Chương 455: Những cánh chim câu
Trong Nghị sảnh đường Phạm Tu tự tay cẩn thận mở những lớp da bọc hổ phù, thấy miếng vải lụa màu vàng thêu hoạ tiết rồng phượng thì khẽ giật mình. Lần giở thêm mấy lượt gấp thì thấy tấm hổ phù bằng vàng chạm khắc vô cùng tinh xảo. Đôi bàn tay của vị lão tướng run rẩy cầm miếng hổ phù đưa lên ngang mặt mà ngắm, khuôn mặt ông không giấu nổi vẻ xúc động, đôi mắt sáng rực như thể gặp lại cố nhân sau nhiều năm xa cách.
Phạm Bỉnh Di lấy làm ngạc nhiên trong khi đó Linh Thông Thuận và Đoàn Tùng Thiện tròn mắt nhìn vật lạ mà lần đầu trong đời họ biết. Phạm Tu đứng dậy, hổ phù đặt trong tấm lụa vàng nằm yên trong lòng bàn tay lão tướng, Phạm Tu hơi cúi đầu, giơ tay cao hơn một chút rồi cứ thế lẳng lặng rời sảnh đường. Phạm Bỉnh Di ra hiệu bọn Thuận, Thiện đi theo. Phạm Tu cung kính đặt hổ phù lên ban thờ Lý tiên vương, châm năm nén hương sau đó quỳ lạy khấn vái một hồi rất lâu. Ông nói những gì nào ai biết, chỉ thấy Phạm Tu rất xúc động, đi đứng lên khẽ dùng vạt áo thấm nước mắt.
Trở lại Nghị sảnh đường, Phạm Tu trở nên tươi tỉnh lạ thường. Đoán chừng mọi người chờ lời giải thích, Phạm Tu chậm rãi lên tiếng:
- Năm xưa luận công ban thưởng, tiên vương ban tặng cho các đại công thần giúp ngài đánh đuổi ngoại bang mỗi người một cặp hổ phù bằng vàng. Ta nhớ không nhầm, có tất cả 12 cặp như vậy được ban tặng cho 12 đại công thần.
Ánh mắt Phạm Tu loé lên vẻ tự hào:
- Hổ phù sẽ là vật gia bảo, vô cùng trân quý. Nếu con cháu đời sau lỡ có phạm tội phải bêu đầu có thể dùng hổ phù đổi mạng. Dẫu một cặp hổ phù có thể đổi hai cái đầu nhưng đó là vật tiên vương ban cho, ai ai cũng coi là báu vật, quý trọng hơn cả mạng sống. Ngoài Thái sư và ta thì Tô Trung Từ cũng có một cặp, ông Tô Hiến Thành có một cặp nữa.
Phạm Bỉnh Di bèn hỏi:
- Thưa cha, nay Thái sư cử người đem vật quý đến là có ý gì?
- Con chưa bao giờ trông thấy hổ phù của ta đúng chứ?
Phạm Bỉnh Di khẽ gật đầu, Phạm Tu nói thêm:
- Thái sư cũng như ta, coi vật này khác nào tính mạng bản thân cũng như an nguy dòng tộc. Nay Thái sư đưa cho ta một miếng hổ phù có nghĩa là an nguy của Thái sư, vận mệnh dòng họ Lý ở Sơn Tây chỉ còn phân nửa. Thái sư có ý phó thác vận mệnh Sơn Tây cho ta đấy.
Phạm Tu nhìn mọi người một lượt, mỉm cười mà rằng:
- Lão già cố chấp cuối cùng cũng nghĩ thông, lời hẹn năm xưa nhất định phải thực hiện cho kỳ được.
Nói đoạn Phạm Tu đứng bật dậy, khoan thai bước ra cửa chính ngắm nghìn cảnh vật quen thuộc dưới ánh nắng gắt của buổi trưa hè. Một hồi lâu sau ông mới nói:
- Bỉnh Di, mau cùng cha đến Vạn Xuân tham kiến Đại Vương. Thành Sơn Tây muốn quy thuận Thiên Đức, tình thế của họ khả năng nguy khốn, cần phải hành động mau lẹ.
