Chương 458: Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Trong số những con người quyết định ở lại trên cánh đồng làng Cam Giá ngoài hơn trăm binh sĩ Phùng doanh còn vài người lạ mặt khác, sự hiện diện của họ chẳng mấy ai biết đến. Bóng dáng của họ lúc này lẫn vào khoảng tối của bờ tre ven làng.
Nói về Lý Nhân Nghĩa kể từ lúc theo chân hai tráng niên Thân Vệ quân khuất dạng tại thôn trang nơi chân núi. Đến nơi, Lý Nhân Nghĩa gặp mặt đủ sáu người, họ là một trong những tổ được bí mật đưa sang vùng Sơn Tây. Tổ này do Phạm Kính Ân, chàng trai làng Vạn làm tổ trưởng đã ẩu náu trên đất Sơn Tây ngót một năm trời theo mật lệnh của Vạn Thắng vương. Nguyễn Hương Giang, ái nữ của Hữu Tướng quân Nguyễn Văn Giáp, chính thất của Trưởng Phòng Tình báo Trần Nhật Tôn đã mách nước chỉ đường giúp sáu chàng trai trong những thân phận khác nhau đến nương nhờ một đằng ngoại của cô.
Nán lại làng này một đêm, Lý Nhân Nghĩa ngỏ ý muốn đến làng Cam Giá Thượng nương náu một thời gian vì nơi ấy có quân doanh họ Phùng, sẽ an toàn hơn và tiện bề giúp sức nếu có chiến loạn. Phạm Kính Ân nhận mật lệnh đảm bảo an toàn và tuân theo lời Lý Nhân Nghĩa khi cứu được ông nên mau chóng khăn gói cùng chiến hữu lúc đi thuyền nhỏ, khi thì cuốc bộ, tránh xa quan lộ, luồn lách lau sậy, đường mòn nhắm hướng Cam Giá Thượng mà đi. Đến nơi cả bọn mới biết Phùng Hiền vừa điều quân về thành Sơn Tây được hai canh giờ, có đuổi theo cũng khó mà kịp. Lý Nhân Nghĩa vào nhà trưởng tộc họ Phùng và được tiếp đón vô cùng trang trọng do Nhân Nghĩa có mối thâm tình với Phùng Lễ lúc sinh thời. Ấm trà còn chưa vơi, chuyện còn chưa thoả thì hai người đàn bà kéo nhau hớt hải chạy xộc vào thưa chuyện.
Gia tộc họ Phùng quýnh quáng xếp đồ đạc, ông tộc trưởng dẫu có chạy loạn cũng phải hạ hai câu đối sơn son thếp vàng đem đi cất giấu vì đó là vật Lý tiên vương ban tặng cho gia tộc họ Phùng bởi một lòng phò vua đuổi giặc. Lý Nhân Nghĩa đứng giữa khoảng sân lớn, thừa chân thừa tay chẳng thể giúp gì được nên có phần tỏ ra áy náy lắm. Ông trưởng tộc bảo Lý Nhân Nghĩa cùng đi nhưng Lý Nhân Nghĩa lấy cớ còn việc. Bảy người đàn ông đứng giữa đường làng trong lúc trời sẩm tối gà bay chó chạy, già trẻ bế bồng í ới kéo nhau đi mà lòng không khỏi bồi hồi.
- Tôi nghĩ ở Thiên Đức chẳng có cảnh như thế này phải không?
Lý Nhân Nghĩa quay người lại hỏi Phan Kế An, Kế An cười mà rằng:
- Loạn thì nơi nào cũng thế cả thưa Lý đại nhân. Có điều… quân ta đánh quân mình thực là phiền lòng lắm, có lẽ ngài nói phải, Thiên Đức không như thế này.
Lý Nhân Nghĩa cười buồn:
- Mới đây tôi còn là văn quan, bước lên có kẻ đón người đưa mà loáng một cái trở thành kẻ bị săn đuổi. Thời thế thật chẳng biết đường nào mà lần, bao giờ bách tính mới khỏi cảnh ly tán như thế này cơ chứ?
- Lý An đại nhân từng dạy chúng tôi, muốn thái bình phải qua binh đao, muốn thịnh thế muôn đời thì đấng quân vương phải là bậc anh minh lỗi lạc. Tướng sĩ trên dưới một lòng phò tá, có vậy bách tính mới yên hưởng thái bình thịnh trị.
- Người anh vừa nhắc có phải nguyên Sứ tướng Siêu loại?
- Thưa đúng ạ! Lý An đại nhân bây giờ là thầy dạy quân sĩ và vui hưởng tuổi già với đàn cháu nội ngoại.
