Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 456: Đông Chinh vương phủ




Chương 456: Đông Chinh vương phủ

Thành Sơn Tây vốn là một toà thành lớn, thủ phủ của vùng đất bên bờ hữu ngạn Xích Giang. Sau lần đụng độ với quân Tam Đái mấy năm về trước, thành được gia cố vững chắc thêm vài phần. Đặc biệt, với sự ra đời của Cự thạch pháo, chẳng riêng gì thành Sơn Tây mà hầu như các toà thành lớn nhỏ khác trên khắp Vạn Xuân về cơ bản đều thay đổi, phải gia cố cho tường thêm cao, hào thêm sâu nhằm đủ bền vững chống đỡ những viên đạn đá nặng hàng chục cân bắn phá.

Cụ thể, thành Sơn Tây dựng trên nền đất cao, nằm cách bờ Xích Giang, nơi gần nhất, chưa đến hai dặm. Thành có hình vuông, mỗi cạnh dài 3 dặm. Tường thành cao 2 trượng, mặt tường thành rộng 1 trượng, bờ tường bên ngoài gia cố bằng đá ong chạy theo hình gãy khúc. Bao quanh thành có hộ thành hào (hào nước) rộng gần 7 trượng, sâu 1 trượng 2. Ngăn cách giữa tường thành và hào nước là một con đường đất dùng để tuần tra mà dân trong vùng gọi là Tượng đạo (đường voi đi). Tượng đạo và hộ thành hào lại được ngăn bởi dãy tường bao trơn nhẵn, cao khoảng 5 thước (khoảng 1,6m) gọi là dương mã tường. Kỵ binh hay bộ binh vượt qua được hộ thành hào sẽ gặp nhiều khó khăn khi leo qua dãy tường này để đặt chân xuống Tượng đạo mà áp sát chân tường thành. Ngoài ra ở một số vị trí trọng yếu, Phùng Lễ sinh thời còn bố trí hầm mã kháng (hầm chông bẫy kỵ binh) và cự mã thương (giáo ngăn ngựa).

Thành có 4 cửa quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông, lần lượt gọi là cửa Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Cổng thành đều làm bằng đá nguyên khối vô cùng vững chắc.

Phùng Hiền trở về ấp thang mộc (thực ấp) cấp tốc điều động binh mã bản bộ và lương thảo đến đóng trong thành Sơn Tây ngay sau khi từ phủ Thái sư trở về. Với gần hai nghìn tinh binh gồm kỵ bộ đều trung thành tuyệt đối với nhà họ Phùng, Phùng Hiền sẵn lòng sinh tử với những kẻ dám chống đối. Dẫu nắm binh quyền trong tay song Phùng Hiền chưa có được lòng ba quân Sơn Tây do các tướng nắm giữ. Trong khoảng thời gian gấp gáp, Phùng Hiền chỉ kịp phái thám mã truyền mật lệnh đến các tướng trung thành với nhà họ Phùng đóng trại rải rác trên khắp đất Sơn Tây.

Về phần Bố Giáp, dẫu trong tay nắm ba nghìn quân cấm nhưng chẳng phải toàn bộ các tướng đều quy thuận. Bởi thế, Bố Giáp triệu tập một số tướng thân tín đến quân doanh căn dặn kỹ càng. Trời vừa chập tối, nhà nào nhà nấy trong thành bắc bếp thổi cơm tối, các cổng thành đều đóng lại thì các tướng theo lệnh của Bố Giáp dẫn theo quân đến tước binh quyền của các tướng có giao tình hoặc họ hàng với Trần Văn Lộng. Một số quan đại thần từng ra mặt ủng hộ Đông Chinh vương cũng bị lột áo mão giải đi. Các cuộc bắt bớ diễn ra mau lẹ và êm thấm đến nỗi trong quân doanh hoặc xóm giềng kề cận hầu như không biết.

Trần Văn Lộng nắm được tin Phùng Hiền điều động quân bản bộ về thành Sơn Tây lúc xế trưa khi vẫn còn chuếnh choáng hơi men. Chẳng kịp thay y phục, Trần Văn Lộng thúc ngựa chạy thẳng đến phủ Đông Chinh vương.

