Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 396: Dưới tán xà cừ




Chương 396: Dưới tán xà cừ

***

Chiều ngày 27 Tết, công việc trong xưởng gia công bánh mứt kẹo không còn nhiều bởi bố mẹ tôi không muốn bị tồn hàng. Buổi chiều hôm ấy đã có vài anh xin nghỉ về quê trước. Chú Sáu, anh Hải, chú Khánh chưa về vì muốn ở lại thêm để mua sắm cũng như giao hàng cho xong xuôi. Những thùng các – tông đựng những gói mứt Tết to và cao bằng khoảng hai phần ba thùng đựng tủ lạnh liên tục được chở đi. Chiếc Dream của bố tôi cũng được trưng dụng để chở hàng, chú Sáu thường là người sử dụng chiếc xe này. Bác Vinh – cựu Đại úy phi công, bố của thằng Dũng – cũng được bố tôi nhờ vả trong việc giao hàng vào những ngày này bằng chiếc DD70 màu đỏ của bác ấy. Chiếc xe DD70 này tôi cũng rất thích, vài năm sau thằng con quý tử của bác ấy đặt với giá năm triệu đồng rồi bỏ đi biệt tăm, tôi phải dành thời gian đi tìm mãi mới chuộc về được nhưng rồi sau đó một thời gian nó cũng bán đứt với giá hơn chục triệu để đổi sang một chiếc Dream Việt Nam nhằm thuận tiện cho việc... bốc đầu.

Những năm đầu 2000, thanh niên đất Hà Thành hẳn đều biết đến cái tên Tiến Tẩu rồi Tú Quý... Tôi không có cơ hội quen biết hay gặp những người nổi tiếng trong giới đua xe máy Hà Nội thời đó. Tôi chỉ biết rằng sau thời của Tiến Tẩu là thời của những Thanh Tứ, Dũng Bù với khả năng bốc đầu xe chạy bằng một bánh. Những vỉa cảm tử hay Hàng Ngang, Hàng Đào đều không thiếu mặt Dũng Bù. Em trai tôi là cạ cứng, chúng nó luôn có mặt trong những đêm cuối tuần trên Hồ Gươm mặc dù chẳng có xe máy. Dũng Bù có biệt tài lái xe, khả năng chạy xe máy của nó ngoài việc tận mắt chứng kiến tôi còn nhiều lần ngồi phía sau. Tôi vẫn nhớ những đêm hè hoặc đông lạnh của Hà Nội tiếng pô xe đinh tai nhức óc, những khúc cua vuông góc trên phố cổ mà Dũng Bù có thể chạy với tốc độ sáu, bảy chục cây số trên giờ... Đó là tài năng duy nhất của nó, ngoài tài năng này ra tất cả những thứ khác xem như bỏ. Tôi và em trai đã dành nhiều thời gian giúp đỡ, đưa nó ra khỏi con đường lầm lạc nhưng nó chẳng thể tránh nổi số tù tội. Chẳng ai có thể thay đổi số mệnh của chính mình nếu bản thân họ không nỗ lực, nếu họ luôn đổ lỗi lầm do họ gây ra là vì người khác xúi bẩy hoặc hoàn cảnh gia đình.

Trong khi mọi người miệt mài làm việc trong xưởng thì tôi chỉ chắp tay sau lưng lượn qua lượn lại để quan sát. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ phải làm những công việc này, bây giờ chưa phải làm thì quan sát cũng tốt bởi tôi ý thức được một ngày nào đó bản thân mình sẽ kế nghiệp và phát triển những thứ bố mẹ tôi đã và đang làm lúc này.

Hai đứa em của tôi háo hức về quê ăn Tết, chúng nó đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, thằng em trai của tôi cũng giống như phần lớn những đứa trẻ ở độ tuổi của nó khi ấy, vùi đầu vào cửa hàng điện tử mỗi khi được nghỉ hè hoặc nghỉ Tết. Cũng chẳng thế khác được, trẻ con nơi thành phố đông đúc sẽ không có nhiều lựa chọn mỗi khi được nghỉ học. Chục Cân có đôi chút khác, nó háo hức về quê bởi nó ít khi được đi xe khách, nó đang học lớp 5 trường Bế Văn Đàn và mới chỉ được đi xe khách hai hay ba lần trước đó trong những chuyến du lịch cùng cả lớp. Đây là lần đầu tiên hai đứa em đi cùng với tôi trên một chuyến xe về quê, sau này cũng không có thêm lần nào nữa bởi chỉ vài tháng sau đó là tôi đã chạy được xe Cub 82 – 50 đi giao hàng, từ việc giao hàng đến việc tự lái xe máy về quê không có gì là khó khăn. Tôi có thể chở hai em của mình trên chiếc Cub 82 – 50 màu bộ đội. Trong mỗi chuyến đi, cho dù là đi bằng xe khách, xe máy hay... chúng nó đều chưa một lần thắc mắc về hành trình, có vẻ như hai đứa rất tin tưởng ở ông anh cả.

