Chương 397: Cái tát trời giáng
***
Bến Nứa sáng ngày 28 Tết nhộn nhịp, ồn ào. Chẳng ai chú ý đến ba đứa nhỏ, hai trai một gái lưng đeo ba lô, trên tay là nước ngọt và kẹo. Ba lô của Chục Cân do tôi cầm hộ vì nó nhỏ nhất, thêm nữa đồ đạc tôi mang theo cũng chẳng có gì nhiều. Anh em tôi tự đi xe buýt từ cây xăng Nam Đồng ra đến bến xe. Hai em của tôi dù đã ở Hà Nội mấy năm nhưng những nơi chúng nó biết chỉ là khu vực nơi đang ở và trường học, chúng nó ít khi được đi xa hơn. Tôi cũng tranh thủ giới thiệu cho hai em của mình nhà thờ Cửa Bắc, cổng thành trên đường Phan Đình Phùng với vết đại bác đã phủ rêu xanh hay bốt Hàng Đậu cũ kỹ... nhưng hai đứa thực sự không để tâm lắm. Tôi cũng chẳng hiểu chúng nó quan tâm đến thứ gì. Hai em của tôi cũng giống như vợ tôi sau này, dù sống ở Sài Gòn mấy chục năm nhưng tôi hay phải giải thích cái nọ cái kia cho cô ấy. Thôi thì mỗi người mỗi tính.
Tôi đưa tiền cho bác tài xe khách thay vì mua vé, tôi biết điều này là không nên nhưng chỉ có như vậy tôi mới chắc xuất rằng ba anh em có thể ngồi ở phần ca bin. Tôi thích ngồi ở trên bởi có thể quan sát được nhiều, có thể xem tài xế vần vô – lăng, hơn nữa tôi cũng muốn chứng tỏ cho hai em của mình thấy rằng anh của chúng nó cũng là một tay hiểu biết. Bố mẹ tôi thực sự tin tưởng khi giao hai đứa em để tôi đưa về quê ăn Tết, chúng nó chẳng khác gì gà công nghiệp, cái gì cũng hỏi, cái gì cũng lạ nhưng hỏi xong ít khi để tâm đến.
-Cái anh hôm qua ra cùng với anh là thầy bói đúng không anh?
Em trai tôi hỏi, tôi gật đầu xác nhận.
-Đấy là anh thầy bói chứ không phải ông thầy bói anh nhỉ?
Chục Cân cũng tham gia câu chuyện. Sáng nay lúc anh em tôi chuẩn bị rời khỏi nhà cũng là lúc Sơn Ca bày biện mọi thứ lên một cái chiếu trải ở giữa sân. Hai đứa em tôi rất tò mò nhưng không biết hỏi ai còn tôi tuyệt nhiên không đả động đến việc ấy.
-Chúng mày về muộn nên không đi phiên chợ Trằm cuối năm được, năm nay nhịn ăn cháo. Chiều nay đi tảo mộ, tháng trước bố mẹ đưa cái Oanh về nằm cạnh ông nội.
-Nhưng mà... nhưng mà... – Em trai tôi rụt rè.
-Mày cũng sắp mười bốn tuổi tới nơi, to đầu lại còn sợ cái gì. Bằng tuổi mày tao đã làm được ối thứ rồi đấy.
-Em thấy bãi tha ma cứ rợn rợn kiểu gì.
-Bãi tha ma không rợn thì còn gì là bãi tha ma. Bãi tha ma là phải có ma hiểu chưa? Chiều nay ngoài đó đầy người, sợ thì tao đưa hai đứa mày ra tảo mộ sớm.
Em trai ghé tai tôi hỏi nhỏ:
-Cái con ma ở ngoài mương dạo trước có còn không anh?
Tôi trả lời đại:
-Nó biến mất từ đời tám hoánh nào rồi, lâu lắm tao không nghe thấy ai nhắc đến nữa. Chắc nó sợ mùi mắm tôm.
-Mấy đứa bạn trong lớp em bảo là cạnh trường em có rất nhiều ma, chúng nó còn kể rằng bác bảo vệ ban đêm ngủ lại trường còn bị ma trêu anh ạ.
