Chương 412: Chiêm tinh gia họ Nguyễn
Kể từ khi đến Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Tiên Minh, ngoài bận rộn việc quân, anh chàng Vạn Thắng vương trẻ tuổi dành khá nhiều thời gian thăm thú các nơi trong vùng dưới vỏ bọc là một thương nhân. Theo cách nói của người Vạn Xuân, tất cả đất đai mà quân Thiên Đức kiểm soát đều thuộc quyền sở hữu của vị vương họ Mạc và dân Thiên Đức cũng vậy. Chương nghĩ trong tương lai, anh thiết lập được bộ máy cai trị hoàn chỉnh, đất đai vẫn sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người dân có quyền sử dụng. Chương đã nói với Duệ rất nhiều lần về điều này và Thiên Bình cùng q·uân đ·ội đang dần hiện thực hoá tham vọng ấy của Chương.
Mỗi khi Chương ra khỏi sở chỉ huy, anh sẽ lấy họ của vợ cả ghép với tên con trai, Lý Thiên An. Giấy tờ cá nhân đầy đủ, thật khó ai hay biết nhân thân của Chương.
Bởi không muốn thân phận bại lộ, bảo đảm an toàn cho Chương có Triệu Nhã Lâm trong vai hầu gái. Vi Thọ Kỳ cùng hai Thân Vệ quân trong vỏ bọc gia nhân, trên vai lúc nào cũng sẵn đôi quang gánh, lỉnh kỉnh những đồ đạc. Lam Khuê cũng có mặt, cô giả trang là nàng hầu. Trong khi đó hai tiểu đội Thân Vệ quân chia thành các nhóm nhỏ giữ khoảng cách nhất định ở tứ phía.
Chương không dùng ngựa, cách anh ăn vận chẳng khác gì một người bình thường, vấn khăn đầu rìu màu nâu. Chương thường chọn thăm thú các phiên chợ dù lớn dù nhỏ. Anh muốn tìm hiểu các mặt hàng mà người dân bày bán. Tiên Minh xem như huyện phên giậu của Thiên Đức. Thiên Đức kiểm soát chưa đủ lâu để kinh tế trong huyện phát triển mạnh. Tuy nhiên, so với mấy năm trước, cuộc sống của người dân huyện này tương đối no đủ. Nông sản, đánh bắt thuỷ hải sản có đôi chút thành tựu.
Một hôm, Chương và thuộc hạ đến một ngôi chợ khá sầm uất trong huyện. Hạ tuần tháng 11, Tết chỉ còn hơn một tháng, lại được mùa thế nên người mua kẻ bán trong chợ rất đông từ lúc trời hãy còn tờ mờ sáng. Chương thấy nhiều mặt hàng sản xuất tại phủ Thiên Đức như đường phèn, mứt Tết, lạc rang muối, bánh kẹo, quần áo… cùng các mặt hàng nông sản địa phương bày bán trong cửa hàng bách hoá. Điều khiến Chương cảm thấy tự hào nhất, ấy chính là trông khắp chợ, tuyệt chẳng thấy một người nào, từ già đến trẻ, vận y phục rách rưới. Một mảnh vá cũng không. Hầu như ai cũng có một cái áo khoác làm từ lông gà, vịt. Toàn dân có áo ấm vào mùa đông là điều mà Chương vẫn hằng ước ao.
-Lý thiếu gia, đằng kia có mấy hàng xem tướng số kìa. - Lam Khuê giật nhẹ gấu áo, nói với Chương. - Người ta tụ tập đông ghê.
Chương bĩu môi, khẽ lắc đầu:
-Mấy người đó còn chẳng xem được thời vận cho bản thân.
-Chúng ta vào xem một chút cũng có sao đâu, đi mà.
Trịnh Lam Khuê vừa nói vừa cười dịu dàng. Chương đành tặc lưỡi.