Bố tôi cùng Sơn Ca lên phố cổ mua sắm những thứ cần thiết cho buổi lễ tạ, tôi nhớ là có ngựa giấy, quần áo giấy... cùng những thứ khác như chè hoặc cháo trắng gì đó. Thật ra ở chợ Nam Đồng chẳng thiếu vàng mã nhưng bố tôi muốn đưa Sơn Ca dạo phố cổ cho biết mùi Thủ đô. Sau khi mang những thứ đã mua được về nhà được một chốc bố tôi lại chở Sơn Ca đi đâu đó tôi không biết vì khi đó tôi lang thang ở mấy cửa hàng bán sách báo. Tôi mua được vài cuốn sách có cả một cuốn tập hợp những truyện dân gian Việt Nam khổ nhỏ và dày.

Buổi tối, mặc dù đã hơn 9 giờ nhưng nhà tôi mới chỉ vừa ăn xong bữa tối. Bữa ăn phải chia ca nhưng tôi cảm tưởng mọi người không mấy để tâm đến bữa ăn, nét mặt ai cũng háo hức khi trong câu chuyện luôn là Tết. Các anh chị bàn tính sẽ mua cái gì cho gia đình cũng như rủ nhau chiều ngày hôm sau ra chợ Kim Liên mua ít quần áo cho bản thân. Chợ Kim Liên lúc này là chợ bán quần áo Sida lớn ở Hà Nội, tôi cũng nhiều lần lang thang ở khu chợ này tìm cho mình những cái áo len, áo khoác phù hợp. Một vài năm sau khi chợ này lớn hơn, bán nhiều đồ đẹp hơn bao gồm cả giày dép thì tôi không còn đến nữa bởi tôi biết đó là toàn đồ của Tàu, chất lượng kém mà giá hét trên trời, trả giá kiểu nào cũng... thua người ta. Nhiều năm sau này chợ Kim Liên bị dẹp đi thay vào đó là con đường to đẹp nhưng mỗi khi đi qua khu này tôi đều ít nhiều nhớ lại những kỷ niệm nho nhỏ trong những lần đặt chân vào chợ mua sắm. Tôi vẫn nhớ món đồ cuối cùng tôi mua ở chợ này là một cái áo khoác Vest màu trắng để mặc trong dịp dự lễ tốt nghiệp đại học của cô bạn gái. Những năm 2007 thanh niên Thủ đô có mốt mặc quần Jeans với áo khoác là vest sáng màu, bởi vậy cũng không lạ khi tôi theo trào lưu ấy. Các cụ nói cấm có sai “Người làm sao của chiêm bao làm vậy” cái áo đó nếu đưa cho em trai tôi mặc thì sáng cả một góc nhưng khoác lên người tôi lại tối hẳn một khu. Thật may tôi đã chấp nhận một sự thật từ khi còn nhỏ là mình quá xấu trai, có cố cũng không thay đổi được nên mãi cũng thành quen. Đã mười mấy năm trôi qua, tôi không nhận ra chính mình bởi khi đó nhìn ngoại hình của tôi quá... tệ, phong cách chẳng giống ai, vậy mà cũng có người yêu cho được.

