Thập Niên 70: Đoán Mệnh Sư

Chương 126: Niềm vui bất ngờ




Thấy cha mẹ, anh chị tụ tập hết ở khu vực này, nói nói cười cười rộn ràng vui vẻ, Thiên Nam cũng hào hứng chạy ù vào: “Cha ơi, con cũng muốn đáng mặt nam nhi.”

Triệu Đại Phi bế bổng thằng bé lên, véo má chọc ghẹo: “Ai da nhóc thúi, em còn chưa cao bằng bệ bếp đâu, có thể làm được gì đây?”

Thiên Nam ghét nhất bị đánh giá thấp, cu cậu ưỡn cao ngực lớn tiếng nói: “Em đứng đây giám sát, nếu ai kia dám trộm lười biếng em sẽ lập tức báo cáo cho cha biết!”

Triệu Đại Phi giả bộ hết hồn: “Ôi ôi đồng chí Thiên Nam, đường đường là đấng mày râu không được chơi trò mách lẻo nha, làm vậy không đáng mặt nam nhi chút nào!”

Nhìn hai anh em đùa giỡn hí hí há há vang cả căn bếp nhỏ, Trần Vân Hồng phì cười mắng yêu: “Cái anh Đại Phi này càng lúc càng như con nít ấy!”

Đang lúi húi khâu giày ở kế bên, Điền Tú Phương ngẩng đầu phản đối ngay: “Nào có con nít tí gì đâu, sư mẫu thấy dạo gần đây Đại Phi rất nỗ lực học tập, rất nỗ lực để trở thành một người cha tốt.”

Trần Vân Hồng thoáng đỏ mặt, cắn cắn môi lí nhí nói: “Cứ như giờ là tốt rồi, cần gì phải học cái đó đâu….”

Hiểu Hiểu cúi đầu nhìn vào mắt Trần Vân Hồng rồi thích thú la toáng lên: “Aaa, em thấy rồi, chị Vân Hồng lén cười nè, cái này người ta gọi là khẩu thị tâm phi nha! (1)”

Trước đây Hiểu Hiểu gọi Vân Hồng là cô nhưng kể từ ngày Triệu Đại Phi bái Văn Trạch Tài làm sư phụ thì Hiểu Hiểu và Thiên Nam nghiễm nhiên được đứng ngang hàng cùng hai người họ, trở thành anh chị em bằng vai phải lứa.

Nghe con gái ngọng nghịu đọc thành ngữ, Điền Tú Phương phì cười hỏi: “Hiểu Hiểu, ai dạy con câu này vậy?”

Hiểu Hiểu hí hửng khoe: “Dạ, là ông Viên dạy ạ!”

Đúng lúc này cánh cổng gỗ bật mở, ông Viên đi vào, trên tay xách theo đôi cá trắm cỏ còn sống nguyên, to khoẻ và tươi roi rói.

“Ai dà, bọn nhỏ đi vắng cả nên nhà cửa quạnh quẽ quá, một thân một mình đâm ra chú cũng làm biếng nấu nướng lích kích. Vừa hay hôm nay đi câu được hai con cá trắm ngon, chú mang sang bên này cho mấy đứa, tiện thể chú ăn ké luôn.”

Hiểu Hiểu vỗ tay khoái chí, hào hứng nhảy chân sáo quanh ông Viên, cái miệng nhỏ leo lẻo gọi vang nhà: “Cha ơi, ông Viên cho nhà mình cá nè.”

Nghe tiếng, Văn Trạch Tài bước ra sân, tự nhiên đón lấy rồi cười nói: “Cá ngon thế này mang đi kho tiêu là số dzách!”

Có thêm món, bữa tối trở nên vô cùng phong phú chính giữa là âu cá kho tiêu vàng sóng sánh thơm ngất ngây, hai đầu để hai đĩa rau xào xanh mướt mắt, kế bên là chén thịt khô chiên óng ánh mỡ và cuối cùng là tô canh trứng cà chua nóng hổi, thơm ngậy. Thoạt nhìn bữa cơm thịnh soạn linh đình chẳng khác gì mâm cỗ ngày Tết.

Không những vậy lại hoà chung với không khí đầm ấm, vui vẻ của các thành viên trong gia đình khiến những món ăn càng trở nên ngon miệng hơn bao giờ hết. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng ăn say sưa, vừa ngon vừa vui, no căng cả bụng. Cuối bữa, Văn Trạch Tài phân công Triệu Đại Phi rửa dọn chén dĩa còn mình thì pha ấm trà xanh cùng chú Viên trò chuyện.

