Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 457: Cam Giá chiều muộn




Chương 457: Cam Giá chiều muộn

Đỗ Duy Trung bí mật điểm quân, chọn những binh sĩ gốc gác vùng đất tiếp giáp với La thành hòng dễ bề ra tay nếu cần thiết. Thân cùng làm tướng cầm binh lại là là người Sơn Tây, Đỗ Duy Trung không hào hứng với việc dẫn binh bắt gia quyến của một tướng khác nhằm chiếm lợi thế. Nghĩ là vậy song Đỗ Duy Trung không thể làm khác được.

Trong quân doanh có một thanh niên mới nhập ngũ mấy tháng lo việc bếp núc, cho ngựa ăn và làm chân chạy vặt cho các tướng là Võ Đình Tú. Võ Đình Tú người làng Kẻ Vẽ, gần quân doanh, cha từng là lính triều đình nay đã mất. Mẹ của Võ Đình Tú buôn bán hàng xén bên ngoài quân doanh, lo lót cho Tú làm chân chạy vặt ra vào và không phải xung trận nếu có binh biến. Trong số những người khách thân quen thường đến mua hàng của mẹ Tú có một bà người làng Cam Giá Hạ. Bà này có một cô con gái lớn tuổi mới đôi tám, rất nết na, hiền dịu. Võ Đình Tú có hảo cảm, để ý mỗi khi cô gái theo mẹ đến mua hàng. Cô gái mới lớn cũng có thiện cảm khi thấy Tú nhanh nhẹn, hoạt bát và thương mẹ. Hai người đàn bà biết đôi trẻ đã có ý tứ với nhau cùng vun vào, cùng hẹn cuối năm kết thông gia.

Chiều ấy Võ Đình Tú đang cho đàn ngựa uống nước bỗng có tướng đảm trách đến thúc giục bọn Đình Tú mau chóng cho ngựa ăn no đủ. Việc quân như vậy là thường nhưng huy động cùng lúc hàng trăm tuấn mã hẳn có việc hệ trọng chứ chẳng phải tuần phòng hay tướng sĩ đi công việc riêng. Võ Đình Tú vội vàng xách thêm nước, bê thêm cỏ khô đến. Cùng lúc đó có ba binh sĩ dường như được phái đi cùng đoàn Đỗ Duy Trung đến thúc giục bọn Võ Đình Tú nhanh chân nhanh tay và hối quân bếp nắm cơm, muối vừng cho mau. Quân bếp vâng dạ, vội vàng vo gạo thổi cơm, chuẩn bị năm trăm nắm cơm và muối vừng. Bấy giờ mới quãng giờ Thân, bình thường phải một canh giờ nữa mới đến giờ quân bếp lo cơm tối. Đang tất bật ngồi vo mấy giá gạo bên sân giếng, cạnh đó là ruộng sắn, Võ Đình Tú chợt nghe tiếng của mấy người đứng nói chuyện với nhau vọng đến bên tai. Ban đầu anh chàng không để tâm nhưng khi nghe đến ba chữ “Cam Giá Thượng” liền dỏng tai lên.

- … Mẹ cái thằng răng cày bừa, nói gì thì nói, đánh đấm xưa nay vốn việc đàn ông đàn ang, thắng bại thì thôi đi, bắt bớ gia quyến làm sức ép là cách làm của phường tiểu nhân. Mẹ nó, bấy lâu nay tao không ưa thằng mõm vẩu ấy. Thái độ của nó rất kênh kiệu, chẳng bao giờ để bọn mình vào mắt, tổ sư.

- Thôi mày bé cái miệng lại kẻo mang hoạ. Mình thấp cổ bé họng làm được cái đếch gì, nói sướng mồm phỏng có được lợi.

- Phùng Sứ tướng xưa nay đối đãi với anh em binh sĩ có đến nỗi nào cơ chứ. Tiên sư bọn ăn chực này, chúng nó ra vào gièm pha khích bác nên vương mới ngả theo. Tao đoán kỳ này phái bọn mình đi bắt nhà họ Phùng không chỉ đơn giản uy h·iếp Sứ tướng đâu.

- Mày nghĩ họ định làm gì?

- Mấy thằng ăn chực ấy bụng dạ hẹp hòi, mưu thâm kế hiểm ắt có lòng khác. Chúng nó không phải người Sơn Tây, muốn nhân cơ hội này diệt trừ nhà họ Phùng đặng ngày sau dễ thao túng.

- Đỗ Đại tướng hẳn biết ý đồ của bọn ấy chứ nhỉ?

