Zhihu: [CÔNG TỬ PHÙ TÔ ĐÃ YÊN NGHỈ CÁCH ĐÂY HAI NGÀN NĂM, VẪN LÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ KHIẾN HẬU NHÂN RƠI LỆ.]
Hơn hai nghìn năm trước, từng có một người như vậy.
Hắn như công tử bước ra từ giấy mực thi từ.
Trên người chảy dòng máu tôn quý, nhấc tay cũng đủ toát lên ngạo khí quân lâm thiên hạ. Nhưng nở một nụ cười, chỉ mang theo khiêm tốn ôn hoà.
Cuộc đời ngắn ngủi, câu chuyện cũng đơn thuần ngắn ngủi, nhưng in dấu trong lịch sử sóng cuộn sông dài, để lại vô vàn tiếc hận cho hậu thế.
Ngay từ đầu, Phù Tô đã là "trân bảo" của Doanh Chính.
Theo ghi chép, Tần Thủy Hoàng và các phi tần sinh được 33 người con, trong đó có 23 con trai, và Phù Tô là con trưởng của Doanh Chính. Tương truyền, thân mẫu của Phù Tô là phu nhân người nước Trịnh, thích ngâm nga khúc dân ca "Sơn hữu Phù Tô". Vì vậy, Doanh Chính đã đặt tên cho con trai là Doanh Phù Tô.
Cái tên này còn thể hiện tình yêu thương và sự kỳ vọng của Doanh Chính dành cho con trai mình. Bởi vì từ "Phù Tô" xuất phát từ một câu trong "Kinh Thi" - "Sơn hữu Phù Tô, thấp hữu hà hoa", đây là ý hương thảo giai mộc (cây cỏ tươi đẹp), phù tô nhỏ bé mà cứng cáp đâm chồi, trưởng thành.
Mặt khác, cái tên 'Hồ Hợi' lại có chút qua loa lấy lệ. Bởi vì mẹ của Hồ Hợi là người Hồ, và hắn sinh ra vào giờ Hợi.
Sự yêu thích của Doanh Chính quá rõ ràng. Nhưng Phù Tô cũng đã chứng minh, hắn xứng đáng.
Mặc dù được Doanh Chính sủng ái, xuất thân cao quý, nhưng hắn không ham chơi và ức hiếp kẻ yếu. Ngược lại, hắn đã dành hơn mười năm để học hỏi một cách khôn ngoan, chăm chỉ rèn luyện, và trở thành một thiếu niên vô cùng nhân từ, xuất chúng. Ngay cả Tư Mã Thiên cũng ca ngợi trong «Sử ký»: 'Phù Tô nhân từ, cương nghị, vũ dũng, tín trọng nhân.'
Doanh Chính thống trị thiên hạ bằng trái tim sắt đá, lòng nhân từ của Phù Tô có thể mang đến tai họa.
Chắc chắn, hai cha con thường xuyên xảy ra xung đột chính trị, và dữ dội nhất là vụ việc "đốt sách, chôn Nho" nổi tiếng. Khi đó, Tần Thủy Hoàng đã bị các thuật sĩ chế giễu và lừa gạt, trong cơn tức giận, hắn đã ra lệnh giết hơn 460 thuật sĩ, không một quan lại nào của triều đình dám can ngăn.
Chỉ có Phù Tô đứng lên thuyết phục Doanh Chính: "Thiên hạ vừa mới yên ổn, hiện tại người người đều theo Khổng Tử. Nếu bây giờ phụ thân trừng phạt tàn nhẫn, chỉ e sẽ không được lòng người." Lời can trái ý, Doanh Chính "tức giận", hạ sắc lệnh đày Phù Tô đến Thượng Quận để giám sát việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành của Mông Điềm.
Sau sự việc này, nhiều người cho rằng tình cảm giữa hai cha con đã hoàn toàn tan vỡ. Như mọi người đã biết, trên thực tế, hai người vẫn hướng về nhau.
Một mặt, Phù Tô không bao giờ từ bỏ sự kính trọng của mình đối với Doanh Chính dù cha hắn tàn nhẫn. Phù Tô luôn tôn thờ cha mình trong lòng, nhưng với tư cách là con trai trưởng và là thần tử, hắn thẳng thừng khuyên nhủ vì cho rằng đây là chức trách. Ngay cả khi hắn có thể mất đi sự sủng ái của cha mình và mất ngai vàng, hắn vẫn muốn hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.
Mặt khác, Doanh Chính không bao giờ từ bỏ việc rèn giũa dù cho Phù Tô 'nổi loạn'. Nhưng hắn lo lắng sự nhân từ của con trai sẽ không thể chống lại âm mưu từ các thế lực trong triều, hắn đã đưa Phù Tô đến bên cạnh Mông Điềm, vị tướng thân tín nhất. Hy vọng sau khi huấn luyện, Phù Tô có thể thực sự trở thành một con đại bàng bay lên cao. Vì vậy, cuộc "lưu đày" tưởng chừng như bị ghẻ lạnh này thực chất lại ẩn chứa tấm chân tình đùm bọc, cùng những kỳ vọng cao cả của một đế vương đối với người thừa kế.
