Chương 4: Đến Ung Châu
Năm ngày sau, Phúc cùng ba người lên đường sang đất Tống.
- Bác Hổ, bác Văn. Sao ông không đi cùng bác cháu mình vậy. Nếu có ông đi cùng thì cháu thấy thích hơn.
Phúc lên tiếng. Trước ngày đi, mặc dù nó đã tỉ tê thuyết phúc hết lời, lão cao thủ vẫn cương quyết ở lại. Việc này khiến thằng bé có phần hụt hẫng. Phạm Văn đáp:
- Lão tiền bối từ trước đến nay chỉ loanh quanh chỗ ở, không có ra ngoài. Vì vậy cháu không rủ được cũng là điều bình thường, không có gì phải buồn cả.
- Đúng vậy – Lão Hổ thêm vào. Mỗi năm, lão chỉ đi xa có hai lần, một vào cuối tháng giêng, một vào trung tuần tháng ngâu, mỗi lần đều tầm nửa tháng.
- Ông đi đâu vậy.
- Ta cũng không biết. Lão có bao giờ chịu nói đi đâu đâu. Nhưng ta đoán là lão đi viếng mộ ai đó, có lẽ là hai cụ thân sinh, bởi một lần lão về ta thấy còn thẻ nhang dắt bên lưng ngựa.
Chậm lại một nhịp, lão Hổ kể tiếp:
- Kể cũng lạ. Một cao thủ như lão mà lại chịu ẩn mình nơi rừng thiêng nước độc, cô quạnh như vậy. Trông lão cũng không giống đạo sĩ hay tu sĩ cho lắm. Chắc phải có điều gì đặc biệt giữ chân lão. Nhớ cái ngày ta mới trốn chạy đến đấy, gặp lão một mình trong căn nhà lá. Trông lão lúc ấy mới ủ rũ, rầu rĩ làm sao. Nếu không có chúng ta đến, chắc lão đ·ã c·hết vì cô độc rồi.
- Có lẽ điều giữ chân lão chính là ngôi mộ trên đỉnh núi – Minh phỏng đoán.
- Có phải ngôi mộ trên đỉnh núi, chỗ mỏm đá lớn nhô ra phải không chú!
- Đúng vậy. Cháu cũng biết nó à.
Lời nói của Minh khiến Phúc nhớ lại.
"Chiều hôm đó, không thấy lão cao thủ dạy võ như thường ngày, nó nhốn nháo gọi tìm. Trong nhà không có, ngoài thác nước cũng không. Nó băng ra rừng trúc, rồi lại ngược vào trong động đá... Những nơi có thể tìm, nó đều tìm đến nhưng vẫn không thấy bóng dáng lão đâu. Tiếng thằng bé gọi vang vọng:
- Ông ơi. Ông ở đâu?
Tìm đến quá nửa buổi chiều mà không có kết quả, nó buồn bã leo l·ên đ·ỉnh núi, hi vọng từ trên cao trông xuống, có thể thấy lão ở đâu đó. Nào ngờ, vừa leo lên đến đỉnh, nó đã trông thấy lão cao thủ đang ngồi chơ lơ trên mỏm đá, tay cầm bầu rượu.
- Ông đây rồi. Ông trốn lên đây uống rượu làm cháu tìm cả chiều nay. Ông có biết cháu gọi ông khản cả cổ rồi không.
Thằng bé phụng phịu, ra điều trách cứ. Rồi nó nhún mình, vọt lên chỗ lão cao thủ đang ngồi. Lão nhìn nó và nở nụ cười hiền hòa. Mặt lão ửng đỏ vì men rượu, ánh mắt trầm mặc. Lần đầu tiên Phúc trèo lên nơi này. Mỏm đá rộng chừng mười thước, nhô ra từ vách đá, giữa có một nấm mồ nhỏ, nằm khuất dưới bóng cây đỗ quyên. Đang độ cuối mùa hoa nở, cánh đỗ quyên rụng xuống, phủ trắng cả nầm mồ.
- Thu Nguyệt. Trọn kiếp không xa.
Phúc lần đọc theo dòng chữ khắc tấm đá.
- Ông ơi, Thu Nguyệt là ai vậy?
Lão cao thủ nhấp một ngụm rượu, đưa mắt trông về nơi xa rồi xoa đầu thằng bé, đôi chút nghẹn ngào pha trong giọng nói:
- Một người con gái ông hết mực yêu thương. Nàng ấy thích hoa đỗ quyên và ngồi đây ngắm hoàng hôn.
