Chương 395: Sơn Ca đến Thủ đô
***
Hơn hai mươi năm đã trôi qua nhưng trong kí ức của tôi vẫn còn lưu lại rất nhiều điều về Mai Quốc Ca. Tôi cho rằng sở dĩ tôi nhớ rõ về anh ta chính là vì Sơn Ca là người đầu tiên tôi gặp mà khi cần mỗi câu nói, mỗi ánh mắt anh ta nhìn tôi như nhìn thấu tâm can của tôi. Tôi nhớ mình đã từng chạm mặt hai chú cháu nhà họ Đường nhưng cái nhìn của họ khác biệt hoàn toàn với Sơn Ca. Chú cháu họ đường có thể làm người ta cảm thấy sợ, cảm thấy lạnh lưng với những ánh mắt nham hiểm mang hình viên đạn thì Sơn Ca lại khác. Sơn Ca mỗi lần nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn thôi miên, muốn tôi nghe theo lời của anh ta. Khi mới quen biết tôi còn chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu gì về anh ta nên đôi khi tỏ ra lúng túng thấy rõ nhưng dần dà do tiếp xúc nhiều nên tôi đã điều chỉnh được thái độ cũng như nét mặt của mình. Nói một cách khác chính là càng ngày tôi càng hoàn thiện vỏ bọc của mình hơn, ngoài mặt có thể nói cười, có thể tỏ ra vui, có thể tỏ ra buồn rầu nhưng thật khó ai có thể biết trong lòng tôi đang thực sự nghĩ gì. Những người thân quen của tôi như R9 hay mẹ - người đã mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày để sinh ra tôi – hiểu được phần nào về tính cách hoặc phần nào suy nghĩ cơ bản của tôi thì những người khác rất khó đoán biết ý định của tôi thật. Chị Ma cũng hiểu tôi một cách cơ bản bởi chị ấy xem như đã đồng hành cùng tôi trong suốt quãng thời gian tôi trưởng thành, hình thành tính cách. Cho đến khi tôi lập gia đình thì thêm một người nữa hiểu tôi rất rõ, thậm chí tôi không cần phải nói ra người đó cũng có thể đoán biết được tôi muốn gì, đó chính là vợ tôi. Vợ hiểu chồng là điều hoàn toàn bình thường, chẳng có gì là cao siêu bởi đồng hành cùng nhau hàng chục năm trời tất nhiên sẽ nhận ra những thói quen, cách nghĩ...
Lần đầu tiên tôi ra Hà Nội cùng với Sơn Ca, trong suốt chặng đường ngồi trên xe khách anh ta đều ngủ còn tôi bận theo đuổi những suy nghĩ chỉ một mình tôi biết. Trên tuyến xe buýt số 2 từ bến xe Yên Phụ đến bến xe Hà Đông, Sơn Ca cũng không nói gì. Đường xá ngày cận Tết xe cộ đi lại như mắc cửi nhưng trên xe buýt cũng không quá đông khách, tôi nghĩ chúng tôi nằm trong số những người đi ngược dòng khi mà người người, nhà nhà đều có xu hướng rời Hà Nội thì chúng tôi lại đi ngược vào. Sơn Ca ngồi ghế còn tôi thì đứng ôm cột mặc dù xe vẫn còn ghế trống lúc chúng tôi bước lên. Tôi muốn ngắm nhìn đường phố Hà Nội ngày giáp Tết vì chẳng mấy khi có cơ hội, mọi năm giờ này tôi đang ở quê bận ngóng trông người thân của mình về làng như nhiều người sống ở vùng nông thôn trên khắp đất nước Việt Nam. Sơn Ca ngồi khoanh tay, đầu lại nghiêng sang một bên, anh ta đã ngủ. Thi thoảng tôi liếc nhìn anh ta và cười một mình. Ai mà tin được chứ, chẳng lẽ cái anh thanh niên ăn mặc luộm thuộm, quê kệch đang ngủ gà gật trước mặt tôi lại là một thầy phù thủy? Đến lúc này tôi tin Sơn Ca nhất định là thầy phù thủy sau cả tiếng đồng hồ ngồi suy nghĩ trên xe khách. Chỉ là anh ta quả thật không có chút phong thái nào khiến cho người khác nhận ra nghề nghiệp của anh ta. Nếu nhìn lướt qua hẳn nhiều người sẽ cho rằng người thanh niên này là một kẻ lang thang. Tôi chợt liên hệ với bản thân mình mặc dù tôi chẳng phải thầy bói, càng không phải pháp sư... Tôi tạm kết luận bằng câu “Chân nhân bất lộ tướng” để nói về Mai Quốc Ca, nhất định ẩn giấu bên trong dáng vẻ luộm thuộm này là một tay có thể hô mưa gọi gió, nếu tôi không tận mắt nhìn thấy chắc chắn không đời nào tôi tin. Sơn Ca ngủ rất ngon lành, trên đầu anh ta còn đội cái mũ len màu xanh sậm, cái loại mà các ông cụ lớn tuổi ở làng tôi vẫn hay đội mỗi khi mùa đông đến...
