Chương 61
Đường Mập nóng lòng thể hiện trước mặt cô, vội khẳng định: “Chị Tây, em không nhầm đâu. Em là ai, là Đường Mập đến từ Tây An đấy. Chị xem đi, áo choàng này này: tay áo tròn hẹp, dài vừa ngang đầu gối, đây chính là chịu ảnh hưởng từ Hồ phục. Nhìn này, người ta để cho nó mặc thành cổ lật – người triều Đường hay chạy theo mốt, thường mặc như vậy. Còn đây là mũ chóp, đây là quả khăn vấn đầu… Về triều đại chắc chắn không sai được”.
Diệp Lưu Tây nhìn về Xương Đông: “Tôi cứ tưởng bài ca xướng kia là điển cố triều Hán, qua nửa ngày lại thành triều Đường à?”.
Cũng không đúng, triều Đường mà lại thịnh hành vẽ tranh theo phong cách triều Hán sao?
Đường Mập nghe không rõ, hỏi lại: “Bài ca xướng nào cơ?”.
Xương Đông hơi do dự sau đó kể đại khái tình hình lúc đó cho hắn nghe. Tình huống hiện tại mà còn giấu diếm khiến người khác tưởng mọi thứ vẫn yên ổn thì chẳng khác gì đồng lõa phạm tội.
Đường Mập nghe mà muốn rớt tim ra ngoài, phải tự nhéo vào eo để giữ mình bình tĩnh; lại tự nhủ không được sợ hãi, phải cho mọi người thấy mình hữu dụng ra sao. Hữu dụng thì mới được coi trọng.
Hắn lẩm nhẩm lời ca, trong đầu lại đột ngột nảy ra vài ý tưởng.
“Chị Tây, bài ca này có chút quái quái”.
Diệp Lưu Tây hỏi hắn: “Chỗ nào?”.
“Nếu nói tội phạm bị lưu đày ra ngoại Quan Ngọc Môn Quan thì không phù hợp với lịch sử. Thời điểm Hán Vũ Đế lập quận, bên ngoài Ngọc Môn Quan là Tây Vực. Hoàng đế đối với Quan ngoại hoàn toàn không nắm rõ tình hình nên mới phái Trương Khiên đi sứ”.
“Lưu đày tội phạm là đưa đến biên cương làm khổ sai chịu tội, tùy lúc gọi lại, sao đuổi ra ngoại Quan được? Quan ngoại thời đó đều là Hung Nô, Hán Vũ Đế đâu có ngốc mà đem nhiều người như vậy đuổi qua đó cho Hung Nô sai sử, khác gì tặng không sức lao động đâu?”.
Nghe cũng có lý, Diệp Lưu Tây gật đầu: “Cậu nói tiếp đi”.
Được cô tán thành, Đường Mập càng phấn chấn: “Xuất Quan một bước huyết chảy cạn – câu này có thể hiểu được, thời Hán coi Ngọc Môn Quan là nơi hung hiểm, đi ra là mất mạng, nhưng phía sau còn có câu ‘Đâu màng ta lệ lã chã nhập Quan’ có nghĩa kẻ này cũng không có muốn nhập Quan…”.
Nghe Đường Mập giải thích như vậy Xương Đông cũng phản ứng lại.
“Ngọc Môn Quan, Quỷ Môn Quan, Xuất Quan một bước máu chảy cạn, người kim ốc tàng kiều tự vui sướng, đâu màng ta Nhập Quan lệ chứa chan”.
Bài hát xướng này thoạt nghe có thứ tự, nhưng sau khi nghiền ngẫm lại thấy đầy mâu thuẫn: Xuất Quan mất mạng, nhập Quan nước mắt như mưa. Hai chữ “đâu màng” nghe như biểu đạt sự oán giận, chứng tỏ ‘nước mắt như mưa’ không phải do cảm động mà rơi lệ.
Không muốn xuất Quan chẳng muốn nhập Quan là vì hận cái gì? Chẳng lẽ là muốn lên trời?
Đường Mập cũng không nói được rõ cảm giác của mình nhưng chỉ nghĩ mình biết những chuyện mà hai người này không biết là hắn liền cảm thấy rất thành tựu.
Không còn chuyện gì khác nên hắn định quay về lều lớn, Xương Đông nói: “Còn quay về đấy làm gì? Cậu tốt nhất là cứ tránh xa đám người bọn Răng Sún kia một chút”.
Đây là câu mà Đường Mập luôn ước ao nghe thấy, có điều Xương Đông lại chỉ nói “tránh xa đám người kia” chứ chưa nói rõ “đi cùng chúng tôi”.
Hắn tất nhiên có thể thuận thế mà bám chặt lấy Xương Đông, nhưng vì tính kế lâu dài, để chứng minh mình có giá trị nên hắn đành phải chấp nhận, nói:
“Không sao đâu anh, nhỡ bọn chúng nảy ra cái ý gì thì có em ở đấy rồi, cũng dễ hỏi thăm tin tức này nọ”.