Phạm Bỉnh Di chạy ào ra khỏi Nghị sảnh đường, loáng một cái đã chuẩn bị xong đội ngũ, đồng thời thả chim câu báo tin cho Vạn Xuân. Linh Thông Thuận và Đoàn Tùng Thiện cũng được đi theo đoàn. Tùng Thiện nhắc Linh Thông Thuận chuyện Bàn Phù Sếnh đã nói, Linh Thông Thuận mới sức nhớ ra. Phạm Tu nghe xong cười và bảo:
- Ta sẽ đề đạt với Đại Vương chứ nào tự quyết được. Chinh chiến hãy còn dài, chẳng thiếu phần chiến tướng như Bàn Phù Sếnh đâu mà các anh lo.
Sơn Tây có binh biến! Chương nghe tin lấy làm vui mừng lắm song không lộ ra. Anh dành thời gian nghiền ngẫm hoạ đồ giang sơn treo trên tường và sa bàn lớn đắp đất đặt giữa căn phòng lớn. Chương nhìn xoáy vào dòng Xích Giang được minh hoạ trên sa bàn bằng một dải màu xanh uốn lượn theo chiều Bắc - Nam, những nơi có cắm kỳ hiệu nhỏ là quân doanh Thiên Đức đóng đồn. Trần Nhật Tôn, Trần Minh Dũng, Ngô Thì Nhậm đứng hai bên, sẵn sàng trả lời những câu hỏi Chương đưa ra. Lý An đứng đối diện với Chương, ánh mắt cũng chẳng rời khỏi sa bàn. Lý An đến thăm cháu ngoại từ chiều hôm trước nên Chương không phải cho người đến mời.
Phạm Tu đến, biết Chương đang cùng Lý An bàn định việc quân, lại nghe cấp dưới của Trần Minh Dũng thưa rằng Chương đã nắm được tin binh biến ở Sơn Tây từ lúc sớm do các nơi đưa về nên lấy làm mừng. Ông thầm hài lòng bởi sau mấy năm trời, Chương đã thiết lập được hệ thống truyền tin vô cùng hiệu quả, đến ông cũng chẳng thể ngờ được. Chương nhiều lần nhấn mạnh với tướng lĩnh dưới quyền, việc nắm bắt và xử lý thông tin nhanh nhạy là đã giành đến nửa phần thắng lợi. Bởi thế ngoài chim câu và thám mã chạy trạm, gần đây Phạm Tu được biết Chương đang âm thầm giao người huấn luyện truyền tin bằng đại bàng, thực hư chẳng biết đến đâu.
Phạm Tu đưa cho Chương xem tấm hổ phù bằng vàng đồng thời giải thích cặn kẽ thâm ý của Thái sư Lý Đạo Thành. Ông không quên nhắc đến công lao của Bàn Phù Sếnh cùng thuộc hạ, và rằng Sếnh rất mong muốn trở thành quân tiên phong xung trận. Chương chăm chú lắng nghe, một dạ hai vâng, nét mặt vô cùng tươi tỉnh. Chương dành ít thời gian để mắt đến Linh Thông Thuận và tỏ thái độ bằng lòng với cách xử trí của anh chàng. Bất giác Chương cảm thấy vui trong lòng khi chọn đúng người.
Trong căn phòng chỉ còn lại Phạm Tu, Lý An và Chương cùng Trần Nhật Tôn, Trần Minh Dũng. Bấy giờ Chương mới bắt đầu nói ra những thông tin tình báo mà Trần Minh Dũng tổng hợp cho hai vị lão tướng cùng nghe:
- Tam Đái bên tả ngạn, thành Sơn Tây bên hữu ngạn. Theo tin Thân Vệ quân chuyển về liên lục thì binh biến xảy ra quãng giờ Hợi dưới cờ Đông Chinh vương Lý Long Thủy. Tin gần nhất nhận được cách lúc này khoảng một canh giờ thì thành quân phản loạn chưa chiếm được thành Sơn Tây nên rút ra xa chỉnh đốn. Dưới quyền Đông Chinh vương có Trần Văn Lộng và một số thân tín của y. Bên cạnh đó, Thân Vệ quân và tế tác cho biết, họ nhìn thấy người phương Bắc, thậm chí có cả nhà sư đeo tràng hạt xung trận và đánh rất hăng.
Phạm Tu hỏi:
- Quân số hai bên thế nào? Chúng ta có nắm được không?
Trần Nhật Tôn lật giở cuốn sổ tay, vừa dò xem vừa đáp:
- Dạ thưa, cách đây khoảng mươi ngày, cấm quân dưới quyền Hữu Tướng quân Nguyễn Văn Giáp có khoảng ba nghìn, con số này bất di bất dịch nên cháu nghĩ không thay đổi ạ.
