Chương 61: Trần Phương Bình.
Trần Phương Bình nay đã bước vào độ tuổi trung niên, y có dáng người oai hùng, là cựu thần của nhà Lê, là người hết mực trung thành với Lê Chiêu Thống. Năm xưa, Lê Chiêu Thống dẫn theo những người khác chạy sang cầu cạnh nhà Thanh chỉ có Trần Phương Bình là lựa chọn ở lại nằm gai nếm mật, y muốn xây dựng sẵn sàng một lực lượng để phò trợ đại nghiệp phục Lê một khi Lê Chiêu Thống trở về. Phù Lê Trại có một ngàn quân, đều là những nghĩa sĩ trung kiên kể từ cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Chí, bọn họ hết mực trung thành, đi theo Trần Phương Bình không rời không bỏ.
Đoạn thời gian qua thật sự khó khăn, cũng còn may, Phù Lê trại vẫn nhận được sự tiếp tế bí mật từ dòng tộc họ Lê cho nên mới có thể gắng gượng qua được. Trần Phương Bình đã trải qua hơn nửa đời người sương gió, tuy tâm chí cứng cỏi nhưng khi tuổi càng ngày càng lớn thì càng có nhiều lo nghĩ, Lê Chiêu Thống mãi vẫn chưa gượng dậy được, tin tức hoàn toàn không có khiến cho Trần Phương Bình đôi lúc cảm thấy hoang mang cùng lo sợ, y sợ bao nhiêu công sức sẽ trở thành công cốc, y sợ cho đến tận lúc c·hết cũng không có cơ hội nhìn thấy được sự huy hoàng trở lại của nhà Lê một ngày kia.
Trần Phương Bình lúc nào cũng có một ngọn lửa tràn đầy nhiệt huyết luôn cháy hừng hực ở trong lòng, có điều đại thế thiên hạ khiến cho y cũng cảm thấy sự bất lực một cách sâu sắc, cổ nhân thường có câu nói " có tâm nhưng không có lực" chính là để miêu tả trường hợp này một cách chính xác.
Phạm Văn Trị lúc này cùng với bốn người thuộc hạ thân tín và một kẻ dẫn đường đang quỳ trên mặt đất, hai tay bị quân lính của Phù Lê Trại trói chặt, miệng bị cột một tấm vải khiến cho không thể nói chuyện, ánh mắt Phạm Văn Trị nhìn thẳng vào Trần Phương Bình, thái độ bình tĩnh không hề sợ hãi. Trần Phương Bình nhìn mấy khuôn mặt lạ lẫm đột nhiên xuất hiện, trong lòng nổi lên cảnh giác, lúc nhìn đến người thứ sáu liền nhận ra ngay người này là ai, người này là một trong những con cháu của dòng họ Lê tên là Lê Phương Huy, gã chính là kẻ thay mặt Lê Ông thường xuyên tiếp tế lương thực và v·ũ k·hí cho Phù Lê Trại.
Có điều, mỗi khi đi tiếp tế, Lê Phương Huy đều chỉ dẫn theo ba bốn người phụ giúp quen thuộc, còn năm kẻ xa lạ đang quỳ này là lần đầu tiên đám người Trần Phương Bình mới thấy mặt, xuất phát từ tính cẩn thận, Trần Phương Bình từ lâu đã căn dặn binh lính cứ hễ thấy kẻ lạ mặt xuất hiện thì phải bắt lấy đem về tra hỏi cho nên mặc cho Lê Phương Huy giải thích, đám lính vẫn trói gô lấy đám người giải đến trước mặt Trần Phương Bình để cho y quyết định.
Nhìn thấy Lê Phương Huy liên tục hướng về phía mình ú ớ ra hiệu, Trần Phương Bình mỉm cười nói:
-Người đâu! Cởi trói cho Phương Huy công tử!