-Toàn chuyện linh tinh. Bạn mày có bao giờ nhìn thấy chưa hay toàn nghe kể? Cứ truyền miệng kiểu đấy bảo sao thần hồn nát thần tính.
Những câu chuyện không đầu không cuối của ba anh em tôi cứ như vậy mà tiếp nối cho đến khi chiếc xe Hải Âu màu vàng trắng dừng ở đầu làng vào khoảng giữa trưa. Trời nắng rất đẹp. Hai đứa em nhảy chân sáo chạy về trước để gặp bà Già còn tôi bước những bước chậm rãi trên con đường nhỏ ven mương Khoai.
Sau bữa cơm trưa đơn sơ, tôi chở Chục Cân bằng chiếc Peugeot Cá Vàng đi tảo mộ còn thằng em một mình đạp theo sau bằng chiếc xe địa hình. Đã nhiều năm trôi qua, tôi không thể nào quên quang cảnh của buổi chiều ngày 28 Tết năm đó bởi vì tôi mỗi ngày một lớn, hai em của tôi cũng như vậy. Khi con người ta lớn hơn sẽ có những mối quan hệ mới, có những mối ràng buộc riêng vì vậy vào những năm sau ba anh em không còn có cơ hội đi xe đạp cùng nhau ra mộ người thân mỗi dịp cuối năm.
Đúng như tôi đã nói vào buổi sáng khi ở trên xe khách, ngoài Cầu Khoai có đến hơn ba chục người, chủ yếu là người lớn. Trời se se lạnh, nắng không quá gắt, khói từ những bó hương nghi ngút như quện vào nhau trước khi lẫn vào không khí hoặc bị những cơn gió nhẹ thổi dạt về hướng Tây. Hai ngôi mộ xi – măng mới xây được hơn một tháng nhưng ở bên rìa mộ, đám cỏ dại đã thi nhau mọc.
Chục Cân hỏi tôi:
-Sao mộ của ông nội không làm tấm bia như mộ của chị Oanh hả anh?
-Hôm đi đặt bia anh không đủ tiền. – Tôi trả lời lấy lệ.
Hai bó hương lớn được hai đứa nhỏ ngồi bên mộ tránh gió loay hoay châm lửa, tôi nhận phần dọn cỏ. Mộ không có bát hương, một lỗ nhỏ hình vuông to bằng khoảng bàn tay người lớn được thiết kế làm nơi cắm hương, nhìn bằng mắt thường có thể thấy rõ hai mộ có chút khác biệt. Mộ của ông nội tôi trước đó là một nấm đất còn mộ của em gái tôi có lẫn cát, chỉ có tôi mới chú ý đến sự khác biệt này.
Tôi chỉ cho Chục Cân cách khấn vái bởi đây là lần đầu tiên nó đi tảo mộ cùng với tôi, nó cũng tò mò về người chị gái mà nó chỉ được nhìn qua ảnh. Những bức ảnh ngả màu thời gian có chụp cô em gái đã mất của tôi đã được gia đình giữ rất kỹ nhưng đã thất lạc sau những biến cố. Đến bây giờ ngay cả chính tôi cũng không tự tin rằng mình có thể nhớ được khuôn mặt của Oanh - đứa em gái vắn số của mình một cách chính xác. Thời gian rất tàn nhẫn, thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ, cũng làm nhiều thứ mà bản thân mỗi người yêu quý bị phai nhạt dần đi.
Dọn dẹp cỏ dại mọc xung quanh hai ngôi mộ xong xuôi, tôi dẫn hai đứa ra mộ phần của ông ngoại. Tôi chưa nhìn thấy chân hương mới chứng tỏ các cậu hoặc các bác của tôi chưa về quê ăn Tết. Tôi nghe mẹ tôi nói phải chiều ngày 30 Tết các cậu mới về đến quê. Cuộc sống mỗi ngày một hối hả, tôi còn nhớ chỉ vài ba năm trước bố mẹ tôi có thể về quê sớm rời đi sau khi hóa vàng vào trưa ngày mùng 4 Tết nhưng năm nay cũng phải ngày cuối cùng của năm bố mẹ tôi mới về. Những năm sau này, khi mà công việc ngày càng bận rộn thì bố mẹ tôi thậm chí chỉ ở quê đến chiều ngày mùng 2 là đã ra Hà Nội. Tôi cảm nhận rất rõ thay đổi của mỗi cái Tết trong gia đình của mình. Khi tiền nhiều lên thì Tết cũng ngắn lại nhưng khi tiền ít đi cộng với những rắc rối bủa vây thì Tết không những ngắn mà còn buồn tẻ nữa. Tôi không phải trụ cột gia đình nên không thể thay đổi được nhiều, tôi chỉ có thể thay đổi chính bản thân mình để thích nghi với những thay đổi xung quanh nhằm tìm vui trong những nỗi buồn man mác.
