Chương 12: Lạc Hồng Thần Công
Tương truyền thuở xa xưa Lạc Long Quân và Âu Cơ kết hôn sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, năm mươi người con theo cha xuống biển năm mươi người con theo mẹ lên non.
Lạc Long Quân phong cho người con trai cả làm vua, tục gọi là Hùng Vương, thành lập nên nước Văn Long.
Lạc Long Quân trước khi về trời đã để lại cho Hùng Vương đời thứ nhất thần khí của mình là Thuận Thiên Kiếm. Trên lưỡi Thuận Thiên Kiếm có khắc một bộ thần pháp gọi là Hồng Bàng Thần Pháp, thần pháp là pháp thuật của thần, uy năng vô cùng vô tận, giúp người thường có thể đến gần với thần linh nhất. Hồng Bàng Thần Pháp có thể hô mưa gọi gió, điều khiển các nguyên tố tự nhiên, sai khiến long tộc, tuy nhiên Hùng Vương nhận thấy Hồng Bàng Thần Pháp quá thâm sâu và phức tạp, hơn nữa chỉ những người có huyết thống gần gũi với thần mới chế ngự nổi. Ông lo sợ con cháu mình sau này huyết mạch thần linh bị suy yếu, không học được thần pháp bèn dựa vào Hồng Bàng Thần Pháp cùng trí tuệ của mình tạo ra một bộ võ công phù hợp với người thường, lấy tên là Lạc Hồng Thần Công.
Lạc Hồng Thần Công ban đầu chỉ có phương pháp hấp thụ năng lượng của tự nhiên để cường hoá cho bản thân người luyện, trải qua mười tám đời Hùng Vương thì trở nên hoàn chỉnh hơn với mười tám tầng nội công là: Đức, Hiền, Lân, Diệp, Hi, Huy, Chiêu, Vĩ, Định, Hi, Trinh, Vũ, Việt, Anh, Triêu, Tạo, Nghị và Duệ cùng với mười tám lộ chiêu thức gọi là Văn Lang Thập Bát Đạo. Cứ qua mỗi đời Hùng Vương sẽ tăng thêm một tầng nội công và tăng thêm một lộ chiêu thức, đời sau bổ sung và hoàn thiện hơn đời trước.
Sau này An Dương Vương Thục Phán chiếm được Văn Lang, thống nhất hai tộc Âu Việt và Lạc Việt thành một, ông thu được chiến lợi phẩm Lạc Hồng Thần Công, biết được đây là thần vật bèn lấy quốc hiệu đặt cho võ công, Lạc Hồng Thần Công đổi tên thành Âu Lạc Thần Công.
Kể từ ngày hôm đó Lạc Hồng Thần Công là võ chọn người chứ không phải người chọn võ, cách thức được chọn cũng vô cùng đa dạng, có người nằm mơ, có người vô tình nhặt được, có người được một ông già tóc trắng như cước tặng, có người sau một đêm ngủ dậy tự nhiên học được. Những người được chọn đều có mệnh đế vương, sau này kiến triều lập quốc.
Hai người đầu tiên sau An Dương Vương học được Lạc Hồng Thần Công là Hai Bà Trưng - Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai bà đã đánh đuổi giặc Đông Hán, lập ra nước Lĩnh Nam đóng đô ở Mê Linh. Trưng Trắc cho rằng Lạc Hồng Thần Công không chỉ đại diện cho bậc quân vương nước Việt mà còn đại diện cho cả nước Việt nên quyết định ngoài tên Lạc Hồng Thần Công còn lấy quốc hiệu đặt một tên khác là Lĩnh Nam Thần Công.
Các vị vua sau này cũng giữ gìn và phát huy ý nguyện của bà, dùng quốc hiệu để đặt tên cho Lạc Hồng Thần Công, Lý Nam Đế sau đó đặt là Vạn Xuân Thần Công đến Ngô Vương Ngô Quyền gọi là Tĩnh Hải Thần Công, ngoài ra Ngô Vương còn tập hợp toàn bộ tinh tuý của Văn Lang Thập Bát Đạo rút gọn còn Văn Lang Cửu Đạo, ông cũng là người thêm kiếm chiêu “Bạch Đằng Giang” vào Văn Lang Kiếm Đạo. Đinh Tiên Hoàng xưng đế đổi tên thành Đại Cồ Việt Hoàng Đế Thần Công, ông sau khi dẹp loạn mười hai sứ quân đã thêm trận thế “Cờ Bông Lau” vào Văn Lang Kỳ Đạo.
Đến thời nhà Tiền Lê và nhà Lý vẫn giữ tên là Đại Cồ Việt Hoàng Đế Thần Công, tuy nhiên tương lai sau này vua Lê Thánh Tông đổi tên nước thành Đại Việt thì cũng đổi luôn Lạc Hồng Thần Công thành Đại Việt Hoàng Đế Thần Công, từ đó về sau không đổi tên nữa trừ thời nhà Hồ. Tương tự thời vua Hùng các vị vua sau này cũng cố gắng để hoàn thiện hơn Lạc Hồng Thần Công vì thế nên môn võ công trấn quốc này đời sau mạnh hơn thời trước tuy nhiên số lượng mười tám tầng nội công và Văn Lang Cửu Đạo thì không thay đổi.