Hai chúng tôi xuống xe buýt ở Bệnh viện Đống Đa rồi đi bộ sang đường, từ chối rất nhiều lời mời của các bác xe ôm. Con đường Nguyễn Lương Bằng quen thuộc mỗi khi mùa hè đến dường như chật chội hơn bởi dòng người qua lại hối hả, trên tay ai cũng lỉnh kỉnh những đồ mới mua sắm. Loáng thoáng trong dòng người tôi cũng nhìn thấy những cành đào, thứ hoa mà mấy chục cái Tết trôi qua chưa một lần tôi mua vì nghĩ không cần thiết.
Đi đến khoảng trống trước cây xăng Nam Đồng chợt Sơn Ca dừng lại ngó quanh, đưa một bàn tay che nắng, anh ta nói:
-Đông quá, đông thật!
Tôi bật cười:
-Bình thường Thủ đô đã đông người, bây giờ lại sắp Tết đến nơi, đông thì có gì lạ đâu anh. Anh ít ra ngoài này lắm hả?
-Tao có nói là đông người đâu.
-Thế cái gì đông?
-Vong hồn đông quá, Tết đến đít nên vong cũng háo hức hơn ngày thường. Đằng kia mới có t·ai n·ạn c·hết người kìa.
Tôi cảm thấy cơn gió lạnh thổi qua, lông tơ khắp thân mình dựng ngược.
-Em... em làm sao mà biết được. Anh nhìn thấy à?
-Tiện miệng nói vậy. Mẹ... cái ngã ba sang đường này còn nhiều n·gười c·hết chứ chả chơi.
Tôi nuốt nước bọt đánh ực một cái, cảm giác gai người khó tả.
-Thôi mình đi mau không mọi người ở nhà chờ anh ạ.
-Mày không quan tâm đến ma hả? Không quan tâm thì cũng nên biết để mà tránh. Cái đoạn đường này hồi xưa làm qua mồ mả cất bốc không sạch đây mà, ai đi qua mà hợp vía kiểu gì cũng bị xô. Nhẹ thì gãy tay, gãy chân. Nặng thì...
-Bệnh viện Đống Đa chỗ ban nãy anh em mình xuống xe buýt cũng gần.
Tôi vừa nói vừa kéo ống tay áo của Sơn Ca đi. Tôi không muốn người ta chú ý đến hai thằng nhà quê đứng nói hươu nói vượn, anh ta nói nhỏ thì đỡ, đằng này nói như chỗ không người. Dọc đường vào khu tập thể Nam Đồng (hồi này còn chưa có tên là Hồ Đắc Di) Sơn Ca vừa đi vừa ngó nghiêng khắp lượt như một tay trộm đạo. Chốc chốc anh ta lại dừng lại nhìn một ngôi nhà nào đó rồi lẩm nhẩm trong miệng những điều khó hiểu, sau lại lắc nhẹ đầu bước đi phăm phăm. Cái dáng đi hơi cúi và nhào đầu về đằng trước của Sơn Ca nhiều năm tôi vẫn không thể nào quên, đặc biệt anh ta đi rất nhanh nhưng phần lớn thời gian quen biết, tôi nhận thấy anh ta thường lững thững bước đi với đôi mắt có chút vô hồn.
