Một tuần trước ngày Huế nổ súng kháng chiến, dân trong thành phố được lệnh tản cư hết về các vùng quê. Nhưng qua mấy ngày đầu đánh nhau, tin tức thắng lợi từ Mặt trận đưa về dồn dập. Tin thắng lợi một đồn mười, mười đồn trăm, nên đồng bào chắc mẩm tụi Tây sắp đầu hàng đến nơi rồi. Do đó, không ai bảo ai, mon men kéo dần về phía thành phố. Họ nóng lòng sốt ruột được mau mau trở về dọn dẹp lại nhà cửa, phố xá, trở về với công việc làm ăn thường ngày. Trong thời kì đất nước ngập tràn trong khói lửa chiến tranh như vậy, chỉ cần nghe tin quân ta chiến thắng dù chỉ một trận nhỏ thôi cũng đủ làm bà con cảm thấy hết sức phấn khởi và tự hào.
Không chỉ có người lớn mà ngay đến những đứa trẻ tuổi tuy còn rất nhỏ nhưng lại mang trong mình lòng nhiệt huyết cứu nước. Tuổi thơ của cả một thế hệ không êm đềm sung túc như chúng ta ngày nay mà tràn ngập trong những trận chiến gay go với quân địch. Có lẽ chính một tuổi thơ dữ dội như vậy của những đứa trẻ một lòng yêu nước đã khiến tác giả Phùng Quán không thể dừng tay mà viết ra một tác phẩm để đời, mang đầy ý nghĩa và mang đậm tính giáo dục dành cho thanh thiếu niên thời hòa bình này.