Chương 16: Lên đường
Những ngày sau, ngoài việc bầu bạn bên mộ lão Hoàng Cái, Phúc cũng dành thời gian để tập luyện cước pháp. Tất cả đã được lão Hoàng Cái ghi chép, họa đồ chi tiết vào tấm vải. Cả lộ cước pháp gồm mười tám thức, gọi chung là tấn bộ, trong đó mười thức đầu được lão đặt tên là Phá, tám thức sau tuy được chép chung liền mạch, nhưng không thấy có tên gọi? Ngoài ra, trên tấm vải còn có thủ bộ, là các ghi chép, hướng dẫn về bộ pháp di chuyển, cách bước đi theo tám phương vị. Tuy rằng Phúc không hiểu biết về kinh dịch hay bát quái, nhưng dựa vào đồ hình được vẽ, bước theo cũng thấy thêm phần linh hoạt, thanh thoát, tự cho rằng nếu trong giao chiến sẽ giúp tránh được nhiều chiêu thức của đổi thủ, bù đắp cho sự thiếu hụt của đôi tay.
Đối với tấn bộ, chàng lại càng cảm thấy hứng khởi, thích thú. Các chiêu thức liên miên bất tận mà uy lực kinh người. Một khi Phá cước được khởi, kẻ luyện võ như bị thôi động tâm trí. Trong vòng xoáy dẫn động của cước pháp, chiêu số càng gấp thì cước lực càng tăng, kích phát võ giả đến cực hạn. Dù mới sơ luyện, Phúc đã cảm thấy sự thu hút mãnh liệt. So sánh với quyền pháp mà chàng học được từ ông, thứ mà lão Hoàng Cái gọi là Vô Tướng quyền, lại càng đối nghịch:
"Quyền pháp ông dạy cho ta lấy luyện tâm là chính, lấy tĩnh để chế động. Ngược lại, Phá cước của lão Hoàng Cái lại lấy động để dẫn tâm nhập cước. Hai thứ võ công đối với nhau như nước với lửa, thật khó để dung hợp. Phải chăng là do lão Hoàng Cái một đời theo đuổi, quyết chí vượt qua ông của ta"
Đồng thời, Phúc cảm nhận luồng chân khí mà lão Hoàng Cái đã quán nhập không ngừng kích động, đôi khi đột phát khiến cước lực trở lên mất kiểm soát. Dù chàng đã cố gắng chế phục, nhưng dòng chân khí đó vẫn chưa thể ôn hòa.
Sau mười ngày, Phúc quyết định bái tạ lão Hoàng Cái rồi rời đi. Việc đầu tiên là tìm về quán nước hôm nọ. Con ngựa đen yêu quý đã không còn ở đó. Tuy nhiên, việc Lương Nhất Công và người của Thanh Sơn môn thoát khỏi vòng vây khốn, hay chuyện đám giặc Khăn Đen đại loạn như rắn mất đầu, để rồi bị quan quân vây bắt khiến Phúc cảm thấy có chút nhẹ nhõm. Trong lòng chàng nuôi hy vọng về sự bình an sẽ đến với Lương Nhất Công.
Không có ngựa, Phúc tìm ra bến nước theo lời khuyên của lão chủ quán. Tại đây, chàng được một gã thương lái tên Lưu Hợi nhận lên làm phu thuyền, chuyên việc bốc dỡ hàng lên xuống các bến. Lần đầu tiên, Phúc được trải nghiệm cảm giác dập dềnh sóng nước. Nó dễ chịu, thoải mái hơn so với việc phải suốt ngồi trên lưng ngựa. Lênh đênh theo cánh buồm căng gió, Phúc đi qua phủ Thiên Đức (Bắc Ninh) nơi có những ngôi làng thanh bình trải dọc hai bên bờ, những ngôi chùa tôn nghiêm, cổ kính soi bóng xuống dòng sông. Những cơn bão đầu mùa thật dữ dội. Sau hơn tuần, thuyền đến đất Long Biên, cửa ngõ của kinh thành Thăng Long. Lưu Hợi nói:
- Lát vào bến, ngươi đi với ta. Nay có mối hàng quan trọng, cần phải giao tận nơi.
Phúc vừa mới tỉnh giấc ngủ trưa, vươn vai ngáp một hơi dài, rồi uể oải:
- Ừm.