Có đến dăm hàng xem bói, xem tướng ở một góc chợ. Các thầy ngồi trên một cái chõng bằng tre, treo hai tấm vải trắng viết mấy Hán tự. Thầy nào cũng ăn vận tươm tất, đôi guốc gỗ xếp ngay ngắn một bên. Thầy xem bói bằng thẻ tre, thầy đoán vận bằng cách đề nghị người muốn xem viết một chữ, có thầy xem chỉ tay… Lại có thầy đoán vận mệnh người khác bằng quả cau hoặc tướng mạo. Ai muốn xem đặt lễ 1 đồng hoặc tuỳ tâm.
Chương nhìn khắp lượt, khách hàng của các thầy nếu không phải là các thiếu nữ đôi tám cũng là các bà trung niên hoặc các cụ ngoài bà ngoài lục tuần. Xem xong có người quay ra nét mặt buồn rười rượi, có người hớn hở như bắt được vàng, vài người âu lo. Chương dỏng tai nghe, hoá ra đa phần các bà các cô đều muốn hỏi chuyện hỉ sự, tài vận cho chồng, con hoặc ý trung nhân. Anh khẽ thở dài:
-“Cũng phải, thời buổi loạn lạc như này, dẫu Thiên Đức có mạnh đến mấy cũng chẳng tránh được t·hương v·ong. Muốn các thầy này thất nghiệp, e là phải đẩy mạnh công tác địch vận, thực hiện diễn biến hoà bình thay vì binh đao.”
Chương định rời đi nhưng Lam Khuê và Nhã Lâm cứ nhón chân cố chen vào nghe các thầy phán số mệnh của một ai đó. Nhã Lâm muốn xem một quẻ song chờ tới lượt rất lâu, sợ Chương phật ý, nàng ta tiu nghỉu tách khỏi đám đông khi Lam Khuê thấy chồng chờ đã lâu.
Được vài chục bước chân, Chương thấy một người đàn ông trung niên ngồi trên chõng tre, dáng vẻ cũng là thầy tướng số nhưng chẳng có ma nào xem vận mệnh. Người đàn ông này có tiểu đồng cắp tráp đứng hầu bên cạnh. Tuy vắng khách song điệu bộ của ông ta rất thản nhiên, trên tay cầm một quyển sách. Trên chõng tre ngoài xấp giấy, nghiên và bút còn có ấm trà dường như mới pha.
Chương chẳng biết chữ Hán, anh không đọc được những dòng đề trên hai tấm bảng gỗ. Điều khiến anh chú ý chính là tiểu đồng. Tiểu đồng theo hầu người trung niên này vận y phục lụa, chân đi guốc gỗ, mặt mũi sáng sủa.
-Ông ta có phải là thầy bói không?
Lam Khuê đáp:
-Đúng ạ! Bảng có viết ông ta đoán mệnh bằng chữ. Một ngày chỉ xem công danh hậu vận cho ba người, tiền công là 5 nén bạc.
-Ồ! Nhiều nhỉ? - Chương dừng chân. - Cao nhân ư?
Lam Khuê bĩu môi, đứng sát bên Chương thì thào:
-Những 5 nén bạc bảo sao không ế! Anh thấy đấy, chỗ kia phải chờ đến lượt, đằng này thì…
-Nếu ông ta dám trưng bảng thu phí cao như thế ắt có tài năng. Em nhìn tiểu đồng của ông ta kìa, tiểu đồng mà mặc áo lụa.
-Anh tính xem ư?
Chương nhìn Lam Khuê, quay sang bên còn lại nhìn cả Nhã Lâm. Anh nói:
-Chả phải vừa rồi hai em muốn thử à?
Nhã Lâm bẽn lẽn:
-Dạ… thưa Lý thiếu gia, vài đồng có đáng là bao.
Chương bật cười:
-À! Thiếu gia như ta chả nhẽ thiếu tiền. Hai em thử hỏi. Ta muốn biết ông này có đáng 5 nén không. Nếu lừa người ta bảo lính gô cổ lại.