Rồi lão lại trầm mình vào trong những xúc cảm. Phúc biết lão đang nhớ thương một người. Dù là con trẻ, chưa trải qua tình yêu nam nữ, nhưng nó hiểu được tâm trạng của lão cao thủ lúc này. Bởi nó cũng từng mất đi những người thân yêu nhất. Phúc phóng tầm mắt ra xa. Hoàng hôn đang buông xuống, mặt trời tỏa thứ ánh nắng dịu dàng, dát vàng những tầng mây. Một khung cảnh bao la, rực rỡ bày ra trước mặt. Từng cơn gió đưa nhẹ, thổi mát những tâm hồn xao động. Rồi Phúc ngoái nhìn ra sau. Cành đỗ quyên đung đưa trong gió, thả từng cánh hoa mỏng manh đậu trên nấm mồ trắng. Trên vách đá, những dòng chữ thô cứng được vạch lên:
Phong sương vạn nẻo vùi anh hùng.
Bạc đầu trông lại mộng hiếu trung.
Không nghiệp kinh bang không tế thế.
Nâng chén rượu say thẹn với tùng."
Sau chốc lát hồi tưởng, Phúc nói:
- Cháu có. Mộ trên đó là của người con gái mà ông từng yêu thương. Một lần, cháu bắt gặp ông ngồi uống rượu trên đó. Ông bảo với cháu như vậy.
- Ra là vậy. Lão tiền bối quả là một kẻ si tình. Xem ra câu chuyện của lão cũng giống như vợ chồng chú Minh, vì tình yêu mà phiêu dạt chân trời góc bể - Phạm Văn cảm khái.
Nghe Phạm Văn nhắc đến vợ chồng mình, Minh thầm nghĩ:
" Ta với Hiền dù phải từ bỏ gia đình, dòng tộc mà lang bạt đến chốn sơn cùng thủy tận, nhưng vẫn còn được hạnh phúc bên nhau, lại có thêm hai đứa con nhỏ. So với lão tiền bối, xem ra ông trời vẫn còn ưu ái, không đến nỗi trêu ngươi."
Lão Hổ quay sang hỏi:
- Chú Minh. Chú với cô có định quay về quê cũ không. Hai đứa trẻ cũng lên bốn lên năm rồi, không lẽ cứ để chúng sống mãi với mấy lão già chúng ta. Trước sau gì chúng cũng phải ra ngoài, còn tìm vợ tìm chồng mà.
Nhắc đến chuyện về quê cũ, Minh lại suy tư. Không phải Minh không muốn, mà là chàng sợ gia đình, dòng tộc không chấp nhận. Minh không muốn các con phải chịu cảm giác bị ruồng rẫy, chối bỏ. Chàng thở dài và nói:
- Cũng chẳng biết thế nào. Dù sao cuộc sống hiện tại vẫn đang ổn. Hai đứa nhỏ được sinh ra ở đấy, đấy là nhà của chúng.
- Ta hiểu chú Minh. Cô chú cũng phải khó khăn lắm mới có được hạnh phúc như bây giờ. Thôi không nhắc chuyện này nữa, phía trước cách đây năm dặm là Thanh Gia thôn, nơi ông bà ta đang ở. Ta ghé vào chào hai người, cũng không ở lâu được, rồi đến thành Ung Châu luôn kẻo trời tối.
Nguyên lão Hổ là người Ung Châu, cả gia đình buôn bán, sinh sống trong thành, sau vì g·iết tên tham quan tri châu mà bị triều đình truy nã, phải trốn chạy sang đất Việt. Gia đình lão cũng phải bỏ nhà cửa, lánh về Thanh Gia thôn, cách thành Ung Châu hai mươi dặm về nam, nương nhờ người thân. Người trong thôn cũng biết việc nghĩa của lão Hổ, nên chung sức che chở, không ai báo lên quan trên. Bố mẹ của lão Hổ đã độ ngoài sáu mươi, mắt mờ, chân chậm, cử chỉ run rẩy. Gặp nhau, hai mái đầu bạc, một phong sương, mừng mừng tủi tủi. Lão ân cần dìu đỡ hai người, kính cẩn mời nước rồi tranh thủ hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống. Cử chỉ của lão nhẹ nhàng và từ tốn khác hẳn điệu bộ xốc xáo, thô kệch thường thấy. Chứng kiến bên ngoài, ba người không khỏi xúc động, tâm tư mủi lên trong lòng. Rồi lão Hổ quay sang hỏi han, dặn dò người em trai mấy lời, trước khi lên đường.
