Bụi Bóng Đêm

Chương 4




Đường đến đền Inari Taisha do Heian tiếp quản thật sự rất xa. Tôi đã đi qua chín mươi chín bậc thang nằm trên con dốc thoai thoải đủ làm người khác kiệt sức, và tôi vì muốn giữ một chút tàn lực sau cùng nên chọn cách nằm trên lưng Heian, để được nghỉ ngơi, được ngắm cảnh dọc đường và nghe cậu ấy kể chuyện.

Hơn bảy thế kỉ trước, khi ngôi đền chưa xuất hiện, trên ngọn núi này đã xảy ra một trận ác chiến giữa cụ tổ của gia tộc Karui với một con yêu quái hồ li ngàn năm tuổi. Trận đấu diễn ra gần một ngày một đêm. Suốt thời gian đó, bầu trời trên đỉnh núi phủ một màu đỏ thẫm. Giọt mưa tựa như giọt máu rơi xuống đất tạo thành một dòng chảy ma quái giết chết cỏ cây tại nơi nó chạm đến; và gió tràn ngập mùi tanh.

Khi nhận ra càng chiến đấu, lợi thế càng thuộc về loài vật đến từ thế giới yêu ma, cụ tổ của Heian dùng hết linh lực lẫn sức mạnh của sinh mạng phong ấn con hồ li đó vào một chiếc hộp làm từ linh mộc trong rừng. Đợi những pháp sư còn lại của gia tộc đến, ông đưa hộp gỗ cho họ và dặn dò các thế hệ sau này phải thay nhau bảo vệ hộp phong ấn, không một ai được phép mở ra.

Theo tâm nguyện sau cùng của cụ tổ, các pháp sư trong gia tộc thống nhất với nhau sẽ để chiếc hộp này nên được đặt tách biệt với thế giới bên ngoài để ngăn ngừa những chuyện không mong muốn. Họ đã xây một ngôi đền trên đỉnh núi, giăng thêm bùa chú dọc lối đi đến tận cổng đền, phong ấn kĩ chiếc hộp và đặt nó ở nơi người khác khó lòng tìm thấy. Họ thay nhau canh giữ, chăm sóc ngôi đền và dặn dò các thế hệ con cháu mai sau phải cẩn thận giữ gìn nơi này.

“Cái hộp đó có thật không?” Tôi tự bật ra câu hỏi và nhìn hai hàng cây cổ thụ được gắn những chiếc chuông nhỏ nối với nhau bằng một sợi dây thừng bện bằng rơm đính những chỉ thùy vải trắng hình tia sét vẽ đầy các hoa văn kì dị. Trong giấc mơ, tôi đã từng nhìn thấy kiểu bùa chú như vậy nhưng không được rõ ràng như bây giờ. Nếu lời kể của Heian là thật thì nơi tôi sắp đến là một nơi rất thú vị.

“Cha mình từng cho mình xem cái hộp đó. Nó bị đóng rất chặt và cũ lắm rồi nhưng còn chắc lắm. Trên hộp còn có dán thêm bùa chú của các đời pháp sư canh giữ nữa.”

“Heian thử mở ra chưa?” Tôi tò mò.

“Sấm sét mở nó ra, còn mình là người đóng lại.” Nghe tiếng ‘hử’ ngờ vực của tôi, Heian nói thêm. “Ba tháng trước ngày An đến, nơi này mưa rất to. Sấm sét giáng xuống nhà kho, đánh trúng cái hộp làm nắp hộp hé ra một chút. Lúc đó, mình không biết phải làm gì nên chỉ đóng hộp lại rồi tìm thêm bùa chú dán lại chỗ phong ấn bị cháy.”

“Rồi có chuyện gì xảy ra không?” Sự vô tâm khiến tôi bật ra một câu hỏi ngớ ngẩn.

“Không biết nữa. Cha mình nói đó là điềm gở nhưng không thể đoán được cụ thể hơn.” Cậu bạn ngoại quốc thở dài, ngữ điệu trầm buồn không che giấu. “Sau đó, cha mình gặp tai nạn và mất trên đường đến bệnh viện. Mẹ mình bị sốc tâm lí. Từ ngày đó, bà sợ xe ô tô, sợ nghe tiếng phanh xe, thậm chí là mơ thấy cảnh tai nạn và còn nghe thấy tiếng nói của cha mình. Bà trở nên trầm lắng và ít khi chia sẻ. May là bà vẫn chọn mình làm người lắng nghe… Rồi các anh chị trong dòng họ khuyên mình đưa bà đi điều trị tâm lí. Đó cũng là cách tốt nhất mà mình nghĩ đến. Hiện giờ, tình hình của bà đã ổn định hơn. Hi vọng sẽ không xảy ra chuyện gì nữa.”

“Có lẽ mình nên ở đây, còn Heian nên sớm về với mẹ.” Tôi thành thật. “Đừng để bà cảm thấy cô đơn.”

“Mình sẽ về. Nhưng không phải bây giờ.”

