Chương 29: Tâm.
Giữa sườn đồi cỏ tươi xanh ngợp tầm mắt, một cậu bé nằm vắt vẻo trên lưng trâu ngửa mặt nhìn trời.
“Không biết đằng sau bầu trời... sẽ là cái gì?” Vung vẩy cọng cỏ ngậm trong miệng, cậu nhóc mơ màng suy nghĩ vẩn vơ.
“Gù ơi...! Về... đến giờ học!” Âm giọng con gái thánh thót vang vảng từ đằng xa.
Tiếng nói mang theo gió thoảng cùng mùi cỏ thơm làm cậu trai bừng tỉnh, bật dậy phun mạnh cọng cỏ ra khỏi miệng.
“Đợi xíu... qua liền.” Cậu nhóc tên Gù nói lớn rồi xoay người vỗ vỗ bụng trâu. “Ngốc! ăn no chưa?”
“Ò..ò..ò!” Con trâu lắc đầu biểu lộ.
“Chưa cũng phải về thôi! Tối tao lấy thêm cỏ cho mày ăn, chịu khó tí nha!”
Con trâu miễn cưỡng gật đầu, vắt vẻo cái đuôi leo lên đồi, thằng nhóc gầy gầy ngồi trên lưng trâu vững chãi.
Trên đỉnh đồi, một cô bé mặc áo lụa quần nâu tươm tất, nét mặt hiền hòa, mái tóc đen mượt tung xõa.
“Ngốc! Cho đi nhờ xíu được không..?” Cô cất lời cùng với một nụ cười tươi tắn rạng rỡ át cả ánh hoàng hôn.
“Ò..ò..ò..”
Con trâu vui vẻ cúi đầu xuống, cô bé vóc người nhỏ nhắn xinh xinh đưa một chân khẽ dẫm lên sừng trâu, tay vịn vào phần da lông xám trên gáy, con trâu ngẩng đầu, chân kia cô bé cùng lúc nhắt một cái nâng cả người lên một đoạn.
“Ấy...!” Chuẩn bị đưa chân còn lại vắt qua lưng trâu thì cô bé trượt tay do bám chưa quen, cả người mất đà nghiêng ngả muốn ngã.
“Bám chặt...” Cậu bé nắm tay cô bạn kéo mạnh, sức lực mạnh mẽ hơn bề ngoài của cậu dễ dàng đưa thân hình mảnh mai lên thân trâu, cô bé chật vật xê dịch một chút rồi cũng ổn định dáng ngồi, cười tinh nghịch.
“Hì hì... Ngốc Ngốc! Tiến lên...”
“Ò.. ò..” Con trâu hứng khởi lững thững bước đi, hai đứa trẻ ngồi trên lưng trâu lắc lư thân hình theo từng nhịp bước.
Vượt qua đỉnh đồi, cả ba bắt gặp một đám trẻ đang nô đùa, trên lưng đứa nào cũng chất đầy củi khô, thấy hai người một trâu liền xúm lại xì xào bang tán gì đó.
Chốc lát sau, tiếng trẻ con đồng thanh trong trẻo phát lên vang vọng giữa đồi núi bạt ngàn.
“Gù với Gạo là một đôi chim sẻ
Tối tối đến ra bờ ao vật nhau
Sáng hôm sau, Gù đi bộ đội
Gạo ở nhà bốc cứt gà nuôi con
Con lon ton chạy ra đón bố
Mắt tô hố nhìn lái xe
Mắt te he nhìn xe bố lái
Mắt bên trái nhìn d** bố to.”
“Hahaha...”
“Thôi đi thôi để vợ chồng người ta tình cảm.”
“Hahaha...”
Mấy đứa nhóc loắt choắt nghịch ngợm chạy loạn, xem ra vô cùng quen thuộc với việc trêu gẹo này.
“Kệ bọn nó đi Gù!” Gạo nhắc nhẹ, nụ cười trong trẻo chẳng hề bị ảnh hưởng bởi mấy câu hát của lũ trẻ.
