Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 367: Cháy trường thi




Lời này vừa nói ra thật hết sức kinh động. Các giám khảo đang ngồi ở công đường cũng đã nghe được, họ không ăn bánh bột nữa, đều tụ lại xem rốt cục là thế nào.

Ngô Đạo Nam vẻ mặt không hài lòng, ông không nghĩ ngay trong thi hội do mình chủ trì thật đã xuất hiện sai lầm lớn. Ông rất hi vọng mực cuốn sẽ không bị vạch trần ra sai lầm, có thể theo lẽ thường tiến hành xướng tên, chỉ là có một tiến sĩ không đậu mà thôi. Nào ngờ Từ Quang Khải lại cho rằng mực cuốn có vấn đề lớn, lại nói mực cuốn bị đánh tráo, chuyện này so với chuyện có người tự mình sửa đổi khi sao chép còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Ngô Đạo Nam chau mày, nói :

  • Từ Tán Thiện, việc này không phải việc nhỏ, ngươi phải cẩn trọng lời nói.

Từ Quang Khải nói:

  • Mời Ngô các lão cẩn thận đối chiếu một chút, bút tích của đầu đề mực cuốn khác với sáu đề kia. Tuy rằng nhìn qua bút tích đầu đề mực cuốn với bút tích của phần đầu các đề khác có vẻ giống nhau, nhưng nhìn kĩ vẫn có thể nhìn ra sự khác biệt. Đầu đề dùng thư pháp tiểu Khải uyển chuyển, trong lúc vô ý còn biểu lộ nét bút Nhị Vương, bộc lộ trình độ thư pháp cao thâm. Ngoại trừ đầu đề, các đề khác bao gồm chiếu luận của lần thi thứ hai, vấn đáp của lần thứ ba thì lại là nét tiểu Khải thống nhất, không có kiểu chữ khác ngẫu nhiên chen vào. Luận thư pháp thì kỳ thật rất bình thường, không coi là tốt, không bằng thư pháp đầu đề. Hơn nữa có thể nhìn ra, đầu đề này là có người cố ý bắt chước kiểu chữ tiểu Khải của vị thí sinh này, cố ý che giấu sở trường của mình. Lại từ màu mực nhận xét, tuy rằng đều dùng mực lỏng, nhưng chỉ cần không phải là cùng nghiên mực thì có thể nhìn ra màu mực khác biệt, thời gian mài mực dài hay ngắn, thong thả hay vội vã, đều làm ảnh hưởng tới màu mực.

Từ Quang Khải chậm rãi nói. Mấy người Ngô Đạo Nam, Lưu Sở Tiên, Trương Hạc Minh cả ngày tiếp xúc với văn chương đã mấy chục năm, nhìn kỹ lại hiển nhiên biết Từ Quang Khải nói có đạo lý. Nhưng sự khác biệt rất nhỏ, khó có thể trở thành chứng cứ được, phần đầu và các phần khác có thể không cùng một nghiên mực, về phần bút tích sai biệt này cũng rất khó nói. Trừ phi khác biệt rõ ràng, nếu không cùng là một người viết nếu có chút sai biệt cũng là điều bình thường, quan phòng Ngụy Quảng Vi của hai phòng “Xuân Thu” liền chỉ ra điểm này.

Từ Quang Khải nói:

  • Ngoại trừ chính cuốn, còn có bản nháp, hạ quan đề nghị nên lấy bản nháp của thí sinh này để nghiệm thử.

Chính cuốn của thí sinh và bản nháp đều phải nộp lên. Chính cuốn thì do quan thu bài chuyển đến quan niêm phong, còn bản nháp thì vẫn do quan thu bài bảo tồn, bản nháp không viết đầu đề.

Quan niêm phong là Lễ bộ chính ngũ phẩm Lang trung Chu Ứng Thu, người phủ Tùng Giang Kim Sơn Vệ. Chu Ứng Thu lộ vẻ giận dữ:

  • Từ đại nhân lời này có ý gì, là có lòng nghi ngờ Chu mỗ khi niêm phong làm chuyện gian dối sao?

