Chương 180: Phủ Thiên Đức
Trong khi Vũ Ninh vương cho dựng luỹ thành bên kia sông, Chương ngoài bận bịu sắp đặt việc quân, tuyển chọn người phù hợp đưa vào những bộ phận, những xưởng trực thuộc quân Thiên Đức còn phải cùng Duệ, Thiên Bình, Uyển Như, Lam Khuê đọc lại một lượt những cuốn sách quăn mép vào buổi tối để từng bước xây dựng hệ thống chính quyền mới phù hợp tình hình thực tiễn.
Những suy nghĩ, thắc mắc của bốn cô vợ sau khi đọc sách được viết ra giấy, Chương đọc và giảng giải cặn kẽ cho các nàng theo hiểu biết của cậu. Chương muốn các cô phải nằm trong số người hiểu nhất những điều cậu định làm.
Tiếp đó, bọn Chương họp cùng Phạm Tu và Bỉnh Di dựa trên các vấn đề, chủ đề, ý kiến, ý tưởng có sẵn để phân tích thiệt hơn, lợi hại. Đối với một sinh viên năm thứ ba mà nói, đều có hiểu biết cơ bản sơ đồ tổ chức bộ máy Nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Chương biết và hiểu.
Mài đũng quần 14 năm cộng với những cuốn sách vô tình đem theo, Chương biết mình cần phải tổ chức một đảng phái, ấy chính là Thiên Đức hội. Thiên Đức hội là tổ chức tập hợp nhiều tầng lớp, giai cấp trong vùng để tuyên truyền đường lối, chủ trương của quân Thiên Đức, lực lượng kiểm soát trong vùng. Thiên Đức hội là một đảng phái mà đảng phái tất phải có học thuyết.
Không riêng Phạm Tu, Bỉnh Di mà ngay bốn cô vợ chưa cưới của Chương đều ủng hộ những cải cách của Chương. Tất cả đều thống nhất rằng vị trí của Chương, tức Vạn Thắng vương, bất di bất dịch, không được xếp vào hạng mục nào. Có nghĩa Chương là vương một cõi, các tổ chức được lập ra chỉ để phục vụ cho Chương mà thôi, ý kiến Chương đưa ra là quyết định mà không cần hỏi ai.
Chẳng cần nói trắng ra, Chương biết tất cả mọi người có mặt chưa hiểu hoặc không chịu hiểu, cố tình không hiểu. Họ ủng hộ mọi thay đổi nhưng ghế vương thì không lay chuyển được họ.
Chương mời Hàn Thuyên cùng nho sinh uống trà đàm đạo và thảo luận các ý tưởng nguyên một ngày. Dù Hàn Thuyên được xem là nho sĩ có tư tưởng cách tân song Thuyên cũng như Phạm Tu và các cô vợ của Chương, đều cho rằng Vạn Thắng vương là quan trọng nhất, các phòng ban, hội nhóm, tổ chức nào đó có hay không chẳng quan trọng. Bằng cớ là Thiên Đức đang rất tốt, cái gì cũng hơn lân bang.
-“Thật không thể thay đổi tư tưởng của bọn họ được, thôi đành đông tây kim cổ kết hợp, mà như vậy khác nào nồi lẩu? Như vậy chắc phải thiết lập tổ chức bộ máy Nhà nước theo mô hình quân chủ chuyên chế hoặc quân chủ lập hiến nhưng… độc đảng! Bố khỉ, mình chưa từng được học những thứ này. Ừ… đã vậy xây nhà từ móng, dù sao trình độ học vấn, nhận thức của dân chúng cũng hạn chế. Thay đổi mau quá e phản tác dụng.”
Chương hì hục viết lách, Duệ giúp Chương việc này, đôi khi tranh thủ lúc Chương suy tư mà cùng mây mưa hòng giúp Chương tìm thêm ý tưởng.
Lam Khuê mang bầu được nửa năm, hạ tuần tháng 4 Uyển Như cấn thai. Duệ gần như độc chiếm chuyện giường chiếu bởi Uyển Như hay Lam Khuê đều nâng niu bào thai trong bụng, đi nhẹ nói khẽ cười duyên để con gái sinh ra sẽ đẹp như tiên, con trai sẽ thông minh hơn Chương. Chương có muốn gần gũi cũng không được.
