Chương 462: Huynh đệ tương tàn
Đông Chinh vương dừng ngựa khi nhìn rõ Tả môn bằng mắt thường. Tiếng trống trận đương khoan thai bỗng ngưng lại theo hiệu lệnh. Đông Chinh vương dỏng tai nghe ngóng, bốn bề tĩnh lặng đến lạ thường. Nếu lắng tai có thể nghe được dàn hợp xướng của đám ếch nhái trú ẩn dưới hộ thành hào. Đông Chinh vương ngước nhìn đại kỳ vẫn tung bay phấp phới trên cửa lâu thành. Trên tường thành tuyệt chẳng thấy bóng dáng binh sĩ tuần canh. Đèn đuốc tắt ngúm khiến thành Sơn Tây, trông từ xa, như một ngọn đồi lừng lững án ngữ quan lộ thênh thang. Bách tính trong các hàng quán ngoài cổng thành kháo nhau có động đã khăn gói chạy loạn từ lúc mới lên đèn.
- Chúng hãy còn trong thành chứ?
Tả uy vệ Đặng Nguyên và Tả vũ vệ Nguyễn Khắc Tỵ chia nhau đứng tả hữu. Nghe hỏi, Đặng Nguyên liền đáp:
- Toàn bộ quân cấm và quân Phùng doanh đều ở bên trong ạ.
- Lên gọi hàng Sơn Tây vương! Ta giáng nó làm Sơn Tây công, cho về Đông Chinh vương phủ ở đến hết đời.
Đặng Nguyên cầm đuốc thúc ngựa chạy lên, dừng ở đầu cầu treo, lối vào thành giơ cao ngọn đuốc xưng danh:
- Tả uy vệ Đặng Nguyên, ta có lời cần chuyển đến Sơn Tây vương!
Ngoài âm thanh phần phật của đại kỳ trên lầu cao tung bay theo gió và tiếng ếch nhái đáp lời thì chẳng còn gì khác. Cầu treo đã kéo lên bịt cổng thành. Đặng Nguyên thét lớn chuyển lời của Đông Chinh vương nhưng tất cả vẫn chỉ là sự tĩnh lặng. Toà thành kiên cố dường như đã chìm vào giấc ngủ. Đặng Nguyên thúc ngựa quay lại bẩm báo. Đông Chinh vương bèn ra lệnh:
- Chúng nó sợ quá ẩn nấp dưới hầm hào hết cả, đưa Cự thạch pháo lên bắn cảnh cáo!
Hàng trăm cỗ pháo lớn nhỏ lập tức được đưa lên phía trước hàng quân, chuẩn bị xong xuôi, Đặng Nguyên cho nổi trống liên hồi và bắn vọt qua tường thành. Sau vài loạt, Đặng Nguyên cho quân đến trước cổng thành gọi hàng nhưng đáp lại vẫn là sự im lặng. Đặng Nguyên bắn thêm vài loạt đạn nữa vẫn chẳng thấy động tĩnh nào. Tình hình hiện tại có đôi chút khác biệt so với dự tính, sĩ khí ba quân vừa xuất trận đang hăng, nếu không có đối sách sẽ bất lợi. Đặng Nguyên bàn nhanh với Nguyễn Khắc Hy rồi gọi bọn Dương Sàn, Tĩnh Mịch Thiền Sư và Trần Bá Tiên đến trước trận tiền tính kế.
Ban đầu Đặng Nguyên và Nguyễn Khắc Tỵ đề nghị Dương Sàn dẫn thuộc hạ vượt hào hộ thành t·ấn c·ông cổng lớn, dùng thang mây vượt tường. Đặng Nguyên lệnh cho Cự thạch pháo, Nguyễn Khắc Tỵ chỉ huy đội xạ tiễn đứng ven bờ hào bắn yểm trợ. Tính là vậy nhưng Dương Sàn đùn đẩy sang cho Tĩnh Mịch Thiền sư. Tĩnh Mịch Thiền sư lấy cớ không biết điều binh, chỉ có thể xông pha. Thấy đám tướng sĩ lâu la bàn đi tính lại sôi nổi một khắc đồng hồ không ngã ngũ, Đông Chinh vương lấy làm sốt ruột bèn bảo mỗi tướng hoặc đầu lĩnh chọn ra ba trăm tráng sĩ cùng vượt thành, như vậy đảm bảo tính công bằng!
