Thập Niên 70: Đoán Mệnh Sư

Chương 124: Tà thuật




Văn Trạch Tài đánh mắt nhìn Hạ Trực đã ăn xong kẹo, đang ngồi bệt dưới sàn hí hoáy chơi với đàn kiến: “Vậy cuối cùng cậu ấy có xuống nông thôn không?”

Nhắc tới vấn đề này, bà Phú cùng bà Hạ bối rối quay sang nhìn nhau, trên mặt hai người không giấu được vẻ ngượng ngùng khó xử. Lát sau, bà Hạ mới xấu hổ trình bày: “Thực ra vợ chồng tôi có nhận nuôi một cô con gái. Con bé bị người ta bỏ lại bệnh viện, lúc nhặt được nó trên người chỉ quấn đúng một cái tã lót, mặt sau thêu một chữ Quách, còn lại không có bất cứ thông tin nào về cha mẹ hay quê quán. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp quá vả lại nhà cũng không có con gái thành ra vợ chồng tôi quyết định nhận cháu về nuôi.”

“Và cũng bởi vì khi ấy chính quyền làm việc quá nghiêm khắc, nhà nào cũng bắt buộc phải có một đứa đại diện xuống nông thôn. Mà tình trạng của Hạ Trực thì như thế, cho nên chúng tôi….”

Quyết định đưa con gái nuôi ra thế chỗ con trai. Nhưng đây cũng chính là nỗi hổ thẹn suốt bao năm nay của vợ chồng ông bà Hạ. Ông bà cũng như Hạ gia luôn canh cánh trong lòng vì đã đối xử bất công với con bé, bắt nó phải xuống nông thôn chịu khổ chịu sở.

Văn Trạch Tài nhíu mày hỏi tiếp: “Vậy con gái nuôi của bà có tự nguyện đi hay không?”

Riêng cái này thì bà Hạ gật đầu khẳng định ngay: “Dạ có thưa đại sư, chính cháu nó tự nguyện được thế chỗ anh trai. Cũng may trời thương nên chỉ phải ở dưới đó hơn năm là cháu đã thi đậu đại học được quay trở về thành. Sau đó con bé còn….”

Thấy chị dâu cứ ấp a ấp úng mãi, bà Phú liền tiếp lời: “Con bé chính là người chăm sóc Trực Trực mà thầy đã gặp hôm đám cưới thằng Quốc Khánh nhà tôi đó ạ, bởi vì tã lót có thêu chữ Quách nên anh chị tôi quyết định lấy đó làm họ, đặt thêm hai chữ Nguyệt Nguyệt phía sau cho nên tên họ đầy đủ của nó là Quách Nguyệt Nguyệt. Việc đầu tiên sau khi con bé thi đậu đại học quay về thành đó là quỳ xuống cầu xin anh chị tôi để con bé được gả cho Trực Trực, chăm sóc Trực Trực cả đời!”

Con gái nuôi gả cho con trai ruột, nếu mọi việc bình thường chắc chắn bà Hạ sẽ không đời nào chấp nhận. Thế nhưng tình huống bây giờ đã nằm ngoài tầm kiểm soát của bà rồi, đối diện với thằng con si khờ ngốc nghếch, bà chợt nghĩ nếu một mai ông bà chết đi liệu ai sẽ chăm sóc nó, lo lắng cho nó miếng cơm giấc ngủ đây?! Giao vào tay người ngoài thì bà không thể nào yên tâm được, nhỡ đâu họ bạo hành hay đánh đập thằng bé thì tội lắm, thôi thì chi bằng giao cho Nguyệt Nguyệt, tốt xấu gì nó cũng là đứa con gái được ông bà nuôi nấng từ tấm bé, phẩm tính nó ra sao, đạo hạnh nó thế nào ông bà đều nhìn rõ cả. Giằng co suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng ông bà Hạ cũng đành gật đầu chấp thuận, thậm chí còn cảm thấy xúc động và vui mừng vì đã tìm được nơi tin cậy để gửi gắm con trai.

Tuy nhiên khi nghe tới đây Văn Trạch Tài lại cảm thấy có chút lấn cấn, đáy mắt anh vụt qua một tia phức tạp khó nắm bắt. Anh đan chặt hai tay vào nhau, nghiêm túc đưa ra kết luận của mình: “Hạ Trực bị trúng một loại tà thuật vô cùng ngoan độc và âm hiểm. Bởi vì mất hồn mất vía cho nên ký ức của cậu ấy trở nên vỡ vụn, lộn xộn và hỗn loạn, luôn cho rằng mình vẫn còn là trẻ con vô tri, hành xử và lời nói hoàn toàn theo bản năng. Thế nhưng đừng tưởng chỉ thế này là xong, theo thời gian cậu ấy sẽ mất dần ký ức, tri thức và khả năng nhận biết, thậm chí còn không phân biệt nổi đâu là đất đâu là gạo. Và cuối cùng sẽ quên hết mọi thứ, quên luôn cả bản thân mình, kể cả cha mẹ thân sinh cũng không nhận ra.”