Từ Quang Khải chắp tay nói:

  • Chu đại nhân, hạ quan tuyệt không có ý này, chỉ có điều vì công bằng chính trực nên mọi chuyện đều phải xem xét qua. Cuốn bài thi này có nhiều điểm đáng ngờ, vậy theo lý nên tìm bản nháp đối chiếu lại một chút, nếu như bản nháp và mực cuốn tương xứng, Ngô các lão bọn họ cũng an tâm hủy đi xướng tên của thí sinh này. Bằng không nếu thật sự có chuyện không may xảy ra, bài thi bị đánh rớt phải trả về thí sinh kia, đến lúc thí sinh đó nhìn ra đầu đề căn bản không phải do hắn làm, chỉ sợ trường thi sẽ náo loạn.

Chu Ứng Thu cười lạnh nói:

  • Khoa thi nào mà không có thí sinh rớt nổi điên gây rối, cũng chưa từng gặp thí sinh vì không đứng nhất mà gây rối để truy ra trách nhiệm giám khảo. Từ đại nhân chỉ sợ là đang mưu tính chuyện khác.

Triều đình vì thân phận, thể diện của giám khảo, trong quá trình chấm bài thi có xảy ra một ít sai sót cũng sẽ không truy cứu. Giống như có thí sinh được trả về bài thi rớt, phát hiện giám khảo chỉ đọc bốn hàng đầu chế nghệ của y, giám khảo cũng không chịu thừa nhận, thí sinh ngoại trừ càu nhàu ra thì cũng không có năng lực truy cứu.

Từ Quang Khải nói:

  • Giám khảo phụng mệnh hoàng đế vì nước tìm ra nhân tài, phải cẩn thận, nghiêm túc mới xứng đáng với chức danh của mình. Bài thi này ngoài trừ phần đầu đề vi phạm, còn lại bất kể tứ thư, bát cổ, Xuân Thu vẫn là đứng nhất trong bốn trăm hai mươi mốt bài thi. Vô xuất kỳ hữu giả, Ngô các lão, Lưu viện trưởng cũng là vì tiếc tài mà suy tính nên mới lưu lại bài thi này, đợi khi kiểm tra nếu không có sai lầm thì mới quyết định đánh rớt hay không, có gì mà không thể chứ? Chu đại nhân vì sao lại sợ người khác cho rằng mình có tâm tư khác, chẳng lẽ làm việc lại không thể có tấm lòng công bằng chính trực hay sao?

Chu Ứng Thu cười lạnh nói:

  • Mỗi người đều cho mình là công chính, vậy ai không công chính đây?

  • Từ Tán Thiện quan tâm bài thi này như vậy, hay là đã biết thí sinh này là ai?

Người vừa nói chuyện chính là Ngụy Quảng Vi. Ngụy Quảng Vi và Từ Quang Khải là tiến sĩ cùng khoa, trong khoa thi Quý Sửu hai người cùng là quan chấm bài thi trong phòng Xuân Thu. Bởi vì Từ Quang Khải chọn ra ba bài thi trong những bài mà Ngụy Quảng Vi đánh rớt rồi dâng lên, cuối cùng ba người đó đều đậu tiến sĩ, vì vậy Ngụy Quảng Vi cảm thấy mất mặt. Từ đó về sau ôm hận, cũng chính Ngụy Quảng Vi là người bịa đặt nói Từ Quang Khải ở Thiên Tân Vệ chiếm đoạt ruộng đất.

Từ Quang Khải tu dưỡng rất tốt, không chút tức giận, chỉ vào mực cuốn đầy đủ niêm phong nói:

  • Mực cuốn này hạ quan cũng mới nhìn đến, hơn nữa niêm phong còn chưa bị hủy, hạ quan làm sao có thể biết danh tính của thí sinh này, hay là Ngụy đại nhân biết?

Ngụy Quảng Vi mở to tròng mắt ti hí, lạnh nhạt hỏi:

  • Từ đại nhân lời này là có ý gì?

Từ Quang Khải thản nhiên nói:

  • Ngụy đại nhân hỏi ta có quen thí sinh này không, ta nói là không quen, sau đó hỏi lại Ngụy đại nhân một câu, có gì không thể?

