Mộng Chiếu

Chương 56: Đơn Phương Độc Mã




Nhiếp Tư Mặc một thân đơn độc đứng trên ban công tầng cao nhất Trùng Hoa lầu, nàng chắp tay sau lưng, đôi mắt đen sâu hướng về phía rặng núi trùng trùng điệp điệp ở ngút ngàn phía trước.

Trùng Hoa lầu thuộc quyền cai quản của Ôn Kỳ Thiên và nằm cách Hàm Quang lầu một con sông lớn, muốn qua được đây phải băng qua một cây cầu tương đối khang trang và cũng làm bằng loại gỗ Huyết Long đỏ quen thuộc.

Thiên Cực lâu có ba quần thể chính là Hàm Quang lầu to lớn nhất chuyên xử lý chính vụ hay thu thập và xử lý thông tin cũng như là nơi ở của một bộ phận người trong lâu. Trùng Hoa lầu chuyên về rèn binh khí, chế tạo cơ quan và là nguồn nhân lực chủ yếu cho việc khai thác vàng ở mỏ gần đó. Cuối cùng là Viêm Dương lầu được dùng vào các việc như dược phòng hay lưu trữ sổ sách.

Nàng cũng chẳng phải người yêu thích hay hứng thú với việc rèn đao rèn kiếm nhưng cũng vì "đại cục" nên mới phải lết xác đến tận đây.

Một kẻ chỉ biết quanh đi quẩn lại trong hai nơi là tư phòng và tịnh thất của Tô Mạc Vãn thì việc mù đường là chuyện dễ hiểu thôi. Từ Hàm Quang lầu đến Trùng Hoa lầu không xa cũng không gần vì căn bản quần thể Thiên Cực lâu vốn đã rất rộng lại nhiều công trình phụ nên cũng chỉ cần lơ đãng đôi chút là lạc đường như chơi.

Làn gió man mát đưa đẩy hai lọn tóc dài trước gương mặt thiếu niên thanh kỳ tuấn tú.

Phong cảnh phía xa xa kia không tính là thơ mộng như lại hùng vĩ vô cùng, tầng tầng lớp lớp ngọn núi cứ đan xen nhau từ cao đến thấp đều có cả, ẩn hiện sau màn sương mờ cùng đại bàng uy mãnh sải cánh chao lượn trên trời cao bất tận.

Khung cảnh kỳ vĩ như vậy mà thiếu niên lại không có một chút xúc cảm lay động nào. Hoàn toàn bình tĩnh đến kinh ngạc.

Mùa đông năm nay đến thật nhanh mà đi qua cũng nhanh.

Nàng rủ mắt nhìn Hổ phù trong lòng bàn tay, tấm Hổ phù năm xưa Quân Trầm Ngư dùng để triệu tập vạn binh hùng đánh đổ từng tòa thành trì, biến cả dải đất Trung Nguyên chìm trong biển máu đang nằm trong tay nàng.

Lời của Tô Mạc Vãn từng nói trước kia cứ quẩn quanh trong tâm trí nàng mãi không dứt: Không màng giang sơn, chẳng kể triều đại.

Một kẻ như hắn thực sự không cần quyền lực?

Bước chân không nhanh không chậm từ phía sau vang bên, Nhiếp Tư Mặc ý thức được người nàng cần đã đến, rời mắt khỏi tấm Hổ phù rồi ho nhẹ hai tiếng.

Đông Kính ôm quyền hành lễ: "Công tử cho gọi ta."

Nhiếp Tư Mặc chậm rãi đưa lưng lại, lãnh đạm nhìn kẻ thủ hạ rồi cất giọng: "Ta cần ngươi làm một chuyện, hy vọng ngươi sẽ không để bất kỳ ai khác biết."

"Ta sẽ không nhiều chuyện."

Nàng gật đầu hài lòng: "Được rồi, ngươi hãy đi xuôi theo biên giới giáp phía nam nghe ngóng mọi chuyện, đặc biệt lưu tâm đến đám quân binh và quan huyện đó. Nhất cử nhất động của họ đều không được bỏ sót. Ngươi hiểu rồi chứ?"

"Vâng, ta sẽ đi làm ngay."

Mắt nàng loé sắc sáng, dõi theo hình bóng kẻ hắc y kia dần biến mất rồi mới khẽ thở dài.

Thứ được cất giấu đằng sau mật thất kia vẫn luôn khiến nàng trăn trở.

Có khi nào đó là Ngọc tỷ tiền triều mà Tô Mạc Vãn từng nhắc tới?