Trời ơi, những thông tin này quá mức khủng khiếp, cả bà Phú lẫn bà Hạ đều sợ điếng người, choáng váng xém ngất xỉu.

Hồi tưởng lại thằng con trai khoẻ khoắn, thông minh hoạt bát trước đây, lòng bà Hạ như tan nát thành trăm mảnh, nước mắt bà chảy không ngừng, giọt ngắn giọt dài tràn ra từ hai bên khoé mắt đau thương, ướt nhèm hai gò má, rơi thẳng xuống nền đất lạnh ngắt!

Bà đau lòng hơn bao giờ hết, tiếng nói chua chát bất lực lẫn vào trong những tiếng nấc nghẹn da diết: “Đại…đại sư…con tôi sao lại phải chịu khổ như vậy hả trời, thằng bé có tội tình gì chứ? Hạ gia chúng tôi từ trước tới nay chưa bao giờ làm ra chuyện gì thương thiên hại lý, chồng tôi làm bác sĩ hơn nửa đời người, lúc nào ông ấy cũng tận tâm với nghề, dốc lòng dốc sức chữa bệnh cứu người, vậy mà ai lại nỡ lòng nào ra tay ác độc với con trai chúng tôi như vậy? Tại sao…tại sao chứ? Tại sao lại hại con trai tôi, thằng bé vẫn còn trẻ, nó vẫn còn cả quãng đường dài đầy tươi sáng phía trước mà, tại sao…tại sao lại vậy…huhuhu?”

Ngồi bên cạnh, bà Phú cũng không kìm được lòng, hai mắt bà cũng đỏ hoe ầng ậc nước, một phần vì đồng cảm với tấm lòng người làm cha làm mẹ, một phần vì lo cho số phận Hạ gia. Cha mẹ bà chỉ sinh được duy nhất một người con trai cũng chính là cha của Hạ Trực, mà anh chị ấy cũng chí có một mình thằng bé là con. Điều đó có nghĩa rằng Hạ Trực chính là cháu đích tôn của dòng họ Hạ, mang trong mình trách nhiệm khai chi tán diệp. Vậy mà giờ đây nó ra nông nỗi này, há chẳng phải Hạ gia sẽ tuyệt tử tuyệt tôn từ đây hay sao?!

Càng như vậy, bà Phú càng ép bản thân phải bình tĩnh. Người ta nói có bệnh thì vái tứ phương, đằng này đã đến được cửa nhà thầy rồi không thể để uổng phí nhân duyên này được. Lặng im lần giở ký ức, một lát sau chợt nhớ ra điều gì đó, bà Phú gấp gáp la lên: “Đại sư đai sự, tôi nhớ ra một điểm này không biết có giúp ích được gì không. Có một lần chị dâu kể rằng vào cái hôm định mệnh đó, lúc ăn cơm tối với cả nhà Hạ Trực vẫn rất vui vẻ bình thường, thế nhưng thằng bé vào phòng chưa bao lâu thì đột nhiên xảy ra chuyện. Mà khi ấy trong nhà không có người lạ, vậy thì ai là kẻ hạ thuật và bọn chúng hạ thuật bằng cách nào được?!”

Về thắc mắc này của bà Phú, Văn Trạch Tài từ tốn giải thích như sau: “Thuật này không chỉ yêu cầu sinh thần bát tự mà còn phải có cả tinh huyết cùng tinh…”

Chữ cuối cùng quá tế nhị, Văn Trạch Tài không tiện nói to mà cố gắng đè thấp âm thanh xuống hết mức có thể. Nghe xong, hai bà thím cũng xấu hổ đỏ mặt tía tai, bọn họ lúng ta lúng túng không thốt nên lời: “Cái này…cái này…”

Văn Trạch Tài thở dài: “Tóm lại, gia đình phải nhớ kỹ lại xem, khoảng thời gian đó Hạ Trực hay lui tới chỗ nào, có quan hệ gần gũi với những ai, rồi còn có những câu nói hay việc làm gì bất thường không. Tốt nhất càng chi tiết cụ thể bao nhiêu chúng ta càng dễ khoanh vùng đối tượng bấy nhiêu!”