Thói quen thường khó bỏ, buổi tối ở Thủ đô tôi thường cảm thấy lạc lõng vì tôi thực sự không phải người Thủ đô cho dù phần lớn gia đình tôi đã sống và làm việc được gần sáu năm ở khu này. Sau bữa cơm mỗi người sẽ có những thú vui của riêng mình. Mẹ tôi – một tín đồ phim TVB – luôn dùng thời gian rảnh rỗi để nằm trên giường xem hết bộ phim này đến bộ phim khác. Một số bộ phim TVB mà mẹ tôi đã xem như Hình Cảnh Quốc Tế, Hồ Sơ Trinh Sát... tôi không thích xem phim dài tập, nếu có thể xem phim, tôi muốn xem phim hành động lẻ cho gọn. Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ, tôi đã từng xem một số phim dài tập chiếu vào mỗi buổi chiều ở quê như Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên hoặc cái phim gì của Úc có ô gái sống dưới nước... Tôi lại ngồi trên nóc của dãy trạm bơm cũ, mỗi khi đến giờ bơm nước tiếng máy móc kêu ì ì lúc đầu không quen nhưng dần dà nghe quen thì chẳng cảm thấy tiếng kêu đó nữa. Cùng là mùa đông nhưng ở Hà Nội không lạnh như ở làng, tôi đoán là do Thủ đô có nhiều nhà cửa chắn gió cũng như đông người hơn gấp nhiều lần so với làng Bưởi Cuốc heo hút của tôi mỗi khi đêm xuống. Tiếng phim TVB mà mẹ tôi xem thi thoảng vọng đến bên tai bởi chỗ tôi ngồi vẫn là chỗ những lần trước đã ngồi, lưng quay về phía cổng sắt của xưởng, mặt nhìn về mấy ngôi nhà ba tầng mà sau này nằm ngay mặt đường Hồ Đắc Di, bên phía tay phải là cây xà cừ đã bớt xum suê vì lá rụng.

Tiếng nổ đặc trưng của xe Dream đi vào ngõ, tôi nhận ra bố tôi và Sơn Ca đã về, có vẻ như Sơn Ca đã nhìn thấy tôi ngồi trên cao. Khi bố tôi dừng xe ở cửa căn phòng thuộc dãy trạm bơm, mẹ tôi từ bên trong ra hỏi thăm hai người. Tôi nghe thì biết bố tôi đã đưa Sơn Ca lên nhà cô Lý, cả hai đã ăn tối ở trên đấy, chồng cô Lý là người rất hiếu khách, kiểu gì cũng sẽ giữ lại ăn cơm và làm vài chén.

Sơn Ca ngẩng đầu lên nói với tôi:

-Mày ngồi trên đó làm gì thế Tý?

-À... à em hóng gió tí.

-Hết chỗ để ngồi hay sao mà tối nào mày cũng vắt vẻo trên đấy thế thằng kia!

Mẹ tôi mắng một câu lấy lệ rồi mau chóng quay vào trong xem tiếp bộ phim đang dang dở. Sơn Ca nói gì đó với bố tôi, một lúc sau tôi thấy Sơn Ca thò đầu lên, anh ta đã vào xưởng lấy được một cái thang tre.

-Trên này có cái gì mà mày lại ngồi một mình thế?

-Chẳng có chỗ nào để ngồi thì ngồi thôi anh. Em không có bạn ở ngoài này.

-Tính mày cũng dị dị sao mà có bạn cho được.

-Em bình thường- Tôi phì cười – Chỉ là mình dân quê, ở quê mãi nên quen với thoáng đãng, vắng vẻ ấy mà.

Sơn Ca trèo lên, anh tay chắp tay sau lưng đi đi lại lại nhìn xuống dưới, tôi không để tâm mấy, dù trời lạnh nhưng chai Coca vẫn được tôi ướp lạnh để uống cho đã. Sau một hồi ngắm nghía tứ phía, Sơn Ca ngồi dãi thẻ ngả người ra sau hất hàm hỏi tôi:

-Lúc trưa tao mới nói cái cây này có người thắt cổ mà mày không sợ à? Buổi tối chỗ này cũng chẳng có nổi một cái bóng điện cho sáng sủa, âm khí càng thịnh.

-Người ta thắt cổ kệ người ta, em chỉ ngồi đây chơi chứ có làm gì đâu.

-Nhỡ đâu có người xô mày ngã gãy cổ thì mày liệu hồn.

-Hề hề hề...! Ở hiền gặp lành anh ơi. Nhà em ở đây lâu rồi cũng quen nên em không thấy sợ gì. Chắc ma tránh em ra. Anh mới uống rượu trên nhà cô em hả?

-Ờ! Ông chú mày mời nhiệt tình quá, ông ấy ngâm nhiều thứ rượu thật, uống vào thấy nóng hết cả người.

-Anh lên đấy làm lễ giúp cô chú em luôn ạ?

-Không! Bố mày chở tao đi có việc tiện thì tạt vào chơi, ngày mai chú ấy chở bà mày về quê. Hóa ra mày có tận hai bà cơ đấy, nhìn bà cụ ở đây phúc hậu, bà cụ ở quê có vẻ khó tính.