Chú Viên rút ra điếu thuốc lá sợi, châm lửa rít vài hơi, ánh mắt lơ đãng nhìn về phía xa xăm, nặng trĩu thấp thỏm cùng lo âu. Giữa làn khói thuốc mờ ảo, dường như con người ta cũng dễ trải lòng hơn: “Đêm qua chú nằm mơ, là ác mộng. Chú đang lo không biết mấy đứa nó đi đường có gặp phải bất trắc gì không?!”

Văn Trạch Tài đặt tách trà sang, thuận tiện hỏi: “Chú mơ thấy gì?”

Chú Viên rít vào một hơi thật sâu như để lấy lại bình tĩnh rồi mới bắt đầu kể: “Trong mơ chú thấy một người mặc áo tang cứ đi qua đi lại trước cổng nhà. Lúc ấy chú hoảng lắm vậy nên vội lớn tiếng mắng người đó đừng lởn vởn trước cửa nhà người khác, xúi quẩy! Thế nhưng chú vừa chạy ra giữa sân thì lại chẳng thấy cái bóng trắng ấy đâu nữa, vừa quay đầu toan đi vào thì thấy nó đứng lù lù ngay sau lưng. Chú sợ quá, giật mình bừng tỉnh không sao ngủ lại được nữa!”

Văn Trạch Tài cười khẽ: “Chú đừng lo, mộng này báo điềm lành!”

Chú Viên trợn tròn mắt tỏ vẻ không tin: “Thấy người mặc áo tang rõ ràng làm điềm xui mà, lành chỗ nào?”

Văn Trạch Tài từ tốn giải thích: “Giấc mơ hay đi ngược với hiện thực, trong mơ thấy tang chính là một điềm báo may mắn, không phải sắp có hỉ thì chính là có tài. Dựa vào những gì chú kể có thể thấy vốn dĩ chuyện tốt đang dừng ở ngoài cổng nhưng vì sự tác động vô tình của chú mà nó đột nhiên nhảy hẳn vào giữa sân chứng tỏ niềm vui đến bất ngờ, hơn nữa lại còn quá nhanh, kể cả chú có muốn đuổi cũng đuổi không được!”

“Trong mơ thấy tang, không phải sắp có hỉ thì chính là có tài?!”, chú Viên vô thức lẩm nhẩm lại một lần rồi gật gù cảm thán: “Công nhận câu này đọc có vần có điệu thật đấy nhưng mà mấy ngày nay chú có thấy điều bất ngờ gì đâu, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường…”

Đang thao thao bất tuyệt, chú bỗng khựng lại, hai mắt sáng rỡ, khấp khởi mừng thầm: “Hay là Vệ Quốc cũng giống Đại Phi, sắp sửa lên chức cha?”

Tuy nhiên Văn Trạch Tài lại lắc đầu phản đối: “Người sắp có hỷ sự không phải Vệ Quốc mà chính là chú đấy!”

Chú Viên sửng sốt, ngồi ngây ra như phỗng!

Sáng hôm sau, chú Viên vừa rời giường, đang tính đi loanh quanh trong sân vài vòng thư giãn gân cốt thì đột nhiên trông thấy một người phụ nữ ăn vận gọn gàng chỉnh tề đang đứng trước cổng nhà mình.

Ngay khi hai ánh mắt bất ngờ giao nhau, đôi mắt người phụ nữ nhoè đi vì xúc động, run rẩy trong niềm hạnh phúc vô bờ: “Anh Viên!”

Qua năm tháng, giọng nói ấy đã nhuốm màu thời gian, trầm và khàn hơn không còn lảnh lót tươi vui như bốn mươi năm trước, song âm sắc và từ tính thì vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Thoắt cái, chú Viên bị lôi tuột về miền ký ức xa xôi, về cái thời thanh xuân đầy thơ mộng, lãng mạn nhưng cũng nhuốm không ít đau khổ và bi thương.

Cứ thế, hai người ngây ngốc nhìn nhau, bần thần không thốt nên lời, bao nhiêu nỗi niềm ẩn khuất, bao nhiêu tâm sự cất giấu từng ấy năm bỗng chốc bẻ gông cùm ào ạt thoát ra, nhưng rồi khi tới bên miệng thì hết thảy lại hoá thành câu hỏi không thể giản đơn hơn: “Em…sao em lại trở về?”

Người phụ nữ nâng tay gạt đi hai dòng nước mắt nóng hổi: “Em không còn vướng bận gì hết thế nên liền quay về đây tìm anh. Anh…bao năm nay anh sống có tốt không?”

Chú Viên há miệng thở dốc như thể có một tảng đá chặn ngang cuống họng, đắn đo hồi lâu cuối cùng cũng lại trả lời qua loa lấy lệ: “Ừhm cũng…cũng khá tốt!”