Thực ra Đại Cồ Việt Hoàng Đế Thần Công là tên để các vị hoàng đế gọi, còn những người khác và trong giang hồ Đại Cồ Việt vẫn quen gọi là Lạc Hồng Thần Công, kể cả ngoại quốc lân bang.
Văn Lang Cửu Đạo bao gồm: quyền, cước, chưởng, kiếm, gậy, thương, tiễn, cờ, ngạnh. Trong đó Văn Lang Quyền Đạo tức là Hùng Vương Quyền có tổng cộng có mười tám chiêu.
Hiên Viên Hạo không bao giờ quên được ký ức ngày hôm đó tại Đại Hội Võ Lâm mười tám năm về trước ở kinh đô Biện Kinh nhà Tống.
Một người không rõ danh tính, chỉ biết anh ta họ Lý đến từ Đại Cồ Việt, người này chỉ với Lạc Hồng Thần Công tầng mười bảy và Hùng Vương Quyền và Long Vương Kiếm Đạo đã đánh bại gần như toàn bộ võ giả từ khắp thiên hạ.
Một người khác cũng đến từ Đại Cồ Việt với Vạn Xuân Bảo Lục của Lý Nam Đế có thể hoá giải toàn bộ võ công thiên hạ, tự mình đứng vào thế bất bại.
Lúc đó áp chế được hai cao thủ trẻ tuổi chỉ có Hiên Viên Hoàng Đế Đệ Thập đại thành tầng bảy mươi Hiên Viên Thần Công và người đứng đầu Ma Môn lúc bấy giờ là Băng Hoả Ma Vương.
Tuy nhiên Hiên Viên Hoàng Đế đã phải dùng toàn bộ Lục Tuyệt mới có thể đánh bại Văn Lang Lưỡng Đạo, còn Hiên Viên Lôi Đình Quyền đã chịu thua trước Hùng Vương Quyền nên từ đó về sau người ta gọi Hùng Vương Quyền là thiên hạ đệ nhất quyền pháp, Hiên Viên Lôi Đình Quyền từ đệ nhất rớt xuống đệ nhị. Điều này khiến cho Hiên Viên Hạo không thể chấp nhận được, nó giống như cái gai lúc nào cũng đâm vào gan ruột của hắn.
Năm mười tám tuổi Hiên Viên Hạo đã đột nhập vào hoàng cung Thăng Long để khiêu chiến Lý Thái Tổ bởi vì hắn cho rằng trong thiên hạ lúc đó chỉ có ông là người duy nhất biết Lạc Hồng Thần Công hơn nữa ông còn là một trong số ít các vị vua nước Việt luyện thành toàn bộ mười tám tầng Lạc Hồng Thần Công cũng như Văn Lang Cửu Đạo.
Hoàng cung Thăng Long canh phòng nghiêm mật Hiên Viên Hạo là cao thủ vẫn bị phát hiện, tướng quân Lê Phụng Hiểu nổi danh với Thiên Phụng Thập Tam Kiếm phải dùng đến kiếm thứ bảy mới có thể bắt sống được hắn. Hiên Viên Hạo sau khi b·ị b·ắt một mực khăng khăng muốn khiêu chiến Lý Thái Tổ, chuyện này truyền đến tai Lý Thái Tổ, ông lúc này đã có tuổi, cho rằng nếu đích thân ra tay thì khác nào ỷ lớn h·iếp bé? Bèn bảo Thái tử là Lý Phật Mã ra trận thay.
Khai Thiên Vương Lý Phật Mã cũng được Lạc Hồng Thần Công lựa chọn, điều này khiến Hiên Viên Hạo cực kỳ bất ngờ, chưa từng có chuyện tồn tại cùng lúc hai người biết Lạc Hồng Thần Công. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa Lý Thái Tổ long thọ đã sắp cạn còn Lý Phật Mã sẽ là hoàng đế tiếp theo của nhà Lý.
Lý Phật Mã lúc đó công lực chỉ mới ở tầng sáu, Văn Lang Cửu Đạo chỉ tinh thông ba, trong đó có Hùng Vương Quyền. Xét về thực lực thì Lý Phật Mã và Hiên Viên Hạo không quá cách biệt, vì Hiên Viên Hạo muốn chứng minh Hiên Viên Lôi Đình Quyền mới là đệ nhất quyền pháp nên cả hai chỉ dùng Hùng Vương Quyền và Hiên Viên Lôi Đình Quyền.
Kết quả đến chiêu thứ mười Hiên Viên Hạo đại bại.
Lý Thái Tổ là người nhân từ, cảm thấy Hiên Viên Hạo khẳng khái cương trực, mục đích chỉ muốn so tài, không có ý đồ phạm thượng nên tha cho, tuy nhiên tội đột nhập hoàng cung không nhẹ, phạt đánh một trăm trượng, giam vào đại lao. Mấy ngày sau nhà Tống phải cử sứ thần và Hiên Viên Hoàng Đế đích thân đến xin mới được thả về.
Sự kiện ngày hôm đó trở thành vết nhơ duy nhất trong những trang sách huy hoàng của tuổi trẻ Hiên Viên Hạo.