Sau khi Đường Mập xuống xe, Xương Đông hỏi Diệp Lưu Tây: “Cô có thấy mấy ngày nay Đường Mập là lạ không?”.
Diệp Lưu Tây nằm cuộn tròn ở ghế sau, dùng túi ngủ đắp trên người - cô không thích chui vào túi ngủ, cảm thấy nằm như vậy giống như thân tằm bị kén vây kín, bó tay bó chân; họa nhỡ có gì xảy ra thì không tiện phản ứng lại.
“Ai mà chả lạ. Anh cũng lạ. Còn cấm cậu ta không được lạ nữa?
Xương Đông bật cười, tiện tay tắt đèn đi.
Ghế trước so với ghế sau không rộng rãi bằng, anh cao lớn, chân lại dài, lúc nằm phải cuộn tròn người lại, tư thế cũng không thoải mái. Không còn ánh đèn, tất cả chìm trong bóng tối, rất nhiều sự việc như đèn kéo quân cứ thế nối tiếp hiện lên trong đầu: con Rối bóng ăn mặc quái dị, Hôi Bát máu chảy thành sông, còn cả câu nói “khiêng xác đi đi” của Diệp Lưu Tây.
“Lưu Tây?”.
Diệp Lưu Tây ngẩn ra một chút sau đó mới nói: “Chúng ta thân quen đến thế cơ à?”.
Xương Đông đáp: “Gọi Diệp Lưu Tây, mỗi lần đều phải nói những ba chữ, dài quá”.
Diệp Lưu Tây thế nhưng cảm thấy lý do này cũng không gượng ép, giống như cái tên “Xương Đông” so “Mạnh Kim Cổ” khi gọi cũng tiện hơn.
“Chuyện gì?”.
“Có chuyện này tôi muốn nói cô nghe thử… Tôi cảm thấy cô không giống như người sinh trưởng trong hoàn cảnh xã hội bình thường”.
Diệp Lưu Tây xoay người hướng về phía anh.
Trong xe rất tĩnh, chỉ nghe nhịp thở của hai người - một trầm ổn, một dịu nhẹ - yên lặng hòa vào nhau rồi lẳng lặng tan biến.
“Tôi từ nhỏ đến lớn, gặp không biết bao nhiêu người khác giới, tính cách thì mỗi người một kiểu, có người nho nhã nhẹ nhàng, có người hào phóng mạnh mẽ, người dữ dằn cũng có, thậm chí có người đánh ông xã khóc hu hu… Nhưng bất kể là ai, dù tính cách có đặc biệt đến đâu nhưng hành vi của họ đều tương tự nằm trong khuôn khổ nhất định, không hề có chuyện khác đi”.
“Ví như lúc ở Trấn Na Kỳ, để ra tay trừng trị khách làng chơi, chuyện lột trần đối phương mặc hắn chịu lạnh thì bạn bè tôi rất nhiều người có thể làm được, thậm chí họ còn có thể động tay động chân đấm đá nữa. Thế nhưng sẽ không có ai mở toang cửa sổ rồi bỏ đi như cô, vì hành động này thực sự có thể khiến tên kia chết cóng. Pháp luật chính là khuôn khổ chung. Nhưng cô không, hoặc cũng có thể cô biết rõ nhưng chẳng thèm quan tâm”.
“Cô có thói quen dùng vũ lực giải quyết vấn đề. Chuyện ở Đôn Hoàng, tôi đồng ý trả công là cô lập tức đánh nhau với người ta. Hôi Bát giấu diếm chân tướng, cô nói luôn ‘đánh bao giờ khai ra thì thôi’… những điều này không giống cách xử sự thông thường. Cô có nhớ lúc Kiều Mỹ Na và Răng Sún cãi nhau không? Lúc đầu là mắng chửi, sau đó muốn báo nguy, tôi chẳng dám nói đấy là quy trình chuẩn, song chí ít cũng bình thường”.
“Xã hội hiện đại có rất nhiều cách giải quyết vấn đề. Đánh nhau là cách trực tiếp nhất nhưng hậu họa khôn lường. Thế nhưng đối với cô đánh nhau không phải lựa chọn mà là phản ứng đầu tiên”.
Diệp Lưu Tây lẳng lặng trong bóng tối, lắng nghe từng lời anh nói.
“Rồi đêm nay nữa, Hôi Bát bất ngờ bỏ mạng, mọi người đều hốt hoảng choáng váng, chỉ có cô cứ như không nói ‘khiêng xác đi đi’. Người to gan lớn mật đến mấy nhưng cũng sẽ không thờ ơ đối với người vừa qua đời như thế”.
Người lớn lên trong xã hội bình thường chắc chắn không có tính cách như cô, song cũng không thể nói cô bị tách biệt hoàn toàn với xã hội.