Câu đáp chọt lỏn, thật không giống của một tên phu bộc đối với ông chủ. Lưu Hợi cũng chẳng thèm để ý đến. Từ ngày có Phúc, gã đỡ hẳn hai ba phu thuyền, mọi công to việc nặng đều một mình chàng giải quyết. Phúc cũng chẳng đòi hỏi gì tiền công, chỉ cần nuôi cơm và trả cho mấy đồng tiền rượu là được. Vì vậy, thành ra gã thương lái cũng rất thoải mái đối với chàng. Thuyền chuẩn bị cập bến thì một bóng người vọt lên mạn trái. Nom tướng mạo thấy quen, Phúc gọi lớn:
- Kiếm Tặc! Lão Kiếm Tặc!
Người lạ ngoái đầu lại, quả nhiên là lão Kiếm Tặc.
- Ta, là ta nè.
Phúc lại í ới gọi. Lão Kiếm Tặc tiến lại, nhíu mày rồi ồ lên:
- Thằng nhóc, là đệ tử của lão Hoàng Cái.
Phúc gật đầu. Lão Kiếm Tặc hất hàm:
- Đi đâu đến đây?.
Phúc tặc lưỡi:
- Đi chơi thôi. Không có ngựa rồi nên xin làm phu thuyền để dong duổi. Còn lão, đi đâu mà vội vàng thế?
- Chơi thôi, chẳng phải công chuyện gì.
Phúc lại để ý đến cây đao trạm trổ hình rồng trong tay lão:
- Cây đao đẹp đấy,của lão à?
Lão Kiếm Tặc giơ cây đao lên, lắc đầu:
- Không phải, của đi mượn đấy. Đẹp thật không?
- Thật.
- Cho ngươi đấy.
Phúc ngạc nhiên:
- Sao lại cho ta? Rõ là của đi mượn mà.
Lão Kiếm Tặc hí hửng cười rồi nói:
- Thì đã sao. Thích thì cho ngươi thôi.
Không biết là lão nói chơi hay thật, nhưng Phúc vốn không dùng đao nên thẳng thừng từ chối:
- Ta không biết dùng đao, lấy làm gì. Lão mượn của người ta thì mang trả đi.
Lão Kiếm Tặc dường như cũng vội, nhác trông lên bờ và nói:
- Không lấy thì thôi. Giờ ta có việc, đi trước đây.
Rồi tung người vọt nhanh qua mấy thuyền bên. Lần nào cũng vậy, y cứ đến và đi nhanh như một cơn gió. Lão Kiếm Tặc vừa đi được lúc thì từ trên bờ, một toán người xuất hiện, lao xuống thuyền. Những kẻ này mặc áo tràm, mang theo đao kiếm, hẳn là người của bang phái nào đó. Tên cầm đầu quát lên:
- Các ngươi có thấy một lão già cầm theo đao lên thuyền không?
Phúc đã nhủ lòng không dây dưa đến chuyện giang hồ, vừa trông thấy chúng thì giả đò, lẳng lặng ra ngồi một góc. Lưu Hợi chủ động đến trình báo.
- Các vị, đúng là vừa có một gã cầm đao qua đây, nhưng đã đi mất rồi!
- Đi đâu?
- Không biết, thấy qua các thuyền bên.
- Lâu chưa?
- Cũng được lúc, độ nửa tuần trà. Gã vừa đi xong khỏi đây thì các vị tới.
Đám người áo tràm lập tức theo chỉ điểm của Lưu Hợi, tìm sang các thuyền bên. Phúc thấy vậy thì cũng ngấp ngóng trông theo. Lưu Hợi nhìn chàng, huýt sáo:
- Ê. Đi thôi, đến giờ giao hàng rồi. Đi nhanh kẻo không kịp xong trong chiều.
Phúc cố lấn lá thêm nhưng không thấy có động tĩnh, chắc mẩm lão Kiếm Tặc đã không còn trên mấy thuyền đó nữa. Chàng nhấc bổng sọt hàng lên vai, rồi đi theo Lưu Hợi. Vừa đi, Lưu Hợi vừa nói:
- Mấy thằng vừa nãy là người của Long Biên Nhất phái, là môn phái lớn nhất vùng này. Ta nên né đi là hơn, tránh phiền hà vòi vĩnh.
