quân hệt như tôi, tôi e mình chẳng phải đối thủ.
Phùng Hiền bật cười:
- Tôi nhận lời khen từ con vị đại tướng tiền triều và thống lĩnh thủy quân hùng mạnh của Thiên Đức.
Như vậy Yết Kiêu khéo léo dò được ý tứ của Sứ tướng Sơn Tây. Nhà họ Phùng có uy tín trong quân, họ Phùng quy thuận sẽ giúp công cuộc thu phục và kiểm soát Sơn Tây trở nên dễ dàng hơn gấp bội. Hai vị thống soái ngồi bàn định cho đến lúc quân sĩ lên báo cáo tin quân tình do tế tác chuyển về. Ngay lập tức, Yết Kiêu điều động Tiểu đoàn Thiên Đức tiếp ứng cho cánh Phạm Ngũ Lão. Phùng Hiền cũng điều ba trăm quân bản bộ của Phùng Thanh Hoà đi cùng. Phùng Thanh Hòa b·ị t·hương hãy còn mê man chưa tỉnh. Yết Kiêu muốn vây hai mặt, cắt đường liên lạc giữa Đông Chinh vương với vùng phía Đông. Phạm Ngũ Lão, Đinh Điền và Lưu Cơ sẽ nhắm mục tiêu là đường vận lương hoặc kho lương của đối phương và quan trọng hơn, Phạm Ngũ Lão sẽ tìm mọi cách khống chế các nguồn nước.
Ở mặt Đông, Nguyễn Văn Giáp cho quân đóng ở trại từng thuộc quyền Nguyễn Khắc Tỵ có ý chờ đợi Đặng Nguyên. Trong khi đó, Cao Lịch và Dương Cát Lợi chỉ huy thủy pháo liên tục ngược xuôi trên dòng sông đục ngầu phù sa. Bọn Lý Kế Nguyên án binh bất động, lẩn khuất dưới những tán cây, bụi cỏ ven suối, mương hoặc hào nước. Theo lệnh của Phùng Hiền, Phùng Nguyên Hòa dẫn theo hàng nghìn quân dân hỗ trợ cánh Lý Kế Nguyên đắp bờ cao ngăn nước từ ngoài sông chảy vào.
Đầu tháng 5 trời nắng gắt, theo lời quan Khâm thiên giám, dự kiến trong 7 đến 10 ngày nữa trời không có mưa. Bởi thế Yết Kiêu và Phùng Hiền thực hiện kế sách thi gan với bọn Ngô Tất Sắc. Mạn phía Bắc thành địa hình cao, quân đông mà bị chặn nguồn nước từ hai mặt tả hữu ắt quân phản loạn phải lui về phía rừng xa xa tìm nguồn nước. Sở dĩ bọn Yết Kiêu thực hiện kế sách này là bởi đối phương tập hợp binh mã gấp gáp, lương thảo đủ trong dăm bữa nửa tháng nên chưa sợ nhưng thiếu nước nhất định lòng quân dao động. Để kế sách thành công, chiều ngày hôm ấy, Phùng Hiền huy động toàn bộ những người trước đó thuộc Trinh Phù quân chia hai ngả, nửa lên giúp Phạm Ngũ Lão, nửa còn lại giúp cánh Lý Kế Nguyên tát nước ngược ra sông suốt đêm.
Một kế sách đơn giản song đem lại hiệu quả nhanh!
Thần công sẽ phát huy tác dụng lớn hơn nếu đặt trên cao. Bên cạnh mấy khẩu thần công đặt hai bên mặt thành bắn xẻ tà yểm trợ nếu Ngô Tất Sắc mạo hiểm t·ấn c·ông, Yết Kiêu muốn đưa thần công mặt chính diện đặt lên cao song không có vị trí thuận lợi. Cách duy nhất là đắp ụ đất. Cấm quân giúp việc ấy. Yết Kiêu muốn có ít nhất 5 ụ đất lớn, vì thế trong thành Sơn Tây xuất hiện 5 cái ao ngay cạnh những ụ đất. Dân trong thành gọi là ao Ngũ Pháo. Lần đầu tiên trong đời các chàng cấm quân trông thấy thứ gọi là thần khí trấn thiên, họ hăm hở đào đất, khiêng gạch ngói vỡ, xà gồ, tre… từ những căn nhà đổ nát, sau 2 ngày đã hoàn thành. Đổi lại, Yết Kiêu hứa sẽ cho họ tự tay khai hoả xem như trả công.
Hàng trăm căn nhà siêu vẹo trước những họng thần công bị dỡ bỏ hàng loạt cho quang đãng. Các bụi tre, hàng cau hay bờ rào cũng được dọn sạch. Nói chính xác, 5 ụ đất lớn tương đối thẳng hàng, mỗi ụ cách nhau gần trăm trượng trở thành bức tường thành phòng thủ vô cùng độc đáo. Kết hợp với thần công trên mặt tường thành cao đến 2 trượng thì để vượt qua khu vực này tràn xuống trung tâm thành Sơn Tây, nơi có phủ đệ vương thượng, Thái sư… sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với những kẻ có ý định t·ấn c·ông.
