Chương 379: Chiến dịch Côn Lôn
Thiên Đức năm thứ 32, mùa đông, tháng 10, ngày mùng 6.
Thuỷ quân Long Vũ chuyển quân từ đại bản doanh gần thành Luy Lâu theo sông Thiên Đức đến gần Lục Đầu giang, Trung đoàn Long Vũ do Phạm Chiêm dẫn rẽ trái, ngược dòng Nhật Đức hội quân với Cao Mộc Viễn tại sông Nguyệt Đức.
Trung đoàn thuỷ Kình Ngư, Tiểu đoàn thuỷ pháo Cao Lịch chuyển quân sau hai ngày, chia làm bốn hải đội lần lượt di chuyển đến huyện Thuỷ Đường, neo thuyền gần Tam Hưng chờ lệnh xuất kích.
Trung đoàn thuỷ Yết Kiêu rời bến Luy Lâu vào ngày 12 tháng 10. Trong đội hình Trung đoàn Yết Kiêu có sự phục vụ của Thiết Giáp đĩnh đầu tiên sau thời gian dài thử nghiệm. Thiết Giáp đĩnh 01 mang tên Phạm Tu là thuyền gỗ bọc sắt, chạy hoàn toàn bằng hơi nước, trang bị 6 súng thần công. Nhằm đảm bảo bí mật, Trung đoàn Yết Kiêu chuyển quân vào ban đêm.
Ngày 20 tháng 10, Yết Kiêu duyệt thuỷ quân tại Tam Hưng. Quân số hai trung đoàn và một tiểu đoàn thuỷ pháo trực thuộc tổng cộng gần bốn nghìn người. Đặng Sỹ Nghị chỉ huy 2 tiểu đoàn bộ binh từ thành Kinh Môn hội quân. Phương tiện gồm có 100 mông đồng, 30 xa hải, 10 thuyền chở bộ binh và 1 Thiết Giáp đĩnh.
Tại Ninh Hải, Hoàng Thái Công chỉ huy Trung đoàn thuỷ Vạn Ninh trong trạng thái chờ hội quân cùng Yết Kiêu. Bên cạnh đó Tiểu đoàn bộ binh Kim Động cũng tham gia. Tổng quân số thuỷ bộ do Yết Kiêu thống soái khoảng bảy nghìn người trang bị mạnh.
Cùng khoảng thời gian này, ba huyện thuộc phủ Tế Giang trưng tập dân binh điều đến thay vị trí quân bản bộ Cao Mộc Lân tại bờ Phú Nông. Trung đoàn bộ binh Thiên Đức có dấu hiệu chuyển quân từ huyện Nghĩa Trụ Hạ và Kim Động về phủ Thiên Đức. Quá trình chuyển quân diễn ra vào ban ngày, không chút gấp gáp. Thuỷ quân Thiên Đức đóng tại Hiến Doanh cũng giảm một nửa.
Thương nhân qua lại trên sông Văn Giang đều tận mắt trông thấy Đại đoàn Thiên Đức chuyển quân qua sông. Sau khoảng thời gian dài, thương nhân dù không theo dõi sát tình hình chiến sự Vạn Xuân đều biết Trung đoàn Thiên Đức với bốn tiểu đoàn đã thành danh như Tam Vạn, Súng trường, Thiên Đức, Luy Lâu là nòng cốt của Đại đoàn Thiên Đức. Trung đoàn Thiên Đức thiện chiến nhất trong Đại đoàn Thiên Đức và Đại đoàn Thiên Đức là anh cả trong 4 đại đoàn hiện có. Nếu quân Thiên Đức điều động lực lượng tinh nhuệ từ Tế Giang về phủ Thiên Đức ắt sẽ lên mặt Bắc.
Thực tế đây vẫn là đòn nghi binh bởi Trung đoàn Thiên Đức đủng đỉnh vượt sông trong hai ngày về nghỉ ngơi tại trại Nguyệt Đức. Vài ngày sau, Trung đoàn Thiên Đức chia nhỏ thành các đại đội quay ngược lại trú quân tản mát trên đất Tế Giang. Trung đoàn Thiết Kỵ và đội tượng binh đóng trong các trại do Trung đoàn Thiên Đức bàn giao trước đó.
Tất cả dấu hiệu đều cho thấy Thiên Đức sẽ động binh đánh Tam Đái.
