Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 494: Mạch nước ngầm mãnh liệt




Sau giờ Ngọ Trương Nguyên và Nguyễn Đại Thành đi Lễ Bộ và Hội Đồng quán, chia ra thăm hỏi Hà Thị lang và Triều Tiên tấu thỉnh sứ Vũ Yên. Khi ra khỏi Hội Đồng quán thì trời hãy còn sớm, mới là giờ Thân, hai người lại đi nha môn Cẩm Y Vệ thăm hỏi Cẩm Y Vệ Chỉ huy sứ Lạc Tư Cung. Trò chuyện một lúc, Lạc Tư Cung nói: - Đã suốt đêm thẩm vấn hai người Nạp Lan Ba Khắc Thập, đều đã cung khai, bản vệ sẽ theo thực tế mà bẩm báo Thánh Thượng, thỉnh Trương Tu soạn và Nguyễn Hành nhân yên tâm.

Sáu mươi mốt viên Cẩm Y Vệ theo Trương Nguyên đi sứ, bao gồm cả Chân Tử Đan đều chịu trách nhiệm lùng bắt, Lạc Tư Cung đã từ những viên Cẩm Y Vệ biết được tình hình cụ thể khi Trương Nguyên đi sứ. Lần này Cẩm Y Vệ chết thảm, Lạc Tư Cung đương nhiên phải giữ lợi ích cho thuộc hạ, Cẩm Y Vệ trực tiếp nghe lệnh Hoàng đế, không bị nội các và lục bộ tiết chế, cho nên tam đảng tuy rằng thế nghiêng vua và dân, nhưng Lạc Tư Cung cũng không e dè là bao. Thứ mà Cẩm Y Vệ kinh sợ chính là thái giám quản lý Đông xưởng.

Cuối đời Minh không ít quan văn, nhất là quan viên Đông Lâm giữ thái độ phản đối với Cẩm Y Vệ và Đông xưởng, đả kích xưởng vệ và chiếu ngục là tư hình của Hoàng đế áp chế tam pháp ti, họ chủ trương hủy bỏ xưởng vệ và chiếu ngục. Điều này gọi là nước có luật pháp, quân vô tư hình, tuy nhiên Trương Nguyên không có thái độ quyết liệt như đảng Đông Lâm đối với xưởng vệ. Trong lòng hắn hiểu rõ, đại thiên triều bốn trăm năm sau tư pháp vẫn chưa định rõ, muốn hoàn thiện ở cuối đời Minh là chuyện nằm mơ, loại bỏ xưởng vệ là gần như làm dao động hoàng quyền. Trương Nguyên không hề muốn đắc tội với hoàng đế, dân chủ và pháp chế của Đông Lâm không hề sai, nhưng với hoàn cảnh trong ngoài và cơ sở kinh tế lúc đó không theo sát thực tế, chế độ quân chủ lập hiến của nước Anh mất trăm năm sau mới thành hiện thực. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là hòa hoãn mâu thuẫn trong ngoài, không thể để quân Mãn Thanh dã man thay thế Đại Minh, bím tóc đuôi chuột quả thực rất khó coi!

Đương nhiên, đem tội diệt vong Đại Minh toàn bộ đổ lên Đông Lâm thì trái lại sự thật lịch sử. Từ Thiên Khải đến Sùng Trinh, trong đảng Đông Lâm rất ít người có kỳ chấp chính ổn định, quan niệm chính trị này cũng chỉ là một loại tư tưởng trào lưu, vẫn chưa thể thực thi. Cục diện chính trị cuối đời Minh thật ra là một nùi dây rối bù, không thể tùy tiện rút một sợ là gỡ rối được, nhưng hoàn toàn lật đổ để lập lai thì không phải mong muốn của Trương Nguyên. Cái gọi là khởi nghĩa nông dân, thậm chí thay đổi triều đại đơn giản là dựa vào giết chóc và cướp bóc để giảm bớt nguy cơ tài nguyên đất đai mà thôi, đến trung - hậu kỳ thì vương triều thôn tính thổ địa nghiêm trọng. Hưng, dân chúng khổ; vong, dân chúng khổ, lặp đi lặp lại thì càng khổ hơn.

Theo Trương Nguyên thấy, chế độ chính trị Đại Minh có rất nhiều chỗ hay, chỉ cần tìm đúng điểm thì chưa hẳn không có khả năng đổi mới. Thứ hắn muốn làm chính là tranh thủ thời gian, chỉ cần có thể tránh cho Tát Nhĩ Hử thảm bại, sống qua giai đoạn gian nan này, không để tài chính Đại Minh bị quân lương Liêu Đông làm suy sụp, còn lại là thiên tai, lưu dân, xâm phạm biên giới từ từ mà tính. Nhưng hiện tại Phương Tòng Triết và tam đảng cầm quyền, nội chiến, cản trở, khó khăn khôn cùng, hắn nhất định phải lợi dụng tất cả nhân tố có thể lợi dụng. Rất nhiều quan viên thanh cao khinh thường thái giám và Cẩm Y Vệ, không muốn kết giao. Thực ra những người như Cẩm Y Vệ, thái giám tựa như gia nô Hoàng đế, họ luôn có chút tự ti đối với quan viên xuất thân từ khoa cử. Nếu xem thường họ, họ sẽ khinh thường mình, thậm chí còn hận mình thấu xương. Nếu đối xử tốt với họ - những người luôn được sủng ái nhưng lo sợ rất ít khi cự tuyệt, đương nhiên trước hết là ngươi phải có thân phận và địa vị.