Một điều làm tôi khá ngạc nhiên chính là chiều ngày 30 Tết khi bố mẹ tôi về đến nhà thì Sơn Ca cũng về cùng, trước đó tôi đã nghĩ anh ta sẽ không tạt vào nhà tôi chơi làm gì. Người chở Sơn Ca là chú Khánh – một người em họ của bố tôi – Năm nay chú ấy cũng về quê ăn Tết một mình. Đại gia đình của chú Khánh lúc này đang ở trên Yên Bái, chú Khánh nói là về quê ăn Tết nhưng tôi biết thừa chú ấy sẽ dành phần lớn thời gian để ngồi đánh tá lả hoặc xóc đĩa rồi chén chú chén anh ở nhà nào đó. Thật sự mà nói tôi quý chú Khánh vì nhiều lý do, có thể vì tôi quý chú ấy nên khi những trục trặc xảy ra sau này tôi vẫn cố gắng không để mọi thứ quá tệ.
-Sao anh không về nhà ăn Tết?
Tôi hỏi Sơn Ca. Anh ta miệng đang nhai trầu bỏm bẻm trả lời:
-Mấy khi, bố mẹ mày bảo tao ghé nhà ăn bữa cơm tất niên.
Trong khi chờ đến bữa cơm tất niên thì bố tôi cùng với Sơn Ca lên nhà bà ngoại, có vẻ như bố tôi muốn mang Sơn Ca đi giới thiệu với những người quen trong làng. Tôi chẳng biết việc này là cố ý hay vô tình hoặc cũng có thể là sự sắp đặt của định mệnh. Về mặt thiện cảm, tôi có thể thấy rõ Sơn Ca chiếm được cảm tình của những người lớn xung quanh bởi sự thật thà của anh ấy.
Bữa cơm tất niên chiều năm ấy ở nhà tôi tương đối đông đủ, ngoài những thành viên trong gia đình còn có chú Khánh và Sơn Ca. Bố tôi không uống rượu nên mọi người chỉ ăn và ngồi nói chuyện trên trời dưới biển. Theo như sắp xếp, buổi tối chú Khánh sẽ đưa anh Sơn Ca về làng Lê – một ngôi làng nhỏ cách làng tôi khoảng mười cây số, nơi chôn rau cắt rốn của anh thầy bói tuổi vừa mới đôi mươi. Sau bữa cơm tất niên mới 5 giờ rưỡi chiều nhưng trời đã nhọ mặt người, chú Khánh chạy về nhà thắp nén hương trên ban thờ nên chỉ còn bố tôi và Sơn Ca ngồi bên bàn nhựa cùng uống nước chè. Cả hai cùng h·út t·huốc, Chục Cân thì quấn lấy bà Già vẫn đun nấu dưới bếp chuẩn bị cho mâm cơm cúng Giao Thừa. Mẹ tôi đã lên nhà bà ngoại, bà Trẻ lo nồi bánh chưng sắp được vớt ra. Tôi và em trai nằm vắt chân chữ ngũ trên phản cùng đọc truyện, tuy vậy đôi tai của tôi vẫn hoạt động rất tốt bởi trong câu chuyện của hai người lớn bên bàn uống nước có nói đến những điều tôi quan tâm.
Sơn Ca hỏi bố tôi:
-Chú có biết cái miếu đấy xây từ khi nào không?
Bố tôi trả lời:
-Chú không rõ lắm, chỉ biết nó có trước khi chú lấy cô. Có lẽ cái miếu ấy cũng xây được khoảng hai chục năm rồi.
-Xưa nay chú có nghe nói gì về ngôi miếu ấy không?