Nguyễn Khắc Tỵ cho quân xạ tiễn dàn thành bốn hàng, mỗi hàng hơn hai trăm xạ thủ sẵn sàng tiến sát bờ hộ thành hào. Đặng Nguyên cho quân hiệu chỉnh Cự thạch pháo, đích ngắm là tường thành.
Dương Sàn thống lĩnh đội quân hỗn hợp chuẩn bị vượt hào nước. Dương Sàn không muốn nhận nhiệm vụ này bởi tính nguy hiểm. Giả như trông thấy quân thủ thành sẽ dễ hơn cho Dương Sàn trong việc tính toán tiến thoái. Đằng này toà thành im phăng phắc, với vốn kinh nghiệm chiến trường lận lưng, Dương Sàn chắc mẩm đối phương đang án binh bất động chờ quân t·ấn c·ông áp sát chân tường quăng thang mây leo lên mới ra tay. Tự cổ chí kim công thành chưa bao giờ dễ dàng.
Cứ ba người có một người đem theo thang mây, cứ sáu người chia thành một nhóm khiêng tấm ván gỗ dài hoặc ba thân tre làm công cụ hỗ trợ vượt hào. Ngoài tác dụng làm bè, ván gỗ hoặc thân tre còn giúp quân t·ấn c·ông giảm được t·hương v·ong do tiễn, đá, gỗ từ trên tường thành dội xuống.
Tĩnh Mịch Thiền sư một tay giữ đại đao, một tay mân mê tràng hạt đứng bên tả Đông Chinh vương quan sát ba quân chuẩn bị công thành. Tĩnh Mịch Thiền sư thân thủ phi phàm, tay không có thể đánh ngã dăm bảy người mà mặt không biến sắc. Binh biến thành công, giới tăng ni phật tử đất Sơn Tây sẽ do Tĩnh Mịch Thiền sư cai quản. Trần Bá Tiên đứng kế bên Tĩnh Mịch Thiền sư, tay phe phẩy quạt giấy, vẻ mặt lộ vẻ đắc ý, điệu bộ như một gã quân sư đứng hầu minh chủ. Nếu thành Sơn Tây bị hạ, Trần Bá Tiên chắc mẩm chức đại văn quan dưới một người trên vạn kẻ chẳng thể vuột khỏi tay nên cảm thấy vô cùng phấn khởi.
Trống trận vang dậy một góc trời, cách xa vài dặm cũng nghe được.
Đặng Nguyên bắn phá tường thành, hàng trăm Cụ thạch pháo các loại thay nhau nhả đạn trong khi hàng nghìn tay xạ tiễn giơ cao nỏ sẵn sàng bắn tiễn một khi trên mặt thành có di biến động khác thường. Dương Sàn đề nghị Nguyễn Khắc Tỵ chuẩn bị tiễn quấn bùi nhùi thay cho tiễn cứng nhưng Nguyễn Khắc Hy không đồng tình với lí do chưa thấy địch quân. Trong sâu thẳm tâm can, Nguyễn Khắc Tỵ không muốn dùng hoả công đánh thành khi chưa rõ thực hư bởi một số nội tộc họ Nguyễn Khắc hãy còn ở trong thành.
Dương Sàn đốc binh ào xuống hào hộ thành, binh sĩ bơi qua hào nước rộng và sâu trong ánh đuốc bập bùng cùng tiếng trống trận giục giã. Dương mã tường dẫu chỉ cao 5 thước, bên bờ bên kia hộ thành hào là một chướng ngại mà bọn Dương Sàn không thể vượt qua khi ở dưới nước. Binh sĩ lóp ngóp dưới nước, kẻ vừa bơi vừa cầm đuốc, kẻ cầm giáo, người vịn vào những tấm bè tre ván gỗ, lại có kẻ cố quăng dây thang mây tìm chỗ đu lên để vượt qua bức tường cố ý xây uốn cong về phía hào, lại trơn nhẵn. Vị trí lên bờ thuận lợi nhất chính là khu vực Tả môn, nơi có cầu treo bắc qua hào nước, do không có dương mã tường. Phải nói rằng những phát kiến phòng thủ tưởng chừng đơn sơ, vô hại lại phát huy hiệu quả đến không ngờ. Hàng nghìn binh sĩ vượt hào đều phải lên bờ ở vị trí có bề ngang chừng mười trượng ấy.
Dương Sàn cảm nhận được mối nguy hiểm tiềm tàng nên luôn miệng hối thúc quân sĩ. Những quân vượt hào thành công liền nhanh chân chạy đến chân tường thành nép mình chờ đợi. Một vài quân sĩ bắt đầu tung dây móc lên cao sẵn sàng leo lên.
Mọi sự diễn ra vô cùng thuận lợi khiến Đông Chinh vương lấy làm hài lòng song bon Dương Sàn, Tích Mịch Thiền sư, Đặng Nguyên và Nguyễn Khắc Tỵ vẫn không yên trong bụng. Tĩnh Mịch Thiền sư và Dương Sàn chưa thể hiểu được cách hành binh của người Vạn Xuân, thường nghĩ trình độ bày trận, dàn trận và đánh trận của tướng sĩ Vạn Xuân nói chung chỉ tương đương lực lượng dân binh cố quốc. Trần Bá Tiên chưa từng cầm quân mà chỉ đọc trong sách vở, cảm thấy mọi thứ thuận lợi thì lấy làm vui mừng lắm.
Đặng Nguyên và Nguyễn Khắc Tỵ là quân nhân nên có suy nghĩ khác. Dẫu sao cùng là tướng dưới trướng Sứ tướng Phùng Lễ hàng chục năm, bọn Nguyên, Tỵ có phần kiêng dè Nguyễn Văn Giáp. Tuổi tác hơn kém nhau không đáng kể, Nguyễn Văn Giáp lên chức Hữu Tướng quân bằng tài năng của bản thân cũng như công lao huấn luyện nỏ Liên châu, Cự thạch pháo trở thành trang bị tiêu chuẩn của quân Sơn Tây. Nguyễn Văn Giáp ít nói. Trong các cuộc họp quân định kỳ, các tướng bàn luận sôi nổi, riêng có Giáp thường giữ im lặng, rất hiếm khi biểu đạt ý kiến. Nhiều tướng cầm quân hiểu một lẽ, nếu Trần Văn Lộng không phải tỷ trượng của Đông Chinh vương thì chẳng đời nào có chức Tả Tướng quân.
Theo thông lệ trước đây ở Sơn Tây, Tả tướng nắm cấm quân nhưng Sơn Tây vương lại giao cấm quân cho Hữu tướng Nguyễn Văn Giáp. Điều này chứng tỏ Sơn Tây vương, cụ thể là Thái sư, không tin vào tài cán của Trần Văn Lộng. Còn như tại sao đã biết Lộng tài năng có hạn mà Đặng Nguyên, Nguyễn Khắc Tỵ hay Nguyễn Hoa Khê lại chịu theo Lộng làm binh biến? Lẽ đơn giản, nếu Lộng làm Sứ tướng thì chức Tả tướng, Hữu tướng sẽ thuộc về họ Nguyễn Khắc, họ Đặng hoặc dòng họ Nguyễn Hoa. Chưa kể, nhờ binh biến mà nhiều đại thần thuộc vây cánh họ Trần, họ Đặng… sẽ có cơ hội trở mình.
Ba phần quân đã vượt hào thành công mà trong thành vẫn chẳng có động tĩnh. Đông Chinh vương thấy mọi sự thuận lợi bèn bảo bọn Tĩnh Mịch Thiền sư đưa hết quân sang sông. Tĩnh Mịch Thiền sư trù trừ giây lát rồi cũng thuận. Đám thuộc hạ còn lại của Dương Sàn cũng theo đó mà lũ lượt cầm khí giới công thành.
Dương Sàn biết Đông Chinh vương huy động hết thuộc hạ người phương Bắc cũng chẳng vừa ý song không nói ra. Trong lòng Dương Sàn cảm thấy bất an bởi chỗ vượt hào chẳng khác nào nút cổ chai, quân ùn ứ lại một chỗ trên bờ. Dưới hào nước đen đặc những quân, giả tỉ quân thủ thành từ trong bắn đá ra thì… nguy khốn biết chừng nào.
Cuộc đời có những điều kỳ lạ, một khi con người ta càng lo sợ điều gì thì điều ấy hầu như sẽ xảy ra!
- Thùng! Thùng! Thùng! Cắc! Cắc! Cắc!
Mấy nhịp trống khác lạ bất thần vang lên từ mặt tường thành, cụ thể là vọng lâu trên Tả môn. Dương Sàn giật mình thảng thốt ngoái nhìn về phía Nguyễn Khắc Tỵ đang đứng gần. Nguyễn Khắc Tỵ dường như cũng nghe được, lập tức phản ứng. Quân sĩ đứng bên cạnh Tỵ liền giơ cao kỳ hiệu khua vội theo lệnh. Đặng Nguyên ở đằng sau trông thấy vậy liền hạ lệnh cho các khẩu Cự thạch pháo nhả đạn ngay tức khắc.
Nguyễn Khắc Tỵ và Dương Sàn ngẩng đầu trông theo hàng trăm quả đạn đá bay v·út lên cao. Những viên đạn vừa trúng mục tiêu là mặt tường thành nhưng cả hai chưa kịp thở phào thì bỗng nhìn thấy hàng chục q·uả c·ầu l·ửa từ trên không trung nhắm vào chỗ đang đứng. Dương Sàn và Nguyễn Khắc Tỵ thất kinh, còn chưa kịp kêu tiếng nào thì những quả đạn đá quấn bùi nhùi rơi thẳng xuống trước mặt. Chẳng có cột nước nào bắn tung lên bởi dưới hào nước đang có hàng trăm người bơi lội. Loáng một cái hàng trăm tiếng la hét cùng vang lên.
Xạ tiễn bắn một loạt lên mặt thành nhưng đáp lại vẫn là những viên đạn đá to bằng hai quả bưởi quấn bùi nhùi rơi tới tấp xuống nào nước. Dương Sàn hô lạc giọng, thét binh sĩ mau bơi tản ra tránh đạn. Trong thoáng chốc, dưới ánh đuốc sáng rực hai bên bờ hào, nước hào loang máu tươi, mấy chục xác người nổi lềnh phềnh.
Thoảng trong những gió xộc lên mùi máu tanh nồng lẫn với mùi da thịt binh sĩ t·ử t·rận bị cháy vì bắt lửa. Đội hình vượt hào thoáng chốc bị xé làm đôi. Quân đã qua hào chạy bán sống bán c·hết nép vào chân tường thành hòng tránh đạn. Quân chưa sang được giẫm đạp lên nhau thối lui về sau hàng trăm thước. Một số quân sĩ dưới hào nước nhanh trí bơi đến trú ẩn dưới dương mã tường mà bình an vô sự nhưng nét mặt lộ rõ vẻ hoang mang tột độ! Cũng phải thôi, hàng chục xác c·hết vỡ đầu đang dập dềnh ngay trước mặt bọn họ cơ mà.
Đặng Nguyên lệnh cho xạ thủ bắn cấp tập vào mặt thành, vọng lâu. Hai bên đấu pháo dữ dội trong khoảng một khắc đồng hồ mới giảm dần cường độ. Bên trong Tả môn dường như chỉ bố trí khoảng ba mươi Cự thạch pháo. Đặng Nguyên ước tính dựa vào các loạt đạn từ bên trong bắn ra. Pháo trong thành chỉ tập trung đội xuống hào nước và dọc theo Tượng đạo. Đặng Nguyên lệnh cho Cự thạch pháo dưới quyền phản pháo vào các điểm xuất phát các quả đạn song hiệu quả không được bao nhiêu do trời tối, quân thủ thành sau mấy loạt đạn cháy dường như đã chuyển vị trí đặt pháo và không dùng đạn cháy nữa. Nội việc đó thôi cũng khiến Đặng Nguyên hiểu rằng đêm nay chẳng thể công hạ thành Sơn Tây hoặc nếu muốn, bắt buộc chịu tổn thất và huy động toàn bộ lực lượng cùng xung trận.
Đặng Nguyên nghĩ như thế chẳng sai nhưng người thống lĩnh ba quân nào phải nhà họ Đặng.