Chương 399: Vô tình hay hữu ý?
***
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè
Tháng Tư là tháng lè phè
Tháng Năm, tháng Sáu hội hè vui chơi
Tháng Bảy là tháng nghỉ ngơi
Tháng Tám, tháng Chín xả hơi bạn bè
Tháng Mười, Mười Một xôi chè
Tháng Chạp cá chép và mè vớt lên.”
Tôi không thuộc đầy đủ bài thơ song thất lục bát này nhưng đã là người Bắc Bộ hẳn ai cũng biết tháng Giêng là tháng ăn chơi thật. Mỗi người ăn chơi một kiểu, đến đám học sinh lớp tôi cũng có cách ăn chơi của riêng mình và học hành chểnh mảng hẳn. Tiết trời se se lạnh, có gió nhẹ và cả nắng vàng trải dài trên sân trường. Khi chúng ta lớn, chúng ta thường nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu đầy đẹp đẽ và đôi khi ao ước giá như được sống lại một lần mình sẽ trân trọng khoảng thời gian tuyệt vời ấy. Nhưng có một sự thật mà tôi tin rằng ai cũng nhận ra, ấy là khi chúng ta ở tuổi cắp sách tới trường, chúng ta luôn muốn mau chóng trở thành người lớn, muốn được tự do, muốn thoát khỏi sự kìm cặp của cha mẹ... và vì thế thời gian là thứ chúng ta đã phung phí rất nhiều. Tôi cũng không ngoại lệ. Đám bạn vượt tường chơi điện tử thì tôi cũng vượt tường đi theo chẳng thiếu lần nào, chả mấy chốc mà tôi nhẵn mặt ở cái quán điện tử gần cổng trường. Người lớn có lý do để ăn chơi trong tháng Giêng như đi hội, đi lễ thì đám chúng tôi cũng có cách tiêu xài hoang phí thời gian của mình trước màn hình tivi 21 inches. Chỉ khi không còn là học sinh nữa tôi mới nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ quá nhiều điều và tiêu thời gian vào một số trò vô bổ.
Học kỳ 1 vừa rồi tôi được điểm tổng kết trung bình môn là 6,4. Nếu tôi cố thêm một tí tị tì ti nữa là đã đạt học sinh tiên tiến nhưng tôi không lấy gì làm tiếc nuối bởi tôi chỉ muốn mau chóng chấm dứt những chuỗi này buồn tẻ ở ngôi trường này nên việc học thực sự tôi không chú tâm. Học đủ để không bị thầy cô giáo nhắc nhở là được. Trong mắt của người lớn nói chung, tôi vẫn là một thằng còi còi, hiền lành, dễ gần và hay nói chuyện luôn mồm. Tôi cảm thấy có đôi chút bất công khi mình phải học trong một dãy nhà cũ kỹ, cái bàn học tôi kê vở viết mỗi ngày có khi còn hơn tuổi của tôi bởi tôi đã phát hiện thấy vài dòng chữ được khắc từ năm... 1982. Đôi lúc tôi cũng nghĩ mình nên thay đổi bản thân, cố gắng vươn lên nhưng thật tiếc là tôi đã không làm như thế trong một khoảng thời gian dài. Nếu tôi là Hiệu trưởng, tôi sẽ đặt ra luật lệ sau mỗi học kỳ dựa trên bảng điểm, nhà trường sẽ xếp lại lớp. Nhưng tôi chẳng phải là thầy Hiệu trưởng.