Lý Nhân Nghĩa thiểu não, cười mà như mếu:
- Tôi cũng ao ước điều giản dị ấy khi về già. Con trai lớn của tôi đang ở trong phủ Thái sư, nó mới mười sáu nên hẳn còn lâu nữa tôi mới được ẵm cháu. Với tình hình này, nhanh thì quãng đêm nay, chậm thì sáng ngày mai lửa khói ở thành Sơn Tây đứng xa mấy dặm cũng trông thấy. Tôi nghĩ thông hẳn rồi, đời này còn được mấy mươi năm tôi cũng nguyện đem sức tàn phò tá Vạn Thắng vương quy giang sơn về một mối, chẳng thể để cảnh quần hùng cát cứ tứ phương nữa.
- Vạn Thắng vương nếu nghe được lời này của Lý đại nhân hẳn lấy làm vui mừng lắm.
Lý Nhân Nghĩa mím môi suy tư, đoạn ông ngẩng mặt nhìn bầu trời hạ tuần tối mịt mờ mà rằng:
- Tôi thực chẳng biết tại sao Đại Vương lại ưu ái tôi đến vậy dẫu tôi chưa giúp được gì cho ngài ấy và muôn dân trăm họ. Phận làm tôi nguyện trung thành, kể từ giờ phút này Nhân Nghĩa sinh là người của Vạn Thắng vương, thác làm ma cũng phù hộ Vạn Thắng vương thống nhất sơn hà.
Dứt lời, Lý Nhân Nghĩa lững thững bước ra hướng đầu làng như người mất hồn. Ngược lại với ông là dòng người khăn gói tất tả chạy loạn.
- Tôi chỉ biết múa mép khua môi, dùng ngòi bút lông chẳng thể cầm đao kiếm xung trận, những lúc thế này, tôi lại ước giá như lúc trẻ chẳng theo nghiệp bút nghiên mà chuyên tâm luyện võ. Trai thời loạn, gái thời bình càng ngẫm càng thấy đúng lắm thay.
- Lý đại nhân nói như thế chưa hẳn đã đúng đâu ạ. - Phạm Kính Ân động viên. - Vạn Xuân sau nhiều năm chiến loạn, vơ đại một tay cũng ôm tá quần hùng trong thiên hạ song trị nước cần văn nhân, yên bờ cõi mới cần người như chúng tôi xông pha. Lý đại nhân, ngài có từng nghĩ Vạn Xuân ta có bao nhiêu văn nhân nức tiếng không?
Lý Nhân Nghĩa chợt dừng chân, xoay người lại nhìn bọn Phạm Kính Ân với ánh mắt có phần lạ lẫm. Phạm Kính Ân gãi đầu mà cười:
- Là tôi nói thế, nếu không phải, Lý đại nhân bỏ quá cho.
Lý Nhân Nghĩa chợt đặt hai bàn tay lên vai Phạm Kính Ân bóp chặt rồi lắc mạnh, nét mặt như giãn ra, hồ hởi:
- Anh nói phải lắm! Tôi ngu muội quá, thật là tệ. Võ tướng trong thiên hạ bây giờ để mà kê ra có dễ đến vài trang giấy cũng chẳng hết mà văn nhân giúp minh quân trị nước quả thật như sao buổi sớm. Đúng rồi, bảo sao Vạn Thắng vương lại đặc biệt trọng đãi văn nhân như tôi, lại chuyên tâm dạy học cho đám đồng ấu thay vì mở mang bờ cõi, củng cố thế lực. Phải rồi đấy! Tuấn kiệt như sao buổi sớm, những văn nhân còn lưu danh Vạn Xuân kẻ còn người mất, ngay như tôi đây chẳng dám nhận mình tài cán mà tuổi đã tứ tuần. Ôi! Đất nước mà thiếu hiền tài biết lấy ai phò minh chủ đây!
Lý Nhân Nghĩa gục đầu khóc như con trẻ trên bờ vai rắn chắc của Phạm Kính Ân. Chờ cho cơn xúc động vơi đi, Kính Ân mới nói:
- Bây giờ chúng ta cần phải đi mau trước khi quân của Trần Văn Lộng kéo đến, thưa đại nhân.
Lý Nhân Nghĩa dùng ống tay áo quệt nước mắt, ông sụt sịt hỏi lại:
- Đi thì dễ rồi nhưng còn Phan Kế An và những tráng niên tuổi trẻ Phùng quân chọn cách ở lại đánh một trận ra trò thì sao? Trần Văn Lộng hẳn kéo tới rất đông, họ có chừng đó người địch sao nổi?
- Họ có lựa chọn của họ, chúng tôi nể trọng điều ấy. - Phạm Kính Ân đáp.