Nhã Lâm nhìn sang Lam Khuê chờ đợi. Lam Khuê gật, hai nàng liền nhanh chân đi trước. Vi Thọ Kỳ lẩm bẩm:
-Thiếu gia, mấy tay này nói láo ăn tiền đấy.
Chương tặc lưỡi:
-Mấy cô ấy vui là được. Anh cũng xem có thứ gì hay ho mua về làm quà cho anh em và vợ con, tranh thủ lúc ta là Lý thiếu gia.
Vi Thọ Kỳ lập tức sáng mắt:
-Dạ thưa, tiểu nhân mua… mua thịt chó và rượu được không ạ?
-Anh đói ư?
-Dạ không! Chẳng là trời lạnh thế này, nếu anh em được bữa cầy tơ với ít rượu thật chẳng gì bằng ạ.
-Uống vừa phải thôi.
-Thiếu gia yên lòng, tiểu nhân sẽ dặn anh em.
Chương chắp tay sau lưng bách bộ đến chỗ hai nàng đang, vừa lúc ông thầy hỏi:
-Nhị vị tiểu thư muốn hỏi điều gì cứ viết đại một chữ ra giấy, chỉ được hỏi một câu thôi. Câu thứ hai ta lấy thêm một nén bạc. Nhị vị tiểu thư hãy cân nhắc kỹ. Ta chỉ giả nhời không quá ba câu, vị chi là 7 nén bạc.
-Sao lại đắt như vậy? - Lam Khuê thắc mắc. - Đằng kia người ta xúm đen xúm đỏ, lễ có 1 đồng thôi.
Ông thầy thản nhiên đáp:
-Đắt sắt ra miếng. Trần đời này phàm cái gì đắt đỏ đều có giá trị. Nhị vị tiểu thư hãy yên lòng, nếu ta đoán sai, ta sẽ đền cho nhị vị tiểu thư gấp mười lần số tiền công.
Lam Khuê ngạc nhiên:
-Có chuyện tốt vậy ư? Nhỡ ông bỏ nghề hoặc đến nơi khác thì sao? Ta biết tìm ông ở đâu mà đòi.
Ông thầy chỉ vào tấm bảng:
-Tin hay không tuỳ nhị vị tiểu thư. Một tháng ta chỉ xem hai lần, nhị vị tiểu thư muốn đền bù cứ đến chợ này hỏi, khắc người ta chỉ nhà.
-Chiêm tinh gia! Thế ông họ gì chứ?
Tiểu đồng đáp thay:
-Thầy tôi họ Nguyễn, tên là Bình Khiêm. Một người họ Nguyễn bình thường và khiêm nhường. Hai tiểu thư hãy an tâm, mấy năm trước thầy tôi từng mách cho Phạm đại nhân Phạm Sư Mạnh. Ngài ấy nghe theo và bây giờ là một đại quan nhân trung thành và tài trí của Vạn Thắng vương. Hồi trước, nếu Sứ tướng Lê Hoan nghe lời thầy tôi, phò tá Trần công tử thì đất Tiên Minh này hãy còn chưa về Thiên Đức đâu.
Lam Khuê khẽ nhíu mày. Nàng hỏi tiểu đồng:
-Ngươi mới mười bốn, mười lăm. Vậy… ta hỏi ngươi, vậy Lê Sứ tướng làm theo lời thầy ngươi thì bao giờ Tiên Minh thuộc Thiên Đức?
Tiểu đồng thản nhiên trả lời:
-Làm sao thầy tôi biết được, Lê Sứ tướng không hỏi. Vả lại, chuyện ấy do Vạn Thắng vương quyết định.
Chương huých nhẹ vào người Lam Khuê, nàng không hỏi nữa. Miễn cưỡng lấy ra 5 nén bạc đặt xuống cái đĩa sứ.
-Xin tiểu thư viết cho một chữ.
-Chữ nào cũng được sao?