Trái hẳn với vẻ bề ngoài thục nữ hoặc e ấp lúc mới bện hơi, Duệ càng ngày càng trở nên bạo dạn hơn. Đôi cẩu nam nữ 7 ngày không ít hơn 3 lần rủ nhau l·ên đ·ỉnh núi ngắm sao trời.
Chương quyết định thành lập phủ Thiên Đức với 14 xã: Vũ Ninh (làng Nguyệt, Lâm, Duệ, Song Hỉ) Tam Vạn (ba làng Vạn, làng Lôi) Thiên Bình (làng Xỉ Than, làng Thiên Bình) Thổ Hà, Linh Sơn, Đạo Nghĩa, Mao Điền, Thiên Đức (làng Môn, Long Ngô Động, Đường Vỹ) Thái Lạc, Hoài Đức, Xuân Lâm, Bát Liễu cùng hai xã bên kia sông Dâu là Kim Tháp và Lệ Chi. Phủ Thiên Đức có tổng số dân 29.661 người, bao gồm cả quân sĩ.
Chương thành lập 10 ty và 1 bộ thuộc phủ Thiên Đức, đứng đầu mỗi ty là Trưởng ty và hai Phó ty, bên dưới là bộ máy giúp việc, gồm:
Ty Giáo dục: Trần Thông, tự Mạnh Đức, là Trưởng ty. Nguyễn Gia Miêu và Nguyễn Chí Khoát, nho sinh của Hàn Thuyên, là Phó ty.
Ty Thông tin - Tuyên truyền: Trưởng ty Hàn Thuyên.
Ty Tài chính: Trưởng ty Nguyễn Diệu Huyền, Phó ty Vương Khang quản lý ngân hàng và Phạm Thị Duyên (hội Ngũ Vạn Tinh Sa).
Ty Công an: Trưởng ty Phạm Bỉnh Di.
Ty Công nghiệp nhẹ: Ngọc, vợ Bỉnh Di, là Trưởng ty.
Ty Thương nghiệp: Trưởng ty Lâm Uyển Như (giải tán Tiểu đoàn Thắng Vũ) Phó ty là Bạch Cân và Vũ Kiêm. Công ty Vạn Xuân trực thuộc Thiên Đức vẫn do Uyển Như nắm.
Ty Giao thông - Xây dựng, Ty Nông nghiệp - Thuỷ lợi, Ty Văn nghệ, Ty Y tế sẽ lựa chọn người phù hợp do Bỉnh Di lập danh sách, yêu cầu tuổi Trưởng ty không quá 40, Phó ty không quá 45, có uy tín trong dân hoặc có năng lực, kinh nghiệm tương đương.
Bộ Quốc phòng: Vạn Thắng vương là Tổng chỉ huy hay còn gọi là Tổng Tư lệnh giữ chức Bộ trưởng.
Do yêu cầu tiên quyết, tất cả nhân sự trong bộ máy hành chính dân sự hay quân sự như sỹ quan, hạ sỹ quan, người có chức vụ, cấp bậc tương đương đều phải là thành viên của hội Thiên Đức do Thiên Bình làm Chủ tịch, Thiên Bình giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tuy nhiên… Tổng cục Chính trị còn chưa có ai.
Tả Đô đốc Phạm Tu được mời làm Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đứng đầu Bộ Tổng tham mưu. Bộ Tổng tham mưu mới có Đoàn Thượng, Triệu Quang Phục. Ba người đặc cách không cần tham gia “Hội Thiên Đức của đám trẻ ranh chúng bay”.
Nhìn chung, Chương bê gần như nguyên xi sơ đồ tổ chức của Bộ Quốc phòng ở quê hương cậu đem áp dụng ở phủ Thiên Đức. Sơ đồ, chức năng nhiệm vụ của mỗi cục, vụ, phòng, ban… đều không khác là mấy, chỉ giản lược đi mà thôi.