-Cũng ít khi, thi thoảng thằng em cậu có kể là miếu ấy thiêng.
-À, là thằng Út đấy hả chú?
-Đúng rồi, nó ở nhà với bà cụ từ nhỏ, năm nay mới ra Hà Nội làm ăn đấy chứ, chưa đâu vào đâu cả. Mà cái miếu đấy có việc gì hay sao?
-Thật ra chẳng có việc gì nhưng miếu đấy thờ thần giữ của.
Tôi liếc mắt kín đáo nhìn thấy bố tôi nhấp một ngụm nước chè rồi chậm rãi nói:
-Thần giữ của nếu miếu nào cũng có thì cả cái làng này là một bãi vàng khổng lồ. – Bố tôi cười – Hồi chú còn nhỏ cũng được người lớn dặn không được phá phách, nghịch ngợm đền thờ miếu mạo. Làng này tuy nhỏ nhưng miếu như kiểu ở nhà mẹ vợ chú phải tầm hai chục cái.
-Đất làng này có địa thế tốt nên giờ âm khí mới thịnh. Cái gò ở nhà mẹ vợ chú khả năng có của đấy.
-Hử? Của á? Làm gì có! Làng này cũng nhiều người đồn là hồi xưa người Tàu chôn của xong yểm trinh nữ canh giữ. Cũng một số nhà đào tung cả vườn lên có thấy cái gì đâu, toàn đất là đất, có mà vàng mắt!
-Đấy là chú chưa thấy nên chẳng tin thôi. – Sơn Ca nhún vai vẻ bình thản – Ngay như đất nhà chú đây cũng có miếu, chú có biết không?
-Có! Hồi nhỏ chú thấy có một cái miếu nhỏ tí lụp xụp ở góc vườn. Mấy năm trước bà cô ruột hối thúc là xây miếu mới. Để qua năm ngày rộng tháng dài chắc cũng phải về xây cho xong, lần nào gặp bà cô ruột cũng nhắc. Mai mùng 1 bà cụ lên đây kiểu gì cũng nói. Mà sao cháu biết?
-Cháu là thầy cơ mà, chú ra đây!
Dứt lời Sơn Ca đứng dậy chắp tay sau lưng bước ra ngoài hiên đứng, bố tôi cũng ra theo. Tôi lặng lẽ đặt quyển truyện đang đọc dở xuống bên cạnh giả vờ ra bàn rót nước uống.
-Đất nhà chú mặt trước thấp lại có ao, bên trái là rặng tre, bên phải là rặng mây. Xui một cái phía sau nhà người ta cũng đào ao nên đất bị xói mòn lấn dần vào, may cho chú là bà cụ ở nhà đã kè bờ ao chống s·ạt l·ở.
Tôi thoáng giật mình, điều này dường như tôi đã nghe chị Ma nói cho tôi trước đây thì phải. Sơn Ca bước xuống dưới sân đứng, anh ta ngẩng đầu nhìn lên tán cây bưởi sinh đôi quan sát một hồi lâu. Tôi không hiểu anh ta đang tìm cái gì. Tận dụng khoảng thời gian hai người đứng ngoài sân im lặng, tôi rót vội một cốc nước vối rồi bước nhanh ra thềm ngồi phệt xuống uống để nghe cho rõ những gì Sơn Ca nói:
-Hôm trước cháu đến đây là buổi sáng đã chú ý đến hai cây bưởi này. Hai cây bưởi mọc song song giống nhau như đúc, thật là lạ kỳ, đời cháu chưa thấy cây tự nhiên nào mà từng cành, từng nhánh lại đối xứng nhau như soi gương.
-Hai cây bưởi này lúc chú còn nhỏ thì cũng bé. Ông già chú trồng đấy mà.
-Ai trồng không quan trọng, quan trọng là khi nó mọc lên lại có dáng vẻ nhìn qua thì bình thường nhưng nhìn kỹ lại không bình thường.
Sơn Ca bước vài vòng quanh gốc cây, chợt anh ta nói với tôi:
-Này thằng kia đừng giả vờ, mày ngồi đấy đã nghe được tao nói gì rồi. Hai cây bưởi này ra quả thế nào?
Tim tôi đập vài cái mạnh như trống trường khi tan học, quả nhiên không có gì qua mắt được anh thầy này.