“Mấy cái chuông treo trên dây chú liên thừng để làm gì? Trang trí hay còn công dụng khác?” Tôi hỏi, mắt vẫn không rời khỏi những chiếc chuông kì lạ bị cách đều bằng chuỗi chỉ thùy có thêm bùa chú. Chúng nằm yên trên sợi dây thừng dài cũ kĩ được giăng mắc tại các thân cây cổ thụ.

“Chuông cảnh báo. Nó không rung khi con người xuất hiện. Nhưng con khác đến thì nó sẽ rung.” Và Heian dừng chân rồi để tôi bước xuống khi đến trước cổng điểu cư màu đỏ son, hai bên có hai tượng cáo, một tượng ngậm bó lúa trong miệng, tượng còn lại ngậm một hòn ngọc nhỏ trông rất nghiêm trang nhưng khá cũ kĩ. “Lối đi ở giữa dành cho thần, chúng ta chỉ được đi hai bên. Nơi này là chốn linh thiêng, tuyệt đối phải thanh tâm. Nhớ chưa?”

Tôi gật đầu và cùng cậu ấy đi vào trong đền.

Ngôi đền vắng vẻ nhưng rất sạch sẽ. Có lẽ ai đó từng đến đây quét dọn rồi đi ngay. Tiếng ống trúc của bánh xe nước gõ vào đá vang lên. Một vài con chim nhỏ đậu trên cổng thần Heian từng nói, hót ríu rít. Mùi thơm thanh dịu của những loài hoa trồng trong khuôn viên đền thoang thoảng trong không khí.

Heian luôn đánh giá cao sự am hiểu của tôi về Thần đạo nên không hướng dẫn quá nhiều. Cậu ấy đưa tôi đến nhà kho, lấy chiếc hộp phong ấn từng kể cho tôi xem. Món đồ vật cũ bị dán đầy bùa chú chỉ gợi ra cảm giác thương tâm nhiều hơn là kinh sợ. Khi vừa chạm vào, cơn đau ở cổ tay lại lan truyền, hoành hành khắp người tôi. Tôi rụt tay lại. Cảm nhận được nhịp đập trong lồng ngực mạnh lên một cách bất thường.

Dấu hiệu hình con cáo chín đuôi của đêm qua chợt sáng lên. Nhưng chỉ mình tôi nhìn thấy. Tôi viện cớ muốn tìm hiểu kĩ hơn về ngôi đền để có thể đảm nhận tốt vai trò của một pháp sư thực tập và nhanh chóng đặt chiếc hộp về vị trí cũ rồi kéo Heian ra ngoài.

Bầu trời trên đầu chúng tôi bắt đầu chuyển mây, hơi lạnh từ nơi khác theo gió lùa đến vây kín ngôi đền. Heian giúp tôi sắp xếp hành lí và chỗ ngủ. Xong việc, cậu ấy ra về nhưng không quên nhắc lại lời căn dặn của các đời pháp sư đi trước.

Mưa nhanh chóng trút xuống, lấp kín mọi lối đi. Cảm giác trống rỗng, cô độc quay về. Để tạm quên đi những cảm xúc tiêu cực đang tồn tại và quanh quẩn, tôi lấy những mảnh vải gấm ra thêu. Công việc này không đơn giản chút nào. Chỉ một chút sơ suất, chỉ sẽ rối thành búi và phải gỡ ra, làm lại để tránh hỏng hoa văn trên túi. Loay hoay suốt mấy tiếng đồng hồ, túi bùa omamori cũng hoàn thành và đẹp không thua gì những thành phẩm được những người từng ở đây đã làm trước đó.

Đêm. Mưa tạnh nhưng bầu trời vẫn xám xịt. Lúc định đóng cửa đền thì tiếng chuông kêu lanh canh khiến tôi dừng tay, ra ngoài xem. Heian từng nói chuông chỉ báo động trước những sinh vật không phải con người. Thật khó kiềm chế được máu hiếu kì trước những điều hiếm có dịp mắt thấy tai nghe.

Bên ngoài, một người phụ nữ đội mũ rộng vành có mạn che mặt, một tay cầm ô, tay kia dìu một người con trai đang ngủ say đứng trước cổng. Vừa nhìn thấy tôi, người đó quỳ sụp xuống, van nài bằng giọng rất bi thương:

“Pháp sư, xin cô cứu lấy con trai tôi.”

“Cô đứng dậy đi. Cháu…” Tôi đỡ lấy người phụ nữ khổ hạnh và tìm lời giải thích. “Cháu chỉ là người giữ đền… Cô đừng hiểu lầm.”

Người phụ nữ đó khẽ lắc đầu, lặng người đôi chút, mấy ngón tay giữ chặt lấy người con trai đi cùng như cố níu lấy chút hi vọng mong manh, giọng run run như sắp khóc: “Tôi biết việc này rất khó khăn với pháp sư. Nhưng tôi chỉ còn biết trông cậy vào pháp sư. Tôi không muốn con trai tôi chết. Pháp sư, tôi cầu xin cô, cứu lấy con trai tôi.”

Mưa lại trút xuống. Để người vừa đến không gặp nguy hiểm khi trời tối, tôi buộc lòng đưa họ vào trong đền trú tạm.