Tất nhiên Bộ Quốc phòng mới có bộ khung y như Lữ đoàn Thiên Đức, Chương làm sẵn, phổ biến dần dần thông qua các lớp đào tạo chính trị cơ sở tại bản doanh chứ làm gì có Bộ Quốc phòng nào sở hữu quân sĩ hơn ba nghìn người bao giờ.
Phạm Tu và Bỉnh Di sau khi được giải thích sơ đồ bộ máy liền ủng hộ nhiệt thành ngay lập tức bởi Thiên Bình nắm vị trí thứ hai, chỉ sau Chương, thế là được, những cái khác từ từ hiểu sau cũng không sao.
Chương cảm thấy lạ, cậu đã nghĩ sẽ phải tốn nhiều thời gian giải thích đủ kiểu nhưng dường như Phạm Tu và Bỉnh Di chỉ chăm chú lắng nghe và hỏi han kỹ càng chức năng, quyền hạn của hai vị trí đầu tiên trong Bộ Quốc phòng. Vậy nên vị trí Tổng Tham mưu trưởng xếp hàng ba cũng chả sao, thậm chí Phạm Tu còn vô cùng hồ hởi, đảm bảo sẽ tham mưu đến khi nào nhắm mắt xuôi tay.
Chương cho là người già sớm nắng chiều mưa. Nếu Chương biết Thiên Bình là Công chúa sẽ hiểu ngay vì sao. Với những người như Phạm Tu hay Bỉnh Di, họ mặc định Thiên Bình là Công chúa thì Chương là phò mã. Theo di chiếu, Chương có thể lập ra vương triều Mạc và trở thành vua hoặc giữ nguyên vương triều Lý, tuỳ ý.
Chương trình bày thứ học thuyết, điều lệ, quy định… nhặt nhạnh, chắp vá làm ra điều lệ của hội Thiên Đức như lấy dân làm gốc hay của dân, do dân và vì dân, thống nhất Vạn Xuân… đều được Phạm Tu lẫn Bỉnh Di gật. Chương nói dứt lời là gật, khiến Chương nghi ngờ bản thân liệu có phải kẻ thông minh xuất chúng hay không.
Chương trình bày xong, cả Phạm Tu và Bỉnh Di cùng bảo rằng cái hội Thiên Đức ấy phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Vạn Thắng vương. Chương nghe xong cứ thấy có gì đó sai sai, tranh luận qua lại, cậu phải nhượng bộ vì Bỉnh Di nói:
-Thiên Đức hội trung thành với cậu, cậu trung thành với bách tính, với Vạn Xuân. Và bách tính lại có hàng nghìn người của Thiên Đức hội như thế là vòng tròn kín, ta thấy đâu có gì sai?
Chương thấy cũng có lý, mà quan trọng là ông già Phạm Tu nhất định muốn nên Chương đành chiều.
-“Giả như mình dẹp hết sứ quân rồi làm vua, thế chả khác gì chế độ phong kiến? Làm sao còn ăn chơi được? Hừ!… tạm thế vậy, sau làm vua thì sửa lại cho kẻ khác làm thay nhiều việc, mình chỉ đại diện thôi, kiểu như chủ tiệm nước là được. Tranh cãi với những ông thủ cựu có đến Tết mồng thất cũng chả xong”.
Đối với bộ máy hành chính địa phương, đứng đầu mỗi xã là Chủ tịch, dưới có một Phó chủ tịch. Bộ máy giúp việc có:
-1 nhân viên quân sự: Quản lý, chịu trách nhiệm quân sự, nắm hộ tịch, chỉ huy đội dân binh. Người này do quân Thiên Đức cử đến.
-1 nhân viên an ninh: Chịu trách nhiệm an ninh nội bộ của xã, người này do Thiên Gia Bảo Hựu cử đến, là chỉ huy phó đội nhưng trực tiếp quản lý đội dân binh.
-1 nhân viên nông - ngư nghiệp: Quản lý, lập kế hoạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và thu thuế nông nghiệp.
-1 nhân viên thương nghiệp: Chuyên trách thu mua, bán các sản phẩm do làng, xã làm ra.
