Xe ngựa chạy nhanh đến ngoài Đại Minh môn, trời mới sáng rõ. Trương Nguyên cầm khảo lam xuống xe, đến đại sảnh Lễ Bộ tập hợp, xếp hàng theo thứ tự thi hội. Khi thi hội Trương Nguyên xếp thứ sáu, hiện tại xếp hạng thứ năm, bốn người đứng trước lần lượt là Lai Phục, Hạ Phùng Thánh, Tiền Sĩ Thăng và Hồng Thừa Trù, sáu người trúng cử khi thi vòng hai xếp hạng cuối cùng, tổng cộng ba trăm bốn mươi tám người. Lễ Bộ hữu Thị lang Hà Tông Ngạn và Phòng quan Ngũ kinh đưa bọn họ qua Thiên Bộ lang và cầu Kim Thủy Bạch Ngọc, đi vào cửa ngoài Thừa Thiên môn.
Thừa Thiên môn hôm nay ngoại trừ Kim Ngô Vệ thường trực ra, còn có hai trăm tướng quân của Cẩm Y Vệ Đại Hán, tướng quân Đại Hán hoàn toàn không phải là tướng quân thật, mà là vệ sĩ trong điện, các tướng quân Đại Hán đều cao gần sáu thước, gió cánh nón trụ, hoàng kim giáp, cao lớn hùng tráng, uy phong lẫm liệt, chỉnh tề xếp hàng đứng hai bên Thừa Thiên môn, tay cầm chuôi đao, nhìn theo thí sinh đi qua trước mặt bọn họ.
Lần này sưu kiểm không trọng tâm việc có mang theo sách hay không, mà là lục soát xem có mang vũ khí hay không. Đây chỉ là đề phòng, nếu có thí sinh nào mang theo đao kiếm vào hoàng cung, chẳng phải muốn chết sao?
Sau khi sưu kiểm, phòng quan Ngũ kinh ở lại ngoài đại môn, ba trăm bốn mươi tám thí sinh đi theo Hà Thị lang qua Thừa Thiên môn, Đoan môn, qua Lục khoa lang, lại tiến vào Ngọ môn, hai bên đều có Kim Ngô, Vũ Lâm vệ xếp hàng vừa như nghênh đón vừa giống như giám thị.
Bên phải Ngọ môn là Hội cực môn, bên trong chính là trực phòng của nội các, Văn Hoa điện và Ngự Dược phòng, bên trái là Quy Cực môn, tòa nhà đối diện nguy nga vừa đi qua chính là Hoàng Cực môn, trước năm Gia Tĩnh gọi là Phụng Thiên môn. Lúc này, cánh cửa cao mấy trượng sơn son vẫn đóng chặt, các thí sinh lặng ngắt như tờ, chờ giây lát, ánh dương từ bên Ngự Dược phòng chiếu tới, nghe được tiếng cổ nhạc mãnh liệt, cửa chính từ từ mở ra, Trương Nguyên đứng ở phía trước nên có thể nhìn thấy quảng trường trước Hoàng Cực điện và Hoàng Cực điện nguy nga trên bệ đá ba tầng ở cuối quảng trường, tuy rằng từ cửa chính bên này cách Hoàng Cực điện còn một dặm nữa, nhưng khí thế hoàng gia hùng vĩ tráng lệ đã bao phủ, làm cho người ta có cảm giác trang nghiêm long trọng.
Hà Thị lang dẫn các thí sinh qua quảng trường rải đá xanh trước điện, đứng ở ngoài Đan bệ, sau đó Phương Tòng Triết, Ngô Đạo Nam hai vị các thần dẫn đầu mười bốn độc quyển quan và mười mấy chấp sự quan tiến vào đứng ở trong Đan bệ. Theo quy định từ xưa, Hoàng đế phải thăng điện nhận thi lễ của các quan sau đó ban thưởng sách đề, nhưng Vạn Lịch Hoàng đế đã nhiều năm không như vậy. Mấy khoa thi đình gần đây đều không đến, khoa năm nay cũng không ngoại lệ, hai vị các thần dẫn đầu chúng quan làm ra vẻ bái lễ ngai vàng của Hoàng đế, ba trăm bốn mươi tám thí sinh cũng bái năm bái dập đầu ba lần, sau đó đứng hầu hai bên.