Chiếc mũ rộng vành cùng mạn che mặt được bỏ xuống, người phụ nữ để lộ gương mặt phúc hậu với làn da trắng hơi tái đi vì lạnh. Còn người con trai đi cùng vẫn ngủ rất say và không hay biết gì. Nói đúng hơn, anh ta đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu.

Tôi rót một li trà gừng đưa cho người mẹ đáng thương rồi ngồi đối diện với bà.

“Cô uống đi. Món này làm ấm người rất tốt.” Tôi nói.

Người phụ nữ đó cầm li trà, ngập ngừng một lúc rồi lại đặt lên bàn. Mắt của bà vẫn không rời khỏi người con trai đang hôn mê. Có lẽ, bà muốn chắc rằng người con trai đi cùng vẫn còn duy trì mạng sống bằng những hơi thở yếu ớt mà bà từng nhìn thấy.

Cảm giác xót thương khiến tôi buột miệng mở lời hỏi thăm một cách vụng về:

“Cô ơi, con trai của cô… sao lại như vậy ạ?”

Một cách máy móc và gắng gượng, người mẹ đáng thương quay đầu, nhìn tôi, trả lời bằng giọng run run:

“Chính cô cũng không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Hơn hai tháng trước, sau một buổi chiều đi làm về, sức khỏe của con trai cô đột ngột yếu đi và rơi vào trạng thái như vậy đến tận lúc này. Cô đã đưa con cô đi khám ở khắp các bệnh viện ở vùng này nhưng không ai có thể kết luận chính xác con trai cô đang bị bệnh gì. Họ chỉ nói việc con trai cô chết đi chỉ còn là vấn đề thời gian…”

Dừng một lúc, bà ấy thở dài, khóe mi đã ướt đi vì nước mắt. Bà vội vàng lau khô trước khi chúng kịp rơi xuống và nói tiếp, “Trong một lần đi xem bói ở một ngôi đền trong thành phố, có một pháp sư nói với cô, con trai cô đã lỡ xúc phạm thần linh nên phải chịu phạt. Pháp sư bảo, muốn được thần linh tha thứ phải đến nơi này cầu nguyện và nhờ pháp sư ở đây chữa trị. Cô đã đến rất nhiều lần, gặp khá nhiều pháp sư nhưng họ không nhận chữa cho con trai cô.” rồi nước mắt chảy tràn trên mặt bà như cơn mưa dai dẳng bên ngoài cửa.

Đến lượt tôi thở dài. Tình mẫu tử khiến một người phụ nữ yếu đuối trở nên kiên cường và nuôi dưỡng lòng tin mù quáng vào những điều phi thực tế phản khoa học. Trách sao được khi bà ấy quá thương con và khi Thần đạo là tôn giáo chính của người Nhật. Nếu từ chối, tôi trở thành kẻ nhẫn tâm, còn nếu nhận lời chữa trị, tôi không có gì để đảm bảo sẽ trả lại sự sống của một con người bình thường cho con trai bà ấy. Không cẩn thận, ngôi đền này sẽ mang tai tiếng vì lòng thương người điên rồ trong nhất thời của tôi. Đúng là tiến thoái lưỡng nan.

Bên ngoài, mưa vẫn rơi nặng hạt và dai dẳng. Cảnh tượng hệt như lúc Heian vừa rời khỏi đền lại quay về nhưng lần này, bóng tối thay thế tất cả. Nghĩ về cậu bạn ngoại quốc, hơn lúc nào hết, tôi cần cậu ấy xuất hiện ở đây.

Người mẹ đáng thương vẫn ngồi yên, chờ đợi. Tất cả hi vọng trong đôi mắt đều gửi gắm hết cho một kẻ từng xem thường sinh mạng như tôi. Lòng tin khiến người phụ nữ đó kiên trì hơn bao giờ hết.

“Pháp sư, cô biết yêu cầu của cô quá đường đột và có thể là vượt quá năng lực của cháu. Nhưng có người nói, ngôi đền này rất linh thiêng, các đời thần chủ và pháp sư ở đây đã từng chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người, cô tin vào điều đó.” Bà cố gắng nói chậm để che đi sự khẩn thiết đang bộc phát từ trái tim. “Những pháp sư cô từng gặp ở ngôi đền này trước đây đều từ chối chữa cho con trai cô. Có lẽ, con cô không có duyên được họ cứu chữa.” Ngừng một lúc, trong mắt bà chợt sáng lên một tia hi vọng, ngữ điệu trong lời bà chậm rãi và tự nhiên hơn. “Lần này, cô lại đến và gặp được cháu. Cô tin là thần Inari đã nghe thấy và chấp nhận lời khẩn cầu của cô. Cô tin, cháu chính là sứ giả được thần phái đến…”

“Cháu chỉ là người giữ đền. Cháu không có năng lực gì đặc biệt…” Tôi giữ thái độ ôn hòa nhất để đáp lại và bác bỏ những suy nghĩ điên rồ của người khách lạ. Chắc chắn, bà ấy sẽ bị sốc và từ bỏ ý định ban đầu. Tôi nghĩ như vậy.