-1 nhân viên tổng hợp: Quản lý tài chính, đất đai.
-1 nhân viên văn nghệ: Chịu trách nhiệm về các hoạt động văn hoá, văn nghệ, lễ hội.
Theo quy định, Chủ tịch và Phó Chủ tịch có nhiệm kỳ 5 năm, sau 5 năm dân trong xã bầu lại theo hình thức phổ thông đầu phiếu, Chủ tịch phải là người xã khác, Phó Chủ tịch người địa phương. Lý lịch của hai người đứng đầu xã này phải nộp lên quân Thiên Đức trước khi bầu cử tối thiểu 3 tháng.
Tại các làng, xóm, thôn đứng đầu là Trưởng thôn người địa phương, không có phó, và các nhân viên chuyên trách y như tại xã.
Chương yêu cầu tất cả nhân viên trong bộ máy hành chính địa phương phải biết chữ, ưu tiên học chữ Bụt, tuổi không quá 40 và có ít nhất hai người là nữ.
Do tình hình thực tế, tạm thời Chủ tịch Hội Nông dân trong xã đó sẽ là Chủ Tịch xã. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã là nhân viên tổng hợp. Các đoàn thể, hội nhóm lập ra tại địa phương phải được sự đồng ý, chịu sự quản lý của nhân viên chuyên trách lĩnh vực đó.
Nhân viên trong bộ máy hành chính địa phương sẽ nhận lương do Thiên Đức chi trả hàng tháng. Mức lương khởi điểm bằng ba phần mười so với Binh nhì.
Những cải cách bắt đầu đi vào chiều sâu, Chương bắt đầu thu nhận thành quả của năm Thiên Đức 27.
Chương có 5 trang trại lớn, đàn lợn xuất chuồng hàng nghìn con mỗi tháng. Thương thuyền của các thương nhân tự tìm đến mua, lợn được đem giao tận bến sông.
Lợi nhuận Uyển Như thu được từ phân bón hàng tháng lên đến 600 nén bạc và không ngừng tăng. Thương nhân đặt hàng trước, hẹn ngày đến chở về còn được giảm giá. Thường thì những thương nhân này sẽ chở… phân súc vật đựng trong chum vại đến bán cho Uyển Như với giá rẻ, gỡ gạc tiền công thợ và chở phân bón thành phẩm đem đi. Quy mô của Xí nghiệp phân bón Vạn Xuân vì vậy mà mở rộng, tạo công ăn việc làm cho vài trăm phụ nữ, người già và thiếu niên. Dân phủ Thiên Đức mua phân bón Vạn Xuân đều được hưởng giá thấp.
Cũng bởi phân súc vật, phân chim, phân người… đều có giá trị nên giữa năm Thiên Đức 28, đi từ đầu vùng đến cuối vùng cũng khó thấy phân súc vật rơi vãi trên cánh đồng.
Cũng giữa năm, dân phủ Thiên Đức được mùa lúa, năng suất cao hơn năm trước hai phần. Đồng thời dân bán được lợn, bò, chim câu… nên ai nấy đều hỉ hả.
Bộ mặt làng xã thay đổi chóng mặt.
Bấy giờ Chương mới cho phép dân phủ Thiên Đức dựng nhà. Ai muốn dựng nhà tường gạch xi măng kiên cố hoặc tường gạch vôi cát, nếu mua xi măng Vạn Xuân sẽ được quân sĩ Thiên Đức hỗ trợ xây nhà. Lợi nhuận bán xi măng cho dân rất thấp, lãi bao nhiêu đều chi thưởng cho quân xây nhà hoặc công nhân.
Sản xuất xi măng và phân bón đều là bí mật của quân Thiên Đức, bởi vậy công tác phòng gian được chú trọng. Bản thân các công nhân cũng ý thức điều này, họ nhận được những lợi ích ngoài lương nên càng kín tiếng.
Nền kinh tế của phủ Thiên Đức với 3 vạn dân có phần vượt trội hơn hẳn so với Siêu Loại và châu Vũ Ninh bên cạnh.