Đám con trai lớp B6, B7 có một trò chọc phá đám con gái khi đi chúng tôi đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Mão. Pháo diêm thời điểm này rất thịnh hành. Dãy nhà nơi tôi học phía sau có một dãy nhà vệ sinh, mỗi giờ ra chơi dĩ nhiên bọn con gái hay đám con trai đều có nhu cầu giải quyết nỗi buồn. Nhà trường chỉ có hai dãy nhà vệ sinh, dãy nhà vệ sinh gần lớp tôi học thuộc dãy phía Tây, bên kia bức tường cao khoảng hơn hai mét là khuôn viên của trường cấp II Nguyễn Thị Định. Nhà vệ sinh nam và nữ ngăn cách bằng một bức tường cao, một số đứa nghịch ngợm đã giả vờ đi vệ sinh để ném pháo sang khu vực nhà vệ sinh nữ. Bọn lớp B8 chúng tôi biết rõ những đứa đã chơi trò này nhưng không dám nói, đúng hơn là chẳng biết nên nói với ai. Không chỉ riêng tôi mà đám con trai cùng lớp đều rủa thầm trong bụng vì trò chơi mất dạy nhưng chúng tôi không đủ can đảm để đứng ra ngăn cản. Mỗi khi có tiếng pháo nổ thì kiểu gì cũng có tiếng la hét của đám con gái chạy túa ra ngoài, có đứa còn chưa kịp kéo quần. Những lúc ấy, vài diệu cười khả ố, những cái chỉ tay bình luận... khiến đám con gái coi thường bọn trai nói chung chứ chẳng riêng đứa nào. Liên tiếp trong hai buổi chào cờ đầu tuần sự việc này được đưa lên nói trước toàn khối 10 nhưng đâu lại vào đấy, đám con gái chỉ còn cách đi vệ sinh trong tiết học để đảm bảo an toàn.
Cô bạn lớp phó cũ của cũng nhiều lần phải sử dụng nhà vệ sinh giống như bao bạn nữ khác, lớp tôi chỉ cách dãy nhà vệ sinh chưa đến bốn chục mét, lớp bê bát mà. Đôi lần tôi nhận ra cô bạn cũ của mình nhìn mình với ánh mắt rất khó hiểu, kiểu như trách móc, chê bai hoặc coi thường vì bọn con trai đã không làm gì để ngăn cản. Tôi không thể giải thích, tôi còn đang phải nộp phí bảo kê hàng tháng, nỗi khổ mà bọn con gái chẳng thể nào biết được bởi sĩ diện của một thằng con trai.
Một chiều tôi thấy trong đám con gái đứng chờ trống vào lớp, tôi chạy lại gần cô bạn cũ của mình nói ngắn gọn:
-Bảo bọn con gái vây luôn nhà vệ sinh nam không cho bọn con trai vào nữa là xong, bọn nó muốn thì đi mà đái bậy!
Tôi nói dứt câu thì quay lưng cắm đầu chạy vào lớp không ngoái lại. Tôi cảm thấy xấu hổ. Thực tế những ngày sau đó khu nhà vệ sinh bị đám con gái phong tỏa nên việc ném pháo có muốn cũng không thực hiện được. Để giải quyết triệt để, tôi nói với mấy đứa con gái trong lớp, nhờ chúng nó sang nói với đám con gái lớp bên cạnh những đứa nào ném pháo để bêu tên chúng nó trước lớp. Cũng phải sau ngày rằm tháng Giêng việc này mới không còn nữa, có lẽ do việc này mà mấy đứa con gái trong lớp nhìn tôi với con mắt khác, nếu tôi không thể chống lại những đứa nghịch ngợm bằng nắm đấm thì phải dùng mưu vậy. Tuổi trẻ luôn có những trò chơi khó giải thích.
Một chiều muộn tôi cùng R9 lóc cóc đạp xe về sau buổi học, khi hai chúng tôi vừa sang đường chuẩn bị rẽ vào cầu Đình chợt nghe có tiếng ai đó gọi tôi. Tôi ngoái nhìn và nhận ra Sơn Ca đang ngồi uống nước ở một quán đối diện cây cầu, ngồi cạnh Sơn Ca còn có những người khác, tôi không biết họ là ai.
-Mày vào uống nước không? – Tôi hỏi R9.
