Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 404: Hùng biện và trí nhớ tốt (1)




Nguồn: MT

Chu Thường Lạc nhìn từ trên xuống dưới vị tân Khoa trạng nguyên này, y đã từng nghe Chung Bản Hoa nói Trương Nguyên là người trung nghĩa, từng nghiêm nghị cự tuyệt sự lôi kéo của Trương Dưỡng Tính, cho nên rất có hảo cảm với Trương Nguyên. Trước kia không lưu ý nhìn kỹ, lúc này thấy, người này quả nhiên thanh nhã, liền không muốn làm khó cho Trương Nguyên, từ từ hỏi:

  • Trương tu soạn, ngươi cảm thấy mấy ngày nay có thể đảm nhiệm chức Đông cung giảng quan hay không?

Nghĩ thầm rằng nếu Trương Nguyên biết điều, sẽ lấy cớ còn trẻ mà không đảm đương nổi trọng trách của Đông cung giảng quan, như vậy đỡ hao tâm tổn trí.

Lại nghe Trương Nguyên không chút do dự mà đáp:

  • Thần có thể đảm nhiệm.

Chu Thường Lạc nhìn Vương An đang đứng bên cạnh, liếc Chung Bản Hoa một cái, thầm nghĩ: "Trương Nguyên kia không biết chừng mực, vậy đừng trách ta." Nói:

  • Trương tu soạn, có người tố giác ngươi có từ ngữ không tốt, ảnh hưởng tới Chu Do Hiệu con ta, con ta cũng đã thừa nhận, ngươi còn gì để nói không?

Trương Nguyên nói:

  • Xin Thái tử điện hạ chỉ rõ cho thần biết mình nói sai chỗ nào?

Chu Thường Lạc liền ra hiệu Vương An đem bản ghi chép kia cho Trương Nguyên xem, Trương Nguyên nhận lấy xem, mỉm cười với Chu Diên Nho nói:

  • Chu thị giảng, kiểu chữ Khải của Triệu Tùng Tuyết này thật làm cho hạ quan khâm phục.

Mặc dù quan điểm là chính nghĩa, nhưng dùng bản ghi chép những lời của Hoàng trưởng tôn để tố giác Trương Nguyên cũng không hẳn là chuyện đáng kính gì, Chu Diên Nho cười lạnh, nghĩ thầm rằng chỉ cần có thể loại bỏ chức Đông cung giảng quan của Trương Nguyên, sau đó tấu chương buộc tội của đám Diêu Tông Văn sẽ như trận bão, nói trắng ra, cổ động sinh đồ gây rối vân vân, sẽ cùng nhau thanh toán hết, muốn làm cho con đường làm quan của Trương Nguyên đến đây là kết thúc...

Tôn Thừa Tông có chút bất mãn với cách làm của Chu Diên Nho, lúc này đương nhiên muốn nói đỡ cho Trương Nguyên, bẩm với Hoàng thái tử Chu Thường Lạc:

  • Thái tử điện hạ, Trương tu soạn hướng dẫn cho Hoàng trưởng tôn học hành bằng những đạo lý dễ hiểu, đây là cách dạy tuỳ theo năng lực, trước đây Trương tu soạn cũng từng nói với thần về loại phương pháp dạy này, thần nghĩ rằng phương pháp này hoàn toàn không có chỗ nào không ổn. Hơn nữa từ ngày đó đến nay, Hoàng trưởng tôn có thể chuyên tâm học tập cũng có công Trương tu soạn ân cần dạy bảo. Có lẽ là Chu thị hiểu nhầm phương pháp của Trương tu soạn, lại vì lo lắng cho Hoàng trưởng tôn, nên lúc này mới buộc tội Trương tu soạn.

Chu Diên Nho chắp tay nói:

  • Tôn đại nhân, vừa rồi Hoàng trưởng tôn đã đọc bản ghi chép của tại hạ, trong đó có những lời mà Trương tu soạn đã giảng, hoàn toàn không phải là hạ quan đã hiểu lầm Trương tu soạn.