Quan viên của Quang Lộc tự đã đem ba trăm bốn mươi tám bộ bàn ghế chỉnh tề đặt trên đại điện, Hoàng Cực điện này rộng ba mươi hai trượng, sâu mười sáu trượng, to cao rộng rãi, có thể chứa hơn bốn trăm bộ bàn ghế cho thí sinh dự thi, các thí sinh vào ngồi theo thứ tự, bắt đầu mài mực chờ phát giấy.
Mười bốn vị Độc quyển quan, đêm qua ở lại Văn Hoa điện, nghĩ vài sách đề, sai Bỉnh bút thái giám của Ti Lễ Giám mang đến cung Càn Thanh để Hoàng đế ngự bút quyết định một đề, sau đó niêm phong trả lại nội các, ngay tại đại sảnh nội các lệnh cho Nội quan giám nội thị in ba trăm bốn mươi tám bản tại chỗ, khi in đề cửa ngăn cách trong ngoài, tuyệt đối không để cho sách đề bị lộ ra ngoài trước khi kì thi diễn ra.
Phát sách đề rồi, Trương Nguyên ngưng mắt nhìn lên, đầu đề là: "Chế viết: trẫm nối nghiệp thống nhất đất nước, sớm đêm cầu khẩn, vì muốn mở rộng biên cương mà không yên, tu nhân ân điển cho bốn bể, làm cho dưới triều Minh phong phú thêm bề dày phong tục, dân chúng giàu có và đông đúc không lo không có nơi yên ổn sinh sống, nhưng mấy năm gần đây các tỉnh thiên tai thường xuyên, trẫm nóng lòng suy nghĩ cứu tế nạn thiên tai, sách lương thì thiếu, chư sĩ tử có ý kiến gì, đưa ra cho trẫm vài kế sách, hãy nói rõ trong bài thi của mình, không được lan man cũng không được đơn giản quá, trẫm sẽ ghi nhận."
Đề thi đình mà Vạn Lịch hoàng đế đưa ra năm nay hiển nhiên là có liên quan đến lá thư xin cứu giúp thiên tai mà các cử nhân cùng nhau ký tên dâng lên hồi cuối năm ngoái. Năm vừa qua Giang Nam, Giang Bắc hạn hán lụt lội thường xuyên, mỗi ngày đều có vài đạo tấu thư báo cáo, Vạn Lịch hoàng đế nếu không có hành động gì thì cũng khó bề cai trị, cho nên muốn mượn đề thi đình để hỏi ba trăm bốn mươi tám sỹ tử tham gia khoa thi Bính Thìn. Đương nhiên, nếu đối sách mà họ đưa ra chỉ nhắm vào kho bạc của hoàng đế, thì cầm chắc là sẽ không có thứ hạng tốt, chỉ có thể lót đường cho tam giáp mà thôi. (Tam giáp: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa – ND).
Trương Nguyên nhìn thấy đề thi đình, phải nói là mừng rỡ, rốt cục cũng không cần phải mượn lời thánh hiền để viết những bài bát cổ văn vô bổ nữa rồi, có thể đường đường hoàng hoàng tự viết một bài hùng văn có thể kinh bang tế thế của riêng mình rồi. Đối với vấn đề cứu tế đề phòng mất mùa của triều Đại Minh, Trương Nguyên đã từng suy nghĩ rất sâu rộng, trong lòng hắn hiểu rõ, muốn cứu nước thì ngoài việc tăng cường quân bị, chống đỡ Mãn, Nô ra, việc quan trọng nhất chính là ứng phó thiên tai và nạn dân biến. Không có lưu dân gây rối loạn trên quy mô lớn, thì Mãn, Nô sẽ không có cơ hội bước vào Trung Nguyên, muốn chống lại bên ngoài thì trước tiên bên trong phải yên ổn đã.
