Chương 286: “Ba mươi không phải Tết”
Việc đóng Thiết Giáp đĩnh không mấy khó khăn khi nhân lực đông đúc song phần khó nhất nằm ở hệ thống truyền động và truyền dẫn khí.
Chương phải làm việc rất nhiều với xưởng đóng tàu hòng điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Ví như đầu pít tông đổi từ đáy bằng sang đáy lồi và xéc măng bằng gang được các thợ thủ công lành nghề tỉ mẩn ngày đêm chế tạo, chỉnh sửa.
Từ bản vẽ đến mẫu thực và vận hành thử quả là một trời một vực. Mông Đồng thuyền cải tiến thử vài cái chứ đem lại mấy tác dụng vì thuyền nặng hơn Chương nghĩ.
Trần Văn Lịch cùng nhiều cá nhân ở Phòng Nghiên cứu - Chế tạo Vạn Xuân ăn ngủ luôn tại xưởng đóng tàu. Họ phải nắm rõ quy trình sản xuất, ghi chép lại các thử nghiệm, chỉnh sửa và Chương sẽ giảng giải cho họ tác dụng, công dụng của từng bộ phận cũng như những khó khăn cần phải tìm cách khắc phục.
Chương rời nơi ở từ Lý phủ về làng Vạn Xuân vào trung tuần tháng Chạp năm Thiên Đức 30. So với ý tưởng ban đầu của Chương, làng Vạn Xuân có nhiều điểm khác biệt. Tổng thể Điện Hưng Quốc, nơi dùng làm việc, hội họp rộng đến hơn năm nghìn mét vuông với tường bao bằng gạch.
Lý phu nhân thường ở làng Vạn Xuân đến khi có cháu nội mới về Lý phủ. Lý An mỗi khi đến làng đều dành thời gian cho cháu gái, thi thoảng ông vẫn đưa Thiên Kim đi đây đó cùng, có khi dăm ba ngày mới đem trả về.
Từ làng Vạn Xuân rẽ phải theo đường Tả - Hữu Siêu Loại đến chợ Diên Ứng, thành Luy Lâu ở phía Đông mất gần một canh giờ cưỡi ngựa, nếu đi thuyền sẽ lâu hơn một chút. Còn như dùng Thiết Mã cũng tương đương thời gian cưỡi ngựa. Trường hợp từ làng Vạn Xuân rẽ trái xuống bến Bình Than cũng tốn nửa canh giờ cưỡi ngựa.
Ngoài cổng làng Vạn Xuân có một tấm bia đá khắc tên làng. Cạnh đó, một tấm biển lớn bằng gỗ treo ở bờ sông Khoai thông báo thuyền bè ngang qua không được dừng, người cưỡi ngựa qua phải hạ mã, cuốc bộ phải bỏ mũ nón.
Bách tính 4 huyện Thiên Đức cũ chuẩn bị đón một cái Tết ấm no khi mùa màng bội thu. Trai gái trong quân ngoài dân thi nhau mua vải vóc may quần áo mới chuẩn bị đám cưới vào tháng Giêng, tháng Uyên Ương. Chương thấy cảnh bách tính nô nức chuẩn bị cho cái Tết đang đến gần mà lòng vui mừng bởi thành quả này có được sau hơn một năm cải cách rộng. Huyện Thiên Đức vẫn là lá cờ đầu về thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Chương muốn bảo vệ thành quả mà bao người đã đổ mồ hôi mới có. Anh tự đặt ra mục tiêu năm tới sẽ tập trung phát triển về hướng Tây, mong bách tính ba huyện mới ở đó sẽ có cuộc sống no đủ.