Đường vào trong phố, càng xa bến nước lại càng sầm uất, đông đúc. Đi được nửa canh giờ thì chàng thấy xung quanh toàn là phủ đệ với những mái lầu, đình tháp nguy nga. Lưu Hợi căn dặn:
- Hôm nay chúng ta sẽ giao hàng đến Thành Hầu phủ. Vào trong đấy, tốt nhất cứ việc mình mà làm, xong thì rút. Đừng có dòm ngó linh tinh, lại tội vạ vào thân.
Thành Hầu phủ. Hai người được gia nhân dẫn lối, đi dọc theo dãy hành lang, băng qua mấy lần cửa lớn. Lần đầu tiên Phúc được đặt chân đến biệt phủ của bậc vương tước công hầu. Chàng hiếu kỳ quan sát xung quanh. Từ bức tường gạch phẳng phiu cho đến những hàng cột gỗ đều tăm tắp, những chiếc đèn lồng treo cao hay các bức tượng đá tạo tác hình thú sinh động, một hòn non bộ kỳ vĩ tọa lạc giữa hồ nước, án ngữ trước mặt tòa dinh thự tráng lệ. Tất cả đều mới lạ và sa hoa. Phúc nhìn ra khoảng sân lớn trước mặt. Một tay võ sư với dáng vẻ đạo mạo, phong thái cao ngạo đang ngồi uy nghiêm trên chiếc ghế tựa, hai bên có gia nhân hầu hạ, kẻ che lọng, người phe phẩy chiếc quạt. Y trầm ngâm suy tư, đôi mày nhíu lại. Trước mặt y, một thanh niên béo mập đang đi quyền, từ đầu tóc đến trang phục đều toát lên vẻ cao sang quyền quý. Tay võ sư rời ghế, nói:
- Công tử, đánh như vậy là chưa được.
Rồi bước ra thị phạm.
- Võ phải toát ra được cái uy dũng của nó. Quyền ra quyền, cước ra cước, hiên ngang, mỗi đòn đánh ra có thể kinh thiên đảo địa.
Y vừa múa quyền, vừa rao giảng phụ họa. Những đường quyền ngón cước được trổ ra thật sự đẹp mắt, bóng người khoa lộng trên sân. Tên công tử béo mập vỗ tay bôm bốp, thích thú reo lên:
- Hay quá. Quách sư phụ, ngài đánh võ đẹp lắm, mau dạy ta đi.
Đối với Phúc, chàng cảm thấy thứ võ bày ra trước mắt thật tầm thường, không được như những lời phụ họa. Dường như tay võ sư họ Quách đang cố gắng phô diễn khoa trương. Gã công tử vụng về tập theo, nhưng được mấy bước thì trượt chân ngã chổng kềnh ra sân, kêu lên oai oái. Tay võ sư hốt hoảng, vội đến đỡ dậy. Chứng kiến màn tấu hài của hai thầy trò, Phúc không nhịn được, cứ đứng tựa cột mà cười. Lúc này, Lưu Hợi đã đi được một quãng, ngoái lại không thấy tên phu của mình đâu, liền trở ra tìm. Gã thấy chàng tự cười một mình như ma nhập thì lấy làm kì quái, đưa tay lay nhẹ.
- Này, đi thôi. Cười cái gì đấy.
Đồng thời đánh mắt trông theo ánh nhìn của Phúc. Ngoài sân, gã công tử mập mạp đương làm bộ đau đớn thì trông thấy, lập tức quát lên:
- Thằng kia, cười cái gì?
Lưu Hợi cả kinh, lại thúc mạnh vào mạng sườn của Phúc:
- Này, muốn c·hết à. Đi mau.
Cái thúc đau điếng khiến Phúc chợt tỉnh. Chàng nhanh chóng sốc lại sọt hàng trên lưng, bước đi. Gã công tử lại quát lớn:
- Hai đứa bây, đi ra đây.
Phúc ngây ngô rất thật, còn Lưu Hợi thì mặt nhăn như quả táo héo, biết là có chuyện phiền phức. Gã huých vai chàng, hai người dắt díu nhau bước ra. Gã công tử hằm hằm tiến đến:
- Nhà ngươi vừa cười cái gì?