Trương Nguyên kết giao với Cẩm Y Vệ Chỉ huy sứ Lạc Tư Cung chính là vì vậy. Lạc Tư Cung tuy là cao quan chính Tam phẩm, nhưng thuộc hệ thống quan võ, không có tư cách kiêu ngạo trước mặt Hàn Lâm cao quý. Huống chi Trương Nguyên là Trạng Nguyên, là Đông cung giảng quan, hơn nữa hiện tại tam đảng chưa ý thức được tầm quan trọng của nội quan và xưởng vệ. Tam đảng vào năm đầu Thiên Khải bị Đông Lâm làm cho cùng đường mới muốn đầu nhập Ngụy Trung Hiền. Trương Nguyên nhìn xa hơn bọn họ, hơn nữa Lạc Tư Cung ở kinh thành danh tiếng cũng không tệ, khác với Đtiền Nhĩ Canh, Hứa Hiển Thuần là hạng người hung tàn.

Khi nói chuyện, Lạc Tư Cung có thể thấy Trương Nguyên tôn trọng y, trước đây y và Trương Nguyên đã gặp mặt vài lần. Vị tân khoa Trạng Nguyên này vừa khiêm tốn lại đường hoàng, tâm tư khó dò, nhưng hiển nhiên rất có trí tuệ và tài cán, qua một thời gian, nếu nhập các làm Tể tướng thì rất có khả năng. Lạc Tư Cung hiểu rất rõ tình hình cung đình, long thể khỏe mạnh của Vạn Lịch đế hai năm qua ngày càng sa sút. Năm trước sau vụ án Đĩnh kích, địa vị Đông cung đã hoàn toàn củng cố, quan viên Đông Lâm đã tận lực bảo vệ Đông cung trong vụ án Đĩnh kích, cho nên chớ xem tam đảng hiện tại quyền thế ngút trời, một khi tân quân vào chỗ, thân Đông Lâm như Trương Nguyên chắc chắn được trọng dụng. Vua nào triều thần nấy, đối với điều này Lạc Tư Cung thấy rất rõ ràng.

Ngoài ra, điều khiến Lạc Tư Cung bắt đầu kính nể chính là, Triều Tiên cùng với Liêu Đông Lỗ thái giám đưa lễ vật cho Trương Nguyên, hắn một xu cũng không lấy, toàn bộ dùng để trợ cấp Cẩm Y Vệ đã chết ở chận chiến núi Phượng Hoàng. Có thể nói tuyệt đại đa số quan viên sẽ không làm như vậy, bọn họ sẽ cho rằng Cẩm Y Vệ đã chết sẽ được triều đình trợ cấp, giải quyết việc chung, nào có đem tiền của mình ra, làm quan cầu tài, đại để như thế, bằng không gian khổ học tập là vì cái gì?

Thăm hỏi vỏn vẹn nửa canh giờ, Trương Nguyên và Lạc Tư Cung trò chuyện khá vui. Lạc Tư Cung muốn giữ Trương Nguyên và Nguyễn Đại Thành ở lại tổ chức dạ yến ở công đường Cẩm Y Vệ, Trương Nguyên nói: - Hạ quan hôm nay hẹn vài vị đồng niên tụ hội, không quấy rầy Lạc đại nhân nữa. Hắn cùng Nguyễn Đại Thành cáo từ, Lạc Tư Cung đích thân đưa họ ra khỏi cổng lớn.

Nguyễn Đại Thành chịu ảnh hưởng của thầy y là Cao Phàn Long, xem thường nội quan và xưởng vệ, cho nên không hiểu tại sao Trương Nguyên lại kết giao với thái giám và Cẩm Y Vệ. Có điều Nguyễn Đại Thành biết hắn là vì muốn ứng phó việc buộc tội của Lý Duy Hàn, y trong lòng không vui, nghĩ bụng: "Sớm biết có hôm nay, hà tất làm trước đó."

Cho nên hắn đến chỗ ở của Trương Đại bên sông Bào Tử cùng Văn Chấn Mạnh, Tiền Sĩ Thăng, Nghê Nguyên Lộ, Hồng Thừa Trù gặp nhau uống rượu. Nguyễn Đại Thành vẫn rầu rĩ không vui suốt, dọc đường nói thân thể không khoẻ nên về trước, Trương Nguyên cũng không để ý.