Chương họp với Ty Giao thông, dự định qua Tết sẽ làm hai đường ray bằng gỗ trên hai con đường lớn ven sông, giúp Tả - Hữu Siêu Loại trở thành tuyến giao thông huyết mạch nội vùng theo hướng từ Tây sang Đông. Giúp thời gian di chuyển từ Diên Ứng đến Bình Than (chừng 45 dặm) khoảng nửa canh giờ, tăng cường giao thương trong vùng, trở thành tuyến đường thuỷ bộ ngắn và nhanh nhất kết nối hai con sông. Đây là dự án lớn chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ dùng ngựa kéo, giai đoạn hai sẽ dùng công nghệ bí mật. Chủ trương Ty Giao thông đưa ra là, làm đường ray đến đâu sẽ cho lưu thông đến đó.
-Khoảng cách gần năm chục dặm đường sẽ làm mỗi chiều 5 ga lớn đặt so le. Mỗi ga sau này sẽ tương ứng với một cái chợ mới. Các anh thấy đấy, dưới sông có bến thuyền, trên đường có sân ga. Những nơi này dân sẽ dần tập trung về buôn bán ngày một đông tự khắc thành chợ. Đây là công trình đầu tay, sắp tới các anh còn phải chia nhau ra làm bên Kinh Môn, Ninh Hải, Thuỷ Đường. Bởi thế, vừa làm vừa đúc rút thêm kinh nghiệm để đến những nơi mới dễ bắt tay làm, đỡ bỡ ngỡ. Mô hình ga cũng không có gì, chỉ là một ngôi nhà tranh năm gian hai trái, một khoảng sân lát gạch rộng ở phía trước, cạnh đường cái và… đừng quên làm vài cái hố xí riêng cho nữ nhân và nam nhân. Người già chữ không thuộc, vậy ngoài chữ, các anh nên vẽ thêm một hình minh hoạ treo trên cửa. Đàn bà mặc váy đội nón, đàn ông mặc quần đội mũ, như này này.
Thiên Bình bụng to vượt mặt, đi lại đã có phần khó khăn. Chương chẳng thể đoán được trai hay gái. Hơn nữa, mới dọn về nơi ở mới được mươi ngày, đến lượt Duệ cấn thai. Bốn cô vợ mang thai trong cùng một năm, thật là đại đại hỉ!
Bọn Thiên Bình lo quýnh vì Duệ mang bầu đồng nghĩa với việc Chương sẽ bị treo niêu. Tuy xung quanh Chương có rất nhiều nữ nhân song bọn Thiên Bình lo nhất là cô gái Hoa quốc Triệu Nhã Lâm, người đang chăm chỉ học tiếng Vạn Xuân và tỏ ra khá thông minh. Lê Chân xinh đẹp nhưng non nớt, lại đã là môn đệ nên bị gạt sang một bên. Đan Ngọc tiểu thư b·ị b·ắt theo học và làm việc trong Ty Giáo dục. Chương vốn rạch ròi các mối quan hệ, học trò sẽ mãi là học trò, nghĩa muội cũng không phải lo có tình cảm khác.
Triệu Nhã Lâm là nữ binh cận vệ, cô nàng khá kiếm pháp, thân thủ cũng không kém cạnh bọn Thu Vân là bao, tuổi cũng chỉ mới 19. Thiên Bình đã dăm lần định thỏ thẻ bảo Chương chuyển cô gái Hoa quốc sang làm ở một ty nào đó nhưng Duệ ngăn lại. Duệ bảo:
-Nay anh ấy chưa có ý định gì, tự nhiên ta đề cập chắc chắn anh ấy sinh nghi. Mà người như anh ấy đã không nghĩ thì thôi, nghĩ chắc chắn sẽ sâu. Chúng ta không thể cản được đâu, chi bằng khéo léo cắt đặt người theo sát độ nửa năm là được rồi.
Ba nàng nghe thế cho là phải, Thiên Bình bèn bóng gió nói Thu Vân để ý sức khoẻ Vạn Thắng vương, đừng để bóng hồng nào ve vãn.
