Chương 287: Tiến đến Nghi Dương
Thống lĩnh quân Ninh Hải là Đoàn Thượng, Trương Văn Long làm phó, Lý Văn Ba chỉ huy bộ binh chủ lực Thần Sách trong khi Hoàng Thái Công nắm 800 thuỷ quân Vạn Ninh. Đường thuỷ thông, Yết Kiêu gửi cho Hoàng Thái Công 30 Mông Đồng thuyền và 6 Xa Hải. Số chiến thuyền Thái Công nhận, bổ sung vào đội hình 52 chiến thuyền đủ hình dạng, chủng loại hiện có và trở thành nòng cốt của thuỷ quân Vạn Ninh.
Trương Văn Long gặp Triệu Trung ngỏ ý muốn mượn 1000 quân bản bộ của Trung làm quân hậu bị, bình định. Trung xin ra trận cùng, đích thân cầm quân. Trương Văn Long thuận ý, dẫn Trung và 1000 quân lên thuyền về Ninh Hải hội quân với Hoàng Thái Công.
Nhiệm vụ Vạn Thắng vương giao cho Đại đoàn Thần Sách là chiếm vùng Nghi Dương, nơi Lê Hoan đóng quân, kiểm soát sông Cửu Biền (sông có 9 khúc quanh co) đến tận bờ tả ngạn sông Phú Lương đoạn chảy qua vùng Ninh Hải đổ ra bể. Nếu thuận lợi, ba quân vượt sông tràn sang vùng Tiên Minh, hữu ngạn sông Phú Lương nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng cửa sông này.
Ngoài 1800 thuỷ binh, lực lượng bộ binh với nòng cốt là Trung đoàn Thần Sách với 2500 binh sĩ trang bị mạnh chia thành cánh quân cùng tiến. Mỗi cánh sẽ có 500 bộ binh theo sau yểm trợ, lo việc bắt giữ tù binh, thu chiến cụ, lương thảo… tổng cộng có 5000 bộ binh thiện chiến.
Lê Hoan sau khi rút chạy khỏi thành Kinh Môn, thu tàn binh các nơi về, chiêu mộ thêm quân sĩ, nâng tổng số lên đến hơn 8000 bộ binh đóng quân tại Trang Minh Liễn, cách Ninh Hải chừng bốn chục dặm về phía Nam. Trong tay Lê Hoan đang có chừng 500 kỵ binh trung thành.
Các cánh quân thuỷ bộ của Đại đoàn Thần Sách lặng lẽ xuất trại vào giữa giờ Tuất tối ngày 29 Tết (tháng thiếu) không kèn không đuốc. Thuỷ binh Vạn Ninh theo các dòng sông nhỏ uốn lượn vào sông Cửu Biền, đánh chặn hậu.
Để phối hợp nhịp nhàng, bộ binh di chuyển chậm, cứ mỗi canh giờ lại dừng nghỉ chân do quãng đường thuỷ từ Ninh Hải đến điểm quy ước phải đi đường vòng xa gấp ba lần bộ binh. Đêm cuối năm trời tối gió lạnh, bách tính ai ở nhà nấy chờ đón Giao thừa, các con đò trên sông cũng ngưng hết lượt, Đại đoàn Thần Sách nhờ đó mà tiến quân thần không biết quỷ không hay.
Hoàng Thái Công dẫn thuỷ quân Vạn Ninh vào sông Cửu Biền, sông nhỏ lại quanh co chẳng khác nào rắn bò, Hoàng Thái Công muốn đi nhanh cũng khó. Vài mươi chiếc thuyền lớn nhỏ nối đuôi nhau, hai lần gặp quân Lê Hoan canh giữ chèo thuyền ra chặn hỏi nhưng rồi quay thuyền bỏ chạy vào bờ. Hoàng Thái Công chẳng thèm đuổi bắt, cũng không hạ lệnh nổ súng tiêu diệt. Triệu Trung thấy lạ bèn hỏi, thông dịch chuyển ngữ:
-Hoàng Đại tướng quân, sao ngài không truy bắt những kẻ ấy?
-Một đám cắc ké, diệt chúng tốn thời gian, chúng ta phải đến điểm hẹn trước khi trời sáng.
Triệu Trung lại hỏi:
-Ngài đem theo vài mươi thuyền, số thuyền ta tặng các ngài, ngài cũng không dùng đến, như vậy thật uổng phí.
Hoàng Thái Công đáp rằng:
-Thuyền ngài tặng rất tốt, vượt được biển nhưng sông ngòi nơi này nhỏ hẹp, cần những thuyền nhỏ, dễ xoay trở. Chúng tôi ít người nên sẽ bù bằng tốc độ. Chúng tôi cũng tính dùng thuyền của ngài vòng ra hướng bể đánh vào song chả giấu gì ngài, chúng tôi còn chưa thạo nghề đi biển.