Ông thầy gật đầu:
-Tuỳ ý tiểu thư.
Lam Khuê ngẫm nghĩ trong giây lát, rồi quay sang nói với Nhã Lâm:
-Em hỏi đi.
Nhã Lâm ngập ngừng, Lam Khuê động viên thêm đôi lời, nàng cúi xuống cầm bút lông viết chữ “趙” (Triệu).
-Tiểu thư muốn hỏi điều gì?
Nhã Lâm đỏ mặt, nàng ngập ngừng:
-Tôi… tôi muốn biết bao… bao giờ, khi nào tôi thành thân?
Ông thầy điềm nhiên gập cuốn sách, đặt sang bên cạnh, ngẩng lên nhìn Nhã Lâm:
-Nhanh thì hai tháng, chậm thì… mười bốn tháng nữa. Nếu sau mười bốn tháng mà tiểu thư chưa thành thân, hãy đến nhà tôi nhận 50 nén bạc tạ lỗi.
Lam Khuê làu bàu:
-Chẳng cụ thể gì sất.
Ông thẩy mỉm cười, ôn tồn giải thích:
-Còn phụ thuộc vào người khác chứ đâu phải do tiểu thư đây quyết được.
Nhã Lâm nhanh tay đặt thêm một nén bạc:
-Liệu tôi có thành thân với người tôi thầm thương trộm nhớ hay không?
Ông thầy nhón tay cầm nén bạc đưa cho tiểu đồng rồi chắp tay lại:
-Chúc mừng tiểu thư, cô sẽ được nguyện ý. Tuy không phải theo cách thông thường nhưng mọi sự đều thuận. Tính tình tiểu thư ngay thẳng, ông trời sẽ an bài.
Lam Khuê tròn mắt khi thấy Nhã Lâm đặt thêm một nén bạc nữa, hai gò má ửng hồng.
-Ý trung nhân của tôi có thương tôi không? Ý tôi… ý tôi là yêu chiều ấy, thật lòng ấy.
Ông thầy họ Nguyễn thản nhiên nhặt nén bạc, tung nhẹ một cái, chậm rãi nói:
-Ban đầu thì không nhưng về sau thì có. Đường tình duyên của tiểu thư lúc đầu trắc trở nhưng càng về sau càng thuận. Tiểu thư một lòng một dạ tự khắc sẽ được báo đáp
Lam Khuê có vẻ chẳng tin dù Nhã Lâm vui ra mặt, cảm tạ ông thầy bói rối rít.
-“Lừa người, chuyện ngày sau sao mà biết được. Lão này phỉnh nịnh các cô nhẹ dạ. Hừ! Dễ kiếm bạc của ta ư?”
Lam Khuê đặt mạnh nén bạc lớn xuống đĩa. Ông thầy liền sáng mắt ngay, quay ra cười giả lả với Lam Khuê.
-Tiểu thư vận y phục bình thường nhưng chi rất quyết đoán, tốt quá, tốt quá.
Lam Khuê nhếch miệng cười gian trá, nhìn đăm đăm ông thầy bói. Nàng hỏi:
-Ta là gái đã có chồng, ông tự tin đoán đúng mọi chuyện, vậy hãy đoán xem ta gặp chồng ta như thế nào?
Ông thầy nhẹ nhàng nhón nén bạc lớn và đáp:
-Ta đoán vận mệnh tương lai chứ không đoán quá khứ. Tiểu thư đã đặt tiền, câu vừa rồi không tính là câu hỏi.
-Ý ông là gì?
-Là ta sẽ đoán cho tiểu thư nhưng không tính đó là câu hỏi.
Lam Khuê khoanh tay trước ngực, nói:
-Ông cũng biết làm ăn đấy. Nếu ông nói đúng, nén bạc vừa rồi ta cũng xem như chưa đặt.
-Vậy mời tiểu thư viết giúp cho một chữ.