Nhưng trái ngược với suy nghĩ của tôi, bà chợt mỉm cười thật hiền và bao dung: “Những vị sứ giả của thần luôn khiêm tốn và thích thử thách người khác. Cô đã cầu khấn với thần Inari, và thần cũng đã chấp nhận món lễ vật cô dâng lên để đổi lấy sự sống cho con trai cô.”

Chút bất an trong lòng dậy sóng. Tôi khẽ hỏi: “Cô đổi bằng gì?”

“Mạng sống của cô.” Người mẹ đáng thương vẫn tươi cười. “Con trai cô trẻ người non dạ. Nó ngông nghênh xúc phạm thần linh nên bị khiển trách. Thân là mẹ, không dạy dỗ con tử tế, đàng hoàng, cô phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Cháu có thể yêu cầu ở cô thêm bất kì điều gì. Chỉ cần con cô tỉnh lại, cô đồng ý tất cả.”

“Thần đạo không dạy con người làm điều tàn nhẫn đó!” Tôi chợt trở nên kích động. “Nếu cô chết, con trai cô sống lại có ý nghĩa gì?”

“Cô biết điều đó.” Giọng nói của bà ấy vẫn trầm ổn và điềm tĩnh lạ thường, trong ánh mắt của bà là sự tự nguyện rất thật lòng, “Nhưng cô không còn món lễ vật nào khác để dâng lên bày tỏ lòng thành…” và bà lại hướng mắt về phía người con trai đang mê man rồi nhìn tôi. “Hơn nữa, con trai cô vẫn còn trẻ, nó còn tương lai phía trước. Nó vẫn còn nhiều dự định chưa hoàn thành. Dùng sinh mạng này đổi lấy cuộc sống bình thường cho con trai cô, dù chỉ một vài năm, thì cô cũng chấp nhận.”

Luồng hơi thở trong cổ họng tôi nghẹn cứng. Tôi thừa biết, nếu tôi bỏ đi mà không nói gì, chắc chắn, bà ấy sẽ quỳ đợi ở đây và cầu nguyện đến sáng. Thế nên, tôi lựa lời đánh lừa và cũng là kiếm một cái cớ để mình kết thúc cuộc trò chuyện:

“Cơn mưa vừa đến sẽ kéo dài rất lâu. Tạm thời, cô cứ nghỉ ở đây. Còn chuyện của con trai cô, xin hãy cho cháu chút thời gian.”

“Pháp sư, trăm sự nhờ cháu.” Sau lời nhờ vả đầy niềm tin và hi vọng, bà ấy quỳ xuống, cúi rạp người trước tôi như bái lạy một vị ân nhân đáng kính.

Bất ngờ trước hành động của người phụ nữ giàu tình thương với con, tôi lặng người một lúc và đỡ bà ấy đứng lên rồi và phòng riêng, lấy chăn gối ra cho bà ấy. Và tôi suýt khóc khi nhìn thấy bà ấy lấy gối kê đầu, dùng chăn phủ lên thân thể của người con trai đang hôn mê như cố giữ lấy chút hơi ấm của sự sống còn sót lại.

Suốt đêm, mỗi lần giật mình thức giấc vì tiếng kêu của loài cáo, tôi lại lấy túi gấm, kim chỉ ra làm túi may mắn rồi lại ra ngoài, lén quan sát những vị khách tạm trú trong đền. Một người ngủ rất say còn người kia vẫn thức trắng. Trong ánh sáng yếu ớt do cây nến to trên bàn hắt đến, gương mặt hốc hác vì kiệt sức của người mẹ bị bóng tối lấp khuất hơn một nửa nhưng đôi mắt đau buồn đầy lo âu vẫn bất khuất trước đêm đen. Đôi lúc, tôi thấy bà ấy vuốt tóc người con trai đang hôn mê, thì thầm:

“Hyuga, mẹ ở đây…”

Rạng sáng, tôi dậy sớm làm hai phần điểm tâm đơn giản để mời người khách lạ. Thế nhưng, người phụ nữ hôm qua đã rời đi. Bà để lại lời nhắn trên mảnh giấy bên cạnh người đang hôn mê. Bà viết rằng bà phải về Tokyo để lo công việc, nhờ tôi lo chuyện cứu chữa cho Hyuga. Khi làm xong những chuyện cần làm, bà sẽ đến nơi này, giúp tôi chăm sóc anh ta.

Đúng là… gắp lửa bỏ tay người mà. Tôi ấm ức nắm chặt mảnh giấy trong tay, cười gượng. Thật ức chế. Tốt nhất là anh ta mau tỉnh dậy, còn không, tôi sẽ đẩy anh ta vào trong rừng.

Một chút ảo giác vào lúc nhìn lướt qua người con trai tai họa đó, tôi thấy anh ta mỉm cười. Nhưng khi nhìn kĩ, trên gương mặt trắng tuyết thanh tú đang bất tỉnh không tồn tại niềm vui. Kẻ ngủ say vẫn không hay biết gì. Chỉ có tôi là khổ sở khi phải tự mình dìu thân thể nặng trịch đó vào phòng của mình và dọn dẹp kĩ càng trước khi mở cửa đền.

