Liếc thấy Chu Lan vừa ngã, Tư Đình tức thì trở mình đứng dậy, mũi chân nhẹ điểm một cái liền vận khinh công nhanh chóng rời đi.
Ra khỏi Lưu phủ, ánh trăng lần nữa chiếu rọi thân cô. Đêm nay phong bình lãng tĩnh(1) nhưng lòng hắn lại chất chứa muôn vàn loạn động(2). Bất giác, hắn rũ mắt nhìn xuống chỗ áo bị chém rách, nhãn tình thoáng qua nét tiêu trầm.
- Đã rách rồi sao?
Chiếc áo ấm này là nàng tự tay may cho hắn. Khi xưa mỗi lần mặc nó vào, hắn đều cảm thấy ấm áp đến tận tâm can. Vậy mà giờ đây nó lại làm hắn thấu triệt cái lạnh của đêm hàn. Có lẽ áo rách rồi cũng tốt! Tâm tư rét buốt rồi cũng tốt! Từ đầu hắn chỉ là một lữ khách độc hành trên đoạn tình trường này. Và nàng, vốn không phải lữ quán! Bất chợt hắn nhớ tới bài thơ mà khi nãy bản thân đã vô tình nghe được. Lời thơ tuy vô hình nhưng lại làm sầu ưu trong lòng hắn hiện hữu rõ rệt. Tư Đình khó khăn hít một hơi sâu, mím thật chặt môi mỏng. Một lúc sau mới thấy nam tử hạ dần mày kiếm, đôi mắt như liêu như lạc, môi nhạt cất giọng thủ thỉ:
- Phải chăng ta nên từ bỏ?
Giữa bốn bề thanh vắng, đáp lại lời hắn chỉ có tiếng côn trùng kêu rả rích cùng tiếng báo hiệu của canh phu vang vọng:
- Đã vào canh hai(3), thời tiết hanh khô, cẩn thận củi lửa!
...
Bấy giờ trên bầu trời đen tuyền của An Hòa quốc đột nhiên xuất hiện một vệt sáng vô cùng lóa mắt. Từ điện Nghị Chính nhìn lại có thể thấy vệt sáng ấy kéo dài, to gấp mấy chục lần những ngôi sao khác. Hướng Tây trong hoàng cung An Hòa quốc – nơi giữ trọng trách quan sát chiêm nghiệm bói toán âm dương là Khâm Thiên Giám cũng đang vì điều này mà đứng ngồi không yên. Trước khoảnh sân hình bát quái, một vị Linh đài lang(4) ước chừng khoảng bốn mươi tuổi, nét mặt hiện rõ lo âu, hoang mang quay sang nói với vị Giám chính(5):
- Giám chính đại nhân! Trên trời xuất hiện dị tượng, liệu nó có phải điềm báo cho An Hòa ta?
Giám chính là một lão giả đầu tóc đã bạc trắng, nhìn qua liền biết hơn bảy mươi tuổi có thừa. Lão không gấp trả lời, chỉ cúi người nhìn qua ống vọng đồng tiếp tục quan sát hướng di chuyển của vệt sáng ấy. Lát sau lão mới từ từ đứng dậy, ánh mắt suy xét nghiêm mật rồi mới nhẹ nhàng lắc đầu:
- Ta chỉ biết nó là Sao Chổi, còn họa hay là phúc, tạm thời chưa nói được điều gì!
Nghe thấy vậy vị Linh đài lang bên cạnh không khỏi thở dài một tiếng, trong lòng chỉ mong dị tượng không mang đến thiên tai.
Sao Chổi bất ngờ xuất hiện dĩ nhiên đưa tới vô số lời đồn đoán của các nước lân bang, trong đó có Đông quốc. Đông quốc cũng có Khâm Thiên Giám, nhưng người đứng đầu nơi đây không phải Giám chính, mà đó là Cơ Minh. Tòa điện ở phía Bắc hoàng cung Đông quốc, Cơ Minh đang đứng một mình chắp tay ở sau lưng, khóe mắt nheo lại thành một đường thẳng để lộ những vết chân chim đầy toan tính. Ba ngày này, ngày nào Hoàng thượng cũng triệu kiến lão vào cung để hỏi về Sao Chổi. Nhưng thiên cơ nào dễ đoán như vậy! Lão chỉ có thể trả lời qua loa, trấn an Hoàng đế vài câu rồi nhanh chóng cáo lui mà thôi. Sự việc sớm muộn rồi cũng sẽ rõ, tròng mắt Cơ Minh thoáng hiện lên tia thâm sâu, lão câu môi thầm nhủ:
- Vẫn nên chuẩn bị trước thì tốt hơn!