-Đúng thế, bà nội em ở quê khó tính lắm.

-Mà nhà bà cô mày có vong đấy, tao định nói nhưng lại thôi.

-Hả? Có... có vong ạ?

-Ờ! Tao định nói nhưng hồi chiều đi cùng bố mày bảo ngoài này người ta không thân thiện như ở quê, không thể tiện miệng nói ra được. Nói ra nhỡ đâu người ta bảo mình là thằng thần kinh thì bỏ mẹ.

-Hề hề... Dân Thủ đô nhà nào biết nhà nấy, khác quê mình là đúng rồi có gì lạ đâu. Nếu anh đã biết nhà cô em có vong, tiện dịp nào anh đuổi giúp đi.

-Cô mày cũng nhờ tao rồi, để qua năm tao sẽ làm lễ tiễn giúp. Vong ấy cũng lành. Mà mày cũng lạ nhỉ? Tao đề cập đến ma, đến vong mà mày cứ tỉnh bơ như không. Mày không sợ hay không tin có ma thế?

Tôi chột dạ:

-Em... em cũng không biết. Em chỉ nghĩ em không làm gì sai, em không động gì đến họ nhất định họ sẽ không phá em. Mà anh thấy đấy, em ở quê vắng vẻ, toàn lũy tre với bụi rậm mãi cũng quen. Ở quê mà sợ ma thì...

-Mày nói cũng không đúng hẳn, sợ hay không sợ không phải do mày ở quê hay thành phố. Tao thấy mày khá thờ ơ, như kiểu mày chẳng quan tâm cũng chẳng có tí sợ hãi nào. Nếu tao đoán không sai chỉ một chốc nữa chỗ tao với mày ngồi sẽ lạnh hơn mấy phần.

-Ây! Anh đừng dọa em thế. Sắp Tết trời lạnh cũng là thường.

-Để xem. Một chốc nữa thôi, sắp đến giờ linh.

Tôi tỏ ra không quan tâm bằng tách ngửa cổ tu nốt phần còn lại của chai Coca trong khi Sơn Ca rút một điếu Vina cho lên môi. Sơn Ca mời tôi một lần nữa nhưng tôi lắc đầu, tôi chưa biết h·út t·huốc. Sơn Ca lục túi áo lấy bao diêm quẹt mấy lần nhưng l·ửa b·ùng l·ên lại tắt ngúm, anh ta thở dài một cách bực dọc:

-Mẹ nó chứ! Hút điếu thuốc cũng không xong.

-Trời có gió anh dùng diêm làm gì, mai em mua tặng anh cái bật lửa xịn.

-À! Mày còn bị phạt nhưng nếu mày mua cho tao cái bật lửa xem như chuộc lỗi.

-Em bị phạt cái gì?

-Mày đã nói dối ta về năm sinh của mày, khá lắm!

-Có gì đâu mà nói dối, chỉ là em quên thôi.

Một cơn gió lạnh thổi qua, cành cây xà cừ khẽ lay động. Sau một hồi cố gắng, Sơn Ca cũng châm được điếu thuốc. Anh ta rít lấy rít để vài hơi rồi đột nhiên quay sang bên trái búng điếu thuốc đang cháy dở về phía cây xà cừ. Tôi nheo mắt nhìn theo điếu thuốc xoay tròn trong không trung đến khi nó rơi xuống nền gạch của dãy nhà mái bằng nơi cả hai đang ngồi. Tôi thắc mắc:

-Anh hút phí thế, mới có vài hơi đã vứt, một gói thuốc lá tận mười ba nghìn chứ ít gì.

-Thằng ôn kia nó xin thì cho, thói đời lại có những thằng cứ thích bắt tóp thuốc kể cũng lạ.

Tôi không hiểu Sơn Ca đang nói gì, quay nhìn điếu thuốc nằm trên nền gạch đang đỏ lửa như có người rít lòng tràn đầy nghi hoặc. Ánh lửa từ mấy que diêm lại bùng cháy, Sơn Ca châm thêm một điếu nhưng chỉ rít một hơi sau đó anh ta đặt điếu thuốc thẳng đứng, miệng lẩm nhẩm gì đó tôi không biết, khi anh ta bỏ tay ra điếu thuốc không đổ, thi thoảng lại sáng lên mỗi khi những cơn gió lạnh thổi qua.