Chợ Nam Đồng buổi trưa ngày cận Tết đông hơn với hàng hóa chủ yếu là bánh kẹo, nước ngọt các loại. Sơn Ca đi bên cạnh tôi. Tôi im lặng rảo bước còn anh ta vừa bước vừa ngó nghiêng tứ phía, khi rẽ vào ngõ nhỏ bề ngang khoảng ba mét dẫn vào khu nhà A2 tôi đi chậm lại, ngõ vắng bởi vì các hàng quán chỉ bán đến buổi trưa là nghỉ. Vào những ngày thường, con ngõ sẽ ồn ào đến khoảng 1 giờ rồi yên ắng trong vài tiếng đến khi quán chè Thái Lan đông khách. Gần đến cổng nhà chợt Sơn Ca kéo áo tôi, tôi vừa quay lại thì Sơn Ca chỉ tay về cây xà cừ hỏi tôi.
-Cái cây kia có thằng treo cổ phải không mày?
Tôi sững người không nói được lời nào. Tôi thừa nhận mình có thể nhìn được cái gì đó nhưng thường là vào ban đêm hoặc khi không còn có ánh mặt trời, để nhìn rõ hơn nhất định phải có thứ lá thần kỳ do chị Ma đưa cho chứ bằng không tôi cũng chẳng khác gì người bình thường.
Mẹ tôi đang ngồi ở quán nước của bà cụ tên là Nhuận ngay cổng nhà, vừa nhìn thấy tôi đi đến mẹ tôi gọi với vào bên trong nhà thông báo cho mọi người là tôi đã ra đến nơi. Mẹ bước đến gần hỏi thăm:
-Hai anh em đi đường có mệt không?
Tôi chưa kịp trả lời mẹ thì Sơn Ca lặp lại câu hỏi:
-Cái cây kia có thanh niên treo cổ, âm khí nặng, cháu nói có phải không?
Nụ cười trên môi của mẹ tôi vừa mới bắt đầu đã tắt ngúm, chỉ vài giây sau khuôn mặt của mẹ tôi thay đổi rất nhanh, dù chưa đến nỗi tái nhợt nhưng tôi biết mẹ tôi cảm thấy sợ. Cùng lúc ấy bố tôi từ trong xưởng đi ra niềm nở bảo hai anh em qua phòng khách ngăn cách với giường ngủ bởi tấm ri – đô. Chính là căn phòng nằm dưới cành cây xà cừ. Đặt chân vào đến cửa, Sơn Ca bước thẳng vào bên trong nhìn khắp bốn góc, anh ta đặc biệt đứng nhìn góc căn phòng nơi mà trước đó người thanh niên treo cổ mấy năm trước có lẽ đã bước những bước cuối cùng xuống khoảng không và rồi treo lủng lẳng.
-Ra ngồi uống nước đã cháu. Hai anh em ăn gì để chú gọi luôn.
Bố tôi pha ấm nước mời Sơn Ca trong khi anh ta vẫn chăm chú nhìn khắp nơi như để tìm kiếm thứ gì. Tôi đặt ba lô của mình lên tràng kỷ rót nước nóng từ phích vào ấm trà giúp bố, thực ra tôi có thể bỏ ra ngoài nhưng tôi muốn biết Sơn Ca sẽ làm gì và nói gì. Anh ta có quá nhiều điều kỳ lạ khiến tôi phải tò mò.
-Cô chú thuê chỗ này lâu chưa?
Sơn Ca hỏi bố mẹ tôi khi tất cả đã yên vị trên bộ trường kỷ bằng gỗ đơn sơ.
-Cũng được hơn hai năm, có việc gì thế cháu?
Bố tôi hỏi ngược lại Sơn Ca, mẹ tôi mới bước vào mang cho tôi và Sơn Ca mỗi người một bát miến ngan nóng hổi.
-Đợt trước có người thanh niên thắt cổ đã trèo lên mái nhà này, cái thằng đó tuổi còn trẻ đúng ra chưa tới số mà nghĩ quẩn quá. – Sơn Ca nói xong thì thở dài.
Bố tôi nhìn mẹ tôi, mẹ tôi nhìn bố tôi. Tôi thấy nét mặt mẹ tôi vẫn chưa được bình thường trở lại. Bố mẹ nhìn tôi, tôi lắc đầu ngầm ý nói là tôi chẳng kể gì cả. Sơn Ca ăn uống tự nhiên, tôi mới ăn được phân nửa bát miến anh ta đã ăn xong tự rót nước uống. Tôi cho rằng Sơn Ca đã đi nhiều nơi, đến nhiều nhà nên cảm giác ngại ngùng đã không còn, thay vào đó tôi cảm thấy anh ta rất tự nhiên, tự nhiên như ở chính nhà của anh ta vậy.