Bà Hạ răm rắp gật đầu nhưng vẫn nơm nớp lo sợ: “Đại sư, vậy con tôi vẫn có thể cứu phải không thầy?”

Văn Trạch Tài khẳng định: “Có thể, tuy nhiên muốn giải thuật thì tôi phải có những thứ đồng dạng. Về vấn đề này chắc phải làm phiền cô Quách rồi…”

Vì dù sao bọn họ cũng là vợ chồng, không nhờ vợ lấy cái đó thì còn ai có thể lấy được nữa?!

Bà Hạ lại một lần nữa đỏ bừng mặt, luống cuống gật gật vài cái lấy lệ.

Tới đây cũng xem như đại khái nắm được vấn đề, Văn Trạch Tài đi ra sau một lát, tới khi quay trở lại thì trên tay xuất hiện thêm một gói bột nho nhỏ, anh đưa cho bà Hạ, căn dặn cẩn thận: “Bà mang thứ này về ngâm rượu, mỗi sáng đúng bốn giờ cho cậu ấy uống rồi đưa vào nhà vệ sinh. Nhớ kỹ, sau khi uống xong chắc chắn cậu ấy sẽ đau bụng dữ dội, tròng mắt chuyển đen, kêu gào thảm thiết. Nhưng tuyệt đối không được chạy vào đỡ, cứ mặc kệ là được. Chờ tới khi nào giải quyết xong xuôi thì dìu cậu ấy quay về giường nghỉ ngơi.”

Bà Hạ vội vàng đứng lên, kính cẩn vươn hai tay nhận gói thuốc: “Dạ dạ, bốn giờ sáng mỗi ngày, tôi nhớ kỹ rồi thưa đại sư.”

Nói đoạn bà cẩn trọng cất gói thuốc vào túi xách, sau đó rút ra một phong lỳ xì dày cộp, mỉm cười đặt xuống trước mặt Văn Trạch Tài: “Đại sư, đây là một chút lòng thành của gia đình chúng tôi, mong thầy…”

Ai dè chưa đợi bà Hạ nói hết câu, Văn Trạch Tài đã dứt khoát đẩy trở lại, nâng khoé miệng để lộ nụ cười tủm tỉm quen thuộc: “Chờ hết thảy xử lý xong xuôi, tới lúc ấy gia đình cảm ơn tôi cũng chưa muộn!”

Sự việc diễn biến ngoài dự kiến, bà Hạ sửng sốt vô cùng, đồng thời đáy lòng càng thêm cảm kích gấp bội. Văn đại sư quả là một người vừa có tài vừa có đức!

Mọi việc trước mắt là như thế, đợi sau khi gom đủ những thứ cần thiết mới có thể tiến hành giải thuật. Vì vậy bà Hạ không nấn ná ở lại lâu, vội vàng cáo từ dẫn con ra về đặng tranh thủ thời gian thu thập càng nhanh càng tốt với lại cũng không tiện làm phiền công việc của Văn đại sư.

Khi ba người họ vừa đi ra khỏi ngã rẽ cũng là lúc đám du thủ du thực bước ra khỏi chỗ nấp.

Chúng đã rình ở đây từ ban nãy cơ, thế nhưng cái hành động cuối cùng của Văn Trạch Tài khó hiểu chết đi được, một tên côn đồ gãi đầu gãi tai thắc mắc: “Đại ca, trông cái bao lì xì kia phồng căng chắc cũng phải nặng tay ra trò đấy, thế quái nào mà tên thầy bói lại không nhận nhỉ. Tiền đến miệng còn đẩy ra, đúng là hâm!”

Tên đại ca nghiến răng nghiến lợi đập vào đầu thằng đệ một cái rõ đau: “Mày ăn cái gì mà ngu hết phần thiên hạ thế hở? Đơn giản như thế mà cũng phải hỏi, rửa tai mà nghe đây này! Lúc này không nhận tiền mới là bậc cao nhân, còn nhận tiền thì xoàng, quá xoàng! Hành động từ chối tiền như một lời ngầm khẳng định sự việc chắc chắn sẽ được giải quyết, như vậy vừa lấy được lòng tin của khách hàng lại vừa nâng cao uy tín cũng như thanh danh bản thân. Đợi tới khi mọi việc êm xuôi, chắc hẳn nhà kia phải đội cả mâm vàng mâm bạc tới trả lễ ấy chứ, như vậy không phải hơn đứt cái bao lì xì kia à?!”

Nói đoạn, hắn cúi đầu chỉnh trang lại quần áo cho thẳng thớm rồi ngênh ngang bước vào tiệm đoán mệnh của Văn Trạch Tài.