Hạ tuần tháng Chạp, Tết đã gần kề, trong cái giá lạnh của mùa đông. Tin tức các nơi đưa về ngày càng nhiều, khẳng định chắc nịch có bảy sứ quân liên thủ cùng t·ấn c·ông Thiên Đức song chưa rõ thời gian cụ thể khởi binh. Mặc dù tin tức bảo mật song việc bảy sứ quân có động thái điều chuyển binh mã, kết liên minh vẫn không lọt khỏi mắt giới thương nhân. Một bộ phận dân chúng Thiên Đức nghe phong thanh tỏ ra lo lắng song thấy ba quân Thiên Đức tuyệt không điều động binh mã. Ngay như các gia đỉnh có con cháu trong quân cũng không nghe con cháu đề cập đến việc binh đao sẽ xảy ra.
Thực tế, các chỉ huy từ cấp đại đội trở lên trong quân đã được cung cấp tình hình mỗi ba ngày một lần nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật. Tại huyện Siêu Loại, nơi có bản doanh quân Thánh Dực. Các binh sĩ sau vụ gặt liền nhận lệnh đào hào, đắp công sự, làm cự mã chuẩn bị đón tân binh do Trương Lôi bàn giao sau Tết Nguyên tiêu. Chẳng binh sĩ nào nghĩ những hầm, hào, ụ đất ở ven sông sẽ dùng để luyện tập lại là cứ điểm phòng thủ khi đối phương đổ bộ.
Tại huyện Thiên Đức, những nơi Vũ Ninh vương có thể dùng làm vị trí vượt sông đều được đánh dấu sẵn. Xưởng đóng thuyền gần đại bản doanh với lý do nghỉ Tết sớm đã di chuyển đại bộ phận về gần bến Bình Than mà chẳng ai mảy may nghi ngờ.
Trại Nguyệt Đức, bản doanh Đại đoàn Thiên Đức vẫn im lìm, quân dân hân hoan chuẩn bị Tết. Bản doanh thuỷ quân ở Luy Lâu cũng chẳng có động tĩnh khác lạ, ngoài việc đêm đêm hay có những âm thanh lạ song chẳng ai biết đó là gì.
Bọn Hoàng Như Hổ, Linh Thông Thuận, Trương Hống và Trương Hát từ Tây Phù Liệt trở về đến làng Vạn Xuân tham kiến, báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ. Chương giữ bốn người lại ăn cơm, trong bữa cơm, Chương hỏi chung bốn người:
-Các cậu ở bên Tây Phù Liệt một thời gian như vậy, theo các cậu nếu ta đánh Nguyễn Ninh vương liệu có lấy được vùng đó không?
Linh Thông Thuận đáp:
-Họ có luỹ cao hào sâu y như làng Thư Đôi xưa kia nhưng có phần hiểm hơn. Thưa vương, quân tinh của họ chừng 1 vạn nhưng số dân binh có thể huy động hẳn phải gấp ba đến bốn lần số ấy. Tôi nghĩ, chúng ta muốn thắng họ, nhất định phải đánh bại tinh binh trú đóng ở Đông Phù Liệt.
-Luỹ cao hào sâu dùng hoả công mà cũng chẳng cần ạ. - Trương Hống bổ sung. - Chúng ta có thể đánh vào theo lối từ các chợ ven sông.
Chương lắng nghe, đoạn anh hỏi Hoàng Như Hổ:
-Nếu cậu là ông Nguyễn Ninh vương, cậu muốn khởi binh đánh ta thì… bao giờ cậu đánh? Ý ta là tự dưng cậu muốn vậy ấy.
Hoàng Như Hổ ngẫm nghĩ một lát thưa:
-Bẩm ngài, mấy hôm trước khi bầy tôi và anh em về, trong chợ Tây Phù Liệt có người thu mua rất nhiều muối, giá muối vì thế mà tăng. Bầy tôi có nghe thương nhân ngồi uống rượu trong tửu điếm nói với nhau rằng các chợ khác cũng có người mua nhiều.