-Ngoài việc làm lễ tạ cuối năm cô chú còn tính làm gì nữa?
-Cô muốn lập cái ban thờ cho đứa con gái ở đây có được không?
-Cháu quên chưa hỏi. – Sơn Ca quay sang nhìn tôi – Mày đi kiếm cho tao cái bút với quyển vở ra đây, còn ngồi đấy trố mắt nhìn cái gì?
Tôi vội đứng dậy chạy đi, bỏ dở bữa ăn. Khi tôi cầm quyển vở cùng cây bút bi mới tinh quay lại thì Sơn Ca cũng vừa mới hỏi bát tự của bố mẹ tôi xong.
-Cô chú tuổi này, bát tự như này nếu đúng ra đứa con đầu phải sinh năm Giáp Tý chứ sao lại Quý Hợi được?
-À không! Thằng lớn nhà cô sinh tháng 2 năm Giáp Tý, trước thấy trẻ con nghịch nên có thay đổi giấy tờ cho nó đi học sớm một năm thành ra...
Sơn Ca ngẩng đầu lên nhìn tôi lúc này vừa mới bước vào đặt bút, vở xuống bàn uống nước, anh ta hỏi tôi:
-À thế ra thằng này mày thử tao hả?
Tôi nghệt mặt:
-Thử cái gì ạ?
-Sao lúc ở nhà tao hỏi mày cũng gật?
-Anh hỏi cái gì ạ?
-Đéo biết mày giả ngu hay không nghe rõ nữa. Tội của mày phải phạt. Mày đi kiếm cho tao trầu cau đi.
-Kiếm ở đâu ạ?
-Ơ cái thằng, đây là chợ chẳng lẽ không ai bán những thứ đó?
Tôi ngơ ngác trong giây lát, mẹ tôi rời khỏi bàn uống nước đứng ra cửa cất tiếng gọi con em út Chục Cân sai nó đi mua trầu cau.
-Mày nhá, mới bé tí đã không thật thà.
Sơn Ca cầm cây bút lắc lắc chỉ vào tôi. Tôi cười gượng:
-Chắc tại em không nghe thấy, với lại xưa nay cả nhà mặc định em sinh vào năm đó rồi, chả mấy khi nhớ anh ạ.
-Mày nhất định sẽ bị phạt vì tội khai gian. Tao tính làm sao mà nhầm được chứ.
Chữ của Sơn Ca rất xấu, nói theo kiểu của các cô giáo thời trước là chữ xấu như gà bới, nhìn như chữ của trẻ con cấp I, cách anh ta cầm bút cũng không được tự nhiên.
-Trưởng nam Giáp Tý này, như vậy là cô chú có tổng cộng bốn đứa mà mất đi một còn lại ba phải không nào?
Bố mẹ tôi gật đầu. Tôi nghển cổ xem Sơn Ca viết, anh ta liếc nhìn rồi thảy cả bút và vở sang cho tôi:
-Mày nhìn cái gì mà nhìn, văn hay chữ tốt tao bảo viết cái gì thì viết cho tao.
-Vâng, vâng! – Tôi vừa cười vừa gật đầu, việc này không có gì là khó.
-Ở đây cô chú chỉ nên thờ Phật bà Quan Âm là được rồi, lúc sáng cháu có ghé nhà xem bát hương gia tiên thấy ổn cả. Thờ Phật bà ở phòng này thì ma quỷ không dám nghịch ở trên mái nhà nữa, đỡ phải lo.
-Còn bát hương của con bé, nhờ cháu giúp luôn.
Sơn Ca lắc đầu:
-Bốc bát hương thì có gì là khó đâu nhưng nếu cô chú thờ cúng mà người khuất mặt không về thì phí công đi. Chả phải ở quê cô chú cũng đã có thờ con gái rồi hay sao?
-Thật ra mới di dời mộ nó về được hơn một tháng, ở quê cũng chưa có bát hương riêng cho nó, đang thờ... thờ chung với bát hương của một bà cô. – Bố tôi nói.
-Chú đúng là người đại lãn. – Sơn Ca bật cười – Việc thờ cúng như thế mà cũng làm qua loa đại khái cho được.
-Thật ra là vì... công việc nhiều quá.