Khách đến tham quan đền để cầu nguyện và thỉnh bùa bảo vệ khá đông. Những chiếc túi omamori tôi thức thêu xuyên đêm đã bán hết. Cũng như người mẹ đáng thương của hôm qua, những người khách du lịch tin vào sự thần diệu của những chiếc túi gấm bé xíu do tôi làm.

Giữa trưa, đền vắng khách. Tôi ra giếng lấy ít nước, đun sôi rồi pha thêm chút nước lạnh vào, mang chậu nước cùng khăn sạch vào phòng lau mặt cho người đang ngủ. Bụi bẩn đã được lau sạch, nét dịu dàng của một chàng thư sinh làm trái tim tôi đập trật một nhịp. Kể cả khi đang chịu sự dày vò và trở nên tiều tụy vì bệnh tật, người con trai này vẫn mang nét đẹp hớp hồn người khác.

Tôi dừng tay, đặt chiếc khăn ướt lên miệng chậu nước và mang chúng ra ngoài. Nếu là Quỳnh Anh của những năm tháng trước đây, chắc chắn, tôi sẽ ở lại rất lâu để ngắm nghía, nghịch ngợm gương mặt của anh ta. Nhưng tôi của bây giờ không dễ dàng tìm được những niềm vui đơn giản như đã từng. Trái tim trong lồng ngực vẫn đập, vẫn có chút cảm xúc nhưng có lẽ, nó vĩnh viễn tồn tại song hành cùng lí trí để tránh tổn thương. Những kẻ rung động trước cái đẹp là những con người bình thường. Riêng tôi, chỉ rung mà không động lòng bởi một nửa phần con người trong tôi đã chọn cách ngủ yên sau một cơn đau dài.

Khi không có tiếng người, sự tĩnh lặng đậm đặc phủ kín ngôi đền. Ở nơi này, sóng di động yếu đến mức không thể truy cập mạng. Tôi buộc phải dùng những kiến thức cũ kĩ đã học từ sách vở lẫn những kinh nghiệm dân gian để chẩn đoán tình hình của Hyuga. Nhưng sau cùng, tôi phải thừa nhận rằng những điều mình làm là vô ích. Tôi nhắn tin hỏi Heian, hi vọng cậu ấy sẽ nhớ ra thứ gì đó hay ho, hữu ích cho cuộc điều trị này.

Ít phút sau, Heian đã trả lời. Cậu ấy nói trong kho có một quyển sách y học khá cũ chuyên viết về những căn bệnh hiếm gặp và cách chữa trị. Và cậu bạn ngoại quốc cũng cảnh báo trước, những điều được ghi chép trong sách có thể không phù hợp với một số thể trạng và cũng không còn bao nhiêu phần hữu ích khi y học hiện đại đã lên ngôi. Không cẩn thận sẽ gây tai họa khôn lường.

Dường như linh tính nhạy bén của Heian đã mách bảo cho cậu bạn ngoại quốc được điều bất thường trong những tin nhắn của tôi, cậu ấy gọi đến hỏi thăm tình hình ở đền.

Tôi trả lời rằng chỉ muốn tìm cái gì đó đọc để giết thời gian.

“Thật không? Tự nhiên lại hỏi mình về sách y học? An không khỏe hay đã xảy ra chuyện gì?” Heian hỏi dồn.

“Thật mà. Mình ổn. Đừng lo. Ở đây bốn bề rừng núi, ngồi đếm lá rơi chán lắm. Tìm chút gì đó khác biệt để làm cho đời thêm màu sắc thôi mà.” Tôi trấn an người bạn ngoại quốc thích lo xa.

“Được rồi.” Heian thở nhẹ, nói. “Cuốn sách mình nói nằm cùng chỗ với cái hộp phong ấn mình từng cho An xem. Nhấc cái hộp lên sẽ thấy nó. Nhớ, đừng mở cái hộp ra.”

“Mình nhớ mà.”

Tôi tắt điện thoại, vào trong kho, cuốn tấm rèm xanh sẫm lên cao. Tấm gương lớn nằm sau rèm lộ ra và bị đẩy sang một bên. Không còn gì che chắn, khu vực kín đáo nhất nhà kho cũ lộ diện. Đó là một bức tường với cái hốc vuông to bằng hai bàn tay người trưởng thành bị đục khoét nham nhở. Chiếc hộp gỗ dán đầy bùa chú nằm im lìm trong nơi cất giấu ẩm thấp, bên dưới là một quyển sách y học viết tay, vài chỗ đã rách và nét chữ đã nhòe đi. Tôi cẩn thận lấy quyển sách, đặt hộp về chỗ cũ rồi đi ra ngoài, đóng cửa nhà kho lại.