-Khu này nhiều vong hồn lang thang, có mấy thằng thèm thuốc xin thì tao cho chứ có gì lạ. Mày không biết h·út t·huốc nên không hiểu đâu.

-Hồn lang thang? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

Sơn Ca không trả lời, anh ta tháo cái găng tay len vẫn đeo bên tay trái từ lúc sáng đến giờ chỉ bỏ ra một lần khoe với tôi. Bàn tay lục chỉ cầm ma này Sơn Ca luôn đeo găng tay, mùa đông đeo găng tay len, mùa hè cũng vậy.

-Anh... anh định làm gì đấy?



Sơn Ca hất hàm về phía cây xà cừ nói:

-Chỗ đấy có cả tá vong hồn trú ngụ, mày có biết lai lịch nơi này không?

Tôi lắc đầu. Sơn Ca mắt đăm đăm nhìn vào khoảng tối:

-Có lẽ cái cây ấy khi xưa là một ngôi mộ tập thể. Còn sống thì chín người mười ý, lúc thác cũng chín ý mười người. Bọn này cũng nghịch quá thể, phá phách lung tung. Những người ở dãy nhà bên này làm ăn không yên ổn bằng những nhà ở đầu kia là lý do đó.

Sơn Ca quay nhìn tôi:

-Mày biết bọn nó vừa hỏi gì không?

Tôi tròn mắt lắc đầu. Sơn Cả mỉm cười:

-Một thằng tao cho thuốc hút nó hỏi rằng có phải mày mời tao đến đuổi bọn nó đi không?

-Cái gì? Việc... việc này có thật à? Sa... sao lại liên quan đến em?

Sơn Ca lại quay đầu sang bên trái nơi điếu thuốc vẫn đang cháy, anh ta lẩm nhẩm gì đó. Tôi mở to mắt nhìn và nghĩ:

-“Đây... đây chính là hình ảnh khi mình nói chuyện với chị Ngọc Hoa ư?”

Dường như đã hỏi “ai đó” xong, Sơn Ca nói với tôi:

-Thằng này nó bảo nghe đám khác kháo nhau là để ý thằng con lớn nhà này, chính là mày! – Sơn Ca chỉ vào tôi – Thi thoảng hay xuất hiện ở đây, phải tìm cách ủn nó ngã cho c·hết.

-Em... em có làm gì đâu mà, anh lại dọa.

-Tao thèm dọa mày à? Hai thằng nói cùng lúc thì sao mà sai được. Mày đã kết oán gì với lũ quỷ trú ngụ ở cái cây đằng kia?

-Em... em kết oán? Không đời nào!

Sơn Ca lại quay sang nói chuyện với khoảng không rồi quay lại thông báo với tôi:

-Tao nghe bảo là mày hay ai đó đã giành phần, đã c·ướp cái gì của bọn nó đi nên bọn nó thù. Hừ... tao đã ngờ ngợ về mày từ lúc mới gặp, mày có... nói sao nhỉ?... ừm... có gì đó rất khó lý giải. Mày đã lấy gì của bọn nó thì trả lại cho mau.

-Em lấy gì? Em... em chẳng lấy cái gì. Một cái lá cây em còn chẳng động đến.

-Thật chứ?

-Thật! Mà... mà anh đang nói chuyện với ai?

-Tao à? Dĩ nhiên tao đang nói chuyện với ma, thế mà cũng hỏi.

Sơn Ca nhếch mép cười với tôi, anh ta lục trong túi áo lấy ra vài cái kẹo thảy sang bên cạnh như kiểu cho lũ ma đói. Bây giờ tôi cảm thấy Sơn Ca nói đúng, chỗ tôi đang ngồi dường như lạnh hơn, tuy thế tôi vẫn cố tỏ ra bình thường. Tôi chẳng nhìn thấy gì dưới ánh sáng vàng vọt từ ánh đèn điện ngoài chợ hắt vào ngoài, Sơn Ca lại lẩm nhẩm như hỏi chuyện “ai đó” anh ta gật liên tục.

-“Cái lũ khốn kiếp này, để lần tới tao ở ngày nào nơi này tao sẽ chôn bùa xuống gốc cây cho lũ chúng mày sợ té đái mới thôi.”

Sơn Ca dường như đã dò hỏi được gì đó, anh ta nói với tôi:

-Mấy đứa này không ở chung với đám chỗ cây xà cừ, bọn nó bảo mấy năm trước có thằng bé thắt cổ ở đằng kia. Thằng bé đó hình như quen với mày, có duyên với mày nên lũ quỷ ấy làm phiền.