...
Dược Vương sơn
Dược Vương sơn là một trong hàng trăm ngọn núi thuộc dãy núi Hoàng Lĩnh. Nơi đây cảnh sắc vô cùng nên thơ, phong thủy hữu tình. Dưới có rừng đào muôn hoa nở rộ, hương thơm phảng phất lan xa đến mười dặm. Trên có dòng suối nhỏ trong vắt, nước suối man mát, thanh triệt đến độ có thể nhìn thấy cả những hòn đá hay rong rêu bám dưới đáy. Khắp không trung thi thoảng lại văng vẳng đến tiếng chim hót líu lo. Thanh âm trong trẻo đủ để gột rửa tâm hồn con người. Hơn thế nữa, ngọn núi này còn sở hữu vẻ ngoài tiên phong đạo cốt với mây trắng uốn mình bao quanh. Tạo cho người nhìn có một cảm giác như đang lạc vào nơi thế ngoại đào nguyên. Nói không ngoa thì đây mới chính là tiên cảnh nhân gian!
Ở Dược Vương sơn hằng ngày đều có gần trăm người đến đây để trị bệnh. Nghe nói Dược Vương sơn chủ là một vị thần y tái thế, diệu thủ hồi xuân. Chỉ cần là người mà ông ta muốn cứu, Diêm Vương cũng đành bó tay bất lực. Tuy dung mạo của vị thần y này đến nay đều không ai biết, nhưng nhắc đến người có y thuật vô song, trên giang hồ ai ai cũng tỏ. Lại từng nghe nói, các bang phái vì tranh giành người này mà đã đánh nhau đến sức đầu mẻ trán. Triều đình An Hòa quốc, Đông quốc, Tây Ly hay thậm chí là các nước lân cận cũng đã từng đến đây mời ông vào triều làm ngự y. Họ không tiếc dùng vàng bạc, mỹ nữ để chiêu dụ nhưng cuối cùng tất cả đều vẫn phải ra về tay trắng. Từ đó người ta cũng dần dần hiểu được con người của vị thần y này chính là lấy y đức làm đầu, hư vinh danh lợi ông đều chẳng màng quan tâm.
Đỉnh Dược Vương sơn buổi tối đen như mực, nay lại vì ngôi sao trên trời kia mà lấp lóe chút ánh sáng. Mấy tên đệ tử Dược Vương sơn thấy vậy lấy làm thích thú lắm, mấy ngày này không ngừng rủ nhau ra ngoài sân nhìn ngắm trăng sao chơi đùa. Nhưng ở hậu viện lúc đó, một nam tử phong thái phiêu dật, bạch y tiên khí đang lẳng lặng đưa mắt nhìn ra xa. Người này một bộ dáng không nhiễm bụi trần, đứng dưới quang mang của ngôi sao ấy càng thêm thoát tục xuất trần. So với tâm thái vui vẻ của chúng đệ tử, hắn chỉ thâm nghiêm đứng đó, mâu trung hơi hơi suy chuyển.
Sao Chổi xuất hiện đã mười ngày, hướng đi của nó hắn có vài phần đoán được. Nếu đã như vậy hắn cần phải thu xếp trên núi ổn thỏa một chút sau đó mới có thể xuất sơn. Tuy quãng đường hơn ba nghìn dặm(6) xa xôi, nhưng thân là một đại phu, vì cứu người, dù có đi đến chân trời gốc bể hắn cũng tuyệt không than vãn nửa lời.
...
*Chú thích:
(1) Phong bình lãng tĩnh: nghĩa là gió yên sóng lặng.
(2) Loạn động hay động loạn: nghĩa là rối loạn.
Sở dĩ mình giữ nguyên cụm từ Hán Việt (1), (2) này là bởi vì mình muốn nhấn mạnh sự đối lập giữa "tĩnh" và "động", giữa cảnh đêm thanh vắng và lòng người rối bời.
(3) Canh hai: từ 21 giờ đến 23 giờ đêm.
(4) Linh đài lang: chức quan chuyên lo liệu việc đoán thời tiết, khí hậu trong Khâm Thiên Giám, thuộc Chánh thất phẩm.
(5) Giám Chính: chức quan đứng đầu Khâm Thiên Giám, thuộc Chánh ngũ phẩm.
(6) Dặm: 1 dặm = 1,6km