-Ta nay đã là dân Thiên Đức, Vạn Thắng vương đối đãi với tôi rất hậu. Nếu Hoàng Đại tướng quân không chê, sau này ta sẽ giúp ngài thêm về thuỷ quân. Cố hương của ta cũng ở vùng biển, thân tín cũng nhiều người thạo sông nước.
Hoàng Thái Công nghe vậy lấy làm mừng, nói rằng:
-Đa đạ Triệu đại nhân, được như vậy thật tốt. Tôi sẽ bẩm báo việc này lên Vạn Thắng vương, chắc chắn ngài ấy sẽ ưng thuận.
Triệu Trung nói thêm:
-Quân của ta thuỷ chiến không tệ, dù ta đã đề đạt nhưng chẳng hiểu sao Trương Phó Đại soái không tin dùng, lại chỉ cho làm quân hậu bị? Tính ta ngay thẳng, nếu hỏi có chỗ không tiện nói, Hoàng Đại tướng quân bỏ quá cho.
Hoàng Thái Công cười mà rằng:
-Chúng tôi không nghi ngờ khả năng của ngài và anh em binh sĩ, cũng vô cùng vui mừng với thiện ý của Triệu đại nhân. Tuy nhiên, ngài và quân của ngài hiện nay trên danh nghĩa chỉ là dân binh, chúng tôi không bao giờ đưa dân binh lên tuyến đầu, ấy là lệnh xưa nay của Vạn Thắng vương. Vạn Thắng vương nuôi chúng tôi, đến lúc dùng phải ra sức báo đáp chứ nhờ đến ngài, đưa ngài lên trước thì chúng tôi không thể nào ăn nói được với Vạn Thắng vương. Mong Triệu đại nhân hiểu giúp cho.
Triệu Trung nói với Hoàng Thái Công vài điều mà Lâm Minh Tự đã kể. Thái Công nghe xong liền kể câu chuyện của bản thân từ khi Vạn Thắng vương dạy chơi cờ cho đến hai lần b·ị b·ắt. Ngay cả chuyện Trương Văn Long từng khốn đốn ra sao. Đó là những chuyện Lâm Minh Tự không biết.
-Lâm đại nhân từng nói với ta, Vạn Thắng vương là người dễ nói chuyện, song không dễ bắt nạt. Thú thực, nhìn dáng dấp của ngài ấy thư sinh, tiếp khách vô cũng nhã nhặn, bặt thiệp khiến ta cũng từng có lúc cảm thấy…
Hoàng Thái Công lại cười:
-Dùng vũ lực khuất phục thiên hạ không khó nếu đại nhân đủ mạnh, trị thiên hạ mới khó vì cần thông tuệ, tài trí hơn người. Vạn Thắng vương từng dẫn theo vài mươi người đánh với mấy nghìn quân địch. Tôi kể có khi đại nhân chẳng tin nhưng việc ngài ấy một mình hạ vài trăm địch quân thì… hôm nào ngài đến huyện Thiên Đức, hỏi đại một người dân nào ở đó họ cũng kể tường tận cho ngài nghe. Họ không dựng chuyện đâu, họ từng vác đòn gánh vượt sông hỗ trợ Vạn Thắng vương. Hồi trước tôi cũng chả tin, còn như bây giờ ba quân Thiên Đức ai chẳng biết. Quân sĩ Vũ Ninh vương sợ Vạn Thắng vương chẳng khác nào sợ cọp.
Triệu Trung ngẫm nghĩ một hồi, hỏi Hoàng Thái Công:
-Nếu ta xin làm quân thuộc quyền, chả nay Vạn Thắng vương có thu dụng ta không?
-Như tôi đã nói với ngài, phần lớn chúng tôi là hàng tướng, bại tướng mà nay Vạn Thắng vương tin dùng thì ngài sao lại không chứ? Có điều, quân bản bộ của ngài sẽ bị chia tách thành nhiều nhóm, ngài chỉ được giữ lại vài trăm thôi.
Triệu Trung cười và nói:
-Điều ấy là đúng, Vạn Thắng vương làm vậy là tránh hậu hoạ.
Hoàng Thái Công xua tay:
-Triệu đại nhân nói đúng nhưng chưa đủ. Với sức mạnh của quân Thiên Đức thì ngài có 2 vạn quân cũng không chống được 5000 nghìn nếu bày trận. Đại nhân sẽ nghĩ ta nói khoác nhưng… sự thật thì bày trận mà đánh, 5000 quân Thiên Đức sẽ đè bẹp 2 vạn quân đối phương chỉ trong nửa canh giờ, mà có khi chẳng cần đến nửa canh giờ. Bởi thế Vạn Thắng vương không sợ quân cát cứ, ngài ấy chia quân là để khi giao chiến có thiệt hại, tử sĩ không tập trung trong một làng một huyện mà rải rác khắp nơi.