Lúc này tinh thần của Chu Do Hiệu đang căng thẳng, cuối cùng cậu cũng hiểu ra, vị Chu tiên sinh này đang hướng về phía Trương tiên sinh, nói Trương tiên sinh dạy cậu những đạo lý không tốt, muốn đuổi Trương tiên sinh đi. Chả trách mỗi lần Chu tiên sinh tiến giảng đều hỏi cậu Trương tiên sinh dạy cậu những đạo lý gì, tất cả đều là mưu kế để đuổi Trương tiên sinh đi. Điều này làm cho Chu Do Hiệu rất tức giận, một đứa trẻ mười hai tuổi yêu ghét rõ ràng, Trương tiên sinh là giảng quan cậu yêu thích nhất, trước đây cậu chưa từng gặp ai như Trương tiên sinh, ôn hòa thân thiện, cũng không đè ép cậu bằng những đạo lý lớn, bao dung với những ương ngạnh của cậu, cho nên mỗi lần thấy Trương tiên sinh đến tiến giảng, Chu Do Hiệu không kìm được mà trở nên vui vẻ , theo cách nói của cậu là "Tâm khai". Lúc này nghe Chu Diên Nho nói cậu đã đọc qua tấm thiếp kia của y và công nhận là đúng, Chu Do Hiệu rất muốn lớn tiếng nói "Vừa rồi ta xem không rõ, Trương tiên sinh cũng chưa từng nói những lời này" nhưng khi nhìn đến khuôn mặt của phụ thân, Chu Do Hiệu lại không dám phủ nhận. Dù sao thì cậu mới gật đầu nói "vâng", đột nhiên lại nói không thì thật là không tốt, phụ thân nhất định sẽ trách phạt cậu.

Nghĩ đến chuyện sau này Trương tiên sinh sẽ không làm giảng quan cho cậu nữa, trong lòng Chu Do Hiệu rất buồn, cảm giác vô cùng có lỗi với Trương tiên sinh, cậu không nên nói những lời giảng của Trương tiên sinh cho Chu giảng quan nghe.

Chu Thường Lạc nghe Tôn Thừa Tông biện hộ cho Trương Nguyên xong chỉ hơi hơi gật gật đầu, y muốn xem Trương Nguyên tự biện hộ cho mình thế nào. Trương Nguyên đang xem tấm thiếp ghi chép của Chu Diên Nho, mới vừa rồi Hoàng trưởng tôn Chu Do Hiệu đọc ngắc ngứ mất hai tiếng đồng hồ, Trương Nguyên lại đọc nhanh như gió, xem xong rất nhanh, đưa tấm thiếp cho Vương An, Vương An lại đưa lên cho thái tử Chu Thường Lạc. Chu Thường Lạc hỏi:

  • Trương tu soạn đã xem xong, ngươi có gì để nói?

Trương Nguyên cung kính nói:

  • Thái tử điện hạ, Chu thị giảng hỏi Hoàng trưởng tôn và ghi chép lại những câu nói xuất phát từ miệng thần, nhưng những câu này đều là những câu đơn lẻ, không gắn kết với nhau, bẻ cong ý giảng của thần lúc đó.

Chu Diên Nho cười lạnh nói:

  • Ta bẻ cong ý giảng của ngươi như thế nào, xin nói rõ.

Trương Nguyên nhìn Chu Diên Nho, nói:

  • Tại hạ muốn thỉnh giáo Chu thị giảng một câu, tiên sư Khổng Thánh có từng nói qua những ""lời nói này “ không?

Chu Diên Nho vốn trả lời kiểu khinh thường, nhưng ở trước mặt Hoàng thái tử, vẫn không thể thất lễ, thản nhiên nói:

  • Lời ấy xuất phát từ Luận Ngữ quyển thứ bảy, nhưng chưa hoàn chỉnh, phía sau còn có bốn chữ nữa.

Đột nhiên ngộ ra dụng ý của Trương Nguyên khi đột nhiên nhắc tới những lời này trong "Luận Ngữ".

Trương Nguyên sao có thể đồng ý cho Chu Diên Nho cơ hội cứu vãn, cất cao giọng nói:

  • Tại hạ đương nhiên nhớ rõ phía sau còn có một câu. Câu này hoàn chỉnh là "Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỷ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã’ nếu xóa bốn chữ phía sau cùng này đi, chỉ nói bốn câu phía trước cho hài đồng chưa vỡ lòng nghe, nói đây là lời nói của Khổng Tử thì sẽ ra sao. Bốn câu nói này là lời nói của Khổng Tử, nếu bị cắt phần đuôi thì ý nghĩa của nó sẽ hoàn toàn ngược lại với ý Khổng Tử muốn nói ban đầu. Khổng Tử mà một bậc thánh hiền, Luận Ngữ tinh túy như vậy mà vẫn còn có lỗ hổng, huống chi lúc thần tiến giảng chỉ thuận miệng mà nói!

  • Thái tử điện hạ, thần có lời muốn nói.

Chu Diên Nho nóng nảy, muốn phản kích ngay.

