Đồng tiền không những có mùi mà còn có vị. Có cả lời nói dối, có cả nỗi khổ tâm. Và mùi của đồng tiền là một mùi rất nồng: "Mùi người!"
- Gào -
____________________
Đằng sau lời nói dối là gì ư? Hiển nhiên là sự thật mà người nói rất muốn giấu.
Có một câu chuyện về tuổi thơ mà tôi đã luôn nhắc mình phải nhớ. Nó khiến tôi luôn có thêm động lực phấn đấu trong cuộc sống để không bao giờ rơi vào tình trạng tương tự trong quá khứ.
Hồi tiểu học, tôi học ở một ngôi trường bình thường, trường làng đúng nghĩa. Bố mẹ tôi không quá câu nệ chuyện trường giỏi hay trường làng, trường chuyên hay trường thường. Đơn giản, trường gần nhà thì đi học thôi. Khi đó, bố làm thợ nên thường phải đi xa. Ra tận Vinh hay Nghệ An gì đó, tôi chẳng nhớ rõ lắm. Đại khái, bố đi làm xa, tháng mới về một lần. Mẹ ở nhà tất bật với mọi thứ, người gầy rộc như bộ xương khô.
Khi ấy, tôi thường xuyên đóng chậm rất nhiều loại tiền ở trường, từ tiền học phí cho tới các loại quỹ hay phụ thu này nọ. Thầy cô giáo lúc nào cũng cảm thấy phiến lòng về sự chậm trễ của tôi, lần nào được hỏi, tôi cũng đều nói: "Em quên nói cho bố mẹ!". Tháng nào cũng quên, tháng nào cũng trễ. Nhiều tới nỗi, mọi người còn tưởng rằng tôi có tính hay quên. Điều này thậm chí được ghi vào học bạ. Ngày đó, chưa có điện thoại để dễ dàng liên lạc với phụ huynh đúng hai lần vào cuối học kỳ 1 và cuối năm. Gặp bố mẹ tôi trong cuộc họp phụ huynh suốt năm năm tiểu học, không năm nào cô giáo không thở dài nói: "Ôi, cháu nhà chị lơ đãng, hay quên lắm. Em dặn gì về nhà cháu cũng quên nói với bố mẹ!"
Nhưng thực sự là nào có phải tôi quên, câu nói dối thân quen: "Em quên ạ!", âu cũng chỉ là nỗi lo của một đứa trẻ khi nhìn thấy cha mẹ khó khăn. Lần nào cũng vậy, mỗi khi mở mồm xin tiền đóng học, lại cảm thấy áy náy trong lòng, bởi thấy bố mẹ lo toan nhiều thứ quá. Thế là cứ đến trường, nói dối quẩn quanh để khất lần cô giáo.
Tuổi thơ như vậy, chắc chỉ có những bạn có gia đình như tôi mới hiểu được. Cảm giác thiếu thốn đủ thứ, nhưng chẳng dám xin bố mẹ điều gì. Vì bố mẹ đã cố gắng hết sức, cho mình tất cả những gì họ có rồi, chẳng phải thế sao? Việc mua sách giáo khoa, đối với bao trẻ em là bình thường khi tới trường. Nhưng với tôi và hẳn với nhiều đứa trẻ chung hoàn cảnh như tôi ngày đó, "sách giáo khoa mới" là một cụm từ vô cùng xa xỉ. Tôi thường xin sách của các anh chị lớp trên để dùng lại. Có những bộ sách giáo khoa cũ mèm vì được truyền qua biết bao đời học sinh, chúng chỉ không còn được "tận dụng" khi Bộ Giáo dục có cải cách sách giáo khoa mà thôi. Những năm sách bắt buộc phải mua mới, cầm bộ sách giáo khoa trên tay thôi mà tôi cứ như được phần thưởng gì to lớn, vĩ đại lắm, vui sướng tới nỗi không nói nên lời.
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, trong những bữa cơm có mấy mẹ con, ngày bố tôi đi làm xa ấy, nhà nấu canh sườn, mẹ thường ăn xương, nhường tôi ăn thịt. Mẹ còn nói dối rằng: "Ăn xương ngon. Mẹ thích ăn xương!" Có những lúc tôi đã ngô nghê thực sự tin điều đó, tin rằng mẹ thích ăn xương hơn ăn thịt.
Những khó khăn nhọc nhằn ấy, âu cũng chỉ bởi vì nghèo, vì thiếu tiền, nên thiếu thốn đủ thứ. Có người hỏi rằng: "Đồng tiền có mùi gì?"... Bất giác tuổi thơ trong tôi ùa về với biết bao dư vị. Chua chua, cay cay, đăng đắng và cũng có cả ngọt ngào. Đồng tiền không những có mùi mà còn có vị. Có cả lời nói dối, có cả nỗi khổ tâm. Và mùi của đồng tiền là một mùi rất nồng: "Mùi người!" Chính xác là mùi người, mùi của mồ hôi đổ xuống, của nước mắt tuôn ra, của mẹ cha chúng ta và của chúng ta khi lớn lên và bon chen trong cuộc sống!