-Không! Tao về xem cơm nước thế nào, ai đấy?
-À, ông anh kia quen bố tao, đợt trước Tết có vào nhà chơi mấy lần.
-Nhìn mặt lạ hoắc.
-Ừ, người ở Thứa.
R9 đạp xe về còn tôi quay xe dắt qua đường dựng xe đạp bên cây cạnh một cái cây cao rồi bước lại gần chỗ Sơn Ca đang ngồi, tôi cười cùng cái cúi đầu nhẹ chào hai người lạ đang ngồi cạnh Sơn Ca:
-Anh đi đâu đây?
Tôi hỏi thay cho lời chào rồi kéo ghế ngồi.
-Mới đi chơi cùng hai ông chú này, về đến đây nghỉ chân một tí. Mày học buổi chiều hả?
-Vâng! Trường em khối 10 học buổi chiều anh ạ.
-Sao không xin học ở trường cấp 3 dưới Thứa đi cho tiện?
-Em có thói quen ra khỏi làng rẽ phải. – Tôi vừa trả lời vừa cười, điều này tôi nói thật.
Cô chủ quán mang ra cho tôi một chai Coca, thứ nước tôi vẫn thường uống khi ngồi ở bất kỳ hàng quán nào.
-Anh với hai chú đây đi đâu mà giờ này vẫn ngồi ở đây ạ?
-Ở trên Bắc Ninh về. Tao đi chơi hội Lim xong tụt tạt mỗi nơi một ngày, hôm nay mới mỏi chân. Bố mẹ mày thế nào?
-Bố mẹ em đi Hà Nội từ hôm mùng 4, bà nội em đi hôm mùng 5.
-Học hành vẫn tốt chứ hả?
Sơn Ca vừa hỏi vừa vỗ vai tôi, cử chỉ rất thân mật. Anh ấy quay sang giới thiệu ngắn gọn về tôi với hai người đàn ông đi cùng. Một trong hai người đàn ông ngoài ba mươi tuổi ngồi đối diện tôi miệng đang nhai trầu, tôi khá ấn tượng với đàn ông nhai trầu bởi tôi mặc định rằng việc này chỉ có các bà cụ mới sử dụng.
Sơn Ca vẫn đeo đôi găng tay len giống như đôi tôi đã nhìn thấy trước Tết. Sau khi đã giới thiệu tôi cho hai người đàn ông kia xong, Sơn Ca nói với tôi:
-Mấy hôm trước bố mày gọi nhắn tao có thời gian ra Hà Nội chơi một chuyến giúp bố mày làm cái lễ đầu năm để làm ăn cho xuôi chèo mát mái.
-Nếu anh giúp được thì tốt quá. Từ dưới Thứa anh bắt xe khách ra đến Bến Nứa bố em sẽ đón, cũng tiện.
-Tao có định nhờ mày đưa tao đi đâu mà mày đã rào trước như thế nhỉ?
-Đâu có, em tiện miệng thôi à.
-Khá lắm, khá lắm! – Sơn Ca lại vỗ vai tôi mấy cái. – Để mai tao báo lại cho bố mày, được thì tuần tới tao ra ngoài ấy. Tao cũng muốn xem Hà Nội đầu năm mới có những gì mà người ta cứ ca tụng mãi.
Nói thêm vài câu vô thưởng vô phạt, hai người đàn ông trả tiền nước, Sơn Ca tạm biệt tôi rồi leo lên xe, chiếc xe Win 100 chở ba người mau chóng lẫn vào bóng tối, tôi chỉ còn nhận ra họ nhờ vệt màu đỏ của đèn hậu.