-Ô! - Triệu Trung ngạc nhiên. - Như vậy sẽ giúp lòng dân bớt oán thán?
Hoàng Thái Công gật đầu, Triệu Trung bấy giờ mới ngồi gật gù ra vẻ đã hiểu thâm ý. Đoạn Triệu Trung nói:
-Đấy là chỗ hơn người của Vạn Thắng vương, giả như ta đem quân bản bộ đánh, dù thắng hay bại thì t·ang t·hương cũng phủ khắp ba làng. Thật là cao minh, diệu kế, có vậy mà chẳng ai nghĩ ra. Nhưng mà… nhưng mà làm vậy liệu quân sĩ có một lòng không?
-Chúng tôi không thấy vấn đề gì, Vương chăm lo cho binh sĩ no đủ. Mẹ già, vợ trẻ, con thơ ở nhà đều được chăm sóc, cho ăn học thì có gì mà phải lo chia rẽ? Hàng tháng binh sĩ đều nhận thư nhà, mẹ hay vợ ngoài kể việc trong nhà, luôn căn dặn binh sĩ phải làm tốt việc trên giao, giúp đỡ anh em khác.
Triệu Trung lại thắc mắc:
-Kế an dân, yên lòng sĩ?
Hoàng Thái Công lại cười mà rằng:
-Dân Thiên Đức rất nhiều người biết chữ, quân sĩ của tôi cũng vậy. Có ai dí gươm vào cổ bắt viết vậy đâu. Ngài nghĩ thế nào nếu tôi nói trẻ con dưới 10 tuổi ở Thiên Đức đều biết chữ?
-Hả? Sao có thể? Bên ấy giàu mạnh vậy ư?
-Cũng không tính là giàu mạnh nhưng.. - Hoàng Thái Công tự hào. - Trẻ con 7 tuổi bắt buộc phải đến trường học, việc học là không mất tiền. Chả phải ở Tam Hưng cũng đang dựng trường sao?
Triệu Trung gật đầu:
-Nhưng ta chỉ biết là họ dựng 3 ngôi trường chứ chưa rõ sẽ làm gì.
-Ngài còn tất bật lo chỗ ăn ở, Tết lại đến gần, vùng Thuỷ Đường cũng vừa chiếm được nên còn chưa sắp được người đó thôi. Chừng đôi tháng nữa ngài sẽ biết, nhà nào không cho con đi học chữ thì cha mẹ sẽ bị phạt, phạt đến khi nào cho con đi học mới thôi.
-Kỳ lạ! Dân khôn lanh nhiều chữ sẽ khó cai trị lắm, điều này ta biết.
-Nhưng dân mù chữ thì đất nước lấy gì hùng mạnh?
Hai người mạn đàm phải tạm dừng khi quân vào báo, thuỷ quân Lê Hoan có ba thuyền ra chặn hỏi nên tiền quân buộc phải dùng hoả hổ đuổi đi.
Triệu Trung nghe vậy có chút băn khoăn, Hoàng Thái Công trấn an:
-Càng gần đến đích, nhiều thuỷ quân ra chặn nào có hề gì. Tôi chỉ đem ba mươi thuyền đủ sức đánh tan trăm thuyền của bọn chúng, rồi đại nhân sẽ thấy. Đại nhân cứ dẫn binh theo sau, kẻ nào hàng thì trói, chống cự thì diệt và tuyệt không hại đến dân lành là được. Ngài có 1000 quân mà Trương Phó Đại soái nhờ đem gần năm chục thuyền chẳng lẽ ngài không thấy lạ ư?
-Ta tưởng chở lương nhưng lương chả có mấy, chả lẽ… chở tài vật về?
-Cả người nữa chứ. Bắt được kẻ nào cứ trói hết lại đưa xuống thuyền. Đánh xong ngài chở chúng về Thiên Đức giúp là được, Vương đang cần tráng niên, già thì thôi, trên ba mươi sau trận thả hết.
Triệu Trung vốn là người lạ, nương nhờ ở một nơi cũng rất lạ, gặp những người khác lạ. Thắc mắc này vừa có lời giải lại thêm vài câu hỏi mới. Triệu Trung cảm thấy mừng khi ba quân không có ý phân biệt Triệu Trung từ nơi khác đến, khác cả ngôn ngữ. Bất giác Triệu Trung nghĩ, nếu em gái mà trở thành thê th·iếp của Vạn Thắng vương, biết đâu nay mai lấy lại được quê cha đất tổ.