Tay võ sư cũng nhìn chàng với ánh mắt khinh khi. Phúc vẫn ngây ngô. Chàng ngó nhìn Lưu Hợi, rồi lại nhìn hai thầy trò trước mặt. Với chàng, cái cười rất vô tình, không hề có ý đùa cợt châm chọc, không thể là một điều gì đó mạo phạm được. Lưu Hợi thì sợ hãi, vội đỡ lời:
- Phùng Trúc công tử, là cái tên phu bộc của tôi ngu độn, chưa hiểu phép tắc ở đây.
Cái điệu bộ khúm núm, xum xoe mới thô bỉ làm sao. Gã khẽ ra dấu. Phúc hiểu ý, nhưng trước nay chàng chưa từng tiếp xúc với những kẻ có địa vị, chức tước, càng không biết cách hạ mình xu nịnh, thành ra chỉ đứng đơ như khúc gỗ. Lưu Hợi lại nói:
- Phùng Trúc công tử, xin bỏ qua cho. Cậu là bậc quý nhân trên cao rộng lượng, không nên chấp lũ tôi mọi hèn kém.
Phúc nhận ra có gì không ổn, thầm nghĩ:
"Cái này chẳng phải là đang nói mình sao? Dù có gì cũng đâu cần phải hạ thấp, nhục mạ người khác như vậy? Không lẽ chỉ vì cái cười của ta? Nếu đổi lại là ta bị trượt chân ngã, người khác xem cười thì ta cũng chẳng thể giận dữ mà bắt bẻ được."
Trong lòng có chút khó chịu, nhưng chàng vẫn mặc kệ, coi như không nghe thấy. Gã công tử tên Phùng Trúc lại lớn tiếng:
- Không được, việc này không thể bỏ qua được. Thằng này, có phải khi nãy thấy ta trượt chân nên ngươi cười nhạo, đúng không?
Phúc thản nhiên đáp:
- Không có?
- Nhất định là có? Muốn cãi à?
- Không có?
Phúc cứ thế cự cãi. Chàng vốn từ nhỏ sống miền biên viễn, với những kẻ công hầu chức tước không hề có ý thức về địa vị phẩm cấp, ngược lại còn có phần định kiến. Từ điệu bộ không chút kính cẩn, đến cách xưng hô ngang hàng càng khiến gã công tử quyền quý thêm tức giận. Gã hằn giọng, hét lên:
- Thằng tôi mọi này, để ta cho ngươi một trận.
Rồi vung nắm đấm đấm thẳng tới. Tất nhiên, với thứ võ nghệ tầm thường của gã thì chẳng thể nào đánh trúng được. Phúc nghiêng người tránh nhẹ. Gã công tử đấm hụt, lao cắm đầu về phía trước, ngã dúi dụi. Tay võ sư thấy vậy thì trợn mắt, vội vàng lao đến, dù là thầy dạy võ mà điệu bộ cũng có bảy phần kính cẩn. Lưu Hợi cũng nhanh chóng xà xuống, duy có Phúc là vẫn đứng trơ ở đó. Gã công tử ngóc đầu dậy, xen lẫn tiếng kêu rên là lời chửi bới:
- Thứ chó c·hết, ngữ súc vật, ngươi dám du ta à.
Phúc bị chửi cũng tức chí, nhưng vẫn nhẫn nhịn:
- Là công tử tự ngã, không phải tại ta nhé.
Lưu Hợi liền hất hàm:
- Này, còn không mau cúi đầu tạ lỗi công tử đi?
Rồi quay qua xem thái đội của gã công tử, lại nói:
- Phùng Trúc công tử võ công cao cường, uy danh khắp vùng, vừa rồi chỉ là chút sơ sẩy. Ngươi còn không mau tạ lỗi, hay muốn để công tử phải ra tay dạy bảo.
Nghe Lưu Hợi xu nịnh, công tử tên Phùng Trúc như nhớ ra mình là một kẻ có võ, cũng cần phải thể hiện cho ra dáng. Gã liền đứng bật dậy, vung tay gạt đi sự dìu đỡ, dõng dạc:
- Đúng vậy, cái thứ tôi mọi kia, là do ngươi hỗn láo, buộc công tử ta phải ra tay dạy bảo.
Rồi vung tay, dạng chân tạo thế võ. Phúc nhìn bộ dạng hài hước của gã, cười thầm:
"Cái gã công tử béo núc này, bộ dạng trông như con rùa mà muốn dạy bảo ta ư? Đánh hắn thì chỉ tổ chuốc thêm phiền phức, nhưng bảo ta cúi đầu xin lỗi thì còn lâu. Hắn đã ra vẻ biết võ, ta cũng nên giả bộ sợ hãi cho hắn sướng xem sao "
Chàng liền thốt lên:
- Đừng, đừng đánh ta mà.