Lập tức có gã lính lĩnh lệnh, tiến lên cởi trói cho Lê Phương Huy. Sau khi được cởi trói, Lê Phương Huy hơi hoạt động tay chân cho hết tê dại rồi hướng về Trần Phương Bình chắp tay cười khổ:
-Phương Huy ra mắt trại chủ! Trại chủ không hổ là người tài giỏi cẩn thận, là trọng thần đáng tin cậy nhất của bệ hạ.
Trần Phương Bình nhíu mày, sắc mặt vô cùng nghiêm túc, trầm giọng nói:
-Công tử chớ có nhiều lời! Những kẻ lạ mặt này là ai? Nếu không cho ta một lời giải thích thỏa đáng thì chớ trách ta không nể mặt, chuyện liên quan đến sự an nguy của Phù Lê Trại quyết không thể qua loa.
Lê Phương Huy trông thấy sắc mặt Trần Phương Bình sa sầm xuống, vội nói:
-Trại chủ xin bớt nóng giận! Những vị hào kiệt này đều là do Lê Ông cử đến, tôi có đem theo tín vật và một phong mật thơ do chính tay Lê Ông viết ở đây, mời trại chủ xem.
Lê Phương Huy nói rồi, lấy từ trong ngực ra một cái lệnh bài và một phong thơ đưa cho Trần Phương Bình. Trần Phương Bình nhận lấy hai tín vật từ tay Lê Phương Huy, trước hết cầm lệnh bài lên xem, chỉ thấy đây là một cái lệnh bài đúc bằng đồng đặc mạ vàng, xung quanh được điêu khắc họa tiết hình rồng, mặt trước có một chữ Lê, mặt sau có ba chữ Phù Long Tướng. Lệnh bài không sai, Trần Phương Bình tạm thời cởi bỏ sự nghi ngờ ở trong lòng, bắt đầu mở phong thơ của Lê Ông ra xem, xem xong sắc mặt của Trần Phương Bình không giấu nổi vẻ vui mừng hiển hiện, y quay sang quát bảo binh lính:
-Mau mau cởi trói cho các vị tráng sĩ! Người đâu, bày tiệc để ta chiêu đãi những vị tráng sĩ này, việc vui đến rồi.
Đám người Phạm Văn Trị được người của Phù Lê Trại cởi trói, đến tận đây trong lòng Phạm Văn Trị mới tạm thời thở ra một hơi nhẹ nhõm, bước khó khăn nhất đã qua, còn lại phải xem bản thân gã diễn kịch như thế nào. Phạm Văn Trị dẫn đầu đám người bái tạ:
-Tại ơn trại chủ...không...tạ ơn Phù Long Tướng Quân!
Trần Phương Bình mỉm cười gật đầu:
-Chư vị tráng sĩ! Xin mời vào trong nhập tiệc, chớ có khách sáo!
Nói rồi, Trần Phương Bình quay người đi trước dẫn đường.
Cơm nước no nê, cả đám người bắt đầu quây quần trong chính sảnh bàn bạc đại sự. Trần Phương Bình vui mừng quá đỗi, y đã kiên nhẫn chờ đợi rất rất lâu cuối cùng rồi ngày này cũng đến, trong thơ Lê Ông đã báo tin cho y biết Lê Chiêu Thống đã được vua Thanh là Càn Long ưng thuận cho đất hai châu Tuyên Quang và Thái Nguyên để làm căn cơ cùng bàn đạp hòng tái chiếm lại Đại Việt. Lê Ông thay mặt cho Lê Chiêu Thống phong cho Trần Phương Bình là Phù Long Tướng Quân kết hợp với Phạm Văn Trị lúc này lấy tên giả là Ngô Anh Hào chuẩn bị lực lượng, chỉ cần Lê Ông khởi binh từ Lam Kinh chiếm lấy xứ Thanh thì Trần Phương Bình liền cùng với Phạm Văn Trị lập tức khởi binh đánh chiếm lấy phủ Cao Bình sau đó tụ tập nghĩa sĩ đánh vào Thăng Long từ hai phía, chỉ đợi vua Lê Chiêu Thống dẫn binh trở về thì sẽ kết hợp với Nguyễn Vương ở phía nam tiêu diệt Tây Sơn.