-Hai... hai cây bưởi này ra quả bình thường anh ơi.
-Ngon không?
-Cũng... cũng ngon ạ!
-Bưởi này có lẽ là giống bưởi Đoan Hùng. – Sơn Ca nhận định.
-Chú cũng không rõ lắm, sinh thời ông già cũng là người bôn ba ngược xuôi nên cũng có thể.
-Nãy cháu có xem hai cây bưởi ở vườn sau nhà, hai cây đó cùng giống với cây này nhưng còi cọc hơn, hẳn là quả cũng ít hơn, có khi chẳng ăn được. Có phải như thế không Tý?
-À vâng! Hai cây bưởi đằng sau mỗi mùa chỉ có chừng hơn chục quả nhưng phần lớn bị cặng, đắng lắm, chả ăn được anh ơi.
-Hai cây bưởi này ngon hơn dù cùng giống.
Tôi định nói cho Sơn Ca biết là hai cây này tuy giống nhau song một cây cho quả ngọt, một cây cho quả chua nhưng lại thôi không nói. Anh ta đã biết quá nhiều, không cần thiết phải bổ sung thêm thông tin cho anh ấy làm gì.
-Này Tý! Lại đây tao bảo!
Sơn Ca vẫy tôi, tôi đi lại gần. Sơn Ca ngửa cổ nhìn lên tán cây bưởi xum suê nói:
-Khi nào hai cây bưởi này hết quả, hoặc một trong hai cây hết quả thì bưởi ở sau nhà mới ăn được.
Tôi không để tâm đến việc này lắm nên trả lời rất tự nhiên kể:
-Em cũng ít khi ăn, mỗi đợt Tết Trung thu trĩu quả bà em thường bán cho các anh chị thanh niên trong làng để làm quà phát cho trẻ con. Bưởi cũng ngon, thi thoảng mấy đứa trong làng trèo vào chọc trộm, chúng nó buộc cái răng bừa vào cây sào hái bưởi, em chán chẳng muốn đuổi.
-Ăn trộm à? Thứ quả này không đáng để ă·n t·rộm, ăn bao nhiêu phải trả từng ấy, lại khổ ra.
-Cái gì hả anh?
-Không! Chẳng có gì. Chú này! – Sơn Ca quay sang nói với bố tôi – Cái miếu cũ ban nãy chú nói có phải ở góc đằng kia không?
Sơn Ca chỉ về hướng góc vườn chỗ mấy cây đu đủ, trời đã tối hẳn chẳng thể nhìn rõ. Bố tôi gật đầu:
-Ừ, đúng ở chỗ đấy!
-Hôm nọ cháu vừa vào đến cổng nhìn thấy một bà ngồi xếp bằng tròn trừng trừng nhìn cháu, trông cũng dữ dằn lắm. Bà này...
“Bốp!”
Sơn Ca đang nói dở câu chợt tôi nghe thấy tiếng như ai đó vừa bị tát, tôi chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra nhưng không thấy Sơn Ca nói thêm nên theo phản xạ nhìn mặt anh ta. Anh ta đang đưa tay lên xoa một bên má suýt xoa:
-Làm gì mà ghê thế! Thầy có làm gì đâu...
Bố tôi nhìn Sơn Ca không chớp mắt, tôi cũng vậy! Tôi còn chưa kịp hiểu Sơn Ca đang nói cái gì đã thấy anh ta vội chạy vào nhà rút vội mấy que hương.
-Có chuyện gì thế nhỉ? – Bố tôi hỏi tôi.
-Con... con có biết đâu, con cũng đang đứng đây như bố cơ mà?
Hai bố con tôi đứng nguyên tại chỗ nhìn Sơn Ca hấp tấp chạy từ trong nhà ra ngoài vườn, hai bố con nhìn nhau rồi cũng chạy theo. Sơn Ca châm ba que hương cắm cạnh một gốc cây đu đủ rồi quỳ xuống vái như tế sao, tôi đứng ngẩn người ra theo dõi hành động của anh ta. Tôi thật sự tò mò, tôi rất muốn hỏi vừa rồi đã xảy ra chuyện gì nhưng đành im lặng nhìn Sơn Ca lẩm nhẩm khấn vái một hồi.