Gã công tử thấy chàng run sợ thì thích chí lắm, lại ưỡn ngực tỏ vẻ oai phong rồi giơ nắm đấm đánh tới, miệng hô to:
- Xem quyền ta đây.
Phúc tiếp tục diễn, chạy loạn lên.
- A... đừng đánh ta.
Được nửa vòng sân, gã công tử nhắm đuổi không được đành đứng lại, quát lên:
- Thằng tôi mọi kia, sao ngươi cứ chạy hoài thế. Hãy đứng lại đấu với ta xem nào. Chỉ cần ngươi đánh thắng, ta sẽ tha hết tội cho ngươi.
Phúc nghe vậy thì hí hửng, nghĩ:
"Đánh thắng con rùa như ngươi thì khó gì chứ, chỉ cần một cái gạt chân cũng đủ để ngã rồi."
Chàng lại nhìn sang tay võ sư, thấy hắn thâm trầm bí hiểm, lại cao ngạo khinh khi.
"Thắng tên mập thì dễ, nhưng còn gã sư phụ của hắn. Mấy chuyện xui xẻo vừa mới qua, tốt nhất không nên cho ai biết là ta biết võ, tránh thêm phiền phức"
Chàng rụt rè đến sau Lưu Hợi, nói:
- Nhưng mà ta không có biết võ.
Lưu Hợi cũng lên tiếng:
- Phùng Trúc công tử, thực tình tên phu bộc của tôi không có biết võ.
Gã công tử kiên quyết:
- Không biết cũng phải đấu? Ai bảo khi nãy nó dám cười nhạo ta.
Lưu Hợi lại quay qua Phúc động viên:
- Phùng Trúc công tử đã ra lệnh như vậy thì phải nghe theo thôi. Ngươi cứ ra đấu rồi ta sẽ xin tha cho. Phùng Trúc công tử là bậc trượng phu rộng lượng, cậu ấy chỉ có ý dạy bảo, sẽ không nặng tay đâu.
Lão ghé sát tai, nói nhỏ:
"Ngươi chỉ được phép chịu đòn, chớ có dại mà đánh trả. Công tử có xước xát gì thì cả ta và ngươi đều khổ đấy"
Phúc nhìn bản mặt gian manh của gã, thầm nghĩ:
"Cái tay c·hết tiệt, xui như vậy khác gì bảo ta cứ giơ mặt cho đấm. Có giỏi thì lão ra mà đấu"
Gã công tử thấy hai người thủ thỉ thì sốt ruột quát lớn:
- Hai thằng nhà ngươi nói gì mà lắm thế. Nào, mau ra đấu với ta.
Phúc hạ sọt hàng trên lưng, ậm ờ tiến ra.
- Hôm nay ta sẽ cho ngươi thấy quyền pháp vô địch của Quách sư phụ ta.
Gã công tử tuyên bố đầy hùng hồn, đồng thời bước rộng chân, trầm mình, hai tay giương ra như đại bàng tung cánh, tư thế cũng có hai ba phần oai phong. Ngược lại, Phúc nhìn mãi cũng chỉ hình dung đến con rùa lệ mệ. Đối phương lao đến, chàng lại nhảy đông nhảy tây né tránh, cố diễn vẻ vụng về luống cuống, chốc chốc kêu lên.
- A...aaa....
Chàng lại nhảy đến sau lưng Lưu Hợi, lôi gã làm lá chắn, cứ núp bến trái lại ló bên phải. Lưu Hợi vốn không phải người khỏe mạnh cường tráng, bị kẻ có võ như chàng khống chế thì chẳng thể cựa quậy thoát ra, sợ hãi kêu lên:
- Đừng, đừng, Phùng Trúc công tử .....Bụp ...Á
Gã công tử chẳng màng đến, vung tay đấm thẳng. Lưu Hợi lĩnh nguyên một đấm vào mặt, bật ngửa ra sau, hai tay ôm mũi, máu đỏ chảy ròng ròng. Gã kêu gào thảm thiết, còn Phúc cũng hùa vào la lên đầy hoảng hốt:
- Úi cha, chảy máu rồi. Công tử, sao người lại đánh ông ấy. Đánh vậy là c·hết người đó.