Trữ quân và Nguyễn Ninh vương nghị hoà, Quảng Trí quân đề nghị Tô Trung Từ cho quân Đông Phù Liệt mượn đường đánh vào huyện Siêu Loại. Tô Trung Từ thuận ý. Lý Mẫn thu quân thuỷ đồn trú về gần La thành tránh xảy ra sự cố đáng tiếc như lần kết liên minh. Tô Trung Từ chắc đến mười phần rằng Thiên Đức là chủ mưu trong vụ công trại của Nguyễn Từ Minh khiến gần ba trăm người m·ất m·ạng đầy oan ức.
Tả Phó sứ Nguyễn Từ Minh, Hữu Phó sứ Giang Hạc Điền và bộ tướng Vương Thành Cao đều muốn đòi lại khoản lỗ ở Siêu Loại nên vô cùng hăm hở chiêu binh tập mã, gia cố thuyền bè cùng trang thiết bị quân sự. Nguyễn Từ Minh và Giang Hạc Điền rút kinh nghiệm lần trước, kỳ này quân Đông Phù Liệt sẽ đánh nhanh tiến nhanh ngay từ đầu. Hai vị thống soái thống nhất chờ Thiên Đức và Tam Đái giao chiến mới xuất kích từ bản doanh.
Nguyễn Từ Minh chuẩn bị trong quân vô cùng kín kẽ. Tuy nhiên Sứ quân Đông Phù Liệt muốn đến Siêu Loại buộc phải đi đường thuỷ, bởi thế quá trình tập hợp thuyền bè dù không ồ ạt vẫn không qua được mắt quân do thám Thiên Đức. Chắp nối diễn biễn quân La thành có hành động lạ, kết hợp với dấu hiệu chuẩn bị tàu thuyền của Từ Minh. Bộ Tổng Tham mưu Thiên Đức nhận định, rất có thể quân Đông Phù Liệt sẽ lợi dụng thời cơ t·ấn c·ông huyện Siêu Loại hoặc Hiến Doanh.
Quân do thám Thiên Đức không nắm được việc quân Đông Phù Liệt thế chân quân La thành ở ba đồn thuỷ ven bờ hữu ngạn Xích Giang vì binh sĩ Đông Phù Liệt vận y phục của quân La thành.
Như vậy Phan Văn Hầu, Lý Mẫn và Nguyễn Từ Minh một lần nữa bắt tay tạo thành ba mũi nhọn ở hướng Bắc, Đông Bắc và hướng Đông sẵn sàng chờ đợi động tĩnh của quân Thiên Đức.
Sứ quân Đằng Châu được san sẻ thông tin tình báo, Dương Cự Vọng và Khổng Chiêu Hà mừng như vớ được vàng sau mấy tháng trời âu lo. Hai ông tướng quyết định nhập cuộc muộn, chờ Thiên Đức t·ấn c·ông Phan Văn Hầu sẽ lập tức vượt sông đánh mạnh sang Nghĩa Trụ Hạ.
Dương Cự Vọng lo ngại trưng tập dân binh sẽ gây động khiến quân Thiên Đức đề phòng nên dự định dùng khoảng hơn một vạn quân thuỷ bộ hiện đóng trại dọc bờ hữu ngạn Phú Nông làm lực lượng t·ấn c·ông. Lực lượng dân binh Đằng Châu tại các thôn xóm chỉ nhận lệnh tập trung tại giáp, kiểm đếm quân số, trang bị v·ũ k·hí với lý do ngừa gian tế Thiên Đức quấy phá như bốn tháng trước.
Dẫu không nhận thấy Sứ quân Đằng Châu có dấu hiệu lạ, Bộ Tổng Tham mưu quân Thiên Đức thực sự mong Dương Cự Vọng t·ấn c·ông trước.
Hạ tuần tháng 10, dựa theo đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, Chương đồng ý cấp thêm quân cho Yết Kiêu. Tiểu đoàn Thần Vũ và Tiểu đoàn Đường Vỹ dưới sự chỉ huy của Thiên Bình lần lượt rời bản doanh, chuyển quân đến Tam Hưng. Nhờ vậy trong tay Yết Kiêu có đến tám nghìn quân tinh nhuệ.