-Không... không! - Tôi chối phắt – Người đó em gặp có một lần, mẹ em là người cho anh đó tiền với thức ăn, hôm sau thì anh ta...

-À! Thế sao chúng nó lại thù mày nhỉ?

-Em... em làm sao biết. Em... em có phải là thầy bói đâu.

Sơn Ca ngồi xổm dậy phủi tay đề nghị tôi:

-Chậc! Hay mày làm đệ tử của tao đi, tao thấy mày có căn cơ làm thầy lắm, thậm chí mày làm thầy có khi còn khá hơn tao. Tao không có thầy nào dạy nhưng tao sẽ dạy cho mày.

-Hả? Không! Không đâu! Em thích làm luật sư! – Tôi mếu máo – Em không thích làm thầy bói.

-Mẹ cái thằng! Ai bảo mày tao là thầy bói? Tao là thầy cúng, thầy tướng số, thầy linh tinh chứ tao không làm thầy bói.

-Thì... thì cũng như nhau. Em không muốn.

-Mày cứ suy nghĩ đi, khi nào thích nói với tao. Làm thầy thích lắm, mày sẽ thấy được nhiều thứ trước nay mày không thấy, mày nhìn được cả ma nữa cơ.

-Ma?

-Ừ!

-Thôi em xin anh! Em không muốn đâu, em sợ ma lắm.

-Tao thấy mày có sợ đâu? Hưm... Thế này tao phải tính lại vài thứ, có lẽ phải bốc cho em gái mày một cái bát hương ở ngoài này.

Nhìn thấy tôi có vẻ không hiểu, Sơn Ca giải thích:

-Là để phòng hờ vậy thôi, lũ đầu trâu mặt ngựa trốn ở đằng kia nó đã nhắm đến mày, mày lại có quý nhân mệnh nữ phù hộ, chắc là đứa em gái. Tao sẽ bốc một bát hương thờ ngoài này, nếu có vấn đề gì nó còn đỡ cho mày, người trần mắt thịt không ngừa được mãi đâu.

-Hay... hay chặt cái cây đó đi hả anh? Để hè này em ra Hà Nội lâu em sẽ đổ nước sôi với axit loãng xuống gốc cái cây cho nó c·hết luôn. Cây mà khô queo người ta sẽ đốn gốc, vậy là hết chuyện!

-Hừ! Mày còn tính cả được như thế cơ á?

-Chuyện... chuyện bình thường mà. Nếu anh bảo ở cây đó có ma thì chặt đi là xong.

Sơn Ca thở dài:

-Chẳng ra lề lối gì. Tao với mày lại đằng kia ngồi thử, tao cũng muốn hỏi xem ma quỷ ở cái cây đó thế nào. Mày dám không?

-Em... em không biết!

-Sợ cái đéo gì, có tao ở đây. Đi với tao!

Tôi miễn cưỡng đứng lên phủi đít quần bước theo sau Sơn Ca về hướng cây xà cừ, chỉ vài mét nhưng cũng đủ để tôi thò tay vào túi áo trong mở miệng túi vải lấy lá bùa ra. Sơn Ca thản nhiên ngồi xuống bên mép của dãy nhà, ngay dưới tán cây xà cừ, tôi miễn cưỡng ngồi gần, trước mặt là khoảng tối um tùm. Sau gốc cây xà cừ vài mét là bức tường màu vàng loang lổ của nhà tập thể A2 đang sáng điện.

-Có... có thấy gì không anh? – Tôi ngập ngừng hỏi.

-Lạ nhỉ? Yên ắng đến là lạ! Hai thằng lang thang ban nãy xin thuốc của tao cũng chạy mất dép.

-Khuya thì yên ắng có gì lạ đâu, anh lắng tai nghe còn thấy tiếng tivi, tiếng phim truyện nữa đó.

-Không, yên ắng kiểu khác. Chả lẽ Tết nhất ma quỷ cũng trốn đi chơi hết cả hay sao?

Ngồi thêm một lúc cho đến khi nghe tiếng bố tôi gọi, tôi và Sơn Ca mới trèo xuống. Tôi tỏ ra không bận tâm đến những gì Sơn Ca vừa nói nhưng Sơn Ca thì khác, anh ta cứ chốc chốc lại nhìn về hướng cái cây cao với ánh mắt đầy khó hiểu.

***