Trong quyển sách Heian nhắc đến ghi chép khá nhiều về các loại thảo dược và những căn bệnh lạ. Việc tìm ra căn bệnh giống với những triệu chứng tôi từng chẩn đoán ở bệnh nhân đang nằm trong phòng mình là một việc khó khăn. Quá nhiều căn bệnh có những biểu hiện giống với triệu chứng lâm sàng tôi đang lưu giữ trong bộ nhớ.

Và cũng may là từ lúc trưa đến tận cuối ngày, đền không có khách viếng thăm nên tôi có một khoảng thời gian khá dài để đọc, nghiền ngẫm và chọn lọc những thông tin cần thiết cho mình. Theo ghi chép trong sách, tôi vào rừng hái thảo dược bồi bổ cho người có thể trạng yếu và phơi khô.

Trước khi ngày tàn, tôi mang số thuốc đang phơi vào trong đền, dù chúng vẫn chưa được khô đúng chuẩn nhưng vẫn được cho vào ấm nước, sắc thành một bát nhỏ, mang đến nơi Hyuga đang nằm.

“Do anh xấu số nên rơi vào tay tôi. Tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Nếu anh có mệnh hệ gì, cứ lôi tôi theo, đừng làm hại gia đình dòng họ của Heian. Nhớ chưa?” Tôi đỡ Hyuga ngồi dậy, múc một muỗng thuốc, đong đưa một lúc rồi cẩn thận đút cho anh ta. Những giọt nước thuốc màu nâu đỏ từ khóe miệng anh ta chảy xuống. Tôi lấy khăn, lau đi và đặt muỗng vào trong bát.

Ánh trăng bên ngoài rọi vào trong phòng, tạo thành đường viền ánh sáng bao bọc lấy thân thể Hyuga. Những người đẹp luôn được tạo hóa nâng niu, thiên nhiên ưu ái và cũng thường là những kẻ đoản mệnh. Bởi họ là những thiên thần bị đày xuống nhân gian để chịu phạt. Khi tai kiếp kết thúc, họ lại quay về nơi họ đã ra đi.

Trong một cuốn sách nào đó tôi từng đọc viết như vậy.

Tôi cho mình vài phút nghỉ ngơi, ngắm nhìn mặt trăng bên ngoài ô cửa sổ. Khối cầu màu vàng nhạt chưa tròn đầy nhưng vẫn rất sáng. Chỉ ba ngày nữa là đến ngày rằm. Hôm đó, chắc chỉ có mình tôi ăn bánh mochi nhân đậu đỏ và đọc lại những điều đã từng đọc trong quyển sách vừa tìm thấy.

Tiếng lục cục của vật gì đó va đập vào tường từ phía kho vang lên. Tôi dùng chiếc dĩa nhỏ đậy bát thuốc của Hyuga rồi chạy nhanh đến kho.

Khu vực tối tăm hôm nay được tấm gương lớn phản chiếu ánh trăng, soi sáng một góc, đủ để tôi tìm được nơi phát ra tiếng động lạ. Chiếc hộp phong ấn nằm trong hốc tường đầy những mảnh gạch vụn không ngừng rung lên dưới ánh trăng. Từ mép của những lá bùa dán trên hộp, những tia sáng nhỏ bùng lên, tỏa ra theo nhiều hướng, rực rỡ tựa ánh nắng. Nắp hộp bật mở, một đám mây ánh sáng hình con thú nào đó được giải phóng, lao ra, xuyên qua người tôi và biến mất khi vừa bay đến cửa kho. Trước khi tôi kịp định thần và nắp hộp đóng lại, mọi thứ nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.

Tôi cầm cái hộp lên và nhận thấy cảm giác đau đớn ở cổ tay không xảy ra. Sự liên kết giữa tay tôi và cái hộp này đã mất đi. Có lẽ vậy.

Âm thanh do chén sứ bị rơi vỡ từ phía phòng ngủ cắt ngang dòng suy nghĩ. Tôi chạy đến nơi Hyuga đang nằm thì phát hiện bát thuốc đã vỡ nát. Người con trai hôn mê vẫn ngồi yên ở vị trí cũ. Tôi đỡ anh ta nằm xuống rồi đi ra ngoài theo âm thanh phát ra từ những chiếc chuông báo động ở cổng.

Trước mặt tôi là một con cáo trắng với chín chiếc đuôi dài ngồi yên trên bậc thang. Tôi nhìn con cáo rồi lại nhìn những chiếc chuông đang rung lên không ngừng. Đúng như Heian từng nói, chuông ở lối đi lẫn cổng đền chỉ phản ứng với những sinh vật không phải con người. Chúng tự phát ra âm thanh mà không cần đến sự tác động của ngoại lực. Như vậy có nghĩa là con cáo này là yêu ma hoặc sinh vật khác không thuộc về thế giới con người.

Con vật nhỏ nhìn tôi, chờ đợi. Ánh mắt của nó không khác nào ánh mắt của một con người. Nói đúng hơn là nó rất giống với đôi mắt của người phụ nữ từng ghé đền vào đêm hôm qua. Sự trùng hợp làm tôi cảm thấy bất an. Không cần phải suy nghĩ quá nhiều, tôi quay lưng, bỏ đi.