- Biết thì đã làm được gì, xong việc lại thêm chức tước bổng lộc, chỉ đám lĩnh dõng chúng mình chả có mẹ gì ngoài dăm ba đồng tiền thưởng mà vung giáo quét đao thôi. Mà mày nhớ đừng có làm bậy, bắt thì cứ bắt, nhắm mắt thả được ai cứ thả đừng có dại. Tao đếch muốn làm cái việc thất đức này đâu.

- Mày nói tao mới sực nhớ ra, ban nãy cái ông đầu trọc có dặn Đỗ Đại tướng đem theo dăm chục người của ông ta. Bố khỉ, nhìn chúng nó khác gì phường trộm trâu bắt gà, nhìn mãi chẳng thấy tí lương thiện nào sất. Mà đem theo bọn ấy, tao đoán mười phần là c·ướp b·óc.

- Mày giắt thanh chủy thủ theo nhé, loại của La thành hay dùng ấy.

- Để làm gì?

- Tao phòng xa nên giắt theo rồi này. Tao ngứa mắt bọn ấy lâu rồi, nếu có cơ hội tao lụi mỗi thằng một dao tiễn chúng nó về với ông bà. Cơ hội ngàn năm có một đó mày. Tao rủ thêm được mấy đứa. Nhiệm vụ thì cứ theo lệnh mà làm nhưng tranh thủ một tí cho hả, căm lắm.



Một khoảng im lặng, cơn gió mạnh thổi qua làm cây lá lao xao, Võ Đình Tú nghe câu được câu mất nhưng chừng ấy xem ra đã đủ. Tú cảm thấy bồn chồn bởi cô gái anh chàng thầm thương mang họ Phùng. Cha của cô gái, một tiểu tướng, t·ử t·rận hồi giao chiến với quân Tam Đái dưới chân thành Sơn Tây. Vo vội mấy giá gạo, Tú khệ nệ bê vào nói với mấy người trong bếp:

- Lúc trưa bu em có ít cá khô, em chạy ra xin một ít cho vào cơm nắm cho mặn, tiện thể chặt mấy tàu lá chuối ạ.

Chẳng ai cản Võ Đình Tú, Tú cố đi nhanh ra cổng doanh cúi đầu chào quân canh. Họ đều nhẵn mặt Tú, chẳng ai thèm hỏi anh chàng lấy một câu vì… Tú chỉ băng xéo qua đường là đến hàng quán của mẹ.

Thân mẫu của Võ Đình Tú người xung quanh hay gọi là bà Mẹo. Bà Mẹo vốn con của một thương nhân, bà mở hàng quán gần quân doanh cũng mười mấy năm trời. Là một người buôn bán, bà xởi lởi với nhiều người, gần đây dễ dãi với quân sĩ trong doanh khi con trai vào quân. Chính bởi lẽ đó, quân canh nhẵn mặt Tú. Mỗi lúc ngày rằm hay mùng 1 đầu tháng, bà Mẹo đều chuẩn bị lễ lạt giúp cho tướng sĩ trong doanh. Giả tư tướng sĩ có việc cần quà cáp, biếu xén chỉ cần nói với bà một câu là xong. Tiền bạc chưa có thì bà cho thiếu.

Hàng quán vể chiều thưa người, bà Mẹo nằm trên võng đong đưa, tay phe phẩy cái quạt nan xua đi cái nóng cuối ngày hãy còn gắt. Mấy đứa cháu ngoại của bà đang ngồi chơi ô ăn quan cùng đám trẻ xóm giếng dưới tán cây thị sum suê. Cô con gái lớn của bà Mẹo goá chồng có hai mặt con ở cùng với bà, đang ngồi lúi húi băm bèo cho đàn lợn sau nhà. Trông thấy đứa con trai độc nhất, út ít trong nhà, bước thấp bước cao về phía hàng quán, bà Mẹo nhổm người ngồi dậy, đặt cái quạt nan sang một bên đưa tay vấn lại cái khăn cho chặt.

- Bu, bu! - Võ Đình Tú nói gấp. - Bu vào con bảo cái này.

- Ơ cái thằng! Có chuyện gì?

- Bu vào đây, nhanh lên!

Võ Đình Tú kéo mẹ một mạch ra sau nhà, ngó trước nhìn sau mới ghé tai thì thào những điều vừa mới nghe lỏm được. Bà Mẹo giật mình, bán tín bán nghi, cho là con trai nghe lầm chứ đời nào có chuyện quan quân đến Cam Giá bắt nhà họ Phùng. Dân xứ Sơn Tây này ai chẳng biết họ Phùng ở làng Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ mấy đời võ tướng trung thành với cơ nghiệp nhà Lý.