Một nghiên mực đen thơm, mùi mực thơm nức mũi, ống bút làm bằng tử trúc, khẽ vân vê giữa đầu ngón tay, đầu bút đẫm mực khẽ nhảy múa trên quyển nháp, từng nét chữ Tiểu Khải nối tiếp nhau tuôn ra dưới ngòi bút. Trương Nguyên viết: “theo như thần được nghe: hoàng đế từ xưa cai trị, đều không nằm ngoài hai chữ nuôi dân. Ở thời Nghiêu, cửu tộc thuận hòa, lấy tình yêu và lòng kính trọng rộng lớn để ban ân, lấy tình bằng hữu đậm sâu mà luận. Ở thời Thuấn, lấy đại hiếu làm trọng, cha con đều có vị trí rõ ràng, huynh đệ yêu thương lẫn nhau. Sau ba thời ấy, Hán, Ngụy, Đường, Tống đều khuyến khích người dân trồng dâu nuôi tằm, sửa chữa, mở rộng trường học, cũng đều là vì mục đích nuôi dân vậy. Đến Cao tổ hoàng đế triều đại ta, khởi nghiệp từ Lũng Miếu, hiểu rõ hơn ai hết nỗi khổ ở dân gian, mấy chục năm tại vị, giảm nhẹ thuế má, giúp dân giảm bớt gánh lo, mỗi lần nghe triều thần nói về nỗi khổ của người nông dân, thì lại rơi lệ. Nông nghiệp là gốc rễ của nước nhà, trăm thứ ta cần đều từ đó mà ra, nếu không thể vỗ yên nông nghiệp, thì nước tất sẽ nguy nan…”
Điện Hoàng Cực sâu rộng cao lớn, mấy trăm người cũng cầm bút viết chữ, hội tụ lại tạo thành một âm thanh rất kỳ diệu, giống như cỏ xuân đang sinh sôi nảy nở vậy, lại cũng giống như cơn mưa phùn buổi đêm, không một tiếng động mà thấm đẫm mọi vật. Ánh nắng buổi sớm chiếu xuyên qua những cửa sổ dài khắc hoa ở phía đông điện, ba trăm bốn mươi tám vị thí sinh lo lắng cố gắng hết sức để đáp đề, để tranh giành thứ tự trong kỳ thi đình. Tuy cũng đều là tiến sỹ, nhưng Nhất giáp, nhị giáp và tam giáp vẫn có sự khác biệt rất lớn.
Trương Nguyên viết được hơn năm trăm chữ trên quyển nháp, đột nhiên nghĩ ra, nếu cứ viết thế này, thì bài văn này ít nhất cũng phải viết ra năm, sáu ngàn chữ, nếu vậy, e là không đủ thời gian để chép lại trên quyển thi chính, cho nên bèn dứt khoát vứt quyển nháp sang một bên, viết trực tiếp lên quyển chính luôn. Trương Nguyên trước giờ khi viết văn đều giỏi sắp xếp trước suy nghĩ trong đầu, hắn viết chữ tuy không phải là nhanh, nhưng những gì hắn viết ra đều đã được suy nghĩ tỉ mỉ cả, rất ít khi phải sửa. Đương nhiên, điều này cũng cần phải có điều kiện tiền đề của nó, đó là vì bài thi trong kỳ thi đình không yêu cầu thí sinh nhất thiết phải viết nháp, hơn nữa còn cho phép sửa ba lần.
Trương Nguyên không chỉ suy nghĩ hạn hẹp theo con đường cứu thiên tai, đề phòng mất mùa, hắn còn nói về khiếm khuyết trong chính sách cải cách ruộng đất của thời cuối nhà Minh, hắn viết:
Trương Nguyên phân tích những nguyên nhân khiến cho người dân không coi trọng làm ruộng, một là những địa chủ ở Giang Nam thôn tính đồng ruộng để trồng một số loại cây nông nghiệp sản lượng cao, như trồng bông, trồng cây ăn quả, không chịu trồng lúa, trồng mạch, trục lợi từ người dân như nước chảy, những năm được mùa như thế này thì không sao, nhưng một khi bị thiên tai trên diện rộng, thì tình trạng thiếu hụt lương thực sẽ hết sức nghiêm trọng.