Tiếng kêu buồn thê lương của con cáo loáng thoáng bên tai. Một cơn gió lạnh mang theo mùi máu tanh từ phía cổng lùa tới làm tôi khẽ rùng mình. Âm thanh quen thuộc lại vang lên như một lời van nài đứt quãng đầy đau đớn. Tôi quay lại và sững người, ngạt thở trước cảnh tượng con cáo bị những sợi cước ánh sáng siết quanh thân người, cắt cứa đến chảy máu nhưng nó vẫn liều mạng, rướn người, cố gắng thoát khỏi rào cản ma thuật. Đoạn đường chỉ cách tôi một bậc thang như dài thêm vạn dặn với con cáo nhỏ khi vấp phải quá nhiều cản trở, đọa đày.

Một lần đưa chân nhích tới là một lần bị những sợi cước bén trói chặt, cắt cứa làm máu dưới lớp da bật ra và con cáo nhỏ kêu lên đau đớn nhưng vẫn kiên trì bước tới. Máu từ những vết cắt trên người nó rịn ra, nhuộm đỏ bộ lông trắng. Và những dây cước khác từ trên cao đánh lên thân thể con cáo nhỏ, hất nó ra khỏi vị trí. Thế nhưng, mặc kệ đòn roi xua đuổi, con cáo nhỏ kiên quyết tiến lên, hướng đến nơi nó đã bỏ bao công sức để đặt chân đến và dùng đôi mắt khẩn cầu nhìn về phía tôi. Rồi một vài ngọn roi ánh sáng quật đến, đánh nó ra xa cổng đền. Con cáo nhỏ lại ép mình đứng lên, lê từng bước trên bậc cầu thang cũ kĩ.

“Dừng lại. Về rừng đi!” Tôi thẳng tay chỉ khu rừng cạnh đền, lạnh giọng ra lệnh, thấy con cáo nhỏ lắc đầu, tôi gắt lên. “Tao không phải chủ của mày! Tao không muốn nuôi mày!”

Con vật nhỏ kêu lên một tiếng ngắn ngủi đầy buồn tủi rồi lại lắc đầu. Nó không muốn tin vào những điều tôi nói. Nó vẫn kiên trì bước thêm từng bước rồi vượt hẳn qua lớp lưới dây cước ánh sáng, mang theo một vết thương dài ngậm máu trên đầu và lưng vào trong sân, nằm bên chân tôi, khẽ kêu lên, tiếng kêu rất khác với lúc bị giam chân ở cầu thang.

“Tao bảo về rừng đi!” Tôi hét và đạp nó sang một bên khi thấy con cáo nhỏ dụi đầu lên chân mình. Những tưởng hành động từ chối phũ phàng sẽ làm con vật thông minh ngộ ra và từ bỏ, không ngờ, nó lại nằm yên trên sân, nhìn tôi, rên lên vài tiếng đầy mỏi mệt rồi khép mắt.

Mưa chợt rơi. Tôi bỏ mặc con cáo, chạy nhanh vào đền. Sấm chớp rền vang, sáng lòa một vùng trời. Trong khoảnh khắc đó, hình ảnh cái thân nhỏ màu trắng ướt sũng nước mưa nằm trên vũng máu đập vào mắt tôi. Dòng chảy đỏ tươi tuồn tuột trôi đi, lao thẳng về phía cầu thang rồi mất hút.

Tia sét giáng xuống khu vực gần đền kèm theo tiếng nổ đinh tai nhức óc, và làm mặt đất dưới chân tôi rung chuyển nhẹ. Đám mây dông trên bầu trời chưa có dấu hiệu tan đi. Nó dịch chuyển chậm và gần như dừng lại khi đã vuông góc với sân đền. Ánh sáng len lỏi trong mây bùng sáng lên. Một tia sét khác lại được sinh ra, nhắm thẳng vào con cáo trắng.

Thân trắng nhỏ lãnh trọn tia lôi điện nhưng vẫn không nhúc nhích. Con cáo đáng thương không đủ sức để nhận ra nguy hiểm, và nếu ý thức được thì nó cũng không còn sức tránh né. Có lẽ, nó đã lựa chọn chết ở nơi này để được ở gần người không phải chủ của nó.

Tôi lao ra sân, ôm con cáo trắng vào lòng khi nhìn thấy đám mây sấm sét lại phát sáng rồi hét lên như một kẻ mất trí: “Dừng lại đi! Nó có tội gì?”

Không ai đáp lại lời tôi. Tiếng ùng ùng phát ra từ đám mây trên đầu nhỏ dần đi. Gió mạnh nổi lên. Mưa yếu dần và tạnh hẳn. Đám mây dông trên bầu trời cũng tan mất.

Tôi đưa con cáo vào trong đền, lấy khăn thấm bớt nước mưa trên bộ lông lướt sũng rồi dùng máy sấy, sấy khô và sưởi ấm cho con cáo ngốc. Những tiếng kêu nhỏ xíu, thưa thớt khẽ vang lên từ con vật nhỏ. Nó hé mắt đầy khó nhọc nhìn tôi rồi lại chìm vào giấc ngủ.