Ngô Đạo Nam cau mày nói:

  • Trên Chí công đường, không được tranh chấp.

Quan niêm phong Chu Ứng Thu dĩ nhiên biết phần bài thi này là của ai, lúc này nghe Ngụy Quảng Vi và Từ Quang Khải tranh chấp, bụng thấy chột dạ. Y quay sang Ngô Đạo Nam, Lưu sở Tiên chắp tay nói:

  • Ngô các lão, Lưu Thượng thư, chư vị giám khảo tại nơi này không ngại làm chứng, hiện tại sẽ đem phần mực cuốn này hủy đi niêm phong, xem vị thí sinh phạm quy này là ai mà khiến cho quan chấm bài thi tranh chấp như vậy?

Chu Ứng Thu là muốn dời lực chú ý của mọi người từ bài thi đến thí sinh làm bài thi này. Y biết Từ Quang Khải và Trương Nguyên là chung một lão sư, chỉ cần lôi điểm này ra, Từ Quang Khải sẽ khó mở miệng chối cãi.

Từ Quang Khải mặc dù không dám khẳng định bài thi này là của Trương Nguyên, nhưng sao có thể chui đầu vào bẫy được, liền nói:

  • Bây giờ là luận bài thi, không phải luận thí sinh, chưa từng có chuyện chưa xác định được người trúng tuyển mà hủy đi niêm phong bài thi.

Ngụy Quảng Vi cười lạnh nói:

  • Trên mực cuốn có đóng dấu “hồng hiệu thảo bảng” từ chỗ Ngoại liêm, chẳng lẽ không phải đã tuyển chọn rồi sao? Nếu không trúng tuyển thì sao mực cuốn hiện giờ còn ở trong này, vậy thì còn gì là quy củ nữa?

Ngô Đạo Nam mở miệng nói:

  • Viết phần bài thi này vào thảo bảng là do ta quyết định, có gì ta sẽ gánh vác trách nhiệm. Hiện tại xin mời Chu Lang trung, Từ Tán Thiện và quan thu bài Lý Lang trung cùng nhau đi mang bản nháp từ Ngoại liêm tới, như vậy thế nào?

Chu Ứng Thu khi nãy ho khan, đến Chí công đường thì phun đàm, nói:

  • Ngô các lão, bản nháp có tám ngàn, đều chưa đánh số. Nếu muốn đem đối chiếu văn tự thì tra đến chừng nào, còn không kịp viết bảng nữa, ngoài trường thi có tám ngàn sĩ tử đang nghểnh cổ chờ kết quả đó.

  • Muộn một canh giờ yết bảng cũng không sao.

Ngô Đạo Nam quyết tâm đem việc này điều tra cho rõ, bèn phân phó:

  • Phái thêm hai quan văn, đối chiếu bài thứ hai “Thị cố quân tử” của lần thi đầu, chỉ cần đối chiếu với phần phá đề là được. Phá đề của bài này là…

Tiếp đó liền mở bài thi ra, ông đọc:

  • Ưu dĩ chung thân, sở hoài tại thiện ưu chi thánh hĩ.

Đọc rồi lặp lại một lần nữa, hỏi:

  • Ba vị có nhớ kỹ không?

Từ Quang Khải và Lý lang trung đều nói nhớ kỹ. Chu Ứng Thu thận trọng đi đến bên người Ngô Đạo Nam, nhìn kỹ bài thi kia, nhẹ giọng đọc lại hai lần phần phá đề của "Thị cố quân tử". Sau đó Chu Ứng Thu mới cùng hai người Từ, Lý đi ra ngoài, liền quay lại nói:

  • Ngô các lão, Lưu thượng thư, trước tiên phải đem người sao chép bài thi này giam cầm mới được, bằng không y sợ tội sẽ chạy mất.

Thái độ Chu Ứng Thu trái ngược lúc trước, giống như đứng về phe Từ Quang Khải, cho rằng người sao chép kia chính là thủ phạm làm rối loạn trường thi.