Những ngày cuối tháng 10, vụ gặt sắp đến gần, Chương bí mật rời làng Vạn Xuân cùng tiểu đội nữ thị vệ, Đại đội Thân Vệ và đội XT1. Điểm đến của Chương là huyện Tiên Minh, nơi đặt sở chỉ huy dã chiến của Chiến dịch Thái Bình. Trách nhiệm phòng thủ phủ Thiên Đức đặt lên vai Bàn Phù Sếnh và Phạm Bạch Hổ.
Đoàn Thượng thống lĩnh ba quân tại Ninh Hải ở cùng với Chương tại sở chỉ huy. Đại đoàn Thần Sách dưới quyền Lý Văn Ba và Trương Văn Long đã sẵn sàng tham chiến ngay khi có lệnh. Lý Văn Ba huy động hơn sáu nghìn bộ binh và một tiểu đoàn pháo binh trang bị mạnh, tổng cộng gần bảy nghìn người. Lệnh cấm trại áp dụng từ chiều muộn ngày 29 tháng 10, cùng thời điểm với lệnh thiết quân luật trong vòng mười ngày.
Thiên Đức năm thứ 32, mùa đông, tháng 10, ngày 30, giờ Dần.
La Đình Kính hạ lệnh xuất quân.
Bộ binh, pháo binh Thiên Đức đồn trú trong thành Bát Vạn lần lượt theo lối cửa Bắc, người ngậm tăm, ngựa tháo nhạc lặng lẽ hành quân nhắm hướng Đông Bắc của huyện, chính thức bắt đầu chiến dịch vây hãm thành Côn Lôn. Trong khi đó thuỷ quân Long Vũ dưới quyền chỉ huy của Cao Mộc Viễn và Phạm Chiêm án binh bất động mãi đến xế chiều mới có động tĩnh đáng kể.
La Đình Kính hạ trại tại cánh đồng làng Dầu, gần ngã ba sông Huyện Khê và sông Hoàng khi bóng chiều đã ngả. Bấy giờ kèn, trống, chiêng mới nhất loạt cất tiếng, bóng tinh kỳ phấp phới, rợp một khúc sông. Quân Thiên Đức hạ trại mau lẹ với những lều dã chiến, bắc bếp thổi cơm. Bất kỳ ai đứng bên kia bờ Huyện Khê đều có thể trông thấy hàng trăm đống lửa lớn nhỏ cháy bập bùng trong đêm tối mùa đông tiết trời lạnh lẽo.
Giờ Thìn ngày 1 tháng 11, Trung đoàn thuỷ Long Vũ ngay khi vừa hội quân với La Đình Kính đã tiến hành bắn phá mấy tháp canh bên kia bờ sông của đối phương nhằm thiết lập điểm đổ bộ tại Tam Dộc. Tam Dộc có ba xóm nhỏ gần bờ sông Huyện Khê gồm Tiền Dộc, Tả Dộc và Hậu Dộc. Tam Dộc nằm ở phía Tây Nam thành Côn Lôn, địa hình tương đối bằng phẳng, phù hợp đóng đại quân.
Dưới sự yểm trợ của quân Long Vũ, La Đình Kính không gặp khó khăn trong quá trình chuyển quân từ cánh đồng làng Dầu sang Tam Dộc. Nội trong ngày đầu tiên của tháng 11, hơn ba nghìn bộ binh Thiên Đức đã đặt chân lên đất Tam Dộc. Việc đầu tiên binh sĩ trực thuộc Đại đoàn Thánh Dực thực hiện không phải đóng trại mà là chia quân bảo vệ ruộng lúa.
Dân làng Tam Dộc ban đầu sợ mất vía cho đến khi quan quân đốt đuốc vào làng đề nghị bà con mau chóng ra cánh đồng làng chỉ từng thửa ruộng thuộc quyền sở hữu, tránh ba quân làm hư hại mới bớt phần lo sợ.
Sớm tinh mơ hôm sau, hơn một nghìn nam thanh nữ tú huyện Vũ Ninh được chiến thuyền chở qua sông bắt tay vào thu hoạch lúa trên cánh đồng mênh mông. Ngoại trừ những thửa ruộng cắm cọc thuộc về dân làng Tam Dộc, quân dân Thiên Đức thay quân sĩ trấn thành Côn Lôn phía bên kia sông Hoàng thu hoạch vụ lúa.