Trần Nhật Tôn lại dò sang tờ đằng sau, bổ sung:
- Sứ tướng Phùng Hiền nắm binh quyền thống lĩnh ba quân song hiện tại chẳng rõ còn nắm được bao nhiêu.
Lý An nghe vậy liền hỏi:
- Quân bản bộ của cha con họ Phùng các cháu có biết được bao nhiêu không? Phùng Hiền tuy chưa ấm ghế Sứ tướng nhưng nhà họ Phùng vốn có tiếng trung thành với vương nghiệp nhà Lý, dân Sơn Tây có cảm tình.
Trần Nhật Tôn gập cuốn sổ trên tay, từ tốn đáp:
- Dạ, quân bản bộ của Phùng Hiền thường trực có hai nghìn tinh binh đóng ở thực ấp. Hiện cháu chưa biết quân ấy có về ứng cứu hay bị vây khốn tại nơi trú quân.
Phạm Tu nhận định:
- Lý Đạo Thành là tay lão luyện, ông ta gưi hổ phù cầu cứu trước binh biến có nghĩa đã tiên liệu được mọi việc. Thế nên Phùng Hiền khả năng đang ở trong thành Sơn Tây hoặc đang tiến về đó cứu viện. Ta làm phép tính giản đơn, với năm nghìn quân trung thành cộng với thành trọng yếu có tường cao hào sâu thì…
Phạm Tu bỏ dở câu nói, hướng ánh mắt sang Lý An. Lý An tủm tỉm cười:
- Ý ông là Đông Chinh vương đã bỏ lỡ thời cơ phải không?
Phạm Tu lắc đầu, cười mà hỏi rằng:
- Là ông, ông sẽ cầm cự được bao lâu?
Lý An đáp:
- Vũ khí tương đương nhau thì tôi chống được không ít hơn ba tháng! Còn như quân lương dồi dào, với địa thế thành Sơn Tây cao như vậy thì một năm cũng không tính là khó.
Phạm Tu lại hỏi:
- Ông nghĩ Đông Chinh vương huy động được cỡ 2 vạn quân công thành không?
Lý An quả quyết:
- Có thể nhưng cần thời gian, binh biến như thế hẳn là chỉ huy động được các trại gần thành hoặc thân tín của Trần Văn Lộng nên khó đấy.
Đoạn Lý An thở dài:
- Công bằng mà nói thì hậu nhân của tiên vương xưng vương đều không có tài cầm quân, cũng chẳng mưu lược. Tôi mà là Thái sư, tôi đóng cổng thành cố thủ rồi Sơn Tây vương lên chiêu dụ ba quân thì đám Đông Chinh vương… chẳng đánh mà tan. Một đám ô hợp làm được trò gì ra hồn chứ.
Phạm Tu gật gù tỏ ý tán đồng nhưng lại hỏi:
- Tô Trung Từ cũng chẳng khoanh tay ngồi yên, ông ta nhất định sẽ đục nước béo cò, ủng hộ Đông Chinh vương và bọn Trần Văn Lộng. Ông có nghĩ đến khả năng đó không?
Thay vì trả lời câu hỏi một cách trực tiếp, Lý An chỉ vào sa bàn mà rằng:
- Tay họ Phan mới là kẻ mừng hơn cả. Tôi nghĩ hắn ta sẽ lợi dụng tình thế ủng hộ Trần Văn Lộng lên giữ chức Sứ tướng. Đó là cách hắn tự cứu hắn.
Chương đứng khoanh tay nghe hai vị lão tướng tham mưu, người nào nói cũng có cái lý đúng và trong đầu anh cũng dần hiện rõ thế cuộc trên đất Sơn Tây cách đến hai trăm dặm. Thực ra Chương đã có chủ ý từ đầu nhưng không nói, nhờ hai vị lão tướng tỏ bày mà anh hoàn thiện thêm kế sách. Thành Sơn Tây có biến thực chẳng khác nào ông trời giúp Chương đến gần hơn mục tiêu anh đề ra trước đó, thống nhất Vạn Xuân trong năm Thiên Đức 33.
Trần Minh Dũng từ đầu đến giờ đứng ghi chép liên hồi, chốc chốc lại hướng ánh mắt vể phía Chương, nếu anh khẽ gật đầu thì Dũng sẽ gạch chân ý vừa mới chép.
- Tôn này, nghe tin cha vợ lâm nguy có bồn chồn không cháu?
Tôn thực thà trả lời Phạm Tu:
- Vợ cháu thì lo chứ cháu thì không ạ. Hạ một thành lớn không phải chuyện dễ dàng gì.