- Các anh có thể giúp họ một tay được không? Tôi được biết Thân Vệ quân đều là những tay phi thường cả.
Phạm Kính Ân thật thà đáp:
- Chúng tôi có thể đánh lại chừng hai chục người mà thôi. Đánh trận và đấu võ khác nhau, điều này Lý đại nhân hiểu hơn chúng tôi mà.
- Giúp họ một tay đi. - Lý Nhân Nghĩa hạ giọng nài nỉ. - Bố Giáp Hữu Tướng quân thường nói với tôi rằng quân Thiên Đức đáng sợ ở chỗ họ đồng lòng tiến thoái và cùng đi thì cùng về kể cả nắm xương tàn cũng chấp nhận. Phùng quân dẫu chẳng phải Thiên Đức quân nhưng cùng là người Vạn Xuân. Trong quân Trần Văn Lộng có cả bọn đại đạo, các anh giúp Phùng quân cũng là giúp Thiên Đức bởi tôi biết nhiều điều song chẳng tiện nói lúc này. Phùng quân hay cấm quân trong thành Sơn Tây nay mai cũng là một phần của Thiên Đức, các anh hiểu ý tôi chứ?
Phạm Kính Ân lùi lại ba bước chắp tay hành lễ mà rằng:
- Vạn Thắng vương có dặn chúng tôi theo lệnh của Lý đại nhân hành sự, đảm bảo an toàn cho đại nhân là chức phận của chúng tôi. Đại nhân sáng dạ hơn người, mong đại nhân toan tính sao cho vẹn cả đôi đường thì chúng tôi đều vui lòng cả.
Lý Nhân Nghĩa có chút lúng túng:
- Tôi… tôi chỉ muốn giúp quân họ Phùng một tay, cốt sao cho đám kia kinh sợ mà chạy dài chứ đánh nhau thì cầm chắc mười phần ngoài cánh đồng sẽ có vài trăm thây người.
- Lý đại nhân muốn như vậy thì chúng tôi sẽ giúp ngài đẹp lòng nhưng ngài đừng có hành động gì nguy hiểm bởi tính mạng của đại nhân cũng là tính mạng của chúng tôi. Quân lệnh như sơn, chẳng thể khác được đâu ạ.
- Nếu các anh đây giúp cho, tôi sẽ nghe theo các anh sắp đặt cả.
Phạm Kính Ân nhìn chiến hữu một lượt, năm người cùng khẽ gật đầu. Kính Ân khẽ thở dài một tiếng, giọng có phần phớt đời:
- Chơi thì chơi, quay lại nhà ông trưởng họ, trong đó có một thứ rất hay mà ban nãy tôi trông thấy.
Bảy người quay lại Phùng từ đường chẳng còn bóng người, cửa nẻo khoá chặt, trong ngoài tối đen. Phạm Kính Ân đứng trước cửa chính của ngôi từ đường, nghiêm người chắp tay hai, nói đủ cho mọi người cùng nghe:
- Kính thưa liệt tổ liệt tông họ Phùng linh thiêng xin về chứng giám. Con là Phạm Kính Ân người làng Tam Vạn đất Siêu Loại xưa, nay là huyện Thiên Đức, phủ Thiên Đức. Con và anh em vâng theo mệnh Vạn Thắng vương, minh chúa đất Vạn Xuân, Phò mã Lý tiên vương đến đất này. Nay trước cảnh binh đao, bọn Trần Văn Lộng kéo đại quân đến truy già sát trẻ nhà họ Phùng hòng uy h·iếp Phùng Sứ tướng. Con xin thưa liệt tổ liệt tông nhà họ Phùng hiển linh thứ lỗi cho anh em chúng con mạo phạm. Chúng con xin được vào mượn thần khí hòng giúp Phùng quân đuổi bọn hung tàn đi nơi khác.
Dứt lời, Phạm Kính Ân quỳ xuống dập đầu lạy ba cái. Lý Nhân Nghĩa và những người khác liền làm theo song chẳng hiểu Kính Ân định “mượn tạm” cái gì bên trong ngôi từ đường. Vái lạy xong, Phạm Kính Ân rút con dao nhỏ lận sau lưng lách mũi qua khe cửa đẩy mạnh lên khiến then cài bên trong rơi xuống rồi thản nhiên bước vào. Chiến hữu đưa đuốc cho Kính Ân, Kính Ân bước phăm phăm như thể vô cùng quen thuộc nơi này. Châm mấy nén hương vái thêm mấy vái, Phạm Kính Ân Anh dừng bên cạnh một cây cột gỗ bằng ba bắp chân, giơ cao ngọn đuốc soi tỏ những vật treo trên bức tường ghép từ những thớt gỗ quý, lệnh cho chiến hữu:
- Các cậu hạ hai cái này xuống, chúng ta khiêng ra ngoài cánh đồng!