Bốn người đến cửa thành vừa kịp lúc mặt trời tắt nắng. Lão Hổ đưa tất cả tới một nhà trọ nằm khuất trong ngõ nhỏ, khá kín đáo. Khép cửa phòng lại, lão quay sang giải thích, căn dặn Phúc:
- Cẩn thận một chút vẫn hơn. Dân chúng trong thành vẫn gọi ta là anh hùng, không có ý làm hại ta. Nhưng dù sao ta vẫn là kẻ bị triều đình truy nã, ngoài kia vẫn có những tên tiểu nhân sẽ nhận ra ta, và chúng sẽ báo quan để nhận tiền thưởng. Sáng mai khi ra đường, ta sẽ che mặt lại. Tất nhiên chỉ có ta thôi, cháu thì không cần. Nhưng chớ có đi đâu rời xa tầm mắt của bác Văn, chú Minh. Trong tòa thành rộng lớn này, sẽ không dễ để tìm nếu cháu bị lạc đâu, cháu hiểu chứ.
- Cháu hiểu.
- Giờ thì ăn tối thôi. Bụng cháu réo lên rồi kìa.
Mấy người nhanh chóng dùng bữa tối. Lần đầu tiên Phúc được ăn món vịt quay ngon đến vậy.
Sáng hôm sau, trong lúc lão Hổ đến tiệm cầm đồ, bán mấy món trộm được hôm trước thì ba người Phạm Văn, Minh và Phúc tranh thủ đi thăm thú phố thị. Thành Ung Châu rộng lớn, dân chúng hơn sáu vạn, người ngựa tấp nập, hàng quán, cửa hiệu có ở khắp mọi nơi. Tất nhiên, ba người vô cùng hào hứng. Phạm Văn và Minh thì đã sang mấy lần, có phần thông thạo, giao tiếp cũng vọc vạch. Riêng Phúc mới được lão Hổ dạy cho tiếng Tống, chưa thể nói được, thành ra đi đâu cũng bám đuôi hai người. Minh tranh thủ ghé vào một tiệm đồ nữ giới, mua lấy mấy món gương lược, son phấn làm quà. Trong khi đó, Phúc và chú Phạm Văn xà xuống hàng hủ tiếu. Thằng bé đánh ngon lành hết hai bát, kèm thêm một xiên kẹo hồ lô trên tay.
- Minh, Phúc, hai chú cháu qua đây, qua đây – Tiếng Phạm Văn í ới gọi.
- Gì vậy bác Văn.
- Qua đây. Xem cái này hay lắm.
Phúc cùng Minh trông qua, thấy một đám đông đang quây tròn náo nhiệt. Phạm Văn đứng ở đó, liên tục vẫy gọi. Thì ra là một sới đá gà. Hai con gà chọi hăng máu, liên tục nhảy vọt lên, tung cước nhọn đá vào nhau. Xung quanh, đám đông hô hào nhiệt liệt, tiền thí, tiền cược tung ra như mưa.
- Đá đi. Đá nó đi.
Ba người hào hứng cổ vũ.
- Chú Minh. Chú thấy con nào ăn – Phạm Văn cố nói lớn át tiếng ồn xung quanh.
- Con đen. Con đen ăn – Minh hô lên, tỏ vẻ chắc chắn.
- Được, vậy làm mười đồng cho con đen.
Phạm Văn liền tung mười đồng cược cho con đen. Ba người lại tiếp tục dốc hết sức lực ra mà hò hét. Sau một hồi, quả nhiên con gà đen đá thắng. Phạm Văn hoan hỉ:
- Thắng rồi, đi lấy tiền nào!
Ba người liền kéo qua cái xếp hàng, chờ lấy tiền thắng cược. Đám đông vẫn xô bồ, ồn ã. Kẻ thì cười nói hỉ hả, kẻ thì hậm hực chờ kèo tiếp theo.
Đang đứng cùng hai người, bất chợt Phúc thấy một luồng gió nhẹ quét sau lưng. Một cảm giác kỳ lạ. Nó quay đầu trông lại, một bóng người vừa lướt qua. Xa lạ, không thân thuộc nhưng đã từng gặp. Một chiếc nón, một tấm áo choàng. Chính là bóng dáng đó, người nó gặp dưới chân núi hôm trước, người khiến con ngựa bất kham phải run sợ. Phúc vẫn còn cảm thấy cái khí độ lẫm liệt, bí ẩn toát ra từ con người đó. Sự cuốn hút kì lạ đưa bước chân nó bám theo. Người lạ mặt kia đi nhanh, bước chân như lướt trên mặt đất, thoáng chốc đã khuất vào một ngõ nhỏ. Phúc đuổi theo đến nơi thì đã không thấy đâu nữa. Một con ngõ dài hun hút, vắng người qua lại, hai dãy tường cao vượt tầm mắt. Bước dò men theo con ngõ, Phúc thầm nghĩ:
"Rõ ràng là rẽ vào đây. Mình không nhìn nhầm mà. Sao có thể biến mất nhanh thế được."