Nàng chống hai tay lên lan can bằng gỗ đỏ, đưa mắt nhìn trời mà trong thâm tâm lại có chút nặng nề.



Xuân sang có tiết thanh minh, vẫn nhớ năm xưa thường cùng mẫu thân và nhị ca sắm sửa y phục thật đẹp rảo bước trên thảm có mênh mông mà cười cười nói nói, cùng chung vui lễ hội đầu năm trên đường Chu Tước hoa lệ. Lại cùng đến vùng Vân Lương sông nước bốn bề tiên cảnh.

Có lẽ đây sẽ là tiết thanh minh đầu tiên nàng không được ở bên mẫu thân, cũng chẳng thể thắp cho người một nén nhang.

Không biết mộ phần của người có được hương khói đủ đầy không?

Hay là... đã trở nên quạnh hiu trống vắng.

...

Tiết trời phương nam độ sang xuân se se lạnh khiến lục mai cùng hồng đào nở đúng vụ hơn. Trên thảm cỏ xanh mướt một nữ nhân vận y phục tối giản cùng phục sức không quá cầu kỳ nhưng mỗi bước chân của nàng lại yểu điệu thanh thoát không khỏi khiến người ta nghĩ đến một vị phu nhân thế gia nào đó.

Theo sau nàng còn có bốn tiểu nương tử độ mười lăm mười sáu, mỗi người đều xách trên tay một chiếc giỏ đan bằng tre không quá lớn.

Lý Giai Kỳ hỏi nhỏ đám thị nữ: "Lão gia không đến sao?"

Một người trong đám trả lời: "Thưa phu nhân, Thái phó đã rời phủ từ sớm, chúng nô tì cũng không rõ."

Lý Giai Kỳ không nói gì thêm, tiếng tục nương theo bờ cỏ mà tiến thẳng về phía trước.

Cách đó không còn xa có một gò đất nhỏ nhô lên cùng một tấm gỗ dài khắc trên đó ba chữ đã bị cát bụi làm mờ.

Có lẽ là phần mộ của một người xấu số nào đó, không được xây dựng khang trang cũng chẳng được khắc tên tuổi một cách tử tế. Xem ra chỉ là một dân đen tầm thường.

Lý Giai Kỳ bước đến trước gò đất, hướng tầm mắt vào tấm gỗ mờ nhạt khi mà rủ mắt xót xa. Nàng đưa tay trần phủi đi đám bụi dày đặc trên đó, một dòng chữ hiện ra.

Là mộ của Nhiếp tam nương.

Tiếng quạ bay kêu trên bầu trời trong veo sao mà thê lương đến vậy, có ai nghĩ rằng một tiểu thư vọng tộc lại được an táng đơn sơ cho có như vậy, không ngoa khi nói còn nghèo nàn hơn cả dân đen.

Phần mộ của Lâm phu nhân được đặt tại đền Tịnh Am và Nhiếp Tư Mặc không được chôn cất cùng bà. Dù bài vị của nàng nằm ở đó nhưng một phần lại được "xây" ở ngoại ô kinh thành.

Nói là mộ phần nhưng lại không có xác mà thực chất là nơi chôn những kỷ vật của nàng cũng như châu báu và vật dụng của tiểu thư khi còn tại thế.

Chính vì là nơi chôn những vật tương đối có giá trị nên để tránh đám đạo mộ dòm ngó, Nhiếp Hoằng đã không cho xây quá phô trương mà chỉ cần một gò đất nho nhỏ là được.

Sáng sớm nay Lý Giai Kỳ đã đến đền Tịnh Am lau dọn phần mộ của Lâm phu nhân và thắp vài nén nhang. Nàng và phu nhân khi còn sinh thời tuy không có quá nhiều ơn nghĩa nhưng lão phu nhân cũng chưa từng bắt bẻ hay gây khó dễ với nàng, vả lại gả đến Nhiếp phủ này rồi thì phu nhân hay lão gia cũng đều là phụ mẫu của nàng cả. Giờ đây Đại lang được điều đến Lăng Châu xa xôi, Nhị lang bỏ đi không để lại một lời. Việc thờ cúng này không đến tay nàng thì ai đây?

Lý Giai Kỳ thắp lên ba nén nhang rồi cắm vào lư hương bằng đồng nho nhỏ đặt trước ván gỗ rồi khấn ba cái.

Con nước nhỏ ở đầu dòng suối cứ chảy róc rách hoà cùng tiếng gió đìu hiu và tiếng quạ kêu từng hồi thảm thiết trên bầu trời.