Đông Chinh vương phủ cách thành Sơn Tây mười dặm về phía Đông, xưa kia có làng nhỏ Đông Thành với hơn năm chục nóc nhà. Sơn Tây vương cho dựng phủ đệ rồi ban cho Đông Chinh vương. Trần Văn Lộng đến phủ, Đông Chinh vương hãy còn say giấc nồng cùng mỹ nhân sau cuộc rượu thâu đêm. Nghe Lộng trình báo đầu đuôi, Đông Chinh vương triệu tập đám môn khách hàng trăm người đủ các hạng đến Tây sảnh đường cùng nghị sự. Mặc dù Đông Chinh vương đã thống nhất làm binh biến từ đêm qua cùng đám môn khách nhưng… chẳng ngờ mọi chuyện lại nhanh đến vậy. Nếu chậm trễ thì kẻ m·ất m·ạng không phải ai khác chính là Đông Chinh vương và những kẻ có mặt. Bấy lâu nay quân bản bộ nhà họ Phùng đều đóng ở ấp thang mộc, đội quân này chỉ di chuyển khi có biến cố lớn liên quan đến tồn vong của Sơn Tây vương hoặc nhà họ Phùng mà thôi. Điều này thì ngay cả một tay lính mới tòng quân cũng biết, huống hồ Đông Chinh vương lại không hiểu mối nguy cận kề. Cổ nhân từng nói, muốn người khác không biết thì đừng có làm. Mà nay đã bàn tính rõ ràng ắt có sơ hở, chẳng thể lường trước được.

- Cần phải động binh ngay, binh pháp vốn dạy “Tiên hạ thủ vi cường, hậu thủ vi tai ương” chậm một khắc ắt hoạ tìm đến cổng, thưa ngài!

Một người đầu trọc lốc vận pháp phục ngồi xếp bằng tròn ngay lập tức lên tiếng. Thoáng nhìn ai cũng biết đó là một nhà sư nhưng cặp mắt sếch, đôi lông mày rậm cùng cái mũi to và chòm râu quai nón lởm chởm thật khó để người đối diện nghĩ nhà sư này còn theo Phật, dù trên cổ ông ta vẫn đeo tràng hạt. Lời tiếp theo của ông trọc đầu đã chứng minh điều ấy:

- Phải động thủ ngay khi chúng còn chưa bố phòng quy củ, đêm dài lắm mộng, nếu không ra tay sớm e rằng đêm nay chúng ta bị trói hết lượt.



- Lời của Tĩnh Mịch Thiền sư là phải thưa Đại Vương. - Một văn nhân đầu đội mũ vải mềm, giọng rất sõi nhưng nghe khẩu âm rõ là không phải người Vạn Xuân. - Lý Thái sư là một con cáo già đã thành tinh. Chi bằng ta khởi sự ngay, chậm e không kịp.

Người vừa hắt nước theo mưa là Trần Bá Tiên. Bá Tiên vốn người Vân Nam, tự nhận làu thông kinh sử và đọc nhiều binh thư tự cổ chí kim song quê hương chẳng có đất dụng võ. Trần Bá Tiên phiêu bạt xuống phương Nam kiếm kế sinh nhai bằng nghề gõ đầu trẻ, kết giao với đủ hạng người để tìm minh chủ trước khi trở thành môn khách của Đông Chinh vương phủ. Trần Bá Tiên có chút tài cán và khéo ăn nói, thường bày cho Đông Chinh vương mưu mẹo đối nhân xử thế nên Đông Chinh vương rất ưng.

Trong mắt của Trần Bá Tiên hay Tĩnh Mịch Thiền sư, cũng là người Vân Nam quốc dạt xuống Sơn Tây gần hai năm, thì Vạn Xuân là đất rợ, các tộc người ở nơi này đều là rợ cả. Bởi thế ít nhiều, Trần Bá Tiên và Tĩnh Mịch Thiền sư, theo các ông ta tự xưng, đều tỏ ra mình thông tuệ hơn hẳn người xứ ngu muội này.