Không biết hai người nói những gì mà giữa trưa chú Viên xách theo bầu rượu sang tìm Văn Trạch Tài giải sầu: “Thằng nhóc thúi này, vui ở đâu mà vui hả?”

Vì không uống rượu thế nên Văn Trạch Tài đành lấy trà thay rượu tiếp chuyện chú: “Sự việc vốn là vậy, còn vui hay không thì phải tuỳ thuộc vào suy nghĩ của chú rồi.”

Chú Viên ngửa cổ uống cạn một hơi như thể muốn mượn chút cay nồng để khoả lấp nỗi đau: “Đã sống tới cái tuổi gần đất xa trời rồi còn mong gì vui buồn chốn nhân gian nữa. Bà ấy có con gái, chú có Vệ Quốc, đôi bên đều yên ổn như vậy là được rồi. Những nuối tiếc thời trẻ tốt hơn hết cứ để nó nằm im nơi đáy tim, chôn vùi cùng năm tháng đi thôi!”

Chẳng hiểu sao tâm trạng Văn Trạch Tài cũng vô thức trĩu nặng, anh khe khẽ thở dài: “Nhưng hình như không phải vô duyên vô cớ mà thím ấy tới tìm chú, chắc hẳn là vẫn còn có ẩn tình phía sau.”

Chu Viên lơ đãng ngả nghiêng chén rượu, ngả nghiêng sầu: “Ẩn tình gì đâu, bà ấy tiện đường ghé qua nhìn một cái vì cứ nghĩ rằng chú đã chuyển nhà thôi ấy mà.”

Căn nhà hiện tại chú Viên đang ở được xây dựng trên nền đất cũ của Viên gia cho nên người phụ nữ kia mới có thể dễ dàng lần theo trí nhớ tìm được địa chỉ.

Văn Trạch Tài hỏi thêm: “ủa mà giờ đang là giữa trưa, chú sang đây ngồi thế này thì thím ấy…

“Đi rồi…haizzz…đi cũng tốt, đời này chú không nghĩ còn có thể gặp lại bà ấy!” Chú Viên đáp nhẹ tênh nhưng đáy mắt vụt qua tia chua xót khó nắm bắt.

Có thể nói chú Viên và người phụ nữ ấy vốn là thanh mai trúc mã, lớn lên bên nhau từ nhỏ. Đáng tiếc, điều kiện hai bên gia đình chênh lệch quá nhiều, mẹ chú Viên không chấp nhận một người con dâu không môn đăng hộ đối vậy nên đã cấm cản tới cùng.

Vào thời đó người ta định kiến rằng tự do yêu đương là thứ tự do bừa bãi và phóng đãng, hôn nhân phải dựa theo sự sắp đặt của gia đình, cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đấy chứ tuyệt nhiên không có vụ cãi lời trưởng bối đi theo tiếng gọi con tim. Vậy nên mặc dù đôi bên có yêu đến chết đi sống lại, thề non hẹn biển suốt đời suốt kiếp mà vấp phải sự phản đối của gia đình thì cũng đành ngậm ngùi chôn chặt mối tình nơi đáy tim. Cuối cùng, chú Viên cưới người vợ dựa theo lời phán của ông thầy bói còn người phụ nữ kia thì bị cha mẹ gả cho người anh họ ở tỉnh ngoài. Kể từ đó, đôi ngã chia ly, đường tình hai lối.

Gợi nhắc lại chuyện xưa, chú Viên gục đầu uống liên tục thế nhưng hỡi ơi “chén rượu vơi dần sao vẫn tỉnh, men đời đắng ngắt chẳng làm say”…

Để kệ cho nỗi buồn thả trôi theo tâm trạng, chú thẩn thơ lẩm bẩm tự nói với lòng: “Đời này cứ để mặc cho nó trôi như vậy đi, còn gặp lại nhau làm gì nữa…”

Mắt thấy hai má chú đỏ ửng, ánh mắt mơ màng ngà ngà say, Văn Trạch Tài liền cất chỗ rượu còn dư lên: “Chú à, rượu không có lợi cho sức khoẻ, chú uống ít thôi.”

“Ừ, chú biết rồi!” Chú Viên úp hai lòng bàn tay vào mặt tuỳ ý chà sát vài cái thật mạnh, ép bản thân thoát khỏi dòng cảm xúc ảo não, sầu bi.

===

Chú thích:

(1) Khẩu thị tâm phi là câu thành ngữ đến từ Trung Hoa mang ý nghĩa là miệng nói một đằng nhưng trong lòng lại nghĩ một nẻo, miệng và tâm hoàn toàn trái ngược, đây là câu nói ý chỉ nghĩa xấu