Bố tôi rót nước cho Sơn Ca còn tôi chăm chú nhìn nét mặt của anh ấy. Bàn tay trái của Sơn Ca đeo găng tay len của Sơn Ca vẫn đang xoa xoa lên má.
-Vừa... vừa rồi có chuyện gì thế? – Bố tôi hỏi.
-Chú không thấy gì à?
Bố tôi lắc đầu. Sơn Ca nheo mắt quay sang nhìn tôi hỏi:
-Mày thì sao hả?
-Em cũng muốn hỏi giống bố em. – Ánh mắt tôi rất ngây thơ.
Sơn Ca không vội trả lời, anh ấy ngửa cổ uống ực một hơi hết chén nước chè nhỏ:
-Cháu vừa bị tát một cái!
-Ai tát? Làm sao mà bị tát? – Bố tôi ngạc nhiên.
-Đây chú xem...
Sơn Ca nghiêng đầu, chìa má ra cho bố tôi xem, dường như ánh đèn tuýp và đèn vàng không đủ để thỏa chí tò mò, bố tôi bật lửa soi gần má trái của Sơn Ca, tôi cũng nghển cổ nhìn theo. Má trái của Sơn Ca đang đỏ ửng nhưng nếu nhìn kĩ sẽ thấy hằn rõ một bàn tay năm ngón. Bố tôi có vẻ chưa hình dung ra bàn tay nhưng tôi lúc nãy ngờ ngợ nhưng khi nhìn thấy một mảng đỏ trên má là lập tức hiểu ra vấn đề.
-Cháu bị dị ứng à?
Sơn Ca lắc đầu:
-Cháu vừa bị tát khi nãy đấy!
-Cái gì? Đâu xem nào...
Bố tôi xem kỹ một lúc mới ậm ừ:
-Nhìn như một bàn tay ấy nhỉ, như tay trẻ con.
-Tay con gái! – Sơn Ca đính chính.
-Ai... ai... ai thế?
-Là cô thần miếu ngoài vườn, chắc chỉ có cô ấy.
-Làm gì có chuyện đấy! Chú ở đây bao nhiêu năm có thấy gì đâu, tự nhiên tối nay lại...
-Cháu cũng không hiểu, cháu có mạo phạm gì đâu cơ chứ? Hôm qua gặp cũng cúi chào đàng hoàng, nhìn là biết bà này ghê, nhìn trẻ măng.
Tôi buột miệng:
-Hay... hay do anh gọi là bà?
-Hử? Mày đã thấy gì?
Tôi lắc đầu nhẹ:
-Em có thấy gì đâu. Anh bảo cô thần miếu trẻ mà anh gọi là bà như thế có khi cô ấy không ưng đâu.
-Không gọi là bà thì gọi là cái gì hả mày?
-Thì em đoán vậy chứ em biết gì đâu mà. Như mẹ em ấy, mẹ em rất thích được khen trẻ, thích được các anh chị sinh viên gần nhà gọi là chị hơn là cô.
Hai người lớn nhìn nhau rồi nhìn tôi, Sơn Ca vỗ vai tôi mấy cái:
-Có khi mày đúng, chắc tao lỡ mồm nên bị thế. Nhưng tao nói không sai, bà... à... cô này rất là ghê gớm. Tao phải cẩn thận mới được.
-Anh là thầy bói cơ mà, anh sợ à? – Tôi khích.
-Tao là người còn bà... à... cô ấy là vong. Dù sao ở đây tao cũng chỉ là khách. Mà có gì thì nhắc nhở chứ ai lại tát một cái đến chóng hết cả mặt thế này cơ chứ, hình như sưng mẹ nó rồi.
-Để em lấy lọ cao cho anh.
Tôi vội vàng lục ba lô lấy lọ cao Sao Vàng chữa bách bệnh trong khi miệng vẫn tủm tỉm cười một mình. Nhìn anh Sơn Ca liên tục đưa tay lên xoa má đến là thương, chắc chắn cái tát mạnh trời giáng đó chỉ có thể là của chị Ma mà thôi. Tôi biết chị ấy rất mạnh.
Từ ngoài cổng vọng vào tiếng xe Cub 82...
***