Phạm Tu quay ra nói với Chương:
- Cậu Sếnh nóng lòng muốn xung trận, có ý xin làm tiên phong.
Chương cười tủm tỉm đáp rằng:
- Chỗ anh Sếnh không thể tiên phong được bác ạ.
- Sao vậy? - Phạm Tu thắc mắc.
Chương chìa lòng bàn tay ra, Trần Nhật Tôn đưa cho anh que bằng kim loại, Chương dùng nó chỉ vào sa bàn:
- Chúng ta đã kiểm soát được Sơn Nam Hạ, nếu dùng anh Sếnh ở chỗ này làm tiên phong ứng cứu thành Sơn Tây tự nhiên ta sẽ hở sườn. Nếu Lý Mẫn đưa đại binh sang sông cắt đường về của anh Sếnh.
Chương vạch một đường ngang trên sa bàn, nói tiếp:
- Nếu sau đó Lý Mẫn lại dẫn quân lên hướng Tây Bắc uy h·iếp thành Cổ Loa và hạ lưu sông Cánh thì anh Thổ cũng vất vả. Chúng ta sẽ mất luôn vùng vừa mới kiểm soát. Lực lượng của chúng ta mạnh, trội về hoả lực song không thể dựa vào đó mà đè đối phương. Ta mất ba địch mất mười cũng là tổn thất lớn lắm, không thể phiêu lưu.
Lý An nheo mắt cười:
- Con có chủ kiến rồi phải không?
Chương tỉnh bơ không đáp, anh kéo que kim loại và dừng ở vùng đất nằm phía Tây Nam phủ Thiên Đức, gõ nhẹ mấy cái. Lý An ngẩng lên nhìn Phạm Tu, Phạm Tu ngỡ ngàng một lúc rồi húng hắng ho vài tiếng. Ông nói:
- Chúng ta hết thời thật rồi, thôi đành làm trâu ngựa cho bọn trẻ còn có ích hơn đứng đây múa rìu qua mắt thợ cả.
Hai ông già cùng cười vang rồi kéo nhau ra ngoài tìm những đứa cháu họ Mạc. Trần Minh Dũng và Trần Nhật Tôn hí hoáy chép lại mệnh lệnh của Chương. Bọn Tôn và Dũng đi rồi, chỉ còn mình Chương đứng nhìn đăm đăm xuống sa bàn.
- Anh còn bận tâm điều gì nữa?
Thiên Bình vat Duệ nhẹ nhàng bước đến bên cạnh thỏ thẻ. Ánh mắt của Chương không rời sa bàn, anh vạch một đường vòng cung cho hai cô vợ xem rồi thủng thẳng:
- Có được thành Sơn Tây, quân Thiên Đức sẽ có thêm điểm đầu cầu, mặt Đông và Nam công Đỗ Động Giang và La thành, hướng Tây lại bóp nghẹt Tam Đái. Anh đã chờ ngày này suốt mấy năm trời, nay cơ hội trời cho không thể bỏ lỡ được.
Đoạn anh quay sang búng nhẹ vào trán Thiên Bình:
- Mau chóng nhờ bà ngoại trông cháu, chúng ta cùng đi.
Thiên Bình mừng húm, chẳng cần biết đi đâu, chạy biến ra khỏi cánh cửa lớn mất dạng.
- Còn em, thưa bà Thủ tướng, Chính phủ sẽ có Bộ trưởng ngoại giao sớm thôi.
Duệ cúi đầu nhìn sa bàn, chẳng để tâm đến lời Chương. Nàng thắc mắc:
- Sao anh không lấy Tam Đái trước?
- Lấy được Sơn Tây thì Tam Đái như chim trong lồng còn trốn đi đâu cho được. Em hãy hoàn thiện kế hoạch an dân vùng ấy giúp anh càng sớm càng tốt.
- Xong cả rồi, chờ anh nhắc đến bao giờ mới xong.
Vừa lúc ấy, Trần Minh Dũng quay trở lại báo cáo vì có thêm tin tức ở Sơn Tây. Chương nghe xong một lượt, không cần suy nghĩ thêm mà hạ lệnh:
- Báo với anh Sếnh lập tức chuyển trung quân đến sát bờ Xích Giang chờ lệnh mới. Báo anh Thổ trống gióng cờ reo làm như sẽ xuất binh đánh Tam Đái!
Những cánh chim câu từ phía sau làng Vạn Xuân lần lượt bay v·út lên không trung trong ánh chiều đã ngả về Đông.