- Thưa Đại Vương tôn kính! - Một người khác có dáng dấp của một võ tướng bước ra chắp tay hành lễ với Đông Chinh vương. - Mạt tướng chịu ơn cưu mang của ngài bấy lâu, nay muốn góp chút sức mọn, mạt tướng xin làm tiên phong đánh thành.

Đông Chinh vương hỉ hả:

- Dương tướng quân cứ yên vị, đâu cần phải đa lễ như vậy chứ, ngồi đi, ngồi đi.

Người vừa xin làm tiên phong đánh thành Sơn Tây họ Dương tên Sàn vốn người Quý Châu quốc. Dương Sàn là tướng xứ ấy, chống không lại quân Đại Vũ nên dẫn binh bản bộ mấy trăm người cùng gia quyến băng rừng vượt núi xin làm dân Sơn Tây. Sơn Tây vương thu nạp, cấp cho đất ở và ruộng nương khai khẩn. Trần Văn Lộng kết giao với Dương Sàn, Dương Sàn chỉ dạy thêm binh pháp cho Lộng. Lộng muốn kéo bè kết cánh nên chỉ cách cho Dương Sàn dâng mỹ nhân cho Đông Chinh vương. Từ đó, mỗi tháng đôi ba lần, Dương Sàn đều đến Đông Chinh vương phủ trà dư tửu hậu.

- Nếu khởi sự gấp thì ta có được bao nhiêu binh mã?

Trần Văn Lộng chỉ chờ có vậy, liền đứng ra dõng dạc:

- Thưa Đại Vương, trong thành Sơn Tây mạt tướng có năm tướng thân tín thống lĩnh năm trăm quân cấm, họ có thể làm nội ứng. Quân bản bộ của mạt tướng có ba nghìn kỵ bộ đều là tinh binh. Các doanh khác trong bán kính hai chục dặm lập tức huy động được năm nghìn quân. Nếu Đại Vương cho mạt tướng thêm một ngày, mạt tướng sẽ nắm trong tay 2 vạn binh mã gồm cả thủy, bộ và quân kỵ ạ.



Tĩnh Mịch Thiền sư nhăn mặt hỏi Trần Văn Lộng:

- Binh lực Sơn Tây ta chẳng lẽ chỉ có chừng ấy?

Trần Văn Lộng giải thích:

- Có ba vạn quân thường trực nhưng chia đóng các nơi nữa chứ. Sơn Tây đất rộng người đông, có biến ta bắt dân binh sung quân thì bốn, năm vạn cũng chẳng tính là nhiều.

- Hai vạn là quá đủ! - Dương Sàn lên tiếng. - Mạt tướng có năm trăm tinh binh, xin Đại Vương cho mạt tướng mượn khoảng hai nghìn quân bộ, mạt tướng làm tiên phong công thành.

- Dương huynh! - Trần Bá Tiên nghe vậy bèn nói. - Thành Sơn Tây không dễ công mà bên trong lại có những năm nghìn quân phòng thủ. Dương huynh phải hết sức cẩn trọng, tuyệt đối không nên khinh suất kẻo hỏng đại sự.

- Đa tạ Trần huynh có lòng lo cho tại hạ. Tại hạ có ý như vậy nhưng sắp đặt đều do chủ ý của Đại Vương cả. Tường thành tuy cao, hào nước tuy sâu nhưng có nội ứng mở cổng thành, tại hạ dẫn quân đột kích thẳng qua cổng lớn ắt lợi.

Tĩnh Mịch Thiền sư rời khỏi chỗ ngồi, tay mân mê tràng hạt, bước đi mà đầu hơi cúi, ông ta nói:

- Cần phải ngừa lão Thái sư biết được thân tín của Tả tướng mà phế bỏ, như vậy thì nguy lắm thay.

Trần Văn Lộng tự tin nói:



- Lý Thái sư dẫu mắt có tinh cũng chẳng thể nhìn ra được. Ngoài những thuộc tướng thân thích có họ hàng với tại hạ thì tại hạ còn có những người mang ơn, chỉ cần tại hạ phất cờ là họ sẽ theo đó mà ủng hộ bất chấp nguy nan.