Chương nhoẻn miệng cười động viên Như Hổ cứ nói. Hổ tiếp:
-Lương thảo chắc chắn Nguyễn Ninh vương chẳng thiếu nhưng muối sẽ cần tích trữ nếu động binh. Mười đồng cân (một lạng) muối sẽ đủ cho 100 người ăn trong 1 ngày, một cân đủ cho 1600 quân. Giả tỉ họ đem 1 vạn binh tinh binh chinh phạt sẽ cần ít nhất 5 cân muối một ngày. 5 cân chẳng tính là nhiều nhưng 1 tháng sẽ tốn 150 cân muối.
Bọn Linh Thông Thuận chẳng hiểu Như Hổ đang giải thích điều gì nhưng Chương thì có.
-Họ muốn đánh Thiên Đức sẽ phải chuẩn bị muối ít nhất ba tháng. Dạ bẩm, ngoài tinh binh còn phu theo sau, từ bên đó sang huyện Siêu Loại không xa, bầy tôi nghĩ phu theo sau chắc chỉ dăm nghìn người. Vị chi gần bảy trăm cân muối. Có thể vì Nguyễn Ninh vương cẩn thận nên mua nhiều vì muối cũng rẻ. Bây giờ đang mùa đông, lại cận Tết, muối sẽ dễ chảy nước không thể để lâu. Bầy tôi đồ rằng sớm nhất sau Tết Nguyên tiêu sẽ khởi binh vì khi ấy thời tiết cũng thuận lợi hơn, chẳng còn mưa phùn. Còn như chậm thì thượng tuần tháng 2 ạ.
Chương gật gù rồi cười, bảo Như Hổ:
-Nghỉ Tết xong cậu đến Lý phủ giúp việc cho ông Lý An và nên dành thêm thời gian đọc sách binh thư và… ờ… cả ba cậu này nữa, tranh thủ học Mạc gia diệu lý yếu lược
Trương Hát hỏi:
-Dạ thưa ngài, đó là sách gì mà bầy tôi chưa từng nghe?
-Mới thành sách hơn tháng nay sao cậu biết được? Tranh thủ mà đọc. Các cậu từng cầm quân nên sẽ trở lại quân. Ngày nào ta đánh Đông Phù Liệt, các cậu sẽ là tiên phong đấy nhé?
Cả bọn đồng thanh đáp:
-Tạ ơn Vạn Thắng vương!
-Thôi, tranh thủ ăn no bụng đi, ăn xong đến gặp cô Hương bên Phòng Tài vụ nhận thưởng. À, cậu Thuận này, cô Hương ấy chưa có ai đâu, sắp ế đấy. Mấy cậu tìm cách rước hộ ta chứ để cô ấy thành thần giữ của mệt lắm!
-Dạ bẩm Vương! - Linh Thông Thuận nói. - Triệu tiểu thư là ái nữ của Triệu lão gia, tôi sợ ạ.
-Cậu tán con ông ấy chứ tán ông ấy đâu mà sợ? Mấy bận mẹ cậu đến nhận tiền, cứ ngọt nhạt nói với cô ấy về làm dâu, rằng con trai của bà cao ráo lắm, lại ngoan nữa. Tôi còn nghe chính miệng cô ấy khen cậu tuấn tú cơ mà, cô ấy sợ cậu không ưng gái già.
-Dạ thưa…
Chương tặc lưỡi:
-Liều một lần mất cái gì, liều ăn nhiều.
-Dạ bẩm ngài, tôi sẽ thử ạ.
Sau bữa ăn, Chương gọi Tôn và Dũng đến dặn dò, báo tin mật đến các chỉ huy, khả năng lớn các sứ quân sẽ khởi binh vào này 16 tháng Giêng.
-Chuyển đến ông Triệu Quang Phục, Đoàn Thượng, Lý An, Cự Lượng, Văn Long, Lý Văn Ba lời nhắn của ta “Ba mươi không phải Tết”.
Trần Minh Dũng lập tức gửi tin đến các nơi, hôm ấy đã là chiều 25 Tết.