Đang mông lung suy tư, bất giác, Phúc cảm thấy như có một bàn tay vừa khẽ đặt lên vai mình. Không, không phải là cảm giác, đích thực là có một bàn tay đang nắm lấy vai nó, luồng chân khí nóng hổi đang tỏa ra. Giật mình và kinh hãi, Phúc lập tức trầm mình, lắc người sang một bên. Theo học lão cao thủ đã được thời gian dài nên võ nghệ của nó không phải tầm thường, phản xạ mau lẹ thoát ra. Nhưng khi vừa lắc người qua bên, một bàn tay lại tức thì chụp lên vai nó. Bàn tay ấy cứng như sắt thép, kẹp chặt bả vai, khiến Phúc không thể cử động. Ngoái đầu nhìn lại, nó thấy chiếc mặt lạ sắt vô hồn đang chằm chằm nhìn nó. Chính là người đó. Làm thế nào y có thể biến mất, rồi lại lẳng lặng không một tiếng động xuất hiện ngay sau lưng.
"Là người hay là ma vậy"
Một ý nghĩ kinh hãi lóe lên trong đầu thằng bé. Nó cố gắng cựa quậy mà không thoát ra được. Đúng lúc này, giọng nói của lão Hổ vang lên:
- Dừng tay lại.
Lời chưa dứt, đã thấy lão Hổ vụt đến, vung tay bắt lấy cổ tay y.
- Thằng bé còn nhỏ, có gì không phải thì bỏ qua đi.
Chỉ thấy kẻ đeo mặt lạ lặng thinh, không nói một lời. Dường như y không quan tâm tới sự xuất hiện của lão Hổ, thủ pháp chưa buông. Lão Hổ liền vận chân khí lên, muốn dùng nội lực ép lui đối thủ. Nào ngờ chân khí vừa phát ra, đã bị bức lại. Đồng thời, một luồng hỏa khí theo dọc cánh tay tiềm nhập vào cơ thể, thiêu đốt bên trong.
"Nội lực cường liệt, hùng hậu quá"
Lão Hổ thốt lên trong đầu, vội vã đề thăng chân khí. Phúc cũng vì vậy mà thêm phần đau đớn, khẽ kêu lên "Á" một tiếng.
- Bác Hổ, Phúc, hai người làm gì ở đây vậy?
Từ đầu ngõ, Phạm Văn và Minh lên tiếng. Thản nhiên bước đến, hai người không hề biết rằng có một cuộc đấu nội lực đang xảy ra trước mặt. Thấy có người xuất hiện, kẻ đeo mặt lạ lập tức dừng tay. Dường như y muốn tránh sự chú ý chốn đông người hơn là kiêng giè một điều gì đó. Chỉ chờ có vậy, lão Hổ cũng buông tay. Kẻ đeo mặt lạ nhanh chóng đi về phía trước, rồi biến mất phía cuối ngõ, trước khi Phạm Văn và Minh tiến đến nơi.
- Bác Hổ, ai vậy.
- Không rõ, người lạ chung đường thôi.
Lão Hổ buột miệng đáp, rồi quay sang hỏi han thằng bé:
- Phúc, cháu ổn chứ?
Phúc vẫn chưa hết hoảng hốt, lí nhí trả lời:
- Cháu ổn.
- Vậy ta về quán trọ thôi.
Bốn người nhanh chóng quay trở về quán trọ. Vừa đi,lão Hổ vừa vận công, ngầm ép luồng hỏa khí còn trong cơ thể ra ngoài, bàn tayvẫn còn cảm thấy nóng rát. Trong khi đó, Phúc lại đang lo nghĩ, không biết khivề quán trọ sẽ phải nói với lão Hổ như thế nào về sự việc ban nãy. Kiểu gì nócũng bị lão trách mắng vì đã quên lời dặn tối qua, tự ý đi lại một mình. Nỗi lo lắng hồn nhiên đó khiến nó quên đi mất cảm giác đau nhức vẫn còn trên vai.