Tĩnh Mịch Thiền sư quay sang nheo mắt hỏi Lộng:

- Giả tỉ tất cả bọn họ b·ị b·ắt hết thì sao? Tả tướng! Xin ngài thứ lỗi cho bần tăng. Chẳng phải bần tăng hồ nghi tấm lòng nhiệt huyết của ngài cũng như sự trung thành của thuộc hạ. Tuy vậy, Tả tướng phải liệu trước mọi bề vì ta khởi sự phải thành chứ không được bại. Đầu của bần tăng chẳng đáng, bần tăng không ngại xông pha nhưng cần tính cho kỹ càng mọi lẽ mới là hơn.

Trần Văn Lộng hướng ánh mắt về phía Dương Sàn và Trần Bá Tiên. Trần Bá Tiên thấy vậy bèn đáp thay Trần Văn Lộng:

- Tĩnh Mịch Thiền sư nói phải! Theo thiển ý của tại hạ, thời gian gấp rút, trước hết ta phải vây thành bốn mặt phô trương thanh thế, vừa lôi kéo được sự ủng hộ của bá tánh, chiêu dụ được đám ba phải, lại không cho quân cứu viện đến. Thêm nữa, tại hạ xin phóng bút hạch tội Lý Thái sư, Sơn Tây vương trước bàn dân thiên hạ. Dạ bẩm Đại Vương, nếu bọn Phùng Hiền cứng đầu cứng cổ không chịu quy hàng thì… dạ… cần phải bắt luôn gia quyến bọn chúng mà thị uy.

Trần Văn Lộng và Dương Sàn nghe ý tứ cuối cùng của Trần Bá Tiên thì trong lòng có ý khinh miệt. Sàn và Lộng theo binh nghiệp, chưa từng nghĩ đến mưu kế hèn hạ như Bá Tiên nói. Lộng nhìn Sàn, Sàn khẽ nhíu mày nên cả hai giữ im lặng. Lộng muốn mau chóng đánh thành để nắm chức Sứ tướng một phương. Nếu Lộng đạt được mục đích tự nhiên Dương Sàn sẽ có nhiều chỗ đắc lợi.

- Cần phải diệt sạch mầm mống chống đối, không cho chúng ngóc đầu lên mới là kế sách lâu dài. - Trần Bá Tiên thao thao bất tuyệt. - Phùng Hiền chỉ là thằng trẻ ranh dựa hơi cha mà nắm binh quyền. Nay hắn kéo binh về thành gấp rút ắt gia quyến vẫn còn ở thực ấp.

Đông Chinh vương thấy Trần Văn Lộng và đám môn khách đều lặng thinh, ngó sang Tĩnh Mịch Thiền sư như có ý tham khảo. Tĩnh Mịch Thiền sư liền nói:

- A đi đà Phật! Làm đại nghiệp phải có đổ máu, chúng tử ta sinh mà nương tay ắt đại hoạ, thưa Đại Vương.

Đông Chinh vương gật gù, nói với Trần Văn Lộng:

- Phái một đạo binh đến bắt hết gia quyến họ Phùng ở Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ, kẻ nào chống đối thì g·iết không tha.

- Chờ chập tối hãy động binh kẻo bọn chúng phát giác mà phòng bị. - Tĩnh Mịch Thiền sư mân mê tràng hạt, nét mặt không chút biến sắc tiếp lời Đông Chinh vương. - Việc ấy Tả tướng nên giao cho thuộc hạ thân tín và… không nên nương tay đâu.

Trần Văn Lộng tuân mệnh, lập tức cho gọi nha tướng Đỗ Duy Trung dẫn năm trăm quân bộ tiến đến Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ ngay khi trời sập tối. Tiếp đó, Trần Văn Lộng đem sơ đồ bố trí phòng thủ thành Sơn Tây trải ra giữa mặt bàn để cùng bọn môn khách Đông Chinh vương phủ cùng mưu tính cách công thành.