Một thị nữ rụt rè lên tiếng: "Phu nhân... dù sao đây cũng không phải mộ phần của Tam nương... nô tỳ thấy người không cần phải quá hao tâm tổn sức..."

Lý Giai Kỳ chỉ cười nhạt dịu giọng đáp: "Tam nương chấp nhận gả đi phương bắc mà không một lời oán thán, một thân nữ nhi chống đỡ với vạn binh hùng. Ta hơn Tam nương những bảy tuổi mà lại chẳng thể oanh liệt được như vậy, điều muội ấy làm được ta lại không thể. Ngươi nói xem, một người như vậy không xứng đáng có được sự ghi ơn sao?"



"Là tiện nô ngu muội, xin phu nhân thứ lỗi."

Nàng chậm rãi đứng dậy ngẩng đầu nhìn trời.

Thế gian này sao mà lắm bất công quá vậy?

Người ta vẫn nói có âm thì có dương, có vui thì cũng có khổ, chúng cứ đan xen lẫn nhau trong vòng mỗi người. Ấy thế lại có những cuộc đời mà niềm vui thì chóng qua, toàn thấy một màu đau thương.

Y phục mới mà lương thực chuẩn bị cho lưu dân vùng ngoại ô đều đã được Lâm phu nhân dặn dò trông coi cẩn thận. Bà từng nói với Lý Giai Kỳ rằng vụ mùa năm nay sẽ bội thu, những nạn dân ấy sẽ có cái ăn cái mặc, có thể tự mình làm ra của cải vật chất. Bà nói rằng đến lúc đó sẽ dẫn nàng đi đến từng hộ, chỉ bảo nàng làm những món điểm tâm đơn giản, cùng dân chúng học về canh tác và trồng trọt, giúp họ thay đổi số phận.

Người từng nói vu vơ rằng: "Nếu sau này ta không còn nữa... trăm sự gửi gắm hết vào A Kỳ rồi."

Cuối cùng người đã thất hứa.

Có phải người đã dự đoán được cái chết của mình từ trước rồi?

...

Nhiếp Tư Mặc đã lượn lờ trong xưởng rèn binh được nửa ngày trời rồi, tiếng búa đập mạnh từng hồi vào khối kim loại đang đỏ lửa rồi tiếng mài dũa nghe muốn rợn tóc gáy kết hợp cùng cái nóng của lò nung càng khiến không gian trở nên ngột ngạt bí bức.

Tất nhiên nàng không vô công rỗi nghề tới múc chạy đến đây chỉ để ngắm nghía, mục đích đến Trùng Hoa lầu ngoài tìm gặp Ôn Kỳ Thiên còn là để khảo sát lượng binh khí ra lò mỗi ngày nữa.

Nhân công không tính là nhiều nên lượng binh khí xuất ra tương đối hạn chế, chỉ có mũi tên là nhiều hơn một chút nhưng cũng không ăn thua.

Thiên Cực lâu vốn ẩn giấu nhiều mật đạo nên việc phòng thủ không phải vấn đề, nhưng một khi bị tấn công thì khó mà đánh trả.

Bị kẹp giữa hai bên là triều đình là Lục Ảnh môn, việc mua bán lại càng bất lợi.

Nàng thở dài gõ nhẹ lên thanh đoản đao vừa rèn xong cách đó không lâu, theo thói quen cũ mở miệng khen lấy một câu cho người ta có động lực: "Không tồi. Đao sắc đấy, ai rèn vậy?"

"Là ta rèn, thưa công tử." Một nam nhân trung niên tương đối vạn vỡ để râu quai nón tươi cười niềm nở đáp.

"Công tử còn nhỏ mà biết không ít về binh khí, đoản đao tuy nhỏ nhưng lại có thể cưa ngọc chẻ sắt một cách dễ dàng."

Đầu nàng hơi nghiêng khẽ điểm trên môi nụ cười nhợt nhạt: "Ngươi là người Khiết Đan?"

Hắn thưa vâng.

Nhiếp Tư Mặc hỏi ra thắc mắc trong lòng bấy lâu: "Tô Mạc Vãn thu nhận mọi người đều không quan tâm đến xuất thân?"

"Đúng là như vậy đó công tử, trong Thiên Cực lâu này rất nhiều người mang dòng máu ngoại tộc phương bắc. Chỉ cần không đi ngược lại với quy tắc thì sẽ chẳng có vấn đề gì cả."

Lời này có khác nào gián tiếp đâm nàng một nhát cơ chứ. Ngay từ đầu nàng đã không trung thực trong lời nói và hành động, Tô Mạc Vãn chẳng có lý do gì để tin tưởng nàng cả.