Sau khi tan tiệc, Trương Nguyên trở lại ngõ Lý Các Lão, nhớ ra vẫn chưa đưa bản gốc cuốn nhật ký cho Quách Xướng xem, liền khẩn trương đến đó. Chỗ ở của Quách Xướng cũng nằm trong ngõ Lý Các Lão, nên lúc này mặc dù đã đến giờ giới nghiêm, nhưng chỉ cần không ra khỏi ngõ phố, qua nhà hàng xóm cũng không sao.

Mà lúc này Nguyễn Đại Thành đang cùng Diêu Tông Văn, Chu Vĩnh Xuân bàn bạc. Nơi ở của Nguyễn Đại Thành nằm ở ngoài cửa Triều Dương gần Triều Dương nhật đàn, cách nơi ở của Chu Vĩnh Xuân không xa lắm. Diêu Tông Văn tới chỗ Chu Vĩnh Xuân trước, rồi sẽ cùng Chu Vĩnh Xuân tới thăm Nguyễn Đại Thành. Nguyễn Đại Thành chưa về nhà, hai người ngồi chờ ở sảnh, khi nghe thấy tiếng trống giới nghiêm vọng lại từ cửa Triều Dương từ đằng xa, Nguyễn Đại Thành đã trở lại.

Nguyễn Đại Thành thấy Lại khoa Đô Cấp Sự trung Diêu Tông Văn và Đô Sát viện Hữu thiêm Đô ngự sử Chu Vĩnh Xuân chờ y đã lâu. Không biết hai người đến có ý gì, y thấy bất an, lại nghe Diêu Tông Văn cười nói: - Nguyễn Hành nhân, Hàn Xã tụ hội đã giải tán rồi sao?

Nguyễn Đại Thành nói: - Tại hạ tửu lượng không mạnh nên cáo từ trước, cực cho hai vị đại nhân chờ lâu, không biết có gì chỉ bảo?

Diêu Tông Văn nói: - Nghe nói tổ tiên Nguyễn Hành nhân chính là Nguyễn Trọng Dung - một trong "trúc lâm thất hiền" của triều Tấn, truyền tới chi Đồng Thành khai chi tán diệp, là đại tộc tiếng tăm lừng lẫy.

Nguyễn Đại Thành vâng dạ, không dám nói nhiều.

Diêu Tông Văn lại nói: - Ta là người Chiết Giang, đến nay còn nhớ phụ lão quê nhà nhớ đức của Nguyễn Trung thừa - ông cố của Nguyễn Hành nhân.

Một câu nói của Diêu Tông Văn lập tức khiến Nguyễn Đại Thành có thiện cảm. Vào năm Gia Tĩnh, ông cố Nguyễn Ngạc của Nguyễn Đại Thành giữ chức Hữu thiêm Đô Ngự lần lượt làm tuần phủ Chiết Giang và Phúc Kiến. Khi Nguyễn Ngạc ở Chiết Giang lại tạo đức cho dân, do đó người ở Chiết Giang lập miếu, nhưng ở Phúc Kiến vì chống Nhật bất lực và bòn rút tiền dân mới bị hạ ngục, không lâu sau thì bệnh chết. Sau khi Nghiêm Tung bị lật đổ, Nguyễn Ngạc bởi vì Nghiêm thị phụ tử có liên lụy lại gặp chỉ trích sau khi chết, cho nên Nguyễn Ngạc là một nhân vật gây rất nhiều tranh luận. Ở Chiết Giang thanh danh rất tốt, ở Phúc Kiến lại bị mỉa mai là dân tặc.

Nguyễn Đại Thành cảm kích: - Diêu đại nhân kiến thức bất phàm, tổ tiên thực sự bị oan, người có nhận thức đều biết nỗi oan của tổ tiên.

Diêu Tông Văn, Chu Vĩnh Xuân nói về thiện chính của Nguyễn Ngạc ở Chiết Giang, trò chuyện vui vẻ với Nguyễn Đại Thành. Nguyễn Đại Thành bày rượu khoản đãi hai người, qua ba lượt rượu, Diêu Tông Văn đột nhiên chuyển chủ đề: - Tôi tưởng lệnh tổ bị oan, hoặc sợ là kết bạn bất cẩn. Nguyễn Hành nhân xuất thân danh môn, phong nhã hào hoa, tại sao lại gia nhập Hàn Xã, không biết Hàn Xã là do Trương Nguyên thao túng hay sao? Trương Nguyên muốn mượn ngươi và thanh thế lớn mạnh để phát triển danh tiếng cá nhân mà thôi. Nguyễn Hành nhân có tài năng lỗi lạc, sao lại cam chịu làm chuyện tốt cho người khác?

Nguyễn Đại Thành cúi đầu không nói.