La là la vậy, chứ trong tâm chàng lại vô cùng đắc ý:
"Đáng đời lắm. Cứ giơ mặt ra cho đánh, đúng như lời ngươi dặn."
Tên công tử không mảy may thương xót, lại nhắm đến Phúc lao đến. Chàng đành kệ gã thương lái đang nằm sõng soài trên sân, lại vắt chân lên chạy:
- Đứng lại, ai cho ngươi chạy hả.
- Không, ta sợ máu, ta sợ đau lắm.
Cả hai đuổi nhau khắp sân, tiếng hô hào, tiếng kêu la thật huyên láo. Đám gia nhân trong phủ nghe thấy, cũng kéo đến thật đông vui. Sau một hồi, gã công tử béo mập thấm mệt, không chạy được nữa đành đứng lại, miệng thở hồng hộc.
- Không đấu, không đấu nữa.
Phúc cũng dừng lại, hềnh hệch cười:
-Công tử, vậy là không đấu nữa nhé.
Gã công tử nhăn mặt, gắng sức hít thở:
- Nghỉ thôi, hôm nay không đấu nữa.
Phúc thấy vậy thì trờ về bên Lưu Hợi, ngó qua cái bản mặt tội nghiệp của gã như thể hiện sự quan tâm. Gã thương lái nói:
- Công tử đã cho nghỉ rồi thì chúng ta đi thôi.
Cả hai vừa nhấc sọt hàng lên thì gã công tử lên tiếng:
- Ê ê. Các ngươi định đi đâu?
Lưu Hợi đáp:
- Bẩm công tử, tôi giao hàng vào phủ xong rồi về thuyền.
Gã công tử xua tay:
- Không được. Ai cho các ngươi đi mà đi.
Lưu Hợi ngơ ngác không hiểu, lại cúi mình:
- Bẩm công tử, không phải người vừa bảo là nghỉ rồi.
- Đúng, ta có nói.
- Vậy chúng tôi đâu còn việc gì ở phủ nữa.
Gã công tử hống hách:
- Ta bảo nghỉ là nghỉ hôm nay, còn việc đấu võ này ngày mai vẫn phải tiếp tục. Cuộc đấu chưa có kết quả thì chưa thể thôi được. Các ngươi không được đi đâu cả.
Lưu Hợi nghe vậy thì biết phiền phức vẫn chưa xong. Gã vẫn tỏ ra vui vẻ, tươi tắn hiểu ra vấn đề, đồng thời lựa lời nhỏ nhẹ nói:
- Ra là vậy. Nếu thế thì xin phép công tử ngày tôi sẽ lại đưa tên phu bộc này đến để cuộc đấu được tiếp tục.
Thực ra Lưu Hợi muốn kiếm cớ để cả hai cùng chuồn, nhưng gã công tử cũng không phải dạng kém khôn ngoan. Hắn cười sằng sặc một chặp, rồi bất chợt trợn mắt, gắt lên:
- Không được. Nghĩ ta ngu lắm à mà thả các ngươi đi. Tối nay, hai chủ tớ các ngươi phải ở lại đây.
Trông điệu bộ của gã công tử lúc này cũng có mấy phần ranh mãnh, khác hẳn vẻ khù khờ, vụng vệ lúc tập võ. Lưu Hợi lúc này mặt tái mét, giọng run lập bập:
- Nhưng mà... thưa công tử...tôi còn phải về trông thuyền.
Gã công tử thờ ơ:
- Kệ, đấy là việc của ngươi. Còn ta, ta chỉ quan tâm đến cuộc đấu sáng mai. – Rồi ghé tới gần, thì thầm- Nếu ngày mai ta không thắng được thì ngày kia lại đấu tiếp. Các ngươi cứ ở đây đến khi nào ta thắng thì thôi. Yên tâm, ta không để các ngươi c·hết đói đâu. Há há há.
Điệu cười khoái trá cất lên. Dứt cười, gã quay qua đám gia nhân, ra lệnh:
- Người đâu, nhốt hai tên này vào nhà kho.
Thế là hai người được bốn tên gia nhân dẫn đi. Tronglúc gã thương lái xụt xịt, mếu máo như khóc thì Phúc lại giữ cho mình sự imlặng, bình thản đến kỳ lạ.