Sự xuất hiện của người bạn mới làm tôi tạm quên đi bệnh nhân của mình. Kể cả khi nhớ ra Hyuga đang ở đây, tôi cũng phớt lờ. Thành thật mà nói, tôi đã hoàn toàn bất lực trước ca bệnh này.

Sau một giờ mê man, những vết thương trên người con cáo tự lành và nó cũng thức giấc. Nó nằm yên, để tôi vuốt ve, chải chuốt và không mảy may tò mò khung cảnh xung quanh.

“Chị nên gọi cưng là gì?” Tôi dịu giọng, áp tay lên bộ lông mềm xốp của nó, hỏi khẽ. Nó ngước mắt nhìn tôi rồi kêu lên một tiếng rất nhỏ. Sự bất đồng ngôn ngữ làm tôi bực mình, nâng con cáo ngốc lên ngang tầm mắt, hậm hực. “Chị đây có phải chủ của mày không? Tại sao lại liều mạng vào đền? Mày có được lợi ích gì không?”

Nó gật đầu rồi khẽ lắc đầu. Con vật này còn khó hiểu hơn bọn con gái đến sinh nhật tháng.

Khi được hỏi có muốn ra sân không, nó nhắm chặt hai mắt, lắc đầu nguầy nguậy. Những chuyện vừa xảy ra như một cơn ác mộng mà nó không bao giờ muốn lặp lại.

“Không muốn ra ngoài nằm thì cho chị biết tên!” Tôi ra lệnh. Con cáo ngốc dùng móng, cào cào vào không khí. Nhận ra nó muốn viết chữ gì đó, tôi đổ ít trà lên mặt bàn rồi đặt con cáo gần đó, để nó tự diễn đạt. Đúng như tôi dự đoán, nó viết ra một cái tên, nhưng cái tên đó cụ thể là gì thì tôi không đọc được. Chữ nó viết xấu tệ hại, xấu hơn cả mấy dòng chữ tôi viết trên thẻ gỗ để đặt vào túi bùa bình an. Ý tưởng đen tối vụt qua đầu khiến tôi cười tinh quái, phán. “Muốn đặt tên, trước hết phải xác định giới tính!”

Con cáo nhỏ giật mình, hoang mang định nhảy xuống nơi đang ngồi nhưng tôi đã nhanh tay giữ nó lại và lật những chiếc đuôi trắng đang co cứng, nỗ lực che giấu nơi cần giấu. Khi biết không thể nhường nhịn trò khám phá quái đản của chủ nhân, con cáo nhỏ vùng dậy, giơ vuốt, cào cấu loạn xạ rồi thừa cơ tôi buông tay mà chạy trốn.

“Chồn con đâu rồi?” Tôi đi quanh đền, gọi nhưng nó không lên tiếng. Tôi hét lớn cảnh cáo. “Lòng nhẫn nại của chị có giới hạn. Trốn được thì trốn luôn, đừng để chị tìm thấy!”

Sau chiếc hộp gỗ đặt sát bức tường ở sảnh điện bên trong bản điện, con cáo nhỏ bò ra, dùng đôi mắt long lanh đầy hối lỗi nhìn tôi.

“Cáo con có làm bậy lên thần thể hay nơi cất giữ thần thể không?” Tôi nghiêm giọng hỏi.

Con cáo trắng lắc đầu liên tục để thanh minh. Nó đủ thông minh để hiểu tất cả những điều tôi nói.

Tôi kiểm tra khu vực sảnh điện và các mặt của hộp gỗ cất giữ thần thể. Khi đã chắc chắn cục bông gòn không làm điều gì sai trái, tôi bắt lấy nó, đưa vào phòng ngủ của mình, đặt xuống bên cạnh Hyuga. Thấy con cáo nhỏ ngơ ngác không hiểu gì, tôi nói đùa:

“Cục bông gòn nhiều đuôi chắc là có nhiều mạng. Thử cho tên này một mạng xài tạm đi.”

Người bạn nhỏ ấm ức kêu lên một tiếng rồi lại nhảy vào tay tôi, cắn nhẹ lên lớp vải trắng rồi dụi đầu lên ngực tôi. Thật may cho cục bông gòn khi nó chỉ là một con cáo. Nếu nó là người, chắc chắn, nó sẽ nhận kết cục rất thê thảm sau chuỗi hành động vừa rồi.

Đợi cục bông gòn ngủ say, tôi lại lấy túi gấm và kim chỉ ra thêu. Thời gian ở đây trôi qua thật nhanh. Tôi chỉ còn mười ngày ở nơi này. Từ bây giờ đến lúc đó, nhất định phải kiếm ra một số tiền đủ để mua vé máy bay trở về Việt Nam. Ngay cả khi biết mình luôn nhận được sự giúp đỡ vô điều kiện từ Heian, tôi vẫn chọn cách tự lo liệu. Bởi lẽ, Heian đã giúp đỡ tôi quá nhiều, nhiều đến nỗi tôi buột mình không được phụ thuộc hay làm phiền cậu ấy thêm một lần nào nữa.