Thấy Chu Diên Nho muốn xen mồm cãi lại, Trương Nguyên chắp tay nói:

  • Chu thị giảng, xin cho hạ quan nói xong đã, Chu thị giảng đã chuẩn bị đầy đủ như thế để buộc tội hạ quan, mỗi ngày đều hỏi Hoàng trưởng tôn, ghi chép lại bao nhiêu câu, sao phải sợ hạ quan tự biện minh cho mình, lẽ nào không thể đợi hạ quan bẩm báo với thái tử điện hạ xong rồi hẵng phản bác sao?

Chu Thường Lạc nói:

  • Chu thị giảng, để Trương tu soạn tự biện minh xem.

Trên trán Chu Diên Nho gân xanh nổi lên, từng câu nói của Trương Nguyên đều như có gai, nhưng thái tử đã lên tiếng, y chỉ đành câm miệng, trợn mắt nhìn Trương Nguyên. Trạng Nguyên khoa Quý Sửu và Trạng Nguyên khoa Bính Thần thành tử địch.

Trương Nguyên nhìn thẳng Hoàng thái tử, nói:

  • Chu thị giảng chủ ý ghi lại những lời thần nói với Hoàng trưởng tôn, nhưng những lời này thần đều không nói ra một cách riêng rẽ, đều có mở đầu kết thúc. Xin Thái tử điện hạ an tọa, thần tự biện khá dài dòng, thần không có sở trường gì, chỉ được cái trí nhớ tốt, thần muốn khôi phục lại ý nghĩa vốn có của những lời nói gọi là ngụy biện tà thuyết mà Chu thị giảng đã liệt kê ra. Hoàng trưởng tôn điện hạ, thư đồng tiểu Cao công công, còn có Chung công công có thể chứng nhận xem thần nhớ có sai hay không.

Chung thái giám âm thầm kích động, thầm nghĩ: "Trương Nguyên quả nhiên có tài hùng biện, trước tiên cắt bỏ phần sau câu nói của Khổng Tử đánh đòn phủ đầu, giờ lại muốn khoe ra trí nhớ không ai sánh kịp, nghe người ta ca tụng tài ghi nhớ bằng tai của Trương Nguyên đã lâu, hôm nay cuối cùng có thể được mở mang kiến thức rồi."

Trương Nguyên bắt đầu nói từ điều tà thuyết thứ nhất của hắn trong ghi chép của Chu Diên Nho, không chỉ thuật lại những lời nói của mình không chút sai sót nào, mà còn kể ra từng câu hỏi của Hoàng trưởng tôn, ngay cả giọng điệu có vẻ ngây thơ, chất phác của Hoàng trưởng tôn cũng mô phỏng được ba, bốn phần, kể luôn cả những lời Chung thái giám ngẫu nhiên chen vào nói. Nói xong, hỏi Chu Do Hiệu:

  • Điện hạ, có phải lúc ấy thần nói như vậy không?

Chu Do Hiệu thấy Trương Nguyên điềm tĩnh tự nhiên, cậu cũng an tâm, đáp:

  • Trương tiên sinh nói rất đúng, không lệch một chữ, giống như tái hiện cảnh tượng tiến giảng ngày hôm đó vậy.

Trương Nguyên lại hỏi:

  • Chung công công và tiểu Cao công công thì sao?

Chung thái giám khen:

  • Trí nhớ của Trương tu soạn rất tốt, hôm đó đúng là ta đã nói như vậy.

Tiểu Cao đương nhiên cũng làm chứng cho Trương Nguyên, nói Trương Nguyên không nói sai rồi.

Trương Nguyên lại giảng điều tà thuyết thứ hai, cứ giảng từng điều một như vậy. Chu Thường Lạc đối chiếu với tấm thiếp của Chu Diên Nho, Trương Nguyên nhớ như tạc những lời Chu Diên Nho ghi lại, nhưng nối thêm câu trước câu sau, ý nghĩa rất khác biệt với những lời buộc tội kia. Tư tưởng của Trương Nguyên nhiều nhất cũng chỉ là có chút tương tự với đệ tử Vương Cấn của Vương Dương Minh- người sáng lập phái Thái Châu học, không có chút nào dính dáng đến ngụy biện, tà thuyết. Thực ra Trương Nguyên nói hơi khác đi so với những gì mình nói lúc ấy, nhưng không có máy ghi âm, lúc ấy Chu Diên Nho có đứng ở bên cạnh nghe cũng không thể làm gì hắn, có Hoàng trưởng tôn, cha con Chung thái giám làm chứng cho hắn rồi.