Lam Khuê cố ý viết nguệch ngoạc chữ “妃” (phi trong phi tần). Ông thầy đăm chiêu trong giây lát, mỉm cười mà rằng:
-Tiểu thư và lang quân gặp nhau do gian trá, mỗi bên có m·ưu đ·ồ riêng. Ừm… xem nào… do biến cố lớn, một trong hai người suýt m·ất m·ạng mới hoá giải được hiểu lầm mà nên duyên phu phụ.
Lam Khuê biến sắc quay sang nhìn Nhã Lâm, Nhã Lâm còn đương bận theo đuổi niềm vui nào đó, chẳng để ý đến.
-Thưa tiểu thư, ta đoán có phải không?
Thay vì đáp lời, Lam Khuê đặt thêm nén bạc lớn, nàng tỉnh bơ hỏi:
-Ta rất yêu chồng. Ta muốn hỏi ông, lang quân của ta có lấy thê th·iếp hay không?
Ông thầy bói đưa tay bóp trán:
-Tiểu thư đang là th·iếp đúng chứ? Lang quân rất nâng niu tiểu thư nhưng… người này vận số đào hoa, xung quanh mỹ nữ còn nhiều hơn người trong chợ này. Chắc chắn lang quân của tiểu thư còn có th·iếp.
Lam Khuê đứng tần ngần, ngoái lại nhìn. Chương giả tảng quay ra thì thào với bọn Vi Thọ Kỳ. Đâm lao đành theo lao, Lam Khuê đặt thêm bạc và hỏi:
-Lang quân nhiều thê th·iếp như thế, vậy ta có bị ruồng bỏ không?
-Tiểu thư có tướng vượng phu ích tử, lang quân tài trí hơn người. Tiểu thư làm th·iếp nhưng có tiếng nói trong nhà, gia đình yên ấm. Lang quân cưng chiều tiểu thư cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Tiểu thư không cần lo việc ấy.
Lam Khuê nghe nói vậy, nét mặt như giãn ra. Nàng hỏi câu cuối:
-Năm đứa con của ta lớn lên sẽ thành tài chứ?
Ông thầy bói phì cười:
-Tiểu thư sẽ chỉ có bốn đứa con, lấy đâu ra năm? Bốn đứa trẻ này ngày sau đều là rường cột nước nhà.
-Ta hỏi thêm được chứ?
Ông thầy bói lắc đầu, đáp:
-Mỗi người ta chỉ đáp ba câu hỏi tương lai mà thôi. Ngày sau có hỏi ta cũng không giả nhời được nữa. Ta thích bạc nhưng chẳng thể nhận hơn nữa, mong tiểu thư hiểu cho. Bảng có ghi rõ đấy thôi.
Lam Khuê kéo Nhã Lâm quay đi. Nhã Lâm liền hỏi:
-Phu nhân có hỏi được gì không?
Lam Khuê ngạc nhiên:
-Em không nghe ư?
Nhã Lâm đỏ mặt:
-Em… em… dạ em… em bận nghĩ ạ.
-Hử? Lão này có vẻ uy tín đấy. Mà ta còn muốn hỏi nữa, lão không chịu.
-Phu nhân muốn hỏi gì ạ?
-Hỏi đường con cái.
-Vậy để thiếu gia hỏi chả phải được sao?
Lam Khuê lập tức hiểu ra. Nàng quay lại hỏi ông thầy:
-Ông còn xem nữa không?
-Xem cho một người nữa ta sẽ nghỉ.
-Vậy ta xí phần.
Lam Khuê bảo Nhã Lâm:
-Em đứng đây, để ta đi gọi người.
Chương nghe hai cô nàng toàn hỏi chuyện tình duyên nên đã lảng ra xa một quãng đứng to nhỏ với bọn Vi Thọ Kỳ. Lam Khuê mặt mày hớn hở chạy đến đem bài nhõng nhẽo với Chương, nài nỉ anh hỏi xem con cái ngày sau thế nào.
Chương chối từ chẳng được.