-Công việc chú có thể làm cả đời, việc bốc bát hương, lo chu toàn cho con gái chỉ một vài ngày là xong. Chú không thay đổi cái tính này là không được, kiếm được bao nhiêu rồi cũng đổ sông đổ bể cả.
Mẹ tôi vỗ đùi bố tôi mấy cái vẻ trách móc rồi nói với Sơn Ca:
-Trăm sự nhờ cháu, cháu xem như thế nào phù hợp thì giúp cô chú.
-Ngày mai làm lễ tạ xong xuôi cháu sẽ giúp bốc bát hương Phật bà cho cô chú, ảnh Phật bà cũng phải hô thần nhập tượng. Chỉ cần thờ Phật bà là đủ.
-Còn... còn ban thờ gia tiên liệu có thờ ở ngoài này được không? Còn... còn...
Sơn Ca hất hàm về phía tôi:
-Cô chú có thằng con giúp việc hương khói rồi cần gì bận tâm nữa.
Tôi nhìn Sơn Ca không hiểu, anh ta chỉ cười. Chục Cân đã mua trầu cau mang vào, Sơn Ca sai Chục Cân mượn con dao nhỏ và xin một ít vôi. Anh ta tự bổ cau, tôi không hiểu anh ta định làm gì cho đến khi anh ta cho vào miệng, nhận thấy tôi có vẻ ngạc nhiên Sơn Ca giải thích:
-Mày lại nghĩ chỉ người già như bà mày mới nhai trầu cau phải không?
Tôi gật đầu. Sơn Ca tủm tỉm:
-Sáng tao cũng định nhai trầu ở nhà mày nhưng bà mày toàn cau khô tao không quen.
-Anh... anh biết nhai trầu cau à?
-Một thú vui, mày cũng nên thử cho biết chua cay cuộc đời. Bây giờ mày ghi chép cho tao những thứ cần mua. – Sơn Ca quay sang nói với bố tôi – Chốc nữa chú cháu mình đi mua đồ cúng cho ngày mai chú nhé.
Bố tôi gật đầu. Sơn Ca nói tiếp:
-Bát hương của con gái cô chú, cô chú không cần bận tâm. Có thờ nó cũng chẳng theo cô chú đâu mà thờ mất công. Thằng này – Sơn Ca chỉ vào tôi – nó sinh nhằm tháng Đinh Mão không phải là tự nhiên. Vừa nãy cháu có xem thử cho cô chú thấy rõ ràng trước khi có thằng này cô đã bị sảy thai một lần.
Tôi nhìn mẹ tôi, trong giây lát khuôn mặt mẹ tôi lại thay đổi thêm một lần nữa. Mẹ tôi lắp bắp:
-Đúng... đúng là thế! Cháu tài thật. Đúng là... đúng là cô bị sảy một lần hình như chưa được ba tháng. Cô... cô không nhớ rõ lắm nhưng đúng là có chuyện như thế.
-Con bé mất của cô chú nó đi theo thằng này.
Sơn Ca đã dứt lời, những ai có mặt bên bàn uống nước khi đó đều lặng thinh, chỉ còn tiếng nhóp nhép nhai trầu của Sơn Ca. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe câu chuyện này, xưa nay chẳng nghe ai đề cập, có lẽ chỉ bố mẹ tôi biết và cũng đã quên đi cho đến khi Sơn Ca nhắc lại mới sực nhớ.
-Sao... sao lại theo thằng này, nó là con của cô cơ mà?
-Cháu chưa xem rõ nhưng không sai được đâu. Nhất định là theo thằng này, thằng này đang ở quê nên nó cũng ở quê.
-Thế... thế bát hương ở quê...
-Chắc cũng chẳng cần.
-Sao lại không cần?
-Cháu chỉ thấy là không cần, tại sao không cần thì cháu chưa biết được. Hồi sáng mới ghé qua chơi thấy sao cháu nói vậy.
Sơn Ca nói dứt câu thì ngả lưng ra trường kỷ nhai trầu, mắt lim dim như sắp ngủ đọc cho tôi chép những thứ cần phải mua, cần phải chuẩn bị cho việc lễ tạ cuối năm. Bố mẹ tôi nhìn nhau đến mấy lần nhưng không nói gì, tôi đoán là bố mẹ tôi bắt đầu tin Sơn Ca vì anh ta mới gặp đã nói ra những điều mà chỉ bố mẹ tôi mới biết.
***