Sau bữa cơm tối tôi nằm thẳng cẳng trên phản, mở đài nghe tin tức. Tôi không bận tâm nhiều về cuộc gặp tình cờ với Sơn Ca lúc nãy. Chợt nhớ hôm lại buổi tối cuối năm Sơn Ca bị chị Ma tát cho một cái ù tai chóng mặt khiến tôi bật cười. Từ Tết đến bây giờ, chính xác là sau Tết Ông Công Ông Táo thì tôi không gặp được chị Ma hay chị Đẹp, cũng non một tháng trôi qua. Tết mà, ai cũng bận rộn, ma cũng chẳng khác, ấy là tôi đoán như vậy. Năm nay chị Đẹp được đi lại tự do kiểu gì cũng rủ rê chị Ma đi khắp nơi, đến khắp chốn. Đặc biệt các lễ hội trong tỉnh hẳn sẽ khó mà thiếu mặt hai chị. Cá nhân tôi không có nhiều hứng thú với các lễ hội bởi sự ồn ào quá mức cần thiết nhưng nếu có cơ hội cũng nhìn ngắm để biết được điều nọ điều kia cũng tốt.
-Cạch! Cạch! Cạch!
Tôi bật dậy lắng tai nghe, ba tiếng gõ quen thuộc lại vang lên. Tôi nghĩ thầm:
-“Vừa mới nhắc đã thấy xuất hiện, chị này chắc mất vào giờ thiêng.
Chị Ma tay cầm nón quai thao, ăn bận không khác gì một cô hát quan họ đứng dựa vào ụ rơm ở đầu hồi nhà. Tôi dừng bước giữa bậc thềm nhìn chị Ma không chớp mắt, tôi ngạc nhiên quá, phần vì chưa nhìn thấy chị Ma mặc như thế này bao giờ, phần vì thực tế cũng chỉ thấy trên tivi là nhiều chứ năm 2000 tới nơi rồi ai ăn mặc như này ra đường bao giờ.
-Sao hả? Thấy đẹp không?
Chị Ma hất hàm hỏi tôi. Tôi đứng ngây ra chưa biết trả lời như nào thì ngoài lũy tre vọng vào tiếng chị Đẹp:
-Ta mặc còn đẹp hơn vì ta là con gái Kinh Bắc, nó chỉ ăn theo thôi.
Tôi quay sang hướng lũy tre nhưng không nhìn thấy gì, quay lại nhìn chị Ma thì chị ấy đã đội cái nón lên đầu, nét mặt có vẻ rất tâm đắc. Tôi chỉ đành nặn ra một nụ cười chứ chưa biết nên nói gì.
-Cò Tý! Ngươi ra đây. – Chị Đẹp gọi.
-Để chị đi cất ngựa, cái con đi ngựa nhờ lại cứ thích lanh chanh.
Chị Ma nói nhỏ đủ cho tôi nghe, ngay sau đó chị ấy mất hút trong khu vườn tối. Tôi bước nhanh về phía lũy tre gai, nhìn qua một khoảng hở tương đối để nhìn xem chị Đẹp ăn bận kiểu gì, cũng chẳng khác mấy so với chị Ma.
-Hai chị mặc giống nhau thế?
-Sao lại giống? Ngươi nhìn này, vạt áo của ta màu xanh, dây lưng cũng màu xanh, quai nón cũng thế. Cái Hoa những thứ ấy đều màu đỏ, nhìn quê c·hết đi được.
-Vâng, vâng!
Tôi gật đầu liên tục cho qua chuyện, dù sao tôi cũng không biết gì về váy áo của phụ nữ. Thêm nữa, nếu tôi sa đà vào chuyện này không phải là điều tốt, tôi nhận ra rằng phụ nữ ai cũng đẹp nhất, nếu họ bắt so sánh thì cố mà tìm cho ra điểm nào đó để khen. Nhưng chân thành mà nói thì... tôi nghĩ nên tránh những tình huống khó.
-Các chị mới đi chơi hội về chứ gì? Có vui không chị?
-Ta thấy rất vui nhưng cái Hoa cứ thờ ơ, nó bảo là năm nào cũng giống năm nào.