Lê triều hồi phục có hy vọng, Trần Phương Bình vui không giấu được nhưng y vẫn cố ép bản thân mình phải tỉnh táo, nhìn về phía Phạm Văn Trị lên tiếng hỏi:
-Anh Hào tráng sĩ! Lê Ông muốn chúng ta cùng phối hợp khởi binh đánh chiếm lấy phủ Cao Bình, nhưng quân Tây Sơn thế lớn, chỉ riêng bốn Trấn đã có tổng cộng hai vạn quân đóng giữ, quân của Phù Lê Trại chỉ có một ngàn, tráng sĩ có cao kiến gì không?
Trần Phương Bình mong mỏi Phạm Văn Trị có thể đưa ra lương sách bởi ở trong thơ Lê Ông có đặc biệt nhấn mạnh, muốn lấy được phủ Cao Bình thì bắt buộc phải dựa vào người này. Phạm Văn Trị nghe Trần Phương Bình hỏi sách, y giả vờ ngẫm nghĩ, qua một khoảng thời gian mới mở lời nói:
-Bẩm tướng quân! Phủ Cao Bình mặc dù có hai vạn quân Tây Sơn đóng giữ nhưng lại phân bố rải rác, trừ sáu ngàn quân đóng ở thành Cao Bình, bốn trấn còn lại mỗi trấn chỉ có hơn ba ngàn quân, anh em chúng tôi vâng lệnh Lê Ông bí mật kinh doanh đã lâu nay cũng đã nuôi dưỡng được hơn hai ngàn nghĩa sĩ, quan giữ cửa trấn Thạch Lâm lại là người của Lê Ông chỉ cần tướng quân ra lệnh một tiếng, chúng ta sẽ dễ dàng cầm xuống trấn Thạch Lâm mà không có quá nhiều tổn thất sau đó phất cao ngọn cờ, phát hịch cần vương, hiệu triệu các nghĩa sĩ xứ Bắc Hà này đồng loạt nổi dậy thì việc cầm xuống phủ Cao Bình không phải là chuyện khó nữa.
Trần Phương Bình nghe Phạm Văn Trị nói xong, y không vội cho ý kiến đồng ý hay không mà trầm ngâm nhíu mày suy xét cẩn thận xem xem mọi việc có chỗ nào khả nghi hay không, qua một lát, cảm thấy kế sách của Phạm Văn Trị hợp lý có thể thực hiện được, Trần Phương Bình mới mỉm cười nói:
-Kế sách rất hay!
Đám người tiếp tục mật đàm chiến lược suốt một ngày trời ròng rã.
Phạm Văn Trị sau khi bàn bạc thống nhất, ước hẹn ngày khởi binh với Trần Phương Bình xong liền cáo từ rời khỏi Phù Lê trại, nói là trở về chuẩn bị lực lượng. Trần Phương Bình cử một nhóm người thân tín cùng đi theo Phạm Văn Trị, một là để quan sát và nắm bắt tình huống thực tế xem những gì Phạm Văn Trị và Lê Ông nói có đúng hay không, hai là để tiện liên lạc lẫn nhau, có những người này làm chân chạy, Phạm Văn Trị sẽ khỏi phải mất công cử người chạy tới lui Phù Lê trại. Phạm Văn Trị đi rồi, Trần Phương Bình hơi trầm ngâm một chút sau đó ra lệnh cho toàn bộ Phù Lê trại di dời đến hang ổ khác, thỏ khôn còn có ba hang, mặc dù y rất tin tưởng vào con người Lê Ông nhưng kinh nghiệm bao nhiêu năm quần nhau với quân Tây Sơn đã rèn cho Trần Phương BÌnh một thói quen luôn làm việc cẩn trọng, cẩn thận là điều luôn luôn không sai, nếu không phải như vậy y đã sớm bị quân Tây Sơn bắt được từ lâu.