Gù gật đầu, trong lòng bứt rứt nhưng lại không bộc lộ ra ngoài.
Con trâu cứ thế bước về phía ngôi làng nhỏ ven sông, vài ngọn khói xám nghi ngút bốc lên báo hiệu giờ cơm chiều.
Đi qua đình làng, mấy đứa nhóc trạc tuổi Gù đang chơi đuổi bắt thấy hai người một trâu đi qua liền dừng lại chỉ trỏ.
“Hai vợ chồng son đi đâu về đấy?” Một thằng nhóc để đầu ba chỏm hét to giọng mỉa mai.
“Đi đâu kệ bọn tui.” Gạo đanh đá, vẻ mặt khó chịu tỏ vẻ không mấy ưa kẻ này.
“...” Thằng nhóc kia định bật lại nhưng thấy vẻ mặt của cô bé lại thôi.
Con trâu tên Ngốc bình thản đưa cả hai đi về, để lại một thằng nhóc đứng dưới sân đình nghiến răng nghiến lợi.
Đến trước một căn nhà tranh vách đất nhỏ cây cối chắn xung quanh, Gạo trượt xuống khỏi lưng trâu.
“Tui đi trước đón Táo… Cảm ơn Ngốc nha! Chị đi nha!” Cô bé vừa nói vừa xoa đầu con trâu.
“Ừm!” Gù gật đầu.
“Ò.. ò..” Con trâu cũng lắc cặp sừng đáp lại.
Gạo quay người, vừa đi vừa vung vảy mái tóc đen dài, con trâu hiểu ý chủ đứng nhìn cô bé đi khuất rồi tự biết đường đi ra bên hông nhà, nơi có một chuồng gỗ bên cạnh gốc mít to.
Gù trượt xuống cầm dây thừng cột vào cành cây to bên cạnh, Ngốc ngoan ngoãn chui vào chuồng gỗ, nhìn qua máng đồ ăn trống trơn, nó nằm xuống miệng nhai nhồm nhoàm vẻ không vui.
“Nghỉ đi tối tao cho thêm cỏ.” Gù xoa đầu nó rồi quay người chạy một mạch vào nhà.
Gù bước qua cánh cửa đã mở sẵn, căn nhà rộng không đến mười lăm mét vuông, một chiếc giường nhỏ, một cái ghế tre cùng vài vật dụng đơn sơ cũ kĩ chẳng đáng tiền.
“Gù về hả con?” Tiếng phụ nữ êm ái vọng ra từ gian phòng bên trong.
“Dạ!” Cậu bé chạy thẳng qua vách tre ngăn giữa nhà, tiến vào gian phòng phía sau, bên bếp lửa hồng có một phụ nữ quần xám áo nâu đang tỉ mỉ nhặt rau.
“Mẹ ơi… Con đi học nha!” Cậu tựa vào sát vách nói.
“Ăn chút rồi đi, còn mấy trái chuối trên kệ đó.” Người phụ nữ ngước lên nhìn con trai cười một cái, gương mặt hiền hòa dễ mến dù có chút lấm lem.
“Dạ! Mẹ cần con giúp gì không?”
“Thôi! Đi sớm còn về ăn cơm.”
“Dạ! Con đi đây.”
“À… Còn mấy trái chuối trên kệ đấy, lấy ăn rồi đem cho các bạn nữa.”
“Dạ…!”
Xế chiều ửng đỏ, một cậu bé vui vẻ cầm theo mấy trái chuối chín vàng chạy ra khỏi nhà, theo đường đất hướng vào trong thôn.
Chạy một đoạn đã nhìn thấy bóng dáng cô bé quen thuộc, Gù tăng tốc hét to:
“Chờ tui với.”
Chốc lát Gù đã bắt kịp cô bạn, Gạo lúc này đang đẩy một chiếc xe lăn làm bằng gỗ trông vô cùng chắc chắn, một cậu bé tóc xoăn gầy gò ngồi bên trên, hai lớp áo đơn sơ che kín thân dưới cùng một cái quần đặc biệt không có ống chân.
“Nay qua sớm vậy.” Gạo cười nói.
“Ừm! Nay không phải đi lấy nước, chuối này ăn đi.” Gù nói rồi đưa cho cô bé quả chuối trong tay.
Sau đó cậu lại đùn vào tay người đang ngồi trên xe lăn một trái chuối khác, nói: “Ăn đi Táo!”
Cậu bé tóc xoăn ngoảnh đầu lại nhận lấy trái cây, khuôn mặt gầy yếu nhưng thần sắc lại hết sức tươi vui, thân mật hỏi: “Ừm! Bạn ăn chưa?”
“Tui ăn rồi!.” Gù cười ngây ngô.
“Vậy đẩy hộ tui với.” Gạo loay hoay không được đành lên tiếng nhờ vả.
“A..!” Gù sực nhớ ra, giành lấy hai tay cầm đằng sau xe lăn để cô bạn được rảnh tay.
“Chuối nhà ông trồng hả?” Gạo vừa bóc vỏ vừa hỏi.
“Ừm! Ủ mấy ngày nay mới chín đấy! Ngon không?”
“Để ăn coi đã.”
“Ngon đấy! Mai cho bạn ăn quýt nhà tôi thử.” Táo vui vẻ vừa ăn vừa nói.
“Quýt chua lắm! Bạn tên Táo sao không mời tui ăn táo?” Gù hỏi lại.
“Tại nhà tui có táo đâu, để nói ba tui trồng, chắc năm sau được ăn… haha.” Táo hồn nhiền trả lời.
“Gù nó ăn nhiều lắm đừng cho. Để tui ăn đi!” Gạo nói thế nhưng vẫn đưa trái chuối bóc sẵn cho Gù, rồi lại giật lấy trái còn nằm trong tay cậu.
“Bà.. ì.. ăn.. ít.. ắc?” Gù đang phồng má nhai cả quả vẫn cố bật lại.
“Thì vậy nên chỉ đủ mình tui ăn thôi, ông chịu khó nhịn đi! Haha…” Gạo cười sảng khoái.
“Chắc tui bảo ba khỏi trồng táo quá.”
“Hahaha…”
Ba đứa trẻ cười nói vui vẻ trong ánh chiều tà, khiến con đường làng quanh co trở nên ngắn hơn thường ngày.
Từng ngôi nhà nửa gỗ nửa đá cổ kính, giếng nước gốc đa quen thuộc cũng lùi lại phía sau, cả ba đi tới một bụi tre lớn nối liền nhau như hàng rào, Gù và Gạo mỗi người một tay đẩy chiếc xe lăn đi vào con đường mòn xanh rờn.
Một ngôi nhà xinh sắn hiện ra trước mắt, từ mái đến vách đều được kết từ tre nứa mà thành.
Trước thềm là một ông lão đầu trọc ngồi ghế trúc uống trà đọc sách, tay không ngừng vuốt chòm râu trắng phau.
“Con chào thầy!” Ba đứa trẻ đồng thanh.
“Ừm! Vào lớp đi.” Ông lão đặt chén trà xuống, từ tốn gấp lại cuốn sách trên tay.
“Thầy ơi! Ba con chưa qua đây hả?” Gạo hỏi.
“Chưa…” Ông lão đầu trọc vừa nói thì bị một chất giọng lè nhè ngắt lời.
“Con g·ái g·ọi ba có việc gì đấy?” Một người đàn ông lớn tuổi tóc còn đen nhưng đầu đã hói, râu quai nón xuề xòa, tay cầm hồ lô lảo đảo bước ngay phía sau, nhìn sắc mặt cùng dáng vẻ là đủ hiểu trong hồ lô kia chứa cái gì.
“Thầy Tăng.” Gù cùng Táo thấy người này liền cúi đầu lễ phép chào.
“Đã bảo ba đừng có uống rượu nữa.” Gạo phị mặt không vui.
“Ba không có uống chỉ ngửi thôi à? Đây là do hơi rượu mạnh quá thôi.” Người đàn ông chưa kịp đáp lại hai đứa nhóc đã vội thanh minh với con gái.
“Ba…”
“Thôi ba đứa vào lớp trước đi, để thầy nói chuyện với thầy Tăng một chút.”
“Dạ.” Ba đứa trẻ ngoan ngoãn nghe lời, Gạo có chút lăn tăn nhưng rồi cũng đi cùng các bạn vào nhà tre.
Còn lại hai ông già ngoài hiên, người còn tóc trên đầu mở lời trước:
“Lão Đường… Đừng quên lời hứa!” Ông già xay xỉn nói rồi lôi ra ba tấm thẻ trúc bằng bàn tay trẻ con, còn cố tình lắc lắc đồ vật vẻ trêu chọc.
“Được… đưa đây rồi về đi ngủ đi!” Ông Đường đưa tay ra.
“Không…! Ta phải tự tay đưa cho con gái.” Ông Tăng giấu món đồ ra sau lưng, mỉm cười khoái trí.
“Vậy thì đưa luôn đi!”
“Không được! Cứ vậy mà đưa nó sẽ không nhận, phải tìm cớ hợp lý… Đúng rồi! Để ta ngồi xem bọn nhóc học một hôm, đứa nào biểu hiện tốt sẽ được tặng quà… Hợp lý chưa?”
Ông Đường mặc kệ người này, lẳng lặng quay người đi vào nhà.
“Ây… Thái độ gì vậy?” Ông Tăng chống nhạnh nhăn mặt.
“Không mặc cả với ăn mày…
Không đôi co với kẻ say...”
Ông lão râu bạc để lại hai câu nói, không ngoảnh đầu lại bước vào nhà.
Trong căn phòng nhỏ, ba đứa trẻ khuôn mặt tinh khôi ngồi thẳng hàng trên thảm, trước mặt mỗi đứa đều đặt một cuốn sách vỏ bìa cũ mèm nhưng góc cạnh phẳng phiu, tựa đề như nhau, “Nhân Thánh Kinh”.
“Hôm nay lớp ta có người dự thính, chính là thầy Tăng đây, ai trong giờ học có biểu hiện tốt còn sẽ được thầy tặng quà, vỗ tay hoan nghênh.”
“Hoan hô…"
Bộp.. Bộp!
Thanh âm làm rôm rả căn phòng, Gù và Táo lộ rõ vẻ hiếu kì hoan hỉ, chỉ có Gạo là vỗ tay nhỏ nhất, híp mắt nghi thần nghi quỷ.
Thầy Tăng ở làng này có địa vị rất cao, ông không chỉ là linh sư cấp 3 duy nhất trong làng, mà còn là thầy dạy võ cho hầu hết trẻ con, giúp những đứa nhóc thiếu thốn biết cách rèn luyện cơ thể đến khi thức tỉnh Thông Linh.
Gù dùng ánh mắt sùng bái nhìn ông già râu tóc bặm trợn trước mặt, cậu có nhiều hơn người khác một lý do để kính trọng người này, đó là vì ông ta chính là cha của Gạo.
Lại nhìn qua ông lão đầu trọc đang ngồi vuốt râu cười mỉm kia, cậu bé đối với người này càng kính trọng hơn, bởi vì nhờ có ông ấy mà cậu nhóc nghèo không chỉ biết chữ, còn có cơ hội ngồi cùng Gạo mỗi buổi chiều.
Thầy Đường từ rất lâu đã mở một lớp dạy chữ ngay tại nhà mình, thậm chí không thu tiền học phí, sau nhiều năm đến giờ chỉ còn lại ba đứa nhóc trước mắt còn theo học.
Những đứa trẻ khác vì đủ loại lý do mà bỏ ngang, có đứa là học không vào, đứa thì lười không muốn học, nhưng chủ yếu vẫn là vì bố mẹ chúng cho rằng học nhiều nữa cũng chẳng giải quyết vấn đề gì, để dành thời gian ở nhà phụ giúp gia đình còn tốt hơn.
Ở thế giới này cái quan trọng là tu vi cùng tiền tài, còn lại những thứ khác đều có thể bỏ qua, còn có một câu nói mỉa mai người đi học mà ai cũng từng nghe, nguyên văn là:
Chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương cá lẹp
Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền.
Thầy Đường đối với chuyện này không chút mảy may để bụng, dù cho trong lớp chỉ còn lại một đứa học trò, ông vẫn sẽ dốc hết tâm can mà giảng dạy.
Hai con Dạ Quang Đom Đóm bay lượn tỏa ra ánh sáng chiếu rọi căn nhà tre, hai ông già ngồi trên bàn trà nhìn xuống ba đứa trẻ phía dưới, người đầu trọc râu dài bạc phơ cất lời:
Thầy Đường rút ra từ trên kệ trúc bên cạnh một cuốn Nhân Thánh Kinh còn cũ hơn ba cuốn kia, nói với học trò: “Thôi được rồi! Câu hỏi lần trước thầy đặt ra, các con có câu trả lời chưa?”
“Có con!” Gạo nhanh nhảu giơ tay.
“Tốt! Nói thầy nghe.”
Cô bé hít sâu một hơi, thẳng lưng ưỡn ngực nghiêm túc trình bày.
“Dạ thưa thầy! Theo con thì câu nói hay nhất trong Nhân Thánh Kinh chương một là câu… Muốn có hạnh phúc, trước hết ngươi phải cẩn thận với cái tâm của chính mình, dục vọng có thể cho ngươi động lực, cũng có thể biến ngươi thành nô lệ.”
“Vì sao?”
“Tại vì đây chính là lý do khiến Xích Hầu xa đọa, nó không cảnh giác với chính chủng kĩ của mình mà cuối cùng trở thành nô lệ của dục vọng, bị chính dục vọng của mình nuốt trọn… Nếu như Xích Hầu biết được điều này, có thể kết cục của nó sẽ khác.”
Ông Tăng ngồi trên ghế chăm chú lắng nghe, vừa nghe xong liền đưa ngón tay cái gật đầu liên tục, làm Gạo ái ngại cúi gằm mặt xuống.
Thầy Đường vuốt râu, chậm rãi nhận xét:
“Thuốc bổ uống nhiều cũng thành thuốc độc, có dục vọng không xấu, đắm chìm trong dục vọng mới xấu, nhưng vế trước càng quan trọng hơn… cẩn thận với cái tâm của mình, cái này lát nữa thầy sẽ nói rõ hơn.”
“Còn Gù và Táo thì sao?” Ông tiếp tục hỏi hai học trò còn lại.
Hai thằng nhóc quay qua nhìn nhau, sau mấy giây thì Táo gật đầu rồi quay lại nhìn thầy giáo, dõng dạc nói:
“Dạ thưa thầy! Con thấy câu nói đắt giá nhất là… Hết một cái khổ, chính là sung sướng.”
“Vì sao?”
“Bởi vì con thấy câu nói này rất đúng… Con từng thấy một cậu bạn buồn khổ chỉ vì không được mẹ mua cho một đôi dép mới, còn với con thì… chỉ cần có chân để đi dép đã là quá hạnh phúc, nếu có mẹ nữa thì…”
Không khí trong phòng trầm xuống, Táo bẩm sinh đã thiếu đi hai chân, mất mát không đơn giản chỉ là khả năng đi lại.
Điều này đồng nghĩa với việc tư chất của cậu sẽ không thể nào cao cho nổi, mẹ Táo cũng vì hắn mà tranh cãi với ba rồi bỏ nhà ra đi, đến nay không rõ tung tích.
Trái ngược với vẻ mặt nặng nề của hai đứa bạn, cậu bé bất hạnh chỉ mỉm cười nói tiếp:
“Con cảm thấy rất nhiều người cảm thấy đau khổ chẳng qua chỉ vì họ quên mất những cái may mắn mình đang có, nếu họ từng trải qua đau khổ thực sự, nhất định họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.”
Vậy nên con không đau buồn, bởi vì con cảm thấy mình còn chưa phải người bất hạnh nhất trên đời, ít nhất con vẫn có thầy, có ba, có bạn bè, có tay có mắt, đây là may mắn của con.”
Ông Tăng nhìn nụ cười hồn nhiên trước mắt mà lòng thầm nghĩ: “Một đứa trẻ mười bốn tuổi có thể ngộ ra được đạo lý này… Nó rốt cục đã trải qua bao nhiêu đau khổ?”
Thầy Đường thì bình tâm mỉm cười, đưa ra ý kiến.
“Suy nghĩ rất đáng khen ngợi… Con người cần trải qua đau khổ mới biết trân trọng niềm vui... Thế nhưng cũng không nên lấy cái khổ của người khác để phủ nhận cái khổ của mình và ngược lại, nhiều khi giãi bày cái khổ trong lòng cũng là một cách bớt khổ, miễn là chọn đúng nơi đúng lúc đúng người mà nói, bạn bè là lựa chọn không tệ."
“Dạ!” Táo cúi đầu lễ phép.
Thầy Đường gật đầu hài lòng rồi nhìn qua đứa học trò cuối cùng.
“Đến lượt Gù… Không cần căng thẳng, cứ nói ra suy nghĩ của mình.”
“Dạ!” Gù trước giờ đối với việc bộc lộ quan điểm gì đều hết sức rụt rè, nghe được thầy gọi liền giật mình, cậu lật qua trang sách nhìn lại một lần, hít một hơi thật sâu lấy dũng khí, bắt đầu nói:
“Dạ thưa thầy! Con thì cảm thấy câu nói hay nhất là khi Xích Hầu nghe được Lam Hầu nói về An Nhiên, nó trả lời là… Ngươi nói láo, ba linh kỹ đó ta đều gặp qua, làm sao sánh được với Danh Vọng, Tài Phú, Quyền Lực, Mỹ Sắc?”
“Tại sao?” Vẫn là câu hỏi quen thuộc.
Toàn bộ ánh mắt đổ vào người khiến Gù có chút bối rối, cậu thở ra một hơi rồi nhỏ giọng nói:
“Tại… tại vì con cảm thấy Xích Hầu phải tốn bao nhiêu công sức mới đạt được mãn nguyện… trong khi Lam Hầu lại chỉ cần ngồi một chỗ cũng đạt được hạnh phúc, như vậy… không phải hơi bất công sao?”
Câu hỏi vừa nói ra lập tức khiến bầu không khí trở nên cổ quái, Gạo cùng Táo cảm thấy hơi sai sai nhưng chưa biết sai ở đâu.
“Câu hỏi rất hay!” Thầy Đường lần nữa mỉm cười, nhìn qua mọi người có vẻ như đều có chút khó xử với câu hỏi này, ông nói. “Táo, con nghĩ sao?”
“Thưa thầy! Con thấy đây vốn dĩ là truyện ngụ ngôn, Nhân Thánh muốn đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người nên đương nhiên phải để Lam Hầu chiến thắng.” Táo trả lời.
“Gạo thì sao?” Ông lão tiếp tục hỏi.
“Thật ra… con cũng có thắc mắc giống Gù, chỉ là con cảm thấy Xích Hầu thất bại cũng không bất công, điểm con không hiểu là tại sao Lam Hầu chỉ an phận ngồi một chỗ lại có được hạnh phúc?” Gạo trả lời rồi đặt câu hỏi vô cùng nghiêm túc, ánh mắt đầy mong mỏi.
Thầy Đường vẫn không chút vội vàng, tiếp tục quay qua hỏi ông Tăng: “Lão Tăng… thấy sao?”
“Câu truyện còn chưa kết thúc a…! Chính Nhân Thánh còn để ngỏ cái kết, ai thắng ai thua ai mà biết? Mà thực ra… ai thắng ai thua cũng đâu quan trọng, cả hai đều truy đuổi hạnh phúc, thứ này rất khó được nhưng đâu cần phải tranh giành lẫn nhau.” Ông Tăng đã hết say nhưng vẫn cố tình nói giọng lè nhè.
“Phải! Ai cũng có thể tìm được hạnh phúc của mình, cần gì tranh giành với nhau.” Thầy Đường mắt nhìn ba đứa học trò, từ tốn giảng giải.
“Mỗi người đều có những ước mơ, ham muốn khác nhau… Nhưng tựu chung lại là vì họ cho rằng khi đạt được những khát vọng đó, họ sẽ hạnh phúc… Mọi con Dục Vọng Hầu thực chất đều đang theo đuổi hạnh phúc, Lam Hầu hay Xích Hầu cũng như vậy.
Nghịch lý là chúng ta muốn hạnh phúc, thế nhưng lại chạy theo thỏa mãn, sung sướng, mãn nguyện… Đây có thể coi là những cảm giác thỏa mãn tạm thời, bản chất của những cảm giác này là vô thường... Nói dễ hiểu một chút thì là phụ thuộc, chúng ta luôn cần những điều kiện bên ngoài để thỏa mãn những cảm giác này, nó đến nhanh rồi đi càng nhanh, một khi mất đi ta lại sẽ đau khổ trong vòng lặp tìm kiếm sự thỏa mãn tiếp theo.
Hạnh phúc mà Nhân Thánh muốn nói tới là một cảnh giới của tâm, muốn đạt đến phải tự tu tập rèn luyện chính cái tâm của mình, khi nào đạt đến tự khắc biết, không ai giành được của mình… mình cũng không giành được của người khác.
Vấn đề của Xích Hầu nằm ở trong chính cái tâm của nó, muốn tìm câu trả lời cần đi hỏi chính tâm của mình, trong quá trình đó nhất định phải cẩn thận với cái tâm của mình, đây chính là lời nhắc mà người tu tâm cần khắc cốt ghi tâm…”
Còn nếu đi tìm câu trả lời từ bên ngoài đương nhiên tìm không thấy, cố tìm nữa cuối cùng sẽ quên mất cả căn nguyên bản chất vấn đề, giống như Xích Hầu vậy.”
Nói đến đây ông Đường cảm thấy học trò bắt đầu có khúc mắc, ông liền dừng lại hỏi: “Các con có thắc mắc gì sao?”
“Thưa thầy! Vậy chẳng lẽ ta nên biết thân biết phận ngồi một chỗ, như vậy mới tìm được hạnh phúc sao?” Táo nói, Gù và Gạo cũng gật đầu biểu thị.
“Các con cảm thấy… ngồi một chỗ tu tâm là chuyện rất đơn giản sao?” Thầy Đường không nhanh không chậm hỏi lại.
Ba đứa trẻ nhíu mày suy tư, vẻ không đồng ý nhưng không biết phản bác, ông Đường nhìn ra tâm tư của học trò liền tiếp tục gợi mở.
“Nếu các con cảm thấy tu tâm là dễ… Vậy cho thầy hỏi, tâm của các con nằm ở đâu?”
“Tâm của mình…?” Cả ba đứa trẻ cùng hướng suy nghĩ vào bên trong, ngay lập tức chúng liền cảm thấy khó xử. “Tâm…?”
Ít giây trôi qua…
“Tìm không thấy đúng không? Không sao… đó là bản chất của tâm, khi ta muốn tìm nó, nó liền biến mất!” Ông lão râu bạc mở lời.
Ba đứa nhóc cùng cả ông già giả say bên cạnh nghe được câu này đều không nhịn được gật đầu, ông Đường tiếp tục giảng giải:
“Tu tâm không khó, ai cũng có thể bắt đầu tại bất cứ khi nào ở bất cứ đâu, nhưng không phải ai cũng có thể tu tâm có thành tựu… Rất nhiều người cả ngày nói về đạo tâm này đạo tâm kia, thế nhưng đến tâm của mình ở đâu đều không nhìn thấy được, tâm là cái gì càng không lý giải được.
Đừng nhầm lẫn giữa tu tâm với an phận thủ thường và biết thân biết phận, cả hai đều là chấp nhận những gì mình đang có nhưng một bên là sợ hãi hoặc bất đắc dĩ phải cam chịu, một bên là chủ động đón nhận và chấp nhận… Rất nhiều người an phận thủ thường nhưng trong tâm chắc gì đã biết thân biết phận.”
Tìm được bình yên trong tâm hồn, thấu hiểu được giá trị của hiện tại thì mới thực sự là biết thân biết phận… cái này rất khó đấy! Chắc các con thấy hơi khó hiểu hả? Không sao, các con còn nhiều thời gian.”
Ông Đường nói đến đây thì dừng lại, mí mắt híp xuống một chút như đang hồi tưởng điều gì.
“Thầy ơi! Tu tâm khó như vậy, sao trong Nhân Thánh Kinh không nói?” Gạo không nhịn được hỏi.
Thầy Đường cười nhẹ mở to con ngươi sáng sủa, nếp nhăn trên trán sâu hơn một phần, nói với học trò:
“Bởi vì hành trình tu tâm là chặng đường rất gian nan nhưng không một ai ngoài chính bản thân ta nhìn thấy được. Mọi người đều chỉ nhìn Lam Hầu ăn đào liền đạt được sung sướng, trồng đào liền hạnh phúc… Sao họ không nghĩ… nếu chỉ cần trồng một vườn đào liền hạnh phúc, vậy sao thế gian vẫn đầy rẫy đau khổ?"
“Thưa thầy! Thế còn khi Xích Hầu đến c·ướp vườn đào của Lam Hầu thì sao? Chẳng lẽ chúng ta cứ để mặc người khác c·ướp đoạt của mình vậy sao?” Táo cũng giãi bày khúc mắc trong lòng.
“Nếu không bỏ được vườn đào đó, Lam Hầu cũng không cách nào ngộ ra buông xả, có được hạnh phúc. Vườn đào thực ra chẳng phải của ai cả, Xích Hầu không đập phá không đuổi g·iết, cần gì phải cố giữ bằng được cho mình...? Cố chấp vào bất kì điều gì đều không thể đạt đến hạnh phúc đích thực, đây mới là ý nghĩa mà Nhân Thánh muốn truyền tải.”
“Có những thứ con cần liều mạng giữ lấy, nhưng có những thứ cần cho đi để tiếp tục tồn tại… Cho đi chính là cánh cửa hướng tới buông xả, học được buông xả rồi thì cuộc đời không có thắng hay thua nữa… Nhớ kĩ nhé! Ta sống không phải để truy tìm chiến thắng, mà là hạnh phúc, người nào cố chấp vào chiến thắng chính là kẻ thất bại.”
“Lam Hầu không phải kẻ chiến thắng, bởi vì từ đầu đến cuối nó đều không cạnh tranh với một ai. Còn Xích Hầu thì thất bại, bởi vì nó mải chạy theo chiến thắng mà đánh mất hạnh phúc.”
“Tất nhiên, luôn có một hạt đào nằm trong tay chúng ta, biết cách trồng sẽ có ngày hái quả… Nhân Thánh Kinh chương một các con cũng học đến thuộc lòng rồi đi, hôm nay chúng ta lật qua chương hai, để thầy đọc mẫu cho các con một lần.”
Ông Đường thả xuống chòm râu bạc phơ, dùng ngón cái cẩn thận lật ra cuốn sách có phần cũ kĩ, từng trang giấy phẳng phiu nối nhau nghiêng ngả, cuốn sách không dày không mỏng dừng lại, mở ra từng kí tự nối dài.