Ngô Đạo Nam khoát tay nói:

  • Chưa xác định được có đúng là có kẻ quấy rối kỷ cương hay không, không thể bắt loạn người được, trước tiên đi xem xét bản nháp rồi về nói sau, ba vị đại nhân đi nhanh về nhanh.

Ba người Chu Ứng Thu, Từ Quang Khải, Lý Tư Thành đi ra. Chí công đường an tĩnh trở lại, chúng quan ngơ ngác nhìn nhau. Nếu là khoa thi trước thì giờ này đã là lúc hủy niêm phong mực quyển, xướng tên sĩ tử, vui vẻ viết chính bảng rồi, vậy mà cảnh tượng trước khi yết bảng của khoa thi năm nay lại là thế này.

Chúng quan ngồi im lặng không nói gì, đợi ba người Chu Ứng Thu lấy bản nháp tới kiểm nghiệm. Bỗng nghe mặt sau của Chí công đường vang lên một trận ồn ào náo động, lại nghe có người hô:

  • Cháy rồi, cháy rồi!

Chúng quan lớn kinh sợ, đều chạy ra xem. Tiếng ồn ào đến từ Tụ Khuê đường, Tụ Khuê đường ở phía bắc trường thi, cách Chí công đường hơn nửa dặm, dù bị cháy cũng không ảnh hưởng tới Chí công đường. Nhìn thế lửa cháy vẫn chưa uy hiếp tới mái hiên phía trên, chỉ thấy sáng rực một góc, trận cháy có vẻ không lớn lắm nên chúng quan cũng yên tâm. Có Giám lâm quan tiến đến chỉ huy dập lửa, nguyên tưởng rằng lửa kia sẽ rất nhanh bị dập tắt, không ngờ cũng cháy gần nửa canh giờ mới bắt đầu lụi dần.

Lưu Sở Tiên nhìn sang hướng Tụ Khuê đường, thấp giọng nói với Ngô Đạo Nam:

  • Ngô các lão, chỗ cháy kia hình như là nơi bảo tồn mực cuốn và bản nháp.

Ngô Đạo Nam lông mày dựng đứng, đay nghiến:

  • Thủ đoạn thật là lợi hại, đây là nội thành kinh sư, dưới chân thiên tử lại có người dám làm chuyện xằng bậy.

Liền lệnh cho Ngự sử tuần tra và quan sao chép lập tức dẫn người sao chép tên Trác Tiếu Sinh tới hỏi chuyện.

Lại đợi thêm hai khắc nữa, quan thu bài Lý Tư Thành và Từ Quang Khải, Chu Ứng Thu đã trở lại. Ba người đều tham gia cứu hỏa, lúc này bộ dạng có chút chật vật, người ám đầy bụi khói. Sắc mặt Lý Tự Thành cực kì khó coi, thỉnh tội với hai vị chủ khảo Ngô Đạo Nam và Lưu Sở Tiên:

  • Hạ quan phòng hộ sơ suất, khiến nơi lưu trữ bị cháy, bản nháp hơn phân nửa bị hủy, mực cuốn cũng bị đốt trụi hơn trăm bài, hạ quan ngày mai liền từ chức nhận lỗi.

Từ Quang Khải thở dài:

  • Còn dư lại một phần nhỏ quyển thi vì tát nước cứu hỏa đã dính lại thành một khối, không thể phân biệt được rồi.

Ngô Đạo Nam không nói được một lời, trở lại Chí công đường đợi Ngự sử tuần và quan sao chép báo cáo. Quan sao chép trở lại trước nói:

  • Ngô các lão, người tên là Diệp Tiếu Sinh kia tìm khắp nơi không thấy, có thể đã thừa dịp cháy hỗn loạn mà chạy thoát.

Ngô Đạo Nam vỗ án nói:

  • Lập tức truy ra, nhất định phải bắt cho được Diệp Tiếu Sinh.

Người sao chép đều là do các vùng phụ cận kinh thành chiêu mộ từ các tú tài có danh tiếng nên không thể trốn thoát được, nhưng hiện giờ nên viết bảng thế nào?