-Chị vui là được rồi, đó mới là điều quan trọng.
-Em nói như thế muốn ám chỉ cái gì? Nghĩa là mặc kệ chị ư?
-Không, không! Ý em không phải như vậy! Hì hì hì.
Lại xoa tay vào nhau, lại hơi khom người cười điệu cười hèn mọn như một thằng người ở nhưng tôi có rất ít lựa chọn.
-Hai chị có mua quà gì về cho em không?
-Toàn quà cáp dành cho n·gười đ·ã k·huất, ngươi làm sao mà dùng được. Bọn ta không mua gì cho ngươi cả.
-Em chỉ hỏi cho vui thôi à.
-Năm nay ngươi lớn rồi, ưm... nhưng chưa lớn lắm. Ta sẽ mừng tuổi cho ngươi.
-Không cần, không cần!
-Mai ngươi mang cuốc ra chỗ ta đang đứng, ta còn ít bạc lẻ. Bọn ta đi chơi từ đêm Giao Thừa mãi đến giờ mới về, bỏ ngươi lại một mình cũng áy náy, ngươi dùng tiền mừng tuổi đi mua kẹo mà ăn nhé.
-Nó mừng tuổi thì cứ nhận đi, nó còn bao nhiêu đâu mà. Lần đầu đi chơi nên nó vung tay quá trán. Nó còn mượn mấy nén vàng của chị.
-Vâng, vâng!
-Này! Ngày mai là phải trả ta đấy, mai không trả là bắt đầu tính lãi.
-Xí! Ta thiếu gì, trước gà gáy ta trả cô đủ không thiếu một cắc.
-Làm được mới nói.
Thấy dấu hiệu hai chị bắt đầu chí chóe là tôi phải đánh trống lảng sang chuyện khác. Tôi hỏi về những lễ hội hai chị đã từng đến, chị Đẹp có vẻ háo hức với hội Lim, hai bộ quần áo cùng guốc, nón là các chị mua ở nơi đó. Dù đã nói chuyện với hai chị gần nửa tiếng đồng hồ nhưng tôi vẫn chưa thể nào quen với hình ảnh hai chị ma xinh đẹp trong bộ đồ này. Tôi không dám nói ra miệng rằng mình nghĩ chỉ những người lớn tuổi mới mặc như thế, hồi làng tôi có hội cũng có mấy cô mặc như này nhưng... cô nào cũng không đẹp! Bởi thế ấn tượng của tôi không có gì đặc sắc. Tôi thậm chí cũng không thích nghe hát quan họ cơ mà.
Chị Đẹp khoe thêm những thứ đã mua xong vội đòi về trước, chẳng ai cản chị ấy, người hay ma lần đầu được đi xem hội dường như ai cũng có nét mặt hớn hở như nhau.
-Thanh niên kia thế nào? Từ Tết có đến nhà chơi không em?
-Dạ chỉ hỏi ai?
-Thầy bói đấy chứ ai nữa!
-Từ... từ Tết anh ấy chưa đến, lúc chiều em đi học về vô tình gặp anh ấy ở đầu làng.
-Vô tình? – Chị Ma nhếch miệng cười nhạt – Chẳng có cái gì là vô tình ở đây hết. Mà thôi chuyện này để mai nói. Bây giờ chị cũng đi nghỉ. Trưa mai trước khi đi học nhớ vác cuốc ra đào tiền mừng tuổi đấy. Sang năm mới rồi, thêm tuổi mới rồi mà em chưa cao thêm được bao nhiêu, e là cao hơn chị không được rồi.
Chị Ma nói hết câu thì quay lưng biến mất luôn, tôi chưa kịp hỏi gì thêm.
Trưa mai lại có tiền dằn túi, vừa hay tôi cũng sắp cạn. Năm nay tôi đã lớn tướng chẳng có ai mừng tuổi như mọi năm.
***