- Mày có lẫn không? Đời nào có chuyện tày trời như thế?

- Bu ơi là bu! Chốn quan trường ai mà biết được. Trong doanh binh sĩ đang sắm sửa quân trang, chắc có động đấy ạ.

Bà Mẹo nhổ toẹt miếng trầu đang nhai dở ra vườn, thốt lên:

- Tiên sư! Làm vậy khác nào quân bất nhân! Thảo nào nãy giờ tao thấy kỵ mã từ trong trại bổ ra các hướng. Thằng nào chủ mưu việc này?



- Thì con mới nói đấy, mấy thằng giá áo túi cơm ăn dầm nằm dề ở Đông Chinh vương phủ.

- Tao biết ngay mà! Giao du với phường đầu trộm đuôi c·ướp, lũ khác máu tanh lòng nhất định không có thứ gì hay mà lị.

Võ Đình Tú lay ống tay áo của mẹ:

- Bây giờ không phải lúc bu chửi đổng, bu phải tìm cách báo ngay cho họ Phùng.

Bà Mẹo trợn mắt:

- Ơ cái thằng, sao lại là tao? Can gì đến tao?

- Bu ơi là bu! Họ bắt, c·ướp rồi g·iết vợ của con thì sao? Con đã hứa với em ấy rồi, bu mà không giúp thì đời này con ở vậy, không lấy vợ đâu.

- Mày doạ tao đấy hả?

- Con không doạ, chính bu cũng hứa hẹn với nhà bên ấy còn gì. Nhà người ta cũng đàng hoàng tử tế, nào có tội tình gì mà chịu cảnh như vậy chứ?

Bà Mẹo giằng tay ra, lườm con trai:

- Chuyện này lộ ra là đầu tao không còn, tao trông mong gì ẵm cháu đích tôn?

- Con không có vợ sao bu thành bà nội được? Đi mà bu, con xin bu đấy. Bu đi chùa, ông sư dạy cứu một người phúc đẳng hà sa, hơn xây mười toà tháp.

- Tiên sư chúng mày! Tao thật không hiểu nổi người trong nhà vì sao cứ tranh nhau cái chỗ ngồi, làm mỗi thằng một cái ngai cùng ngồi có tốt hơn không? Chỉ có dân đen như tao đây kiếm bạc cắc, vun vén bao lâu lại sắp mất hết rồi.

- Sao lại mất ạ?

- Mày là con tao sao ngu thế hả con? Chúng nó đánh trận biết thằng nào còn sống mà về? Trong cái trại này đứa nợ tao tiền phải tính cả trăm chứ ít gì?



Võ Đình Tú nói như van nài:

- Thôi con xin bu, tiền mất còn kiếm được chứ mất người chỉ còn nước mắt thôi. Bu giúp con, con lấy vợ xong sẽ bảo cô ấy đẻ một mạch mấy đứa cháu trai cho bu ẵm một thể.

- Tiên sư nhà mày! Tao vì cháu tao chứ chưa nhờ vả được mày cái gì sất. Lo cả mớ tiền cho mày vào quân yên thân, tự nhiên tai vạ treo trên đầu, số tao sao lại khổ thế cơ chứ.

Miệng thì nói vậy nhưng bà Mẹo quay trở vào với tay lấy cái nón rộng vành cùng tay nải treo trên vách bước ra khỏi hàng quán, không quên dặn con gái dăm câu ba điều. Người đà bà ngũ tuần dáng người thấp bé đi nhanh như chạy theo quan lộ về hướng Tây Bắc. Được chừng hai dặm đường, ngẫm thấy cuốc bộ sợ không kịp, bà Mẹo tạt vào đầu một ngôi làng ven đường cái, thuê người đánh xe ngựa chạy cho mau. Xe ngựa đi hơn chục dặm thì trời nhá nhem tối, bà Mẹo xuống xe rồi băng qua cánh đồng lúa ngút ngàn nhắm hướng làng Cam Giá Thượng đằng xa mà cố sức đi nhanh.

Trại quân của tướng Phùng Hiền đóng trên gò đất rộng nằm gần hai làng Cam Giá nay vắng bóng quân sĩ, loáng thoáng chỉ trông thấy dăm ba người lính đang thu dọn đống tre nứa ngổn ngang mà ba quân để lại sau khi di chuyển. Bà Mẹo đến cổng trại, hai người lính hỏi chuyện nhưng bà chẳng biết nên gặp ai để mách, đành xin cáo rồi đi gấp vào làng Cam Giá Thượng tìm gặp người quen. Tìm được nhà cô con dâu tương lai chẳng khó. Lúc bà đến, cô con dâu tương lai đang lo bếp núc vội chạy ra chào, bà Mẹo ậm ừ lấy lệ, kéo vội người bạn hàng ra góc sân nói một mạch những gì con trai bà đã sang tai.

Bà Khuynh, gọi theo tên người chồng quá cố, nghe xong mà chân tay bủn rủn, chưa biết nên xử trí thế nào.

- Bà phải nói với ông trưởng họ, ông ấy nói ắt người trong họ sẽ nghe theo.

Nghe bà Mẹo khuyên như thế, bà Khuynh cho là phải, quýnh quáng chạy vài bước rồi như sực nhớ điều gì vội quay lại kéo bà Mẹo đi luôn. Bà Mẹo chạy theo, đi ngang qua bếp bỗng nhớ ra mong muốn sớm trở thành bà nội bèn chạy ào vào kéo con gái lớn của bà Khuynh ra ngoài giục:

- Mày vào gói ghém đồ đạc, dẫn theo hai em theo tao. Nhanh lên! Chốc nữa tao quay lại thì mày đi cùng tao ngay, không có cơm nước gì sất, về nhà tao rồi ăn. Từ bây giờ mày là con dâu của tao, nghe chửa?

Cô gái đứng ngây ra ngơ ngác nhìn theo bóng dáng hai người đàn bà hớt hải chạy ra phía cổng. Dẫu không thông tỏ có chuyện gì nhưng ngẫm thấy có sự không bình thường, cô gái vội vùi tro tắt bếp, chạy vào nhà vơ quần áo nhanh nhất có thể, cùng với đó luôn miệng gọi hai đứa em hãy còn đang chơi bên hàng xóm mau về nhà.

Trưởng tộc họ Phùng ở làng Cam Giá Thượng vừa nghe chuyện liền tin ngay mà không cần hỏi lại. Ông gọi con cháu đến truyền đạt mệnh lệnh, toàn bộ già trẻ, gái trai, dâu rể họ Phùng trong cả hai làng ngay lập tức rời làng càng sớm càng tốt. Ai có người thân người quen ở làng khác thì đến nương nhờ, ai không có thì bồng bế nhau nhắm hướng Bắc mà chạy, chờ tình hình yên ắng rồi hãy tìm về.

Phùng là họ lớn, chiếm phân nửa hai làng Cam Giá nhưng chưa đầy nửa canh giờ sau đó, người gồng gánh, kẻ ẵm con thơ, đứa lớn dắt đứa nhỏ, túi lớn túi bé vắt lên lưng trâu, bò, nghé dắt díu nhau rời khỏi hai làng. Dân sinh sống trong hai làng biết chuyện cũng vội vàng dắt díu nhau đi gấp tránh tai bay vạ gió, loáng một cái hai làng Cam Giá chẳng có bữa tối như mọi ngày. Cả hai làng chỉ còn chưa đầy hai trăm ông bà già ở lại trông nom vườn tược mà thôi.

Bà Mẹo dẫn bà Khuynh cùng ba đứa con tay nải băng đồng về hướng Đông. Trâu, bò, gà, lợn chẳng thể đem theo nhưng giờ phút sinh tử, chẳng ai còn lòng dạ nghĩ đến. Trưởng tộc họ Phùng là một ông ngoài sáu mươi đã quỳ gối dập đầu tế sống bà Mẹo, hẹn rằng qua cơn nguy khốn, con cháu nhà họ Phùng nhất định sẽ tìm cho bằng được mẹ con bà mà tạ ơn. Như vậy, chàng trai Võ Đình Tú đã cứu được vị hôn thê cùng hơn hai nghìn già trẻ sinh sống trong hai làng Cam Giá, xuất phát từ lòng cảm mến cô thôn nữ họ Phùng.

Quân sĩ trong Phùng doanh chỉ còn hơn trăm người do Phan Kế An, tráng niên người làng Cam Giá Hạ chỉ huy. Phan Kế An thay vì cho binh sĩ dưới quyền tháo chạy cùng dân làng thì họp tất cả lại, nói rõ sự tình. Quân sĩ còn trong doanh đều có dây mơ rễ má với nhà họ Phùng, lại sẵn lòng quyết chí một phen nên đều ở lại. Phan Kế An thuận theo số đông, cả đám cắt máu ăn thể đánh một trận cảm tử để thiên hạ ngày sau nghe danh quân tướng nhà họ Phùng không phải phường giá áo túi cơm.

Phan Kế An sắp đặt xong mai phục thì trên tháp cao, quân canh cho biết đã trông thấy ánh đuốc thấp thoáng mạn đằng Nam theo hàng lối chỉnh tề đang kéo đến.