- Thời kỳ phòng thủ bằng tường gạch vồ, đá ong đã qua rồi. - Yết Kiêu nói. - Chúng ta đã làm xong tường phòng thủ bằng hoả lực.
Anh chỉ về hướng Bắc nói thêm:
- Từ các gò đất nhân tạo này đến nơi bố trí trận địa pháo đá của Ngô Tất Sắc chưa đầy 2 dặm.
Phùng Hiền bổ sung:
- Khoảng 1 dặm hơn không đáng kể.
Yết Kiêu cười mà rằng:
- Như vậy là trong tầm bắn, cuộc t·ra t·ấn tinh thần và thể xác sẽ sớm bắt đầu mà thôi.
- Bây giờ ư?
- Chờ đến tối mới vui.
Ở bên kia chiến tuyến, Ngô Tất Sắc bố trí rất nhiều trận địa pháo, xen lẫn có đôi ba đội kỵ binh và xạ tiễn trong khi bộ binh lui hẳn về sau đóng tản mát thảnh từng cụm dăm bảy chục người. Yết Kiêu nắm được cách bố trí của đối phương không mấy khó khăn bởi Ngô Tất Sắc cùng một số tướng lĩnh khác từng huấn luyện chung với những Phùng Hiền, Nguyên Hoàn… Ngô Tất Sắc chưa tìm ra đối sách chống lại thần công, bọn Tĩnh Mịch Thiền sư lại càng không. Bởi vậy cách duy nhất mà Ngô Tất Sắc nghĩ ra được là tăng cường thêm hàng trăm hệ thống pháo bắn đá đặt cố định.
Các xạ thủ pháo binh Trung đoàn Yết Kiêu chờ trời tối hẳn mới khai hoả đo tầm bằng đạn sắt kéo theo một mớ bùi nhùi. Sau vài lần bắn như vậy, vệt lửa trên bầu trời đêm giúp xạ thủ hiệu chỉnh dược tầm bắn phù hợp. Như đã hứa, các xạ thủ cho cấm quân đắp ụ đất tự tay châm lửa khai hoả. Các khẩu thần công không bắn theo loạt, thay vào đó bắn túc tắc cốt tạo t·iếng n·ổ lớn khiến đối phương bất an. Tầm xa của những quả đạn sắt kèm lựu đạn nổ tuy không gây t·hương v·ong là bao song nỗi kinh sợ của xạ thủ bắn đá ở trên gò cao bắt đầu lớn dần. Các khẩu pháo đá phải che chắn cẩn thận hơn nhiều lần. Điều lạ là Yết Kiêu không cho binh sĩ rót đạn xuống khu vực trận địa ở dưới thấp của đối phương. Sự thật là sau hai đêm liền quân sĩ Thiên Đức thi thoảng lại bắn đùng đùng thì pháo thủ ở các trận địa dưới thấp bên phía Ngô Tất Sắc lo đến mất ăn mất ngủ, sợ quả đạn tròn rơi xuống đầu nên nghe t·iếng n·ổ đều nhảy xuống hố đào sẵn che ván gỗ mà nấp.
Sang đến ngày tiếp theo, đại quân của Đông Chinh vương có dấu hiệu thiếu nước uống và nấu ăn khi những con suối bắt đầu cạn nước mà trời hè nắng gắt. Các toán quân được cử đi dò ngược theo nguồn nước đều bị phục kích phải bỏ chạy tháo thân. Trần Bá Tiên đoán Thiên Đức và quân thủ thành Sơn Tây chặn các nguồn nước hai mặt tả hữu. Theo lời mách, Đông Chinh vương sai binh sĩ đào giếng, mặt khác cử một số đội binh nhỏ tiến về phía núi tìm nguồn nước khác.
Ngẫm tình thế sẽ bất lợi nếu trú đóng lâu, bọn Trần Bá Tiên, Tĩnh Mịch Thiền sư bèn tham mưu cho Đông Chinh vương dẫn đại quân về hướng Đông, đó là lối khả dĩ nhất. Nhiều toán binh được tung về hướng Đông dò xét diện rộng. Các toán binh này đụng độ với cánh Phạm Ngũ Lão dội ngược lại khiến Trần Bá Tiên suy nghĩ rất lung. Để ngỏ ý đánh một trận sống mái với quân thủ thành. Đông Chinh vương gọi Ngô Tất Sắc đến bàn định. Ngô Tất Sắc sau mấy ngày bị dồn nén, cũng muốn sinh tử một trận hòng phá vỡ cục diện dần có chiều hướng bất lợi nhưng chưa biết phải làm sao.