Thiên Phú Của Huệ Khả
Hôm nay Huệ Thông dậy từ rất sớm để xuống bếp phụ nấu ăn. Thực đơn sáng nay vẫn là bánh bao nhân nấm với mộc nhĩ. Ngoài ra còn thêm một củ khoai luộc và một cốc nước như hôm trước. Công việc chính của cậu chỉ là rót nước ra cốc rồi sắp lên bàn mà thôi.
Bữa trưa và bữa tối thì trong Tự có thêm món đậu phụ luộc và lạc rang nữa. Ẩm thực trong Chùa rất đơn điệu lặp đi lặp lại hết ngày này qua ngày khác. Mới đầu cậu ăn không quen, nên nhiều bữa miệng cứ đớ ra không nuốt nổi, đến tối thì bụng cứ sôi lên ùng ục vì đói. Có hôm do đói quá không ngủ được, cậu bèn lẻn xuống bếp để ăn vụng. Hôm đấy đang lúi húi dưới bếp thì bị Trần Liễu sư huynh bắt gặp. Cậu bị sư huynh trách phạt rất nặng vì đã phạm vào giới cấm trong quy định của Tự viện. Lần đó cậu bị phạt quỳ nhang suốt đêm ở Chánh điện cho tới tận sáng.
Đến sáng thì cậu khuỵ xuống rồi ngất đi vì kiệt sức, mãi mấy hôm sau mới bình phục lại được. Sau lần đó cậu quyết tâm ăn chay trường và dần dần cũng đã quen được với những món ăn đơn giản ở đây.
Cuộc sống cứ như vậy trôi đi, thấm thoát đã một năm. Thời gian này cậu cũng đã thành thạo tất cả công việc từ phụ nấu ăn, phụ giặt giũ và quét dọn. Các vị sư huynh trong Tự cậu cũng đã gần như quen mặt hết, chỉ trừ những người đi xuống núi lo việc Phật sự mà suốt một năm qua chưa quay về Tự mà thôi.
Hôm ấy sau khi quét dọn Chánh điện xong, mồ hôi vẫn còn đang nhễ nhại. Thấy Trần Liễu sư huynh đi ngang qua, Huệ Thông chạy lại hỏi nhỏ:
“ Sư huynh, đệ vào Tự đã được một năm rồi, ngoài mấy công việc lau dọn với phụ bếp ra, đệ cũng muốn học võ công như các vị sư huynh”
Nhìn Huệ Thông một lát Trần Liễu sư huynh đáp:
“ Đệ hãy còn nhỏ, cứ lo làm những việc đó cho thật tốt là được. Mà chẳng phải ta đã dạy đệ đứng Trung Bình Tấn đó sao?”
Lau mồ hôi trên trán Huệ Thông đáp:
“ Đệ muốn học các thế võ mạnh mẽ và đẹp mắt như các sư huynh khác, chứ ngày nào cũng chỉ đứng Tấn đệ thấy chán và vô vị lắm”
Vẻ mặt nghiêm lại sư huynh đáp:
“ Đệ không được coi thường những gì ta dậy, Trung Bình Tấn là bước tạo căn cơ cho tất cả những võ công sau này. Muốn đạt tới đỉnh cao cần phải có một nền móng vững chắc trước đã, đệ hiểu không?”
Vẻ mặt chưa mấy tin tưởng nhưng nó vẫn gật đầu không dám hỏi thêm gì nữa. Sau khi đi được một đoạn Trần Liễu sư huynh như nhớ ra điều gì lại quay lại nói:
“ Đệ phải nhớ rõ, khi đứng Tấn phải buông lỏng toàn thân, tập trung tâm ý ở Đan Điền, không được để khí bị tán loạn, đệ nhớ chưa?”
“ Dạ, đệ nhớ rõ rồi, đệ hứa sẽ chăm chỉ luyện tập như huynh nói”
Nghe Huệ Thông nói vậy, Trần Liễu sư huynh mới gật đầu hài lòng rồi quay đi. Thế là từ đó, hàng ngày sau khi làm xong công việc, cậu lại tranh thủ đứng Tấn. Sáng dậy sớm tập, trưa xong việc tập, tối về phòng cũng tập không chút xao lãng.
Thế tập đơn điệu lúc đầu làm cậu vô cùng nhàm chán, chỉ muốn như các vị sư huynh khác, đánh ra những thế võ uy mãnh như long hổ, phiêu dật như chim yến, hay mềm mại mà uyển chuyển như mãng xà.
Nhưng nhớ lại lời Trần Liễu sư huynh dạy, muốn đạt tới đỉnh cao võ học cần phải có một nền móng vững chắc. Vậy nên cậu vẫn kiên trì luyện tập không dám giây phút lơ là. Những ngày đầu mới tập, chỉ đứng được nửa nén nhang là hai chân cậu đã mỏi nhừ, khuỵ gục xuống, không đứng lên được nữa. Nhưng lâu dần, cậu đã đứng được thời gian hết một nén nhang, rồi hai nén nhang mà hai chân vẫn vững như bàn thạch.
Mới đầu tập luyện thì chỉ thấy đau với nhức mỏi, nhưng lâu dần cậu cảm nhận thấy toàn thân thư thái, đầu óc thanh tỉnh, lực đã bắt đầu tích tụ lại dần ở Đan điền làm bụng hơi căng ra, làm cho thân thể lúc nào cũng tràn đầy sinh lực.
Thấy có kết quả tốt, cậu càng vui sướng và tin tưởng vào lời Sư huynh đã nói. Qua vài năm sau đó thì Cậu đã có thể đứng Tấn nửa ngày mà không hề suy suyển, dù làm việc cả ngày cũng không thấy mệt mỏi, đầu óc lúc nào cũng rỗng sáng và thanh tỉnh. Từng bước đi của Cậu bây giờ như con voi chúa, vô cùng thư thái nhưng lại toát ra sự uy mãnh khôn tả.
Lại trôi thêm hai năm nữa, lúc này Huệ Thông đã mười hai tuổi. Nhìn cậu lúc này đã không giống một cậu bé đen đúa, gầy guộc và yếu đuối lúc mới vào Tự sáu năm về trước. Toàn thân cậu cơ bắp nhấp nhô ẩn hiện, nhìn từ bên ngoài cũng dễ dàng nhận ra một thân tràn đầy khí lực, mạnh mẽ nhưng vô cùng nội liễm và ẩn tàng, như chúa sơn lâm chỉ nằm im nhưng khiến kẻ khác trông thấy cũng chẳng dám coi thường.
Khi Huệ Thông lúc mười tuổi thì công việc của Cậu đã không chỉ có phụ bếp và quét dọn nhẹ nhàng xung quanh Tự nữa. Mà cậu đã phải kiêm thêm cả việc gánh nước, bổ củi. Năm lên mười hai tuổi thì đã phải vào rừng kiếm củi, xuống núi mua gạo cùng các vị sư huynh khác.
Công việc tưởng chừng như quá sức đối với một đứa trẻ chỉ mới mười hai tuổi ngoài ở ngoài đời thường, nhưng với Huệ Thông thì khác, Cậu vác bao gạo gần năm mươi cân một cách nhẹ nhàng, vác bó củi hai người ôm mà như chẳng tốn sức.
Đường lên Tự viện treo leo hiểm trở, có những chỗ dốc đá thẳng đứng trơn trượt nhưng cậu vẫn chạy băng băng, làm cho mấy sư huynh đi cùng rất lấy làm kinh ngạc và thán phục.
Lâu dần cậu cũng đã trở thành tâm điểm chú ý của những đệ tử tục gia trong Tự. Ai cũng ngưỡng mộ cậu vì tuổi còn nhỏ mà đã có được một thân khí lực bất phàm.
Nhưng ngoài cậu ra, trong Tự còn có một người vô cùng xuất sắc và nổi trội khác nữa, thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả cậu nhiều lần, đó là Huệ Khả. Huệ Khả hơn cậu chỉ hai tuổi, nhưng đã được trụ trì cho thế phát xuất gia lúc mới mười tuổi.
Bình thường nếu một đệ khi mới xuất gia, sẽ có một vị đại đức trong Tự nhận làm đệ tử. Vị đó sẽ là thầy bổn sư, cũng là người trực tiếp dạy Đạo và truyền thụ võ công cho người đó.
Tuy quy định là vậy, nhưng các vị ấy cũng rất ít khi trực tiếp hướng dẫn mà chỉ giao phó lại trách nhiệm cho một vị huynh trưởng dạy bảo. Chỉ khi nào gặp phải bình cảnh hay cần chỉ điểm để khai ngộ thì các vị ấy mới chỉ bảo đôi điều mà thôi. Nhưng Huệ Khả lại là một trường hợp rất đặc biệt.
Cậu khi còn là đệ tử tục gia đã được thượng toạ Phổ Hoá trong Tự nhìn trúng vì tư chất hơn người. Khi xuất gia thì được ngài trực tiếp nhận làm đồ đệ chân truyền. Khi ấy không chỉ có thượng toạ Phổ Hoá mà ngay cả Thượng toạ Thần Tú, một trong những người đức cao vọng trọng trong Tự viện cũng nhìn trúng tư chất của Huệ Khả.
Ban đầu ngài cũng muốn thu nhận hắn làm đệ tử. Chỉ là bộ công pháp của ngài tu luyện là Nhất Dương Chỉ không phù hợp với thiên tư và căn tính của Huệ Khả. Nhất Dương Chỉ không chú trọng quá nhiều về sức mạnh cơ bắp và ngoại lực.
Nó đòi hỏi nội tâm người tu luyện phải thanh tịnh, âm dương phải điều hoà, tâm ý phải nhất như mới phát huy ra được hết uy lực và sức mạnh. Tâm có tịnh mới dẫn phát được tinh khí, tinh khí tụ lại mới sinh ra tinh lực, tinh lực tinh thuần mới phát ra chưởng thức uy lực lớn và sát thương cao.
Mà Huệ Khả thì ngược lại, trời sinh một thân thần lực mạnh mẽ, thiên về chí cương chí dương. Chính vì lẽ đó mà nếu có tu luyện Nhất Dương Chỉ cũng không phát huy hết được lợi thế vốn có của thân thể.
Tư chất của Huệ Khả được liệt vào hàng trăm năm hiếm gặp của Tự viện, lại thêm có thiên phú trác tuyệt về võ học. Nên khi được đích thân thượng toạ Phổ Hoá truyền thụ cho bộ Đại Lực Kim Cang Chưởng cậu càng như hổ mọc thêm cánh, có thể nói là ngày đi ngàn dặm.
Đại Lực Kim Cang Chưởng tổng cộng có 3 tầng. Tầng thứ nhất là luyện nhục thân, tên gọi Thiết Chưởng hay Thiết Bố Sam tức là luyện cho da thịt trên thân thể thành cứng rắn, dẻo dai như một chiếc áo giáo sắt, sát thương thông thường khó lòng xuyên thủng da thịt. Tầng thứ hai tên Kim Cang Bất Hoại Thân tức là luyện cho xương cốt rắn chắc tựa kim cương. Nếu luyện thành tầng hai đại viên mãn thì được ví như mình đồng da sắt, đao thương bất nhập, đủ để tung hoành khắp thiên hạ khó gặp địch thủ.
Tầng ba tên là Kim Cang Nhập Thể được chia làm ba giai đoạn . Giai đoạn một là luyện tinh hoá khí, giai đoạn hai là luyện khí hoá thần, giai đoạn ba là dung hoà cả tinh, khí thần làm một, khi đó cũng là lúc Đại Lực Kim Cang Chưởng đại công cáo thành.
Trong bí tịch võ học do Tổ Sư Đạt Ma lưu lại có nói nếu một người luyện Đại Lực Kim Cang Chưởng tới đại viên mãn thì chưởng lực xuất gia tựa như Kim Cang giáng thế, quân lâm thiên hạ không gì cản được.
Trong lịch sử truyền thừa gần ngàn năm của Phật Quang tự, cũng chưa nghe nói ai có thể luyện Đại Lực Kim Cang Chưởng đến tầng thứ ba chứ chưa nói đến mức đại viên mãn. Ngay cả Phổ Hoá đại sư cũng chỉ dừng lại ở tầng hai Kim Cang Bất Hoại mà thôi.
Thời trẻ ngài cũng là thiên tài kiệt xuất hiếm có của bổn Tự, lại được đích thân trụ trì chỉ điểm khai ngộ nên khi mới ba mươi tuổi ngài đã luyện thành Kim Cang Bất Hoại đại viên mãn.
Nhưng xưa nay, thiên tài thường sinh ra ngạo khí, Dù Hư Vân hoà thượng khi ấy đã dạy “Ngoài trời còn có trời, núi cao còn có núi cao hơn”
Nhưng ngài đã bỏ ngoài tai tất cả những lời dạy bảo của sư phụ. Hôm ấy, Ngài trốn sư phụ xuống núi, đi ngao du khắp thiên hạ tìm kiếm đối thủ.
Ban đầu là thách đấu những nhân vật có tên tuổi trong giang hồ, lâu dần thách đấu tới cả những bang phái lớn nhỏ trong thiên hạ. Sau khi đã đánh bại tất cả cao thủ trong các môn phái vừa và nhỏ. Hôm ấy, Ngài một mình bước l·ên đ·ỉnh núi Côn Luân thách đấu Tiêu Hà đạo chưởng.
Sự việc Ngài một mình một côn bước lên núi Côn Luân thách đấu trưởng môn Tiêu Hà đã làm dậy sóng cả giang hồ lúc bấy giờ. Nhưng Tiêu Hà đạo chưởng chẳng phải hữa danh vô thực.. trận chiến đấu ác liệt diễn ra suốt gần một canh giờ, tưởng như hai bên bất phân thắng bại, cuối cùng Tiêu Hà trưởng môn tung ra chiêu Vô Ảnh Kình Thiên, trong bộ Lưỡng Nghi Kiếm Quyết đã phá tan Kim Cang hộ thân đánh cho Phổ Hoá đại sư bị trọng thương.
Phải biết rằng, năm xưa chỉ với chiêu kiếm ấy Tiêu Hà đã gây dựng lên cả một cơ đồ như ngày nay. Cũng may, khi ấy trụ trì đã đoán được thế nào cũng có ngày này. Nên đã cho người kịp thời ứng cứu mới bảo toàn mạng sống cho Phổ Hoá.
Sau khi về Tự, trụ trì cùng một số vị trưởng lão phải dùng Ngũ Hành Trận Pháp ngày đêm gia trì nguyên khí và củng cố nội lực, mới giữ được mạng sống cho ngài. Tuy mạng sống giữ được, nhưng con đường tu luyện sau này sẽ vô cùng gian nan, trắc trở..Phần vì nguyên thần bị tổn thương, phần vì tâm ma hình thành sau thảm bại ngày hôm ấy.
Sau đó suốt hơn hai mươi năm, ngài vẫn chỉ dừng lại ở Kim Cang Bất Hoại thân mà không thể tiến thêm được bước nào. Chính vì vậy ngài luôn khao khát tìm được một vị đệ tử như Huệ Khả để thay mình tiếp tục thực hiện ước mơ, bước tiếp trên con đường chinh phục đỉnh cao võ học.
Ngài muốn thấy được khi Đại Lực Kim Cang Chưởng được luyện đến mức đại công cáo thành sẽ có uy lực ra sao, nếu được vậy dù c·hết ngài cũng yên lòng nhắm mắt. Đó là chấp niệm, cũng là mong ước của bất kì một kẻ luyện võ nào trong Thiên Hạ, mà có khi tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay, nằm dưới ba tấc đất lạnh cũng chẳng thể nào đạt được.