Lý Nhân Nghĩa tiến sát đến, giơ tay xoa xoa một hồi, ngạc nhiên hỏi Kế Ân:
- Đây… đây là thần… thần khí? Sao… sao có thể? Nó chẳng phải là trống đồng Ngọc Lũ ư?
- Ồ! Đại nhân cũng biết?
- Tôi có một cái nho nhỏ người ta tặng nhưng nào có biết dùng ra sao cho đúng?
- Binh khí trong tay người thường và thần khí trong tay người biết dụng đúng lúc. Tả Đô đốc từng dạy chúng tôi cách đánh thứ này trong những dịp lễ lạt trọng đại. Tả Đô đốc năm xưa xông pha trận mạc cũng từng đánh trống thúc quân, tôi từng ao ước một lần được như vậy lúc còn thơ bé. Nay có cơ hội nhất định phải làm cho thoả.
Lý Nhân Nghĩa bán tín bán nghi, dẫu đọc nhiều sách, nghe nhiều chuyện song trống đồng nhất định không thể là thần khí.
- “Thiên Đức nguyên niên, mùa xuân, nhất nguyệt, thập nhị nhật. - Phạm Kính Ân dò những chữ đúc nổi trên thân trống lẩm nhẩm đọc. - Ngọc Lũ thôn trang, Nguyễn Bá Nhân”. Trống này đúc đã hơn ba mươi năm, những cái trống ở làng Nhất Vạn cũng do ông này đúc ra, chả biết bây giờ còn hay mất.
Sáu thanh niên hì hục khuân hai cái trống đồng đem ra bụi tre rìa làng thở hổn hển hồi lâu. Trông xa xa ánh đuốc bập bùng, đồ rằng bọn Trần Văn Lộng đang đến bèn động viên nhau khiêng thêm một đoạn nữa, đến một gò cao có mấy ngôi mộ đất thì đặt ở đó. Phạm Kính Ân ngồi dựa lưng vào ngôi mộ cỏ tai voi mọc cao ngang ngực người lớn, thở phì phò một hồi rồi lần mò vừa mở tay nải vừa kể chuyện:
- Tớ nhớ lúc nhỏ chơi trốn tìm, bọn con gái rất sợ ma, chẳng hiểu tại sao. Kể ra thì tớ cũng nhát nhưng không muốn bị đám ấy chê nên tỏ ra cứng cỏi. Nhiều lần chơi trốn ngoài đồng, nấp cạnh những ngôi mộ như này cứ nghe tiếng gió thổi u u là tóc gáy dựng hết cả lên, hãi hãi là.
Mọi người ai cũng mệt, nằm ngửa mà thở vì khuân hai cái trống đồng từ trong làng ra tận cánh đồng trống trải, lòng vòng dễ đến hai dặm đường chứ có ít gì.
- Tiếng trống đồng Ngọc Lũ nếu dùng sức của bàn tay mà đánh sẽ cho ra âm thanh lạ lắm, rền vang như sấm và vọng rất xa.
Lý Nhân Nghĩa liền đoán:
- Cậu tính dùng âm thanh giả ma giả quỷ để doạ đạo quân đông như kiến thế kia ư?
- Lý đại nhân quả là sáng dạ hơn người, quả là tôi có định làm như thế thật. Tuy nhiên, hai cái trống này muốn phát huy hiệu quả cần có thêm thần khí hỗ trợ.
Phạm Kính Ân bấy giờ mới giơ cao một vật hình trụ như đốt tre nổi trên nền trời, nói thêm:
- Lúc chúng tôi đến Sơn Tây, mỗi người được cấp cho năm quả thần khí loại mới nhất phòng thân. Bây giờ gặp đại nhân rồi, binh biến chắc nay mai sẽ nổ ra và chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về. Thần khí không dùng đến phải giao nộp mà thực lòng chúng tôi rất muốn được dùng, có phải không các cậu?
Cả đám cùng đồng tình trong tiếng thở đã bớt phần mệt nhọc.
- Bây giờ chơi oản tù tì, hai cậu nào thua sẽ phải ở lại đánh trống, bốn người thắng được xung trận, như vậy là công bằng.
Trong bóng tối, sáu chàng trai trẻ chơi oản tù tì, thấy cảnh này, Lý Nhân Nghĩa chỉ biết ngẩng mặt lên trời mà cười ra nước mắt, chẳng biết vì vui hay sầu.