Phù Tô không bao giờ phụ sự tin tưởng và kỳ vọng của cha mình.
Sinh ra để làm hoàng đế, nhưng số phận đã chôn vùi linh hồn công tử Phù Tô.
Sau khi Phù Tô được cử đến Thượng Quận xa xôi phía bắc, "tài năng đế vương" của hắn bắt đầu tỏa sáng. Như Doanh Chính mong đợi, Phù Tô mang theo quân chủ thiên mệnh, được định sẵn để quay trở lại.
Khi đóng quân ở Thượng Quân, hắn đã thu phục được sự trung thành của Mông Điềm và nhận được sự ủng hộ của đội quân mạnh nhất nhà Tần. Đồng thời, cùng với Mông Điềm, hắn tấn công Hung Nô ở phía Bắc, xây dựng Vạn Lý Trường Thành kiên cố và lập những chiến tích quân sự vĩ đại. Đối nội, hắn thực hiện chính sách mềm mỏng, khích lệ nhân dân nuôi tằm dệt vải, canh tác, biến Thượng Quận trở thành 'tiểu quốc lí tưởng'. Không khó để hình dung sự ủng hộ của người dân địa phương dành cho Phù Tô.
Nhìn những điều này, Doanh Chính cuối cùng cũng bỏ qua được sự thấp thỏm của mình và quyết định giao trọng trách.
Nhưng cuối cùng... Phù Tô đã không đợi được chiếu lệnh hồi kinh, hắn bị tính kế, và tự vẫn.
Đó là năm 210 Trước Công nguyên, năm thứ hai sau khi Phù Tô đến Thượng Quận, Tần Thủy Hoàng một lần nữa tuần du.
Đây là một sự kiện vô cùng hoành tráng, thu hút sự chú ý của cả nước, với hàng trăm quan viên tháp tùng, lực lượng hùng hậu. Hồ Hợi còn ở cùng Doanh Chính, có lẽ Phù Tô sẽ cảm thấy cô đơn. Khắp nơi náo nhiệt, hắn một mình trong thành hiu quạnh, thổi gió lạnh băng, trong lòng có lẽ không khỏi thất vọng phỏng đoán: "Bệ hạ bỏ rơi ta sao?" Lúc này, Phù Tô không hề biết sự an bài của Doanh Chính, và Doanh Chính không bao giờ còn cơ hội để giải thích cho hắn nữa.
Vào tháng 7 năm đó, Doanh Chính đột nhiên trở bệnh khi đang xa giá. Vào thời điểm quan trọng, Doanh Chính ra lệnh cho Triệu Cao, người đang ở cạnh thời điểm đó, viết một bản di chiếu. Đó là lệnh Phù Tô giao lại binh quyền cho Mông Điềm, trở về Hàm Dương chịu tang và kế vị. Thật không may, sau khi sắc lệnh được viết, Doanh Chính băng hà trước khi có thể trao nó cho Phù Tô.
Chỉ trong một phần thời gian ngắn, mọi thứ đã đi chệch hướng. Một âm mưu sắp mở ra, nó cũng viết lại số phận của Phù Tô và Đại Tần.
Sau cái chết của Doanh Chính, kẻ phản bội Triệu Cao sợ rằng tương lai của mình sẽ bị hủy khi Phù Tô lên ngôi. Hắn cùng thừa tướng Lý Tư và Hồ Hợi giả mạo di chiếu, để Hồ Hợi làm thái tử và kế vị.
Như vậy chưa đủ, hắn che giấu thiên hạ và triều đình về cái chết của Tần Thuỷ Hoàng, và giả mạo sắc lệnh "ban chết" cho Phù Tô, trong đó kể tội của Phù Tô và Mông Điềm. Sau khi đọc sắc lệnh giả, Phù Tô đã bật khóc, không ai biết trong lòng hắn tuyệt vọng như thế nào, nhưng hắn đã khóc khi bước vào trong phòng, sẵn sàng tuân theo chiếu chỉ, tự sát.
Mông Điềm ngăn Phù Tô lại và nói: "Bệ hạ phái thần giữ ba mươi vạn đại quân trấn giữ biên cương, công tử làm người giám sát, đây là trọng trách. Mới một tên sứ giả đến đã tự sát, chắc gì không phải là dối trá. Xin công tử về Hàm Dương tâu lại lần nữa, chết cũng chưa muộn. "
Nhưng Phù Tô đã quá đau lòng, hắn để lại một câu: "Phụ xử tử chết, tử không chết là bất hiếu." Và còn có chút đùa giỡn: "Phụ thân ban chết nhi tử, còn thấy thư thái quý giá." Sau đó rút kiếm tự sát, máu đào đầy đất.
Sau cái chết của Phù Tô, Hồ Hợi lên ngôi với hiệu là Tần Nhị Thế.
Ba nghìn năm sau, người vẫn là công tử không đổi...
Mọi người đều đã nghe nói về sự kết thúc của nhà Tần? Hồ Hợi trở thành bù nhìn của Triệu Cao, dưới sự cai trị tàn bạo, nhân dân nhà Tần không thể kiếm sống, buộc Trần Thắng và Ngô Quảng phải nổi dậy.
Ba năm sau, Hồ Hải bị ép tự sát. Năm 207 Trước Công nguyên, triều đại thống nhất đầu tiên của Trung Quốc kết thúc, hoàn toàn tan thành mây khói, biến mất khỏi vũ đài thời đại.
Vẫn còn nhớ những gì Trần Thắng và Ngô Quảng nói từ tận đáy lòng, khi phát động khởi nghĩa: "Thiên hạ đã khổ vì nước Tần, Nhị Thế không xứng được lập. Người xứng đáng là công tử Phù Tô."
Bạo loạn, rồi sẽ hoà bình...
Có người nói: "Chính tính cách ôn hoà, lương thiện và tin người của Phù Tô đã dẫn đến bi kịch của hắn và Đại Tần.
Cái chết oan uổng của hắn đã để lại quá nhiều tiếc thương trong lịch sử, nhưng lòng nhân hậu, trí dũng vô song của hắn vẫn như ánh trăng vĩnh hằng, nhẹ nhàng soi vào thời gian.
Hàng ngàn năm trước, từng có một công tử Phù Tô. Mạch thượng nhân như ngọc, công tử thế vô song.
...
❄️❄️❄️
Nhiều người nói công tử Phù Tô quá yếu đuối, quá ngốc, trong khi Mông Điềm còn nhìn ra chiếu thư là giả. Nhưng Phù Tô thực sự quá tin người, hay thật ra lòng đã nguội lạnh như tro tàn, mới một kiếm không ân hận?
Lớn lên với địa vị định sẵn làm người kế thừa đế nghiệp, Phù Tô không có hoài bão sao? Hắn cũng nỗ lực, cũng hoài bão để trở thành quân chủ ưu tú. Có lẽ, nếu là người khác, vô duyên vô cớ bị ban tử, sẽ bất bình, sẽ không tin, hoặc sẽ dành nỗ lực cuối cùng để phản, để giành lấy tia hi vọng sống sót. Nhưng Phù Tô đã không làm như vậy. Có lẽ hắn cũng chưa từng hối hận vì đã sống là chính mình, tôn sùng nghĩa quân thần của Nho giáo, tận trung tận hiếu, đây là lẽ sống mà hắn cả đời theo đuổi.
Nếu Tần Thuỷ Hoàng biết ngày này, có phải sẽ ân hận, có phải sẽ nghĩ giá như đối xử với hắn tốt hơn, cho hắn biết mình yêu thương và kì vọng như thế nào. Mông Điềm không tin chiếu thư giả, vì Tần Thuỷ Hoàng đối với hắn khác so với Phù Tô. Mông Điềm là ái tướng của Thuỷ Hoàng, nếu như nói bệ hạ bức tử hắn, hắn sẽ không bao giờ tin. Đó là lý do hắn không hề ngần ngại khuyên Phù Tô về Hàm Dương hỏi rõ ràng (dù hành động này là phản nghịch). Bởi vì hắn chắc chắn, Tần Thuỷ Hoàng sẽ không làm thế, nên hắn không sợ.
Phù Tô khác Mông Điềm. Ấn tượng của hắn về cha mình có lẽ chỉ là xung đột, ghét bỏ, nghiêm khắc. Hắn hoàn toàn tin rằng, cha hắn không có chút tình cảm nào với hắn. Vì vậy mà hắn cũng quyết tin vào chiếu thư trong tuyệt vọng. Đây là lỗi của Phù Tô ư? Nếu như hắn cảm nhận được tình yêu thương, khi ấy chắc chắn hắn cũng giống như Mông Điềm, không bao giờ tin chuyện người cha thương yêu mình ban chết cho mình.
Khi rơi vào tuyệt vọng đến trống rỗng, không còn tâm trí nghĩ đến việc vì sao ba mươi vạn quân trong tay mình. Nếu Tần Thuỷ Hoàng nghi kị, ghét bỏ, làm sao có thể giao binh quyền lớn như thế cho con trai? Tần Thuỷ Hoàng hoàn toàn tin tưởng hắn. Có lẽ cũng không hề lo lắng chuyện xấu xảy ra, vì Phù Tô đã nắm binh quyền trong tay, không ngờ rằng Phù Tô đã không do dự, không phản kháng, tự kết liễu đời mình. Cuối cùng chỉ còn lại hiểu lầm không thể hoá giải, một bi kịch đau thương.
Lăng mộ của công tử Phù Tô nằm lại Thượng Quận (nay thuộc Thiểm Tây), ngay bên cạnh lăng mộ của Mông Điềm.
[Dịch xong lại lảm nhảm một chút về nhân vật lịch sử khiến mình xót xa nhất =((( Nay thi chứng chỉ lần hai, cũng buồn đời nên muốn người khác buồn cùng]