Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 473: Lạt mềm buộc chặt




Chương 473: Lạt mềm buộc chặt

Nhờ có thần công, hoả pháo và hàng nghìn tay súng nhập thành yểm trợ, Phùng Hiền tạm thời đẩy lui quân t·ấn c·ông về khu vực tường thành phía Bắc. Đang đà thắng thế, tinh thần quân sĩ hăng hái trong khi đối phương có phần nao núng, bỏ chạy khỏi nhiều vị trí đã chiếm được trước đó, Phùng Hiền quyết định tổng phản công. Yết Kiêu khuyên Phùng Hiền hãy chờ đợi trời sáng, Phùng Hiền nghe lời khuyên nên xốc lại đội hình sử dụng các pháo đá chưa bị thiệt hại bắn cầm chừng, đề phòng đối phương thừa cơ tiếp cận. Sở dĩ Yết Kiêu không vội phản công là do khu vực phía Bắc thành Sơn Tây có nhiều nhà cửa, kho tàng tương đối dày đặc dẫn đến tầm nhìn hạn chế, nếu giao chiến trong bóng tối khó phát huy uy lực của súng, thần công cũng như lựu đạn. Thứ nữa, Yết Kiêu chưa nắm rõ thực địa chiến trường, chỉ thông qua mô tả của Phùng Hiền nên cần chút thời gian. Quan trọng hơn cả, Yết Kiêu lo ngại các khẩu pháo đá đặt trên dãy gò cao án ngữ bên ngoài thành. Hai trận địa với hàng trăm pháo đá các loại chưa kể cung nỏ nhắm sẵn vào tường thành, nếu t·ấn c·ông vội vàng sẽ dẫn đến t·hương v·ong lớn. Tấn công từ dưới địa hình thấp ngược lên cao xưa nay chưa bao giờ dễ dàng với các tướng cầm quân. Ưu tiên của Yết Kiêu là hạn chế dẫn đến loại bỏ hoàn toàn yểm trợ của pháo đá trước khi phản công. Sự cẩn trọng của Yết Kiêu là có cơ sở.

Trung đoàn thủy Kình Ngư phối hợp với Tiểu đoàn bộ binh Tam Vạn men theo hộ thành hào đụng với một toán quân kỵ của đối phương. Toán quân kỵ này không giao chiến mà lui về sau nhập cùng một đạo bộ binh. Đội hình t·ấn c·ông bên Thiên Đức thận trọng tiến quân và buộc phải dàn quân lập trận địa trên những cánh đồng lúa và những gò đống um tùm cây cối như ốc đảo khi Lý Kế Nguyên cảm thấy nghi ngờ đối phương muốn dụ quân Thiên Đức lại gần. Dựa theo hoạ đồ, Lý Kế Nguyên và Trương Ma Nị nhận thấy phía trước mặt địa hình thoai thoải, nhiều cây cối lợi đặt phục binh. Chưa kể các khẩu pháo đá dưới quyền Ngô Tất Sắc đặt ở những đâu, nếu nóng vội và ỷ vào uy lực của súng pháo e rằng ba quân sẽ rơi vào cận chiến với địch quân có số lượng áp đảo trong khi thần công ngoài sông chẳng thể yểm trợ.

Lan Ngư phủ họp với quân pháo, lợi dụng đêm tối, cùng binh sĩ trấn thành có trong đội hình chia thành các nhóm nhỏ vượt lên đội hình chính thám thính kỹ càng. Cả đêm hôm ấy bọn Lý Kế Nguyên, Trương Ma Nị và binh sĩ Thiên Đức đang sung sức im hơi lặng tiếng mãi đến quãng canh Năm khi có tin tình báo mới chia đại quân thành các đại đội độc lập, lấy pháo binh làm trung tâm, bố trí hình rẻ quạt chiếm lĩnh một số vị trí thuận lợi ém quân chờ trời sáng.

Nói về Thiên Bình sau khi vào thành nàng thẳng đến nơi Sơn Tây vương và quần thần đang ở tạm. Thiên Bình có chút buồn đến nao lòng khi nhìn bách tính trong thành ngồi la liệt khắp nơi, lẫn trong không gian nhốn nháo là tiếng trẻ thơ khóc ré lên từng chặp. Thiên Bình đứng trong khoảng tối, tựa lưng vào một dãy tường chờ quân sĩ do Phùng Nguyên Hoàn chạy báo tin. Lý Thái sư và Lý Nhân Nghĩa cùng một số văn quan thân tín tất tả vừa đi vừa chạy đến tham kiến Hoàng hậu Thiên Đức. Người phấn khích nhất có lẽ là Lý Thái sư, ông muốn mau chóng được diện kiến Công chúa tiền triều. Trong hoàn cảnh chiến trận, quan phục chẳng vận cho đúng lễ nghi, mão chẳng kịp đội lên đầu, Lý Thái sư quỳ gối hành lễ theo phép cũ, tả hữu theo ông cũng phủ phục.

Thiên Bình vội đến đỡ Lý Thái sư đứng dậy, cảm nhận ông già đầu tóc bạc phơ đang run rẩy. Vốn là người có cá tính mạnh mẽ song lúc này Thiên Bình chẳng biết phải nói gì, phải xưng hô ra sao cho đúng. Lý Thái sư đứng dậy, dường như ông quá xúc động mà bật khóc:

- Tiên vương hiển linh đưa đường chỉ lối, cuối cùng có ngày lão thần được gặp Công chúa. Xin người thứ lỗi cho lão thần, lão thần xin được gọi người là Công chúa, thưa Đại Thắng Lý Hoàng hậu. Bấy lâu nay lão thần ngày đêm mong ngóng được diện kiến người, thật chẳng dám nghĩ cơ hội đến trong hoàn cảnh như thế này. Đội ơn Công chúa dẫn đại binh đến cứu viện trong lúc nguy ngập.

Nói rồi Lý Thái sư lại quỳ sụp mà lạy, tả hữu làm theo khiến Thiên Bỉnh bối rối.

- Ông mau đứng dậy, đứng dậy. Tất cả các ông không được quỳ như vậy, mau đứng lên đi.

Một lần nữa Thiên Bình đỡ Lý Thái sư đứng dậy, vị Thái sư già luôn miệng tạ ơn. Đôi bàn tay nhăn nheo của ông già gần bảy mươi nhưng hãy còn rắn chắc cầm chặt lấy cổ tay Thiên Bình sụt sùi mãi không thôi. Thiên Bình vốn nghĩ lúc gặp, Lý Thái sư sẽ là một ông lão mười phần quắc thước, uy nghi lẫm liệt như lời Phạm Tu nói trước khi nàng lên đường. Cảnh này bất giác khiến Thiên Bình có chút bùi ngùi. Thiên Bình nhiều lần nghe Phạm Tu và bà Dung kể về những vị văn quan đại thần lẫn võ tướng tiền triều trung thành với Lý Nam Vương. Phạm Tu là một ví dụ điển hình. Ngoài Phạm Tu, Thiên Bình nghe nói Tô Trung Từ cũng là một người gan góc. Nay gặp lão thần trung thành với đế nghiệp nhà Lý khóc như cha gặp lại con khiến Thiên Bình sinh ra hảo cảm.

Lý Nhân Nghĩa gặp Thiên Bình nhiều lần trong những năm qua, giờ phút này cũng đứng lặng yên lau nước mắt.

Mãi lâu sau Thiên Bình mới nhỏ giọng mà nói:

- Vạn Thắng vương chưa thể đến nên phái ta cùng đại quân đi trước, đường sá chẳng tính xa là xa nhưng chuẩn bị cũng mất ít ngày thành ra cứu viện có phần chậm trễ. Thái sư vả các ông bỏ quá cho.

Lý Thái sư vội nói:

- Vạn Thắng vương cho binh đến giúp đã là tốt, Công chúa lại chẳng quản đường xa thân chinh đến thì thành Sơn Tây được cứu rồi. Vương thượng biết Công chúa đến vui mừng lắm, xin người hãy theo thần.

Thiên Bình theo chân Lý Thái sư và Lý Nhân Nghĩa. Sơn Tây vương không ở trong cung hay phủ đệ mà tá túc tạm trong phủ Thái sư. Cấm quân trùng điệp, người nào người nấy tay đao tay đuốc cảnh giới quanh bốn tức tường bao bên ngoài phủ đệ. Sơn Tây vương cùng một số cận thần và gia quyến chờ sẵn ngoài cổng lớn.



Tâm tình Thiên Bình vô cùng phức tạp khi chuẩn bị hội ngộ với những người ruột thịt nhưng 26 năm trôi qua nàng chưa từng biết mặt. Chương khuyên Thiên Bình lúc gặp lại người thân hãy buông bỏ tất cả những chuyện xưa cũ hay những điều nàng từng nghe kể. Quân vương hay thường dân đều là con người nhưng cách thể hiện tình cảm có nhiều khác biệt. Trùng phùng trong hoàn cảnh đặc biệt, niềm vui sẽ khó dài lâu bởi nhiều điều chi phối.

- Thân phận của em là Hoàng hậu Thiên Đức, với bách tính Sơn Tây nói chung và giới tinh hoa Sơn Tây nói riêng thì thân phận hiện tại của em có nhiều giá trị. Ngoài mặt họ buộc phải vị nể bởi em giúp họ lúc nguy khốn nhưng lòng người nông sâu khó dò. Em là nữ nhân, thiệt thòi trở thành lợi thế, phải tận dụng triệt để. Trước trăm con mắt phải để họ thấy em đặt tình thân lên trên hết. Thái sư xuất thân văn nhân tuổi đã có khó bề khống chế đại cuộc. Văn có Lý Nhân Nghĩa, võ có Bố Giáp, nay thêm nhà họ Phùng thì chẳng còn lo gì nhưng đừng ỷ vào đó làm càn. Vũ khí của chúng ta tuy uy lực tuyệt đối nhưng cổ nhân có câu lạt mềm buộc chặt, em phải nhớ cho kỹ. Sơn Tây có hoàn toàn quy thuận hay không phần lớn phụ thuộc vào thái độ của em. Ngàn đời này giữ nước yên bình do võ tướng, trị nước thịnh thế do văn nhân.

Bên tai Thiên Bình văng vẳng lời thủ thỉ của chồng, rằng thì đây là vấn đề chính trị, một lời nói, một cử chỉ của Thiên Bình sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng của nghìn người cũng không ngoa. Thiên Bình trông rõ Sơn Tây vương vận hoàng bào màu vàng thêu hình rồng phược dưới ánh đuốc, một người đàn ông tuổi tứ tuần dáng dấp có phần tiều tuỵ, gương mặt xanh xao hốc hác nhưng vẫn phảng phất bóng dáng quân vương. Thiên Bình hít một hơi thật sâu, nàng rảo bước nhanh, vượt qua Lý Thái sư. Chẳng biết Thiên Bình xúc động được bao nhiêu, điều này chỉ nàng mới hiểu. Nàng chạy khi khoảng cách đủ gần, đôi mắt ươn ướt cất giọng:

- Vương huynh! Vương huynh!

Rồi nhào đến ôm chầm lấy Sơn Tây vương đang bối rối. Thiên Bình thút thít giống như đứa em gái nhỏ gặp lại người anh ruột sau ngày xa cách. Nàng không nói gì khác, chỉ luôn miệng lặp đi lặp lại:

- Vương huynh ơi, Vương huynh ơi!

Giọng Thiên Bình nửa trách móc, nửa hờn dỗi:

- Cớ sao bây giờ muội mới được gặp Vương huynh, trời ơi!

Sơn Tây vương bối rối, nhất thời chưa biết phải làm gì, đôi cánh tay thừa thãi buông thõng, bất giác hai hàng lệ cũng tuôn rơi. Lý Nhân Nghĩa bấy giờ đến gần bên, giọng bùi ngùi:

- Bẩm thánh thượng, mỗi lần hạ thần đi sứ Thiên Đức, Đại Thắng Lý Hoàng hậu đều gọi hạ thần đến gặp riêng để hỏi thăm thánh thượng. Dạ bẩm, Đại Thắng Lý Hoàng hậu một tay Tả Đô đốc và Phạm Quý phi nuôi nấng theo di mệnh tiên đế, mãi đến lúc trưởng thành mới biết thân phận. Đại Thắng Lý Hoàng hậu sống trong dân gian nên tính thình thuần hậu, trọng tình cảm gia đình. Nay gặp được thánh thượng chẳng thể kìm lòng. Hạ quan cũng lấy làm mừng lắm ạ.

Lý Thái sư bước đến, vòng tay cúi đầu thưa:

- Lão thần xin chúc mừng vương thượng gặp lại Công chúa. Bẩm vương thượng, lão thần vừa gặp Công chúa thì không thể cầm được nước mắt như thể gặp tiên vương. Công chúa thiệt thòi từ tấm bé, nữ nhi dẫu có là nữ tướng thống lĩnh vạn quân cũng liễu yếu đào tơ. Hai lần Sơn Tây thành nguy khốn, Công chúa đều có mặt giải vây. Tiên vương trên trời trông thấy cảnh này cũng lấy làm vui mừng.

Sơn Tây vương nghe cận thần mỗi người một câu chẳng biết mắt nhoà lệ tự bao giờ. Vương vỗ nhẹ lên lưng Thiên Bình như thể an ủi người em gái bé nhỏ, ngậm ngùi nói:

- Được rồi, được rồi! Em về quê cha đất tổ là được rồi.

Cứ thế hai anh em, kẻ là vương một cõi, người là hậu một phương cứ ôm nhau khóc mãi không thôi trước mặt văn võ bá quan trong tiếng thần công đi đùng vọng lại từ xa.

Thiên Bình vào nghị sảnh phủ Thái sư cùng Sơn Tây vương, nữ thị vệ đứng hết bên ngoài cửa. Trong nghị sảnh đèn đuốc sáng choang, Sơn Tây vương ngồi giữa, Thiên Bình ngồi bên tả, ghế kê sát nhau, đôi mắt cả hai cùng hoe đỏ nhưng nét mặt lộ vẻ rạng rỡ. Văn quan đại thần và vương thất chia tả hữu mà ngồi. Ai nấy đều tranh thủ nhìn ngắm dung nhan trưởng Công chúa Lý Thiên Bình, có người nghĩ nàng giống Phạm Quý phi lúc trẻ, người lại thì thào nàng giống tiên vương.



Thiên Bình hành lễ với nhị vị vương hậu, sau đó Sơn Tây vương lần lượt gọi vương tử, vương nữ ra chào.

- Lý Ngọc Trân xin ra mắt cô cô.

- Lý Ngọc Phượng xin ra mắt cô cô.

Hai vương nữ của Sơn Tây vương tuổi đôi mươi đã thành thân. Trưởng nữ Lý Ngọc Trân là chính thất của Phùng Hiền trong khi thứ nữ Lý Ngọc Phượng là chính thất của Phùng Nguyên Hoàn. Ba vương nữ khác hãy còn nhỏ, một trong số đó hãy còn ẵm ngửa. Thiên Bình hỏi thăm lần lượt từng đứa cháu một, nàng vui mừng lắm.

- Vương tử Lý Tiên Phong tuổi mới mười bảy là quân sĩ thuộc quyền Phùng Sứ tướng. Vương tử Lý Yên Sơn năm nay vừa mười lăm, do chiến cuộc nên có xin với ta làm quân hầu cận cho Hữu tướng Nguyễn Văn Giáp. - Sơn Tây vương nói. - Để ta cho gọi bọn chúng về.

Thiên Bình vội nói:

- Các cháu hãy còn trẻ tuổi mà xông pha như vậy thật đáng quý. Vương huynh cứ để chúng lo việc quân, muội còn ở đây, gặp chúng sau chẳng muộn. Nhờ ơn tiên vương huynh muội chúng ta trùng phùng nhưng thấy huynh gầy mòn thế này…

Đoạn nàng sụt sùi:

- Dạo cuối năm muội nghe Viên ngoại lang đại nhân nói mà lòng đau như cắt. Muội có nhờ một vị cao nhân thông thiên địa xem giúp muội sức khoẻ của huynh.

Thiên Bình truyền lệnh ra ngoài, nữ binh đem vào mấy chục thang thuốc gói bọc cẩn thận dâng lên. Thiên Bình nói:

- Muội biết Sơn Tây trù phú, của ngon vật lạ chẳng thiếu thứ gì nên chuẩn bị sẵn hai mươi thang thuốc quý do Thần y Tuệ Tĩnh tự tay bốc từ cây cỏ phương Nam. Thần y Tuệ Tĩnh từng cải tử hoàn sinh cho Thần phi Thiên Đức, dân vùng Tế Giang đều nghe danh ông ấy. Thưa vương huynh, Vạn Thắng vườn đã cho người đi mời thần y, chờ tình hình lắng dịu, Thần y Tuệ Tĩnh sẽ đến thành Sơn Tây chẩn bệnh bốc thuốc. Muội tin rằng vương huynh sẽ khoẻ mạnh và trường thọ.

Lý Thái sư đứng dậy thưa rằng:

- Lão thần có từng nghe Đại sư Nguyễn Minh Không nhắc đến danh y Tuệ Tĩnh ở đất Tế Giang cũ. Nếu mời được ông ấy đến chẩn bệnh bốc thuốc, vương thượng sẽ mau khoẻ.

Sơn Tây vương lấy làm mừng:



- Muội nhớ gửi lời cảm tạ của ta đến Vạn Thắng vương, ta nhận tấm lòng ấy.

Lời hay ý đẹp nói thêm một hồi, Sơn Tây vương nhìn tả hữu, cảm thấy đây là lúc thích hợp bèn nói ý định giao đất Sơn Tây cho Vạn Thắng vương, bản thân sẽ về làm thường dân. Các cận thần có mặt xì xào bàn tán, Thiên Bình liền đứng lên thưa rằng:

- Thưa vương huynh, chuyện hệ trọng bây giờ là đẩy lui phản tặc. Vạn Thắng vương lệnh cho muội đưa quân đến giúp vương huynh là bởi giao tình xưa nay chứ không có ý thâu tóm đất này.

Nàng quay ra nói với mọi người:

- Từ lúc ra biết vạn vật trên đời này cũng là lúc biết bản thân mồ côi, coi những người cùng cảnh ngộ là anh chị em một nhà. Phận nữ nhi như ta nào có mộng xưng vương, tiên vương truyền ngôi thì ta nhường lại cho chồng hoàn toàn tự nguyện. Thưa các đại nhân, Thiên Bình lần này được đến thành Sơn Tây, trước là được gặp vương huynh sau bao năm xa cách. Sau mong muốn thắp nén hương với gia tiên tiền tổ chứ không có ý nào khác. Quân sĩ Thiên Đức sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ rút quân, xin các ngài chớ lo.

Văn quan đại thần lặng im, Sơn Tây vương bèn nói:

- Ý ta đã quyết như vậy, quân du hí ngôn! Ta bất tài mà ngồi trên ngôi cao muôn dân sẽ khổ. Bay đâu! Đem ấn tín ra đây!

Thiên Bình hoảng hốt, vội quỳ xuống tâu:

- Xin vương thượng hãy khoan! Muội vừa được gặp huynh còn chưa được thắp nén hương thành kính báo tin với gia tiên tiền tổ mà nhận ấn tín thì người trong thiên hạ lắm kẻ gièm pha, lắm người không phục. Muội là Hoàng hậu Thiên Đức, không có quyền tiếp nhận việc ấy. Tấm lòng của vương thượng đáng lưu danh muôn thuở nhưng người duy nhất có quyền quyết định đại sự ở Thiên Đức là Vạn Thắng vương.

- Vậy… vậy ta phải đến Thiên Đức?

- Xin vương thượng chớ hiểu nhầm! Vạn Thắng vương sẽ đến tham kiến vương thượng với thân phận Phò mã. Đến lúc ấy vương thượng có điều gì muốn nói, anh em trong nhà bàn với nhau sẽ tiện hơn ạ.

Lý Thái sư và Lý Nhân Nghĩa cùng bước ra, Lý Thái sư thưa:

- Lời của Công chúa thật hợp tình hợp lý thưa vương thượng. Vạn Thắng vương đứng đầu Thiên Đức thân chinh đến tham kiến vương thượng chính là thể thiện lòng chân thành. Vương thượng muốn kết liên minh hoặc giao Sơn Tây cho Thiên Đức, quân vương ngồi với quân vương là phải lắm.

Lý Nhân Nghĩa cũng nói:

- Vạn Thắng vương tuổi trẻ mà hiểu đạo lý ở đời, tôn kính thê huynh, không thừa nước thả câu xứng là bậc quân vương trong thiên hạ. Theo hạ thần được biết, Vạn Thắng vương vô cùng trọng dụng cựu thần nhà Lý, thực tế chứng minh điều này ạ. Tả Đô đốc Phạm Tu và các con của ông ấy đều nắm chức vụ trọng yếu trong quân. Trước đây, Tả Đô đốc phải dùng nhiều kế sách thì Vạn Thắng vương mới chịu xưng vương. Ngay như quân thị vệ, hệt như cấm quân của ta, cũng dưới quyền Đại Thắng Lý Hoàng hậu. Hạ thần thiết nghĩ làm tôi của quân vương như thế cũng chẳng tính là thiệt. Thứ nữa, tiên vương ban di chiếu truyền ngôi cho Công chúa, Công chúa lại nhường cho Vạn Thắng vương. Bẩm thánh thượng, tự cổ chí kim ngôi cửu ngũ chí tôn vốn bao người tranh đoạt. Thánh thượng không màng, Vạn Thắng vương không màng, ấy chính là phúc của bách tính.

Nhận được sự khích lệ thông qua ánh mắt của Sơn Tây vương và cả Thái sư, Lý Nhân Nghĩa giở tài ăn nói, phân tích lợi hại, đề cao quyết định trao ấn tín của Sơn Tây vương là vì đại cuộc.

- Trao ấn tín là đại sự liên quan đến cơ nghiệp nhà Lý, vận mệnh bách tính. - Thiên Bình lên tiếng. - Ta không đủ tư cách luận bàn nhưng ta có thể đảm bảo rằng các ngài ở đây, những người một lòng với vương huynh của ta, sẽ là rường cột Vạn Xuân. Ta nói Vạn Xuân chứ không phải Thiên Đức hay Sơn Tây. Ta xác nhận lời Viên ngoại lang đại nhân nói là đúng, chúng ta đã phải làm nhiều cách để Vạn Thắng vương chịu làm vương một cõi. Các ngài đều là những người học cao hiểu rộng hãy thử nghĩ xem tài năng và sở học các ngài đang có đem phò vua giúp nước hay chỉ lo cho bản thân? Thưa các ngài, Thiên Bình ta tuổi hãy còn trẻ chưa trải đủ sự đời nhưng hiểu một lý lẽ, Vạn Xuân này nếu không có nhà Lý sẽ có một dòng họ khác đứng lên lo cho bách tính. Ông trời chọn tiên vương, ấy là ý trời. Các ngài đây trung thành với vương huynh của ta, chồng của ta một lòng tôn kính vương huynh và cũng phần nào đó vì yêu thương ta mà đứng ra lo đại sự. Chuyện Sơn Tây với Thiên Đức ngày sau ra sao đều do các ngài giúp sức. Thân là Hoàng hậu Thiên Đức, ta không có ý nhòm ngó đất Sơn Tây.

Văn quan trong nghị sảnh dần xuôi vì Sơn Tây vương một hai muốn trao ấn tín. Điều khiến họ còn băn khăn trăn trở có lẽ là vị trí, số phận của bản thân và dòng tộc một mai khi xứ này thuộc về Thiên Đức.

Như lời Chương nói với Thiên Bình, lúc chiến loạn thì